Tổng quan

Tokenomics là một trong những thành phần quan trọng trong quá trình phát triển của dự án. Hiểu đúng về Tokenomics sẽ giúp các bạn chọn được những dự án tiềm năng với mức lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường cũng đã kéo theo sự phát triển trong việc thiết kế của Tokenomics và làm chúng ngày càng phức tạp hơn. Ở trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu các mô hình Tokenomics nổi bật ở các dự án DeFi theo thời gian nhé!

Bản chất của Tokenomics

Tokenomics và các khái niệm cần phải nắm rõ

Tokenomics tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế và triển khai các hệ thống kinh tế học dựa trên công nghệ blockchain. Mỗi blockchain trong ngành đều có mô hình Tokenomics riêng. Đến nay có hàng ngàn biến thể khác nhau của các mô hình này.

Tokenomics đề cập đến chất lượng của token và bao gồm bất kỳ thứ gì ảnh hưởng đến giá trị của token. Chất lượng và giá trị là những thứ sẽ thuyết phục các nhà đầu tư thông minh mua hoặc tránh token.

Thuật ngữ Tokenomics được hình thành bằng cách ghép hai từ: Tokenomics = Token + Economic (Kinh tế học)

Các thông số chính

  • Total Supply: Số lượng token có thể được phát hành bởi một dự án. (Total = Circulating + token lock).
  • Circulating Supply: Số lượng token đang lưu thông và có thể giao dịch được.
  • MarketCap = Circulating Supply * giá thị trường.
  • Fully Diluted Valuaton = Total Supply * giá thị trường.

Đọc thêm về Tokenomics Series #1: Tokenomics là gì? Tầm quan trọng của Tokenomics đối với một dự án Crypto tại đây.

Các mảnh ghép cơ bản

  • Team: Một dự án đáng tin cậy đương nhiên không thể thiếu đội ngũ đáng tin cậy phía sau nó. Những người đứng sau dự án rất quan trọng trong việc xác định xem đồng tiền này có bất kỳ cơ hội nào để được chấp nhận rộng rãi hay không.
  • Tolen Allocation: Một điều quan trọng khác cần xem xét là cách token sẽ được phân phối sau Crowdsale. Bạn có thể kiểm tra các chi tiết này trong whitepaper của dự án. Ngoài ra, điều quan trọng là phải kiểm tra thời gian khóa trên các token được cung cấp cho nhóm và cố vấn. Những người sáng lập/người sáng tạo quan tâm đến tiềm năng lâu dài của các dự án của họ sẽ có một thời gian khóa lâu dài.
  • Quan hệ công chúng & xây dựng thương hiệu: Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của dự án tiền mã hóa là cộng đồng của nó. Các dự án có cộng đồng tích cực nhất thường có xu hướng có nhiều token ổn định hơn.
  • Mô hình kinh doanh: Một trong những yếu tố quan trọng nhất cần xem xét là mô hình kinh doanh của dự án. Các dự án nên có một mô hình mạnh mẽ để họ có thể kiếm tiền, đặc biệt là xu hướng Real Yield ở DeFi, cần phải hiểu rõ mô hình kinh doanh để có thể nhận biết dự án có tiềm năng hay không.

Đọc thêm về Tokenomics Series #2: Giải mã các mảnh ghép trong Tokenomics và cách đọc Tokenomics tại đây.

Tại sao phải nghiên cứu Tokenomics?

  • Hiểu được khả năng tồn tại lâu dài của nền kinh tế token: Nhiều dự án đã chọn mô hình trong đó các token bị đốt (burn) khi chúng được sử dụng và nguồn cung bị hạn chế. Do đó, nhiều khả năng giá sẽ tăng trong trường hợp này. Điều này khuyến khích các nhà đầu tư và các nhà đầu cơ, nhưng không nói gì về khả năng tồn tại lâu dài của nền kinh tế token. Hơn nữa, việc ra mắt các cơ chế phức tạp làm người dùng phổ thông không thực sự hiểu rõ về chúng gây Fomo sai thời điểm.
  • Kiểm soát đầu cơ: Mặc dù các nhà đầu cơ đã gây ra rất nhiều rắc rối, nhưng họ cũng là một trong những động lực đằng sau sự phổ biến ngày càng tăng của tiền mã hóa. Giao dịch và đầu cơ không phải là xấu, ngoại trừ khi chúng vượt quá tầm kiểm soát và gây ra sự sụp đổ của thị trường

Đọc thêm về Tokenomics Series #9: Tại sao phải nghiên cứu Tokenomics? tại đây.

  • Định giá hợp lý và điểm entry an toàn: Hầu hết dự án đều sẽ có lịch vesting, và phân bổ cho các bên liên quan trong quá trình gọi vốn, việc hiểu và đọc Tokenomics sẽ giúp các bạn biết được thời điểm nào sẽ xảy ra áp lực xả, thời điểm nào nguồn cung token đang khan hiếm.

Đọc thêm về Tokenomics Series #10 – Phân bổ và Vesting token thế nào là chuẩn? tại đây.

Bản chất của Tokenomics

Bản chất Tokenomics thực chất chỉ xoay quanh các vấn đề đó là tạo niềm tin và xây dựng một hệ sinh thái lâu dài, mạnh mẽ cùng với các quy tắc xác định chính sách tiền tệ tài sản tiền mã hóa, từ việc phát hành đến loại bỏ các token, nếu có. Nó sử dụng lý thuyết trò chơi để thiết kế các biện pháp khuyến khích để thưởng cho những tham gia tốt và trừng phạt những người xấu. Tokenomics cũng xác định vai trò của token trong hệ sinh thái và cách nó tích lũy giá trị.

Xem thêm Tokenomics Series #4: Tokenomics – Mô hình kinh tế học của một dự án Crypto tại đây.

Các mô hình Tokenomics DeFi nổi bật

Sự phát triển của DeFi đã và đang thay đổi phương thức hoạt động cũng như cấu trúc thiết kế trong Tokenomics của nó, với mục đích giảm thiểu tối đa áp lực xả token ra thị trường cũng như thêm nhiều Usecases nhằm tạo thêm nhiều nhu cầu cho chính token của giao thức, nhưng điều đó lại làm phức tạp và khó hiểu hơn gây khó khăn trong việc tham gia chơi ở các giao thức mới. Do đó, ở bài viết này, mình sẽ tập trung xoay quanh về các mô hình Tokenomics nổi bật trong các giao thức DeFi.

Mô hình Tokenomics DeFi đời đầu

Một trong những điều khiến các giao thức DeFi đời đầu có thể tăng trưởng với tốc độ chóng mặt nhưng sau đó là những cú sụp dài không thể vực dậy đó chính là thanh khoản độc hại (Toxic Liquidity). Hầu hết các giao thức DeFi bùng nổ trong mùa hè DeFi 2020 có mô hình Tokenomics Pumping and Dumping khi phần lớn lượng Token Distribution nằm ở phần Farming and Staking.

Cronaswap Token Distribution
Cronaswap Token Distribution

Ở các mô hình này, các bạn có thể Farm hoặc Stake ra token của dự án với phần trăm điên rồ (hơn 100%, thậm chí cả ngàn % chỉ trong 1 ngày), điều này gây lượng lớn thanh khoản tập trung ồ ạt Farm hoặc Staking ra token giao thức mà không có một cơ chế hạn chế lực xả token ra thị trường. Kết quả là các dự án DeFi đời đầu hầu hết đều gãy chart sau khi các cơ hội từ chính các giao thức này không còn hấp dẫn đối với thị trường.

Giá Cronaswap sụp mạnh
Giá Cronaswap sụp mạnh

Curve, veToken và sự ra đời của DeFi Wars

Curve Finance là một sàn giao dịch phi tập trung được tối ưu hóa để swap giữa các stablecoin hoặc các tài sản tương tự có cùng giá trị (ví dụ: wBTC / renBTC) với độ trượt giá thấp. Giao thức sử dụng AMM được xây dựng đặc biệt để cung cấp cho người dùng DeFi mức trượt giá thấp và các nhà cung cấp thanh khoản có doanh thu phí ổn định.

Đây cũng là một trong những dự án DeFi Bluechip làm về AMM Dex cạnh tranh trực tiếp với Uniswap, Balancer… và hiện là dự án đứng thứ 2 trong top TVL chỉ sau Uniswap với mức $3.117B.

Đọc thêm về dự án Curve Finance tại đây.

Dex TVL Ranking
Dex TVL theo Defilama, 26/7

Một trong những điều khiến Curve nổi bật ngoài thanh khoản dồi dào nhất nhì trong DeFi đó chính là mô hình huyền thoại veToken đã làm nên tên tuổi của dự án, và là nguồn cảm hứng cho các dự án DeFi sau này. Mặc dù, đã ra mắt cách đây 3 năm, nhưng sức hút của veToken vẫn còn khá mạnh mẽ đối với các nhà phát triển dự án.

Về bản chất, veToken hay còn gọi là Vote Escrowed Token là token có quyển biểu quyết sự thay đổi trong giao thức và hưởng những Incentives. Vậy veToken hoạt động như thế nào?

Như mình đã nói ở trên, khác với các giao thức DeFi bùng nổ trong mùa hè DeFi 2020, hầu hết token sau khi nhận được từ các hoạt động Incentives của giao thức dễ dàng gây nên áp lực xả mạnh, mặc dù nó khá hiệu quả trong lúc mới ra mắt giúp thu hút lượng lớn dòng tiền vào tham gia. Chính vì thế điều này đã vô tình tạo nên thanh khoản độc hại (Toxic Liquidity).

Với veToken, để người dùng có thể tham gia quản trị và mở rộng thêm nhiều Usecases của $CRV hơn, họ phải lock $CRV của mình trong một khoảng thời gian cố định để nhận lại lượng veCRV.

veTokenomics - Curve Finance
veToken – Curve Finance

Biểu đồ trên miêu tả lại các hoạt động mô hình veToken trong Curve:

  1. Những người muốn tham gia đóng góp thanh khoản (LPs) sẽ dùng cặp tài sản của họ để tạo thanh khoản trong một Pool bất kì.
  2. Khi các Trader tham gia swap tài sản, phí giao dịch và phần thưởng $CRV sẽ trả cho các LPs.
  3. Các LPs nhận được $CRV sẽ gửi ngược lại vào Vote Locker.
  4. Sau khi đem lock $CRV, LPs sẽ nhận được lượng veCRV tương ứng với số lượng $CRV cùng thời gian lock.

    Lock CRV
    Lock CRV
  5. Các LPs hoặc những người đã lock sẽ đem lượng veCRV đi vote vào các Pool mà họ đang tham gia cung cấp thanh khoản, nhằm tăng lượng Emission vào các Pool đó, nhằm tăng lượng $CRV ở bước 2 mà họ nhận được.

    Vote boost yield
    Vote boost yield

Chính điều này đã tạo thành 1 Flywheel (bánh đà) giúp lượng $CRV Incentives tránh được áp lực xả ra ngoài thị trường. Thêm vào đó, mô hình veToken cùng với lượng thanh khoản dồi dào, và vị trí TVL top 2 trong DeFi đã khiến Curve Wars bùng nổ. Về cơ bản, Curve Wars chính là sự tranh dành lượng veCRV của các tổ chức (DeFi Protocol) khác nhau, nhằm mục đích duy nhất: tranh dành lượng $CRV Emission và hưởng 50% tất cả phí giao dịch.

DeFi Wars
DeFi Wars

Chỉ riêng Curve Wars, lượng token locked đã lên tới gần $500M, trong đó Convex là kẻ chiến thắng khi chiếm tận 48.66% veCRV tính tới thời điểm hiện tại.

Curve War
Curve Wars

Trong thời gian vừa qua sự bùng nổ của Pendle Finance, cùng cơ chế veToken quen thuộc đến từ Curve Wars cũng đã tạo nên làn sóng Pendle Wars trong đó PenPie, Stake Dao, và Equilibria cùng nhau tranh dành lượng vePENDLE.

Đọc thêm Pendle Finance tại đây.

Đọc thêm Pendle Wars tại đây.

Pendle Wars
Pendle Wars

ve(3,3) của Andre Cronje và Daniele Sestagalli

Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi Andre Cronje cho ra mắt bài viết với tên ve(3,3) kèm hình ảnh Solid mờ mờ nhằm công bố tính năng mới mà ông đã chế tạo dựa trên mô hình veToken của Curve Finance.

ve(3,3) - Solid
ve(3,3) – Solid

Mô hình ve(3,3) là sự kết hợp giữa mô hình veToken với Game Theory của Olympus DAO. Trong đó:

  • Ve: Các Holder sử dụng các Usecases buộc phải lock trong một khoảng thời gian để lấy lượng veToken tương ứng để có thể tham gia Voting, Bribe…
veToken
veToken
  • (3,3): Game Theory của Olympus DAO nhằm duy trì những người tham gia phải cùng nhau lock hết sẽ tạo ra Endgame Win-Win, nếu không thể duy trì việc lock hoặc không cân bằng được lượng lock và lượng bán thì kết cuộc mọi người đều thua.
Game Theory
Game Theory

veToken là NFTs

Sự ra đời của ve(3,3) giúp cải thiện các điểm yếu từ mô hình veToken trước đó, một trong những điểm yếu lớn nhất đó chính là không tối ưu nguồn vốn của các LPs. Như những gì mình nói ở trên, để có được veToken, người dùng cần phải lock trong một khoảng thời gian cố định để lấy Voting Power, vốn càng nhỏ thì thời gian lock cần phải lâu để có Voting Power tương đương với vốn lớn lock trong khoảng thời gian ngắn.

Một khi đã lock, người dùng không thể rút trước hạn, cũng không thể bán ở các thị trường thứ cấp, điều này gây nên sự bất lợi cho những người tham gia. Ở ve(3,3), veToken sẽ các NFTs cho phép người dùng có thể thoát khỏi vị thế của mình bất cứ lúc nào ở các NFT Marketplace.

Velodrome veVELO Marketplace
Velodrome veVELO Marketplace

Rebase – Lưu ý quan trọng khi chơi các dự án ve(3,3)

Một trong những điểm quan trọng khác mà các bạn cần đặc biệt lưu ý đó chính là Rebase. Rebase là cơ chế giúp cho những Holder ve(3,3) (VeLockers) chống lại sự lạm phát của giao thức, nó cho phép tăng số lượng token mà họ nắm giữ theo tỷ lệ của Emission hàng tuần. Lưu ý rằng, sẽ có hai hướng Emission trong giao thức ve(3,3): Emission thông qua các Liquidity Pool, và Emission cho các VeLockers (Rebase).

Giả định rằng mỗi tuần có 1,000,000 token được phát hành (Emission), tổng cung là 20,000,000 token, và cung bị khóa là 10,000,000 token. Điều này có nghĩa là có 1,000,000 token mới được mint ra và cung cấp như Incentives, làm tăng tổng cung lên 5%.

Với mục tiêu đảm bảo rằng VeLockers không bị pha loãng giá trị tài sản của họ, do đó, nếu số lượng vetoken VeLockers sở hữu sẽ tăng thêm 5% như vậy tỉ lệ Rebase là 100%.

Điều này đồng nghĩa với nếu dự án có tỉ lệ Rebase lớn hơn 0%, những người tham gia sớm sẽ có lợi hơn những người tham gia sau, vì lượng token của họ tăng hàng tuần theo cơ chế chống pha loãng. Hiện tại mỗi dự án ve(3,3) có lượng Rebase khác nhau nhưng không công bố, trong khi Velodrome có lượng Rebase khoảng 30% (theo thông tin từ Discord của dự án).

DeFi Wars sẽ không xuất hiện trong ve(3,3)

Mặc dù có cơ chế veToken lock và vote để hưởng Emission như Curve Wars nhưng ve(3,3) sẽ không thể nào tạo Wars như các dự án đi theo mô hình veToken truyền thống. Nguyên nhân chính là sự thay đổi về mối tương quan Emission với lượng Locker, cụ thể lượng Emissions hàng tuần được điều chỉnh theo tỷ lệ phần trăm của nguồn cung lưu thông. Ví dụ:

  • Nếu 0% token bị khóa để lấy ve, lượng Emissions hàng tuần sẽ là 2.000.000.
  • Nếu 50% token bị khóa để lấy ve, lượng Emissions hàng tuần sẽ là 1.000.000.
  • Nếu 100% token bị khóa để lấy ve, lượng Emissions hàng tuần sẽ là 0.

Như vậy, càng lock nhiều sẽ càng không có lợi, vì lượng Emission sẽ bị giảm theo tương ứng, điều này không còn động lực thúc đẩy các giao thức lớn tham gia tranh giành lẫn nhau, thay vào đó, các giao thức chỉ nắm một lượng vừa phải để hưởng lượng Emission từ dự án (ví dụ của Velodrome).

Top Holder veVELO
Top Holder veVELO

Các dự án ve(3,3)

Hầu hết các dự án Dex theo mô hình ve(3,3) đều Fork từ Solidly. Mặc dù, Solidly là dự án tiên phong mô hình này, nhưng nó không thu hút lượng thanh khoản như các dự án Fork khác, trong khi đó, Velodrome trong hệ Optimism lại tỏ ra ưu việt hơn hẳn khi có lượng TVL top 1 khoảng $252.03M hơn cả tổng TVL của 10 dự án kế tiếp.

ve(3,3) Ranking
ve(3,3) Ranking

Mô hình Dual Token nổi bật trong GameFi

GameFi ở thời kì đầu là một nhánh cải tiến từ DeFi, vào khoảng thời gian này, các giao thức GameFi hoàn toàn là những giao thức DeFi nhưng được thiết kế dưới dạng Game, hoàn toàn không phải GameFi thực thụ.

Trong thời kì bùng nổ GameFi 2021, rất nhiều dự án trong mảng này sử dụng mô hình Dual Token, mô hình Tokenomics kép này bao gồm hai loại token: token tiện ích và token quản trị. Token tiện ích được sử dụng trong trò chơi để trao đổi vật phẩm, trong khi token quản trị có quyền biểu quyết và tham gia quản lý. Dự án thường trao cho token quản trị nhiều tính năng khác nhau để giảm thiểu áp lực bán ra và đảm bảo tính bền vững cho hệ thống.

Dual Tokenomics
Dual Tokenomics

Mô hình này được thiết kế để giảm tác động của biến động giá token đối với hoạt động trong trò chơi. Nhằm cách ly việc đầu cơ giữa người chơi và nhà đầu tư giúp người chơi tận hưởng trò chơi mà không bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá token, trong khi nhà đầu tư có lợi khi đầu tư vào trò chơi.

Axie Infinity là một trong những dự án giúp mảng Gamefi bùng nổ, mô hình Tokenomics kép $SLP-$AXS của Axie Infinity ra đời để giải quyết áp lực xả token – một hạn chế của mô hình Tokenomics đơn lẻ. Trước đó, Axie Infinity chỉ sử dụng một loại token cho toàn bộ hệ thống, nhưng với sự phát triển, áp lực bán ra đối với token $AXS đã gia tăng. Để giải quyết vấn đề này, họ giới thiệu token $SLP là giải pháp để tạo cân bằng.

Tuy nhiên nó có những hạn chế nhất định. Khi cả hai token đều được list các sàn có thanh khoản lớn, nó có thể xảy ra những rủi ro tương đồng như mô hình Tokenomics đơn lẻ. Một ví dụ điển hình là việc Axie Infinity và STEPN phá sản.

Trong trường hợp của Axie Infinity, cả $AXS và $SLP đều được list trên các sàn giao dịch lớn nhưng dự án đã đối mặt với một làn sóng rút tiền sau khi số lượng người dùng mới bắt đầu giảm đi. Kết quả là nền kinh tế trong trò chơi Axie Infinity đã đổ sụp. Tương tự, STEPN đã list cả $GMT và $GST, nhưng khi sự tăng trưởng bị đình trệ, nền kinh tế trong trò chơi cũng nhanh chóng sụp đổ.

Làn sóng mới từ Arbitrum

Quả thực Arbitrum chính là điểm nhấn mạnh mẽ trong đợt phục hồi của thị trường vào quý 1/2023 sau khi trải qua sự sụp đổ nặng nề từ Luna đến FTX trong hai quý cuối cùng của 2022. Một trong những điều khiến Arbitrum đánh bại Optimism – đối thủ cùng mảng Layer 2 đó chính là sự bùng nổ của các dự án Real Yield, và GMX Protocol là một trong những cái tên đó.

Đọc thêm về dự án GMX Protocol tại đây.

Nếu các bạn đã đọc bài tổng quan hệ sinh thái Arbitrum trong nửa năm đầu 2023, thì GMX Protocol là dự án có TVL lớn nhất trong tất cả các mảng DeFi của Arbitrum, và là tâm điểm của mảng Derivatives phát triển mạnh mẽ trong hệ sinh thái này.

Đọc thêm tổng quan hệ sinh thái Arbitrum trong nửa năm đầu 2023 tại đây.

Một trong những điều khiến GMX Protocol nổi bật không chỉ đến từ cấu trúc hoạt động của nó mà còn cả thiết kế trong mô hình Tokenomics của dự án. GMX Protocol sở hữu mô hình Dual Token gồm $GMX và $GLP, trong đó:

$GLP

$GLP là token dành cho các LPs khi cung cấp thanh khoản vào các Pool, giá $GLP sẽ tăng khi rổ tài sản trong các Pool tăng và ngược lại. Các Holder $GLP sẽ nhận được 70% phí trả bằng $ETH (trên Arbitrum) hoặc $AVAX (trên Avalanche) cùng với esGMX.

GMX - GLP
GMX – GLP

$GMX

$GMX là token quản trị của dự án để có thể mở rộng thêm nhiều Usecases của $GMX, người dùng phải stake vào hệ thống của GMX Protocol, đổi lại mọi người sẽ nhận được:

  • Escrowed GMX (esGMX) – Incentives cho việc đem token đi staking.
  • Multiplier Points (MP) – Incentives cho quá trình duy trì staking.
  • 30% $ETH hoặc 30% $AVAX theo mạng lưới tương ứng.
GMX -GMX
GMX -GMX

Trong đó, với esGMX, người dùng có hai lựa chọn, một là đem đi vesting esGMX ra $GMX mỗi giây liên tục trong vòng 1 năm, và trong quá trình vesting cần phải giữ một lượng $GMX hoặc $GLP tuỳ vào số lượng bạn đem đi vesting, và esGMX không thể giao dịch ở các thị trường thứ cấp cũng như OTC.

Trong trường hợp thứ hai bạn có thể đem esGMX stake tiếp để nhận thêm esGMX cùng với việc tăng cổ phần trong quá trình nhận 30% phí nền tảng. Mỗi esGMX đã stake sẽ kiếm được phần thưởng esGMX và $ETH hoặc $AVAX tương đương như một $GMX thông thường.

Multiplier Points (MP) là điểm thưởng khi bạn stake, nó là phần thưởng khích lệ thêm cho những người nắm giữ dài hạn mà không bị lạm phát. Khi bạn stake $GMX, bạn sẽ nhận được MP mỗi giây với tỷ lệ cố định là 100% APR. 1000 $GMX được stake trong một năm sẽ kiếm được 1000 MP.

MP có thể stake để nhận phần thưởng phí giao thức thông qua quá trình Compound, mỗi MP sẽ tăng APR $ETH hoặc $AVAX với tỷ lệ tương tự như $GMX. Khi $GMX hoặc esGMX đem đi unstake, số MP theo tỷ lệ sẽ bị burn.

Ví dụ: nếu 1000 $GMX được stake và 500 MP đã kiếm được cho đến thời điểm này, thì $300 GMX đem đi unstake sẽ burn 150 MP (300/1000 * 500). Quá trình burn sẽ áp dụng cho tổng số MP, bao gồm cả MP đã stake và unstake.

Tóm lại:

  • Stake $GMX: kiếm $ETH hoặc $AVAX, esGMX, MP.
  • Stake esGMX: kiếm $ETH hoặc $AVAX, esGMX, MP.
  • Stake MP: tăng APR $ETH hoặc $AVAX.
  • Stake $GLP: kiếm $ETH hoặc $AVAX, esGMX – tự động stake trên phần mint.
GMX Tokenomics
GMX Tokenomics

Kết luận

Hiện tại, các mô hình Tokenomics này cũng chỉ mới ra mắt không lâu, và đang được hưởng ứng mạnh mẽ từ thị trường, đặc biệt là cộng đồng Degen DeFi. Do đó, các mô hình này vẫn còn cần nhiều thời gian để chứng minh giá trị nội tại của nó, và tính chất “Ponzi” này có tồn tại lâu dài được hay không vẫn còn chờ những đợt biến động mạnh mẽ của thị trường trong giai đoạn sắp tới và cũng như năng lực từ chính dự án đó.

Và đó là những gì mình đã tổng hợp các thông tin quan trọng về sự tiến hoá của mô hình Tokenomics. Liệu xu hướng tiến hoá Tokenomics có giúp dự án phát triển tốt trong tương lai hay không? Nếu các bạn thấy mô hình Tokenomics nào mới đừng ngần ngại comment để mình phân tích nhé! Hãy để lại suy nghĩ của bạn dưới phần bình luận dưới đây nha.

Tất cả chỉ vì mục đích thông tin tham khảo, và tất cả các dự án đề cập trong này nhằm lấy thông tin để trực quan hoá mô hình. Bài viết này hoàn toàn không phải là lời khuyên đầu tư.

Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về sự tiến hoá của mô hình Tokenomics. Những Insight mới nhất sẽ luôn được cập nhật nhanh chóng trên website và các kênh chính thức của GFI Các bạn quan tâm đừng quên tham gia vào nhóm cộng đồng của GFI để cùng thảo luận, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với các thành viên khác nhé.