Dù thị trường blockchain đang ở giai đoạn downtrend, nhưng các blockchain vẫn liên tục cạnh tranh với nhau để chiếm lấy vị thế tốt cho mùa bullrun sắp tới. Nổi bật lên trong giai đoạn này là sự trỗi dậy của các blockchain Layer2 trong hệ sinh thái Ethereum. 

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư dường như đang bị cuốn theo cuộc chiến Layer2, mà quên đi sự phát triển âm thầm của các blockchain Layer1 như Avalanche, NEAR, Solana, BNB Chain, Polygon, Sui, Aptos… 

Bài viết dưới đây của GFI Blockchain sẽ giúp các bạn nhìn lại thực trạng của các blockchain này, từ đó đưa ra hướng phát triển để các Layer1 có thể cạnh tranh với Ethereum và Layer2 trong mùa uptrend tiếp theo. 

Ethereum đang xây nhà từ nóc 

Ethereum hiện là blockchain có vốn hóa và mức độ phi tập trung lớn thứ hai thị trường blockchain (chỉ sau Bitcoin). Tuy nhiên, đứng trước tình trạng nghẽn mạng trong vài năm trở lại đây, Ethereum đã phải tập trung đẩy mạnh các giải pháp mở rộng như Sharding và Layer2 Rollup.

Trong đó, giải pháp Sharding có thể hiểu là “đập đi xây lại” blockchain Ethereum, do đó hướng đi này đã dần bị bỏ qua bởi đội ngũ phát triển Ethereum. Thay vào đó, Ethereum đang tập trung phát triển các giải pháp Layer2 – mà nổi bật là hai công nghệ Optimistic Rollup và zkRollup, cũng như xây dựng các cơ sở hạ tầng liên quan để hỗ trợ các Layer2 này.

Các giao dịch trên Rollup được gom lại và chuyển lên Layer1 Ethereum
Các giao dịch trên Rollup được gom lại và chuyển lên Layer1 Ethereum

Chiến lược tập trung vào Rollup của Ethereum có vẻ đang đi đúng hướng. Các Layer2 như Arbitrum, Optimism, zkSync… đã thể hiện sự hiệu quả về việc giảm chi phí và tăng tốc độ giao dịch.

Chiến lược Marketing của các Layer2 thông qua các chiến dịch airdrop cũng đã thu lại thành công lớn. Theo số liệu từ DefiLlama, TVL của Arbitrum và Optimism đang đứng top 5 thị trường, chỉ sau mainnet Ethereum, Tron và BNB Chain. 

Mặc dù vậy, việc tập trung vào các giải pháp Layer2 cũng có nhược điểm riêng của nó. Việc tập trung phát triển Layer2 Rollup đã cho thấy Ethereum muốn xây một kim tự tháp lật ngược, nghĩa là phần móng thì nhỏ, yếu, mà phần bên trên thì phình to.

Dù có xây bao nhiêu Layer2 thì khả năng xử lý của mainnet Ethereum vẫn như vậy, vẫn là một nút nghẽn cổ chai không thể giải quyết. Việc phát triển quá nhiều Layer2 cũng khiến thanh khoản bị phân mảnh ra nhiều blockchain, gây khó khăn cho người dùng và các dự án. 

Do đó, trong ngắn hạn và trung hạn, có thể các Layer2 vẫn thu hút được sự chú ý của thị trường, trực tiếp nâng cao giá trị của blockchain Ethereum. Nhưng về lâu dài, khi sự phát triển Layer2 bị bão hòa do hạn chế về khả năng xử lý của mainnet Ethereum, thì thị trường vẫn sẽ tìm đến giải pháp từ các Layer1. 

2 yếu điểm của Layer 1

Dù Layer1 là giải pháp lâu dài cho thị trường, phải công nhận rằng hiện tại các Layer1 ngoài Ethereum (như Avalanche, NEAR, Solana, BNB Chain, Polygon…) đang khá đuối sức so với các Layer2.

Dễ nhận thấy nhất là điểm yếu về truyền thông của các Layer1. Gần đây, chúng ta thường nghe câu chuyện “làm airdrop trên Layer2 này nọ” trên các nhóm Telegram hay Twitter.

Ngoài ra, các Layer2 đang rất tích cực tìm cách thu hút người dùng bằng các game tài chính, như meme coin (AIDOGE), real-yield DeFi (GMX) trên Arbitrum, hay câu chuyện vetoken của các dự án DEX trong hệ sinh thái OP Stack. Trong khi đó, chúng ta hầu như ít nghe về sự phát triển của các Layer1, hoặc có nghe thấy thì cũng không quan tâm.

ArbDogeAI từng tăng giá tới 300 lần và mở ra làn sóng meme coin trên Arbitrum
ArbDogeAI từng tăng giá tới 300 lần và mở ra làn sóng meme coin trên Arbitrum

Điểm yếu thứ hai chính là niềm tin. Trong downtrend, dòng tiền chảy từ các Layer1 ngược về Ethereum và các Layer2. Lý do là vì “cá voi” vẫn tin tưởng Ethereum hơn cả, do tính chất phi tập trung cực cao và khả năng hoạt động ổn định của blockchain này.

Còn như Solana – có thể xem là một ví dụ đáng buồn nhất trong số các Layer1, bởi khi backer của Solana là sàn FTX và quỹ Alameda Research sụp đổ thì bao tai họa ập tới blockchain này. WBTC và WETH mất peg, token SOL bị “xả”, blockchain thỉnh thoảng ngừng hoạt động… Những biến cố như vậy khiến người dùng bình thường cũng không dám để tài sản trên các Layer1, huống gì là các “cá voi” với tài sản hàng trăm triệu USD. 

Tóm lại, 2 điểm yếu chính của các Layer1 so với Layer2 của Ethereum là khả năng thu hút truyền thông và tạo niềm tin cho cộng đồng. 

Chiến lược phát triển của các Layer1

Thực trạng khá ảm đạm hiện tại có thể là một bài test để kiểm tra nội lực của các Layer1, xem ai có thể tồn tại, có chiến lược đúng đắn và đủ sức hiện thực hóa tầm nhìn.

Trong 2 điểm yếu nêu trên, điểm yếu về truyền thông thực ra hoàn toàn có thể được cải thiện khi có dòng tiền đổ vào hệ sinh thái, hoặc bằng cách thu hút tệp người dùng mới từ Web2. Điểm yếu về niềm tin có thể giải quyết bằng việc phi tập trung hóa blockchain, cũng như xây dựng một blockchain ổn định.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế người đi sau, các Layer1 còn có thể cải tiến những hạn chế công nghệ của Ethereum (như khả năng xử lý, phí giao dịch), đồng thời xây dựng những mô hình blockchain mới mà Ethereum và Layer2 không thể thực hiện. 

Vậy các blockchain Layer1 đang thực hiện những chiến lược nào? Dưới đây là một số blockchain Layer1 tiêu biểu cùng chiến lược cạnh tranh với “Ethereum và những người bạn” trong mùa uptrend tới. 

NEAR Protocol 

NEAR Protocol tập trung 3 chiến lược chính: phát triển BOS (Blockchain Operating System), thu hút người dùng từ Web2, và phi tập trung hóa NEAR Protocol. 

Trong tháng 3/2023, NEAR Protocol đã ra mắt sản phẩm BOS (Blockchain Operating System) – một giao diện Web3 mở, giúp người dùng và nhà phát triển từ Web2 có thể dễ dàng làm quen với các ứng dụng Web3. 

Giao diện NEAR Social của BOS có mô hình tương tự các dự án SocialFi như Lens Protocol. Trên nền tảng này, người dùng hoàn toàn sở hữu dữ liệu của mình, còn nhà phát triển thì có một kho widget (bộ công cụ) để tạo ra các dApp tùy theo nhu cầu. Chỉ sau 4 tháng ra mắt, NEAR Social đã thu hút hơn 15 nghìn người dùng với gần 6 nghìn widget được tạo ra. 

Giao diện thân thiện của NEAR Social chạy trên Layer1 NEAR Protocol
Giao diện thân thiện của NEAR Social chạy trên Layer1 NEAR Protocol

NEAR Protocol cũng tích cực hợp tác với các doanh nghiệp truyền thống (Web2) trong các lĩnh vực như thể thao, game và bán lẻ. Các doanh nghiệp này đã có sẵn lượng người dùng thường xuyên, NEAR Protocol sẽ giúp lượng người dùng này làm quen và sử dụng Web3 một cách dễ dàng nhất, từ đó tạo ra một tệp người dùng tích cực cho thị trường. 

Để phi tập trung hóa NEAR Protocol, blockchain này cũng đã thành lập nhiều DAO (Decentralized Autonomous Organization – Tổ chức Tự trị Phi tập trung) như Marketing DAO, Dev Hub, Creatives DAO, và NEAR Digital Collective. Hiện tại, các DAO này đang hỗ trợ NEAR Foundation quyết định việc phân bổ nguồn vốn phát triển hệ sinh thái NEAR. Về lâu dài, hệ sinh thái DAO sẽ là nền tảng cho một NEAR Protocol hoạt động độc lập và hoàn toàn phi tập trung. 

Cá nhân mình đánh giá NEAR đã là một blockchain rất tiềm năng trong mùa uptrend tới. Thị trường crypto đã bão hòa, chủ yếu là người cũ chơi với người cũ. Chiến lược của NEAR là hút dòng tiền mới từ doanh nghiệp và người dùng Web2, nếu thành công thì chỉ có thành công rực rỡ. NEAR cũng đã phát triển sharding ngay từ đầu, tức là mở rộng phần móng trước khi xây nhà, do đó có lợi thế hơn hẳn Ethereum về khả năng mở rộng (đang mở rộng phần ngọn). 

BNB Chain 

Chiến lược phát triển của BNB Chain gồm: hỗ trợ nhà phát triển với các grant program, đồng thời xây dựng giải pháp mở rộng Layer2 và lớp lưu trữ dữ liệu cho BNB Chain. 

Các chương trình grant program của BNB Chain khá đa dạng, gồm: MVB Accelerator Program, BNB Builder Grants, Growth Incentive Program, Kickstart, Innovation Hackathon, BNB Chain Bounty Program, Zero2Hero Incubator… Những chương trình này sẽ giúp BNB Chain thu hút lượng dev lớn để mở rộng số lượng dApp cho hệ sinh thái BNB Chain. 

Khi BNB Chain ngày càng phát triển, nhu cầu xử lý giao dịch và lưu trữ dữ liệu ngày càng cao hơn. Đó là lý do BNB Chain đã phát triển đồng thời hai giải pháp Layer2 là opBNB (sử dụng OP Stack của Optimism) và zkBNB (sử dụng cơ chế zkRollup). Để giải quyết nhu cầu xử lý dữ liệu, BNB Chain cũng phát triển thêm BNB Greenfield – một blockchain Layer1 đóng vai trò là lớp Data Availability cho BNB Chain, và sau này có thể là lớp DA cho các blockchain có nhu cầu sử dụng. 

Mô hình hoạt động của blockchain opBNB dựa trên OP Stack
Mô hình hoạt động của blockchain opBNB dựa trên OP Stack

Về vấn đề niềm tin người dùng, BNB Chain vẫn là một blockchain vận hành rất ổn định, và uy tín của BNB Chain trên thực tế vẫn được đảm bảo bởi sàn Binance – sàn crypto lớn nhất thế giới. BNB Chain cũng nổi tiếng là nơi bắt nguồn của các trend lớn trong thị trường, nên việc “vẽ game” cho mùa uptrend tiếp theo cũng không khó đối với blockchain này. 

Polygon 

Chiến lược phát triển của Polygon đã được nêu trong tuyên bố Polygon 2.0, gồm Polygon Supernet và Polygon zkEVM Validium. Cụ thể:

  • Polygon Supernet có mô hình tương tự subnet của Avalanche, lấy Polygon POS làm trung tâm. Hướng đi này không có gì mới. 
  • Sản phẩm tiếp theo là Polygon zkEVM Validium – thực chất là bản nâng cấp cho Polygon POS hiện tại. Đặc điểm của Polygon Validium là lưu trữ dữ liệu off-chain nên có phí rẻ, giao dịch nhanh, nhưng bù lại sẽ đánh đổi khả năng bảo mật. 

Có thể xem Polygon zkEVM Validium là một canh bạc của đội ngũ Polygon, vì sản phẩm này là lời tuyên bố Polygon sẽ từ bỏ phát triển DeFi. Thay vào đó, Polygon zkEVM Validium sẽ rất tiện lợi cho việc phát triển GameFi và NFT, vốn ít yêu cầu về bảo mật.

Xưa nay Polygon được nhiều người dùng nhỏ lẻ sử dụng vì có phí rẻ, nên có thể thấy zkEVM Validium là nước đi “biết người biết ta” của Polygon: chấp nhận mình không thể thu hút “cá voi”, nhưng sẽ phục vụ tối đa cho tệp khách hàng chủ yếu hiện tại. 

Một sản phẩm cũng khá nổi tiếng của Polygon là Polygon zkEVM (một Layer2 của Ethereum) nhưng đây không phải là sản phẩm chiến lược, vì Polygon zkEVM chỉ phục vụ cho Ethereum và không giúp gì cho sự phát triển của Polygon mainnet. 

Nhân đây, mình cũng muốn chia sẻ với anh em nhận xét của mình về Polygon. Polygon nổi tiếng là một blockchain “đú trend”, nghĩa là thị trường đang nổi trend gì thì Polygon sẽ lật đật phát triển sản phẩm về trend đó, rồi khi hết trend thì sẽ bỏ sản phẩm đó luôn. 

Polygon cũng phát triển đã 3 năm mà hệ sinh thái không có dApp nào gọi là tên tuổi, dApp lớn nhất là Quickswap thì chỉ là một mô hình DEX bình thường (không hề có tính sáng tạo nào). Do đó, nếu phải chuẩn bị cho mùa uptrend tới, thì cái quan trọng nhất mà Polygon phải làm là tuyển ngay một Giám đốc Chiến lược có đủ tầm để định hướng toàn diện cho Polygon. 

Sui và Aptos 

Sui và Aptos là hai blockchain Layer1 thế hệ mới cùng sử dụng ngôn ngữ Move, có lợi thế là phí giao dịch rẻ và có thể xử lý hàng trăm nghìn giao dịch mỗi giây (theo tuyên bố của dự án). Tuy nhiên hai hệ sinh thái này còn rất non trẻ, dòng tiền chưa có, và cũng chưa được stress-test (kiểm tra khả năng xử lý số lượng giao dịch cực lớn) nên mình chưa thể đưa ra nhiều nhận định. 

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho mùa uptrend, hai blockchain này cần tập trung thu hút đội ngũ nhà phát triển và xây dựng bộ khung hệ sinh thái. Tiếp đó, nếu thật sự Sui và Aptos có khả năng xử lý giao dịch tốt như vậy, thì phải chọn ra một dApp thật xịn làm con át chủ bài để thu hút người dùng. 

dApp này phải yêu cầu lượng giao dịch rất lớn, để Sui và Aptos có thể phô trương lợi thế TPS (số giao dịch trên giây) cực cao của mình. Đây là đòn chí mạng vì không có blockchain Layer2 nào trên Ethereum có đủ khả năng xử lý giao dịch cho một dApp kiểu như vậy. 

Kết luận 

Các Layer2 đang cực kỳ hot trong giai đoạn hiện nay, nhưng không vì vậy mà các Layer1 phải chùn chân trong cuộc chiến với “Ethereum và những người bạn”. Để cạnh tranh với các Layer2 trong mùa uptrend, các chiến lược đa dạng đang được các Layer1 áp dụng, gồm: 

  • NEAR Protocol: Xây dựng giao diện thân thiện, chuyển đổi doanh nghiệp và người dùng từ Web2 sang Web3. 
  • BNB Chain: Phát triển thêm các Layer2 và lớp lưu trữ dữ liệu. 
  • Polygon: Tập trung vào tệp người dùng nhỏ lẻ trong mảng GameFi và NFT.  
  • Sui và Aptos: Thu hút nhà phát triển, xây dựng bộ khung hệ sinh thái. 

Các blockchain Layer1 (ngoài Ethereum) có lợi thế người đi sau, có cấu trúc blockchain tối ưu hơn so với Ethereum và Layer2. Do đó, Layer1 có thể tận dụng lợi thế này để xây dựng một bộ khung dApp cần tốc độ xử lý cao và giao diện thân thiện, từ đó thu hút lượng người dùng lớn từ Web2.