Tổng quan
2 năm trở lại đây, đặc biệt là trong thị trường Crypto, Metaverse được nhắc đến với tần suất dày đặc và được dự báo như một tương lai tất yếu trong lĩnh vực công nghệ. Không chỉ vậy, dưới sự ảnh hưởng của Covid 19, Metaverse lại càng tạo được đà tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ vì sự hỗ trợ của nó trong việc kết nối cộng đồng. Nửa cuối năm 2021, cùng lượng người dùng tăng cao, hàng loạt càng tên tuổi lớn không chỉ trong giới giải trí mà còn kinh doanh cũng bắt đầu dấn thân vào “thế giới ảo” này.
Vậy trong 2022, xu hướng ấy sẽ tiếp tục ra sao? Metaverse có bị ảnh hưởng từ downtrend của tiền mã hóa? Đâu là tương lai của Metaverse? Hãy cùng GFS tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Sơ lược về Metaverse
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về các xu hướng trong Metaverse 2022, chúng ta hãy cùng nhìn lại bức tranh lớn của lĩnh vực này qua các nội dung sau:
- Metaverse là gì?
- Ứng dụng của Metaverse.
- Cơ hội của Metaverse.
- Metaverse trong blockchain.
Để bắt đầu, chúng ta sẽ cùng làm rõ khái niệm Metaverse.
Metaverse là gì?
Metaverse là một khái niệm còn rất mới mẻ, giống như những ngày đầu của Internet. Hàng tỷ đô la đang được đầu tư vào xây dựng Metaverse và các ông trùm công nghệ gọi nó là tương lai. Vậy hiểu Metaverse thế nào cho sâu và cho đúng?
Khái niệm Metaverse được nhà văn khoa học viễn tưởng Neal Stephenson đặt ra vào năm 1992. Định nghĩa cơ bản đề cập đến “một không gian nơi con người hoàn toàn đắm chìm trong thế giới ảo để tụ tập giao lưu, vui chơi và làm việc”.
Về sau, dưới sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, cho rằng “đắm chìm” là chưa đủ, mà phải là “thực sự ở bên trong nó, thay vì chỉ nhìn vào” và “có thể thể hiện bản thân với mọi người trong không gian kỹ thuật số”. Jonathan Lai, CEO của a16z – một quỹ đầu tư nổi tiếng – tiếp tục nâng cấp Metaverse trở thành “một không gian ảo bền bỉ, có quy mô vô hạn cùng nền kinh tế riêng, hệ sinh thái và hệ thống định danh”
Trong bài viết “Meet Me in the Metaverse” của Jonathan LaI, ông cũng cho rằng các hình thức xã hội mới sẽ xuất hiện trong Metaverse. Ví dụ, với những tiến bộ trong công nghệ cloud streaming và AI, chúng ta có thể bước vào một thế giới ảo đã được xây dựng, khám phá những người bạn mới và cùng có những trải nghiệm mới mà không cần một kế hoạch nào được định trước, khác xa với việc kết bạn truyền thống.
Điều này thể hiện một sự thay đổi tinh tế nhưng quan trọng trong cách chúng ta giao lưu và vui chơi: từ các tương tác có mục đích tập trung vào hoạt động, sang các tương tác tự phát tập trung vào con người.
Ngoài ra, để có được Metaverse thật sự chúng ta cần chú ý 2 điều: sự gia tăng nội dung từ người dùng, và công nghệ AI. Trong tương lai, người dùng sẽ tạo ra nội dung bằng cách “ra lệnh” cho AI thực hiện. Chính vì vậy Metaverse là không giới hạn, họa chăng là sự giới hạn trí tưởng tượng của con người.
Ứng dụng của Metaverse
Đến thời điểm hiện tại, Metaverse có nhiều ứng dụng như chăm sóc sức khỏe, bất động sản, giáo dục, quân sự, chơi game, v.v. Metaverse ngày càng được sử dụng bởi các cá nhân, chủ yếu là cho công việc, nghệ thuật hoặc đầu tư.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí PC, 52% người dùng Metaverse tham gia Metaverse để tìm kiếm khả năng làm việc, 48% cho nghệ thuật và giải trí trực tiếp, 44% để đầu tư tiền, 40% cho giáo dục, 32% cho việc hẹn hò và giao lưu trực tuyến, và 29% cho chơi game.
Cơ hội của Metaverse
Trong metaverse, đó là một thế giới riêng biệt với thế giới thực, và rào cản giữa B2B và B2C bị loại bỏ. Vì vậy các doanh nghiệp có thể tận dụng xu hướng này để phát triển lượng người tiêu dùng trong khi không ảnh hưởng đến các chiến lược khác của công ty. Ví dụ Gucci có thể bán một cái túi ảo với giá 350,000 Robux (tương đương 4115 đô). Trong khi một cái túi tương đương ở ngoài đời có giá 3400 đô.
Ngoài ra, các cơ hội nghề nghiệp trong Metaverse đang tăng lên. Nhiều việc làm hơn đang được tạo ra do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ khác nhau trong Metaverse, điều này cuối cùng có thể làm tăng sự phát triển của thị trường. Theo một nghiên cứu, khoảng 10,000 việc làm trong các lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu, lập kế hoạch, phát triển, an toàn, xây dựng thế giới, kể chuyện, chặn quảng cáo và an ninh mạng dự kiến sẽ sớm được tạo ra trong Metaverse.
Quy mô thị trường Metaverse toàn cầu vào năm 2022 được định giá là 47,48 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép đáng ấn tượng 39,44%, hướng tới mục tiêu đạt 678,80 tỷ USD vào năm 2030.
Metaverse trong blockchain
Có rất nhiều hình thức sử dụng Metaverse khác nhau ví dụ như game Minecraft cũng là một dạng Metaverse, các công ty bất động sản xây dựng không gian 3 chiều để khách hàng có thể đeo kính VR vào quan sát nhà cửa mà không cần đi xa cũng là một dạng Metaverse, chúng có thể được xây dựng mà không cần blockchain. Tuy nhiên, việc xây dựng Metaverse kết hợp với blockchain đem lại nhiều ưu điểm và dường như đang là một xu hướng tất yếu của thị trường với sự góp mặt của 2 yếu tố chính là NFT và token:
NFT: hay còn gọi là non-fungible token, một loại tài sản độc nhất vô nhị trên blockchain, không thể sao chép được, cũng như không thể thay thế. Việc sử dụng NFT đảm bảo quyền lợi hợp pháp về mặt bản quyền và quyền sở hữu cho người sở hữu chúng, một điều cực kì cần thiết trong một môi trường thế giới số như Metaverse.
NFT có thể được dùng làm vật phẩm, nhân vật trong game, mảnh đất, tác phẩm nghệ thuật và thậm chí là thậm chí là chứng thực cho chính sản phẩm ngoài đời thực vì tính “bằng chứng” không thể thay đổi của nó.
Token: được tạo nên từ những smart contract, điều mà có thể giữ cho Metaverse hoạt động liên tục mà không cần đến bên thứ ba. Nó là cửa ngõ để tạo nên một nền kinh tế phi tập trung và liên tục trên Metaverse, biến nơi đây trở nên gần gũi và tương đồng hơn với thế giới thực.
Trong tương lai, sử dụng tiền mã hóa sẽ là phương pháp đơn giản nhất, thuận tiện nhất và ít tốn kém nhất để bắt đầu một chuyến đi mua sắm tổng hợp toàn cầu. Bạn có thể sử dụng tiền mã hoá của mình tại bất kỳ cửa hàng nào, bất kể nó được đặt ở đâu. Bạn sẽ không lãng phí tiền cho phí giao dịch hoặc liên lạc quốc tế nếu bạn sử dụng tiền mã hóa, và hầu hết các cửa hàng trong Metaverse sẽ đều chấp nhận các loại token chính.
Ví dụ: MANA token được sử dụng để mua bán hàng hoá và dịch vụ trong Decentraland Genesis City. Đồng thời, người dùng phải sử dụng MANA để mua các mảnh đất, và số MANA đó sẽ được tự động đốt đi làm cho nguồn cung của MANA giảm xuống, tăng giá trị cho hệ sinh thái và giảm lạm phát. Hiện tại, Decentraland đã đốt được khoảng 161 triệu MANA.
Xem thêm: Token Metaverse vẫn tăng 400% bất chấp thị trưởng sụt giảm.
6 xu hướng trong Metaverse 2022
Với hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng sẵn có, Metaverse trong blockchain đã bứt phá với nhiều cột mốc đáng ghi nhận trong năm 2021 (ví dụ Facebook đổi tên thành Meta để định vị vị thế của mình trong lĩnh vực này) và được tiếp nối mạnh mẽ trong 2022 qua các tin tức nổi bật sau đây:
- 14/3: Yuga labs mua lại 423 CryptoPunks và 1711 Meebits từ Larva labs
- 16/3: Bored ape yacht club ra mắt apecoin
- 4/4: Luca Netz mua lại bst Pudgy Penguin với giá 2.5 triệu đô
- 7/4: Solana NFT ra mắt trên open sea
- 11/4: Epic game huy động được 2 tỷ đô từ Sony là Lego để tham gia metaverse
- 24-27/3: Decentraland tổ chức Fashion Week với nhiều tên tuổi thời trang tham gia
- 1/5: Yuga labs ra mắt metaverse Otherside khiến ethereum tắc nghẽn
- 18/5: a16z đã tung ra một quỹ mới trị giá 600 triệu USD tập trung đầu tư vào các công ty startup game với trọng tâm hướng đến là thế giới Web3.
- 21/6: Magic eden huy động được 130 triệu đô ở series B
Và còn nhiều thông tin khác. Qua đó ta có thể thấy được 6 xu hướng trong thế giới ảo 2022 bao gồm:
- Sự tham gia của các công ty truyền thống
- Tương lai của âm nhạc và giải trí
- Tương lai của thời trang cao cấp và các nhãn hàng xa xỉ
- Game blockchain vẫn “sáng”
- Sự chuyển mình của NFTs
- Sự phát triển vững chãi của cơ sở hạ tầng
Sự tham gia của các “ông lớn” truyền thống
Tháng 12/2121, Nike mua lại công ty RTFKT Studios nhằm giúp PR và tạo doanh thu mạnh mẽ từ bộ sưu tập giày. RTFKT là một trong những các thương hiệu nổi tiếng trong thị trường NFT và là người tạo ra một số bộ sưu tập NFT cao cấp chẳng hạn như CloneX hoặc The Meta-Pigeon.
Trong khi đó, với sự thành công rực rỡ của bộ sưu tập NBA top shot, Dapper Labs tiếp tục hợp tác với La Liga (giải bóng đá số 1 Tây Ban Nha) để ra mắt NFT cho giải đấu này (tháng 9/2021). Tháng 1/ 2022, đến lượt UFC cũng mong muốn được hợp tác với họ.
Tháng 3/2022, đánh dấu bước đột phá đầu tiên của HSBC vào metaverse thông qua hợp tác với Sandbox. Ngân hàng lớn này dự định sử dụng nền tảng như một phương tiện cho sự tương tác bằng cách xây dựng các trò chơi tài chính giáo dục cho khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Ngoài ra, vào tháng 4/2022, Sony và Lego cũng tham gia Metaversse thông qua đầu tư vào Epic Game, công ty mẹ của trò chơi nổi tiếng Fortnite.
Có thể thấy tần suất xuất hiện của Metaverse vào thực tiễn ngày càng cao cùng lượng người dùng đang tăng lên nhanh chóng, đây chính là nguồn tài nguyên dồi dào và màu mỡ cho các tên tuổi truyền thống cần khai thác. Nó không chỉ giúp họ định hình lại hình ảnh mà còn chuẩn bị cho sự chuyển dịch lớn nhất của nhân loại từ offline sang online.
Tương lai của âm nhạc và giải trí
Việc các nghệ sĩ không thể đi lưu diễn trong đại dịch COVID-19 đã buộc họ đi tìm kiếm các dòng doanh thu thay thế. Do đó, năm ngoái đã chứng kiến một số sự kiện âm nhạc trong thế giới ảo như Roblox, thu hút sự quan tâm của hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới.
Thậm chí còn có sự ra đời của những người nổi tiếng ảo như FN Meka, với hơn 10 triệu followers trên Tiktok.
Năm nay 2022, xu hướng ấy vẫn tiếp tục, thậm chí còn có phần chủ động hơn đến từ giới nghệ sĩ. Như Diplo đã đề nghị tổng hợp 20% tiền bản quyền phát trực tuyến từ đĩa đơn mới nhất của anh ấy, Don’t Forget My Love, cho những người đã mua phiên bản NFT của bài hát trên nền tảng âm nhạc Royal. Tháng 3/2022, NFT âm nhạc đã được bán trong ba phiên bản khác nhau với độ hiếm và giá cả khác nhau và sẽ cho phép chủ sở hữu NFT chia sẻ một phần doanh thu do bài hát tạo ra trên các nền tảng phát trực tuyến truyền thống, cụ thể như sau.
Binz cũng rất nhanh chóng cho ra mắt bộ sưu tập NFT Don’t Break My Heart vào tháng 3/2022.
Ngoài ra, bộ phim nổi tiếng Love, Death Robot trên Netflix cũng ra mắt NFT, cho phép người dùng tham gia săn những zombie NFT.
Nhìn chung, thế giới ảo và NFT có thể cung cấp cho nghệ sĩ khả năng tổ chức concert, bán đĩa đơn, EP hoặc album của họ mà không cần bên trung gian như các công ty phát hành âm nhạc truyền thống. Ngoài ra, đối với người hâm mộ, họ cũng nhận được những đặc quyền VIP hoặc chia sẻ lợi nhuận từ bản quyền bằng cách sở hữu những NFT giới hạn.
Điều này tạo ra mối quan hệ giữa người hâm mộ và nghệ sĩ thân thiết hơn trong khi vẫn cho phép người hâm mộ trực tiếp hỗ trợ các nghệ sĩ yêu thích của họ và cho phép các nghệ sĩ giữ lại phần lớn doanh thu cho mình.
Tương lai của thời trang cao cấp và các nhãn hàng xa xỉ
Tuần lễ thời trang Metaverse đầu tiên đã diễn ra trên Decentraland Fashion Week. Sự kiện kéo dài trong bốn ngày (24-27/3/2022) và thu hút nhiều tên tuổ lớn trong ngành thời trang, chẳng hạn như Tommy Hilfiger hoặc Dolce & Gabanna, trong đó giới thiệu một số bộ sưu tập sắp ra mắt thực tế.
Prada đã từng ra mắt bộ sưu tập Timecapsule đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 và nó sẽ tiếp tục với một mặt hàng phiên bản giới hạn 24 giờ được tiết lộ vào thứ Năm đầu tiên hàng tháng, bắt đầu từ ngày 2 tháng 6 năm 2022, dành tặng cho những khách hàng VIP của hãng.
Có thể nói, các nhãn hàng thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp hiểu rằng niềm vui khi mua quần áo của khách hàng là nhằm thể hiện cái tôi và sự đẳng cấp của mình với cộng đồng. Chính vì vậy, việc theo đuổi Metaverse từ sớm sẽ giúp họ có được những khách hàng giàu có từ khắp mọi nơi, nhất là thế hệ trẻ am hiểu công nghệ. Không chỉ vậy, chi phí sản xuất trang phục cũng được giảm đi rất nhiều và thân thiện với môi trường. Ngoài ra họ còn có thể sử dụng NFT như một loại quà tặng, đem lại trải nghiệm cao cấp.
Game blockchain vẫn “sáng”
Thị trường Blockchain Gaming đang tràn ngập các tựa game có tính năng thô sơ, đặc biệt tuổi đời thời gian tồn tại trên thị trường khá ngắn, dễ sụp đổ. Điển hình là tựa game Axie Infinity nổi tiếng gần đây đã thông báo sắp ra mắt bản miễn phí, một điều dường như chấm dứt sự hiện diện của bản kiếm tiền trước đó.
Tuy nhiên điều này là hiển nhiên vì để xây dựng một game vừa có nền kinh tế bềnh vững, vừa có lối chơi thu hút cần kinh nghiệm và thời gian phát triển. Dần dần sẽ có những tựa game khác nổi lên để thay thế Axie như:
- Splinterlands: một trò chơi thu thập thẻ bài (CCG) có hơn 580.000 người dùng đang hoạt động trong tháng 3/2022, làm cho nó trở thành một trong những trò chơi được chơi nhiều nhất trên blockchain hiện tại. Đặc biệt, người dùng chỉ phải mua tài sản trong trò chơi trị giá $10 để mở khóa thành phần P2E (rất nhỏ so với Axie).
- Guild of Guardians: một game nhập vai hành động top-down trên thiết bị di động với hơn 150.000 người chơi trên danh sách chờ. Đội ngũ hiện đang tập trung vào phát triển phiên bản Alpha sẽ được phát hành vào H2/2022.
Ngoài ra, trong năm 2022, thị trường huy động vốn của GameFi vẫn rất hot, cho thấy tiềm năng tiếp tục phát triển của lĩnh vực này như:
- The Sandbox đang có kế hoạch huy động 400 triệu USD từ các nhà đầu tư mới. Điều này sẽ giúp công ty nâng mức mức định giá lên 4 tỷ USD.
- MetaLend vừa huy động được hơn 5 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm có tiếng trong thị trường tiền mã hóa để biến giấc mơ cho vay của GameFi thành hiện thực.
- Framework Ventures ngày 19/4 đã huy động được 400 triệu USD để hỗ trợ các sáng kiến mới của game blockchain trong không gian Web 3.0 và DeFi.
- Epic Game huy động được 2 tỷ đô.
Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn các Blockchain Gaming áp dụng những công nghệ phức tạp hay thậm chí tích hợp Metaverse vào. Đây sẽ là bước đi lớn của các nền tảng Blockchain Gaming và sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các tựa game truyền thống.
Sự chuyển mình của NFTs
Không thể phủ nhận năm 2021 là năm của NFTs, với một số bộ sưu tập nổi tiếng đã giúp một số người nâng cao vị thế trong thị trường khi sở hữu chúng, bất chấp sự suy giảm của thị trường hiện tại. NFT giờ đây không đơn thuần chỉ là tài sản kĩ thuật số mà còn đang dần được sử dụng với các mục đích khác nhau.
Ảnh hồ sơ NFT (PFP) có thể là yếu tố chính khi nói đến danh tính kĩ thuật số trong metaverse. PFP NFT chỉ là một phần nhỏ trong hệ sinh thái NFT, ngoài ra còn có NFT âm nhạc, nghệ thuật hay các tiện ích cơ bản… cũng rất nổi tiếng. Với các tiêu chuẩn mới, ví dụ như ERC-3525, NFT giờ đây có thể phân chia và hợp lại, nhưng vẫn giữ được tính độc đáo của mình, được sử dụng để làm vé cho các buổi hòa nhạc, trận đấu (mà không lo sợ vé giả) hoặc là các voucher.
Bored Ape Yacht Club (BAYC) là một bộ sưu tập NFT bao gồm 10.000 nhân vật hoạt hình vượn người. Kể từ khi ra mắt, nó đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng. Chính vì vậy khi Yuga Labs ra mắt Metaverse Otherside (nơi để các NFT này “dụng võ”) đã khiến mạng Ethereum tắc nghẽn.
Bên cạnh đó còn có Loot, là bộ sưu tập gồm 8.000 NFT, mỗi NFT chứa một danh sách các vật phẩm mang phong cách RPG (game nhập vai). Sự tiên tiến đáng nói ở đây là Loot được kiểm soát hoàn toàn bởi cộng đồng. Ngoài ra, các nhà phát triển còn có thể xây dựng các ứng dụng làm phong phú thêm hệ sinh thái và đưa Loot đến một bước gần hơn để trở thành IP chính. Trên hệ sinh thái Loot còn có các dự án đáng chú ý khác như Treasure, một trong những dự án sẽ định hình lại cách mà một số thương hiệu trong tương lai ra đời và phát triển.
Theo khảo sát của Coingecko vào năm 2022, có đến 49.6% nói rằng họ đã từng tham gia vào Metaverse, 35.8% người dùng NFT cho Metaverse và gaming,v.v.
Sự ứng dụng rộng rãi và độc đáo của NFTs sẽ biến chúng dần trở thành một phần không thể thiếu không chỉ trong thế giới thực, mà còn thế giới ảo.
Sự phát triển vững chãi của cơ sở hạ tầng
Trong năm 2022, NFTs và các ứng dụng nền tảng của Metaverse mới đã chứng kiến sự chậm chạp của Ethereum và dần chuyển sang các nền tảng khác nhanh hơn nhằm đảm bảo tốc độ giao dịch như Solana hay Flow. Điều đó giúp cho các nền tảng này được quan tâm và phát triển. Ở đây, ngoài sự mượt mà mà phí gas còn rẻ hơn, đảm bảo tối đa lợi ích của người dùng và các nhà sáng tạo, nghệ sĩ…
Mặc dù Ethereum vẫn chiếm vị thế đọc tôn, tuy nhiên ta có thể thấy các nền tảng khác cũng phát triển vượt bậc như Avalanche (lên đến hơn 500%).
Tuy nhiên, sắp tới theo lộ trình, the Merge sẽ được triển khai trên Ethereum, việc thay đổi cơ chế đồng thuận từ Proof of work sang Proof of stake sẽ là bàn đạp để phát triển NFT. Hứa hẹn một tốc độ giao dịch nhanh hơn gấp hàng trăm lần và sẽ làm thay đổi cuộc chơi Metaverse. Ngoài ra, các Layer 2 như Optimism, ZKSync, Starknet… cũng đang giúp Ethereum trở nên “thanh thoát” hơn, đảm bảo khả năng mở rộng dường như vô tận của mạng lưới này.
Không chỉ tốc độ, khả năng tương tác giữa các nền tảng trò chơi lớn cũng là chủ đề nóng của những người đam mê Metaverse.
Thách thức Metaverse phải đối mặt
Rõ ràng Metaverse đang dần được định hình và nhận được nhiều sự đầu tư to lớn. Ngành công nghệ thông tin nói riêng về Metaverse, dự đoán rằng nó sẽ có một cộng đồng 1 tỷ người sử dụng vào năm 2030.
Tuy nhiên, để đạt được Metaverse thực sự không phải là điều dễ dàng bởi vấn đề kỹ thuật là một thách thức vô cùng lớn mà các công ty công nghệ phải đối mặt:
- Một trong những cốt lõi của Metaverse chính là mang đến những trải nghiệm tốt nhất phong phú nhất đến cho người dùng vì thế Metaverse yêu cầu khả năng truyền dữ liệu lớn với độ trễ thấp cùng tốc độ cực kỳ nhanh chóng. Điều này có nghĩa 5G sẽ là yêu cầu kết nối bắt buộc.
- Ngoài ra thời lượng pin của các thiết bị cũng như nhiều người vẫn không quen khi mang kính thực tế ảo và xuất hiện các dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn khi sử dụng cũng là điều cần phải lưu ý.
- Đặc biệt những phần mềm tạo mô hình 3D – yếu tố then chốt quyết định thành công của Metaverse rất đắt đỏ.
- Đồng thời, một số các chuyên gia cũng cho rằng hiện tại chưa có một cơ sở hạ tầng công nghệ và ứng dụng nào đủ tốt để thực sự hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một Metaverse. Hiện nay, tất cả những gì chúng ta đang thấy chỉ là một phần rất rất nhỏ của giấc mơ đấy. Vì thế mọi người cần cẩn trọng khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Tổng kết
Qua bài viết này, chắc hẳn bạn đọc đã nắm được các xu hướng của Metaverse 6 tháng đầu năm 2022 cũng như các thách thức, cơ hội của nó. Nếu bạn có thắc mắc hay góc nhìn nào hay hơn, hãy thảo luận cùng GFS dưới đây nhé!