Tổng quan
Lens Protocol là một social graph (biểu đồ thể hiện mối quan hệ xã hội) phi tập trung và có khả năng tương thích cao với các dApp xung quanh nó. Với người dùng, Lens Protocol là một hệ sinh thái xã hội online nơi người dùng sở hữu social graph, nội dung và dữ liệu của mình. Nhiệm vụ của nhà phát triển dApp là tạo ra một không gian sinh hoạt nhỏ giữa hệ sinh thái xã hội đó.
Trước khi đào sâu vào mô hình hoạt động của Lens Protocol, các bạn nên đọc trước bài viết tổng quan về dự án và hệ sinh thái Lens Protocol. Nếu bạn đã nắm thông tin căn bản về dự án này, chúng ta cùng bắt đầu tìm hiểu nhé!
Key take aways
- Lens Protocol cải thiện nhiều vấn đề tồn đọng của các mạng xã hội Web2 hiện tại;
- Người dùng Lens kiểm soát và sử dụng social graph trên nhiều dApp, lưu trữ tất cả tương tác vào social graph gốc;
- Bài viết và lượt follow được biến thành NFT, giúp KOL liên kết với cộng đồng và thu được nhiều tiền hơn từ content;
- Hệ thống Media lớn có thể hợp tác kinh doanh với các dApp trong hệ sinh thái.
3 vấn đề của mạng xã hội Web2
Vấn đề sở hữu social graph
Social graph là biểu đồ thể hiện mối liên hệ xã hội giữa người với người, thuật ngữ này dần được áp dụng nhiều bởi Facebook khi nói đến mối quan hệ giữa những người dùng trên Internet.
Một vấn đề của Facebook, Twitter hay Youtube là các nền tảng này không biết về các mối quan hệ được người dùng xây dựng trên một nền tảng khác. Điều này khiến các mối quan hệ trở nên phân mảnh trên các nền tảng, và tạo ra một trải nghiệm online không liền mạch.
Ngoài ra, khi bị một nền tảng nắm giữ social graph, người dùng cũng tự trói buộc mình vào nền tảng đó. Chẳng hạn, khi người dùng không hài lòng với Facebook, họ không thể mang theo social graph mà họ đã xây dựng trên Facebook tới một nền tảng khác, như Twitter.
Nhưng trên Twitter, bạn lại phải xây dựng lại một social graph từ đầu. Vậy là (1) bạn phải ở lại sử dụng Facebook, hoặc (2) bạn chấp nhận sang Twitter mà không có social graph bạn tốn công xây dựng.
Vấn đề sở hữu nội dung
Mạng xã hội Web2 là nơi người dùng tạo ra nội dung nhưng chỉ nhận được một phần doanh thu từ nội dung đó. Ví dụ, theo khảo sát từ Business Insider, nhà sáng tạo nội dung chỉ nhận 55% doanh thu quảng cáo từ một video trên Youtube. Bên cạnh đó, nhiều nội dung trên mạng xã hội Web2 bị kiểm duyệt vô lý, như việc Twitter và Facebook xóa nhiều thông tin tranh luận về hiệu quả của vaccine Covid-19.
Vấn đề sở hữu dữ liệu
Hiện nay các tập đoàn như Facebook hoặc Twitter sở hữu hai bộ phận chính: ứng dụng mạng xã hội và database (cơ sở dữ liệu). Nghĩa là ứng dụng Twitter sẽ lấy và ghi dữ liệu trên database độc quyền của Twitter.
Nếu Twitter phá sản, hoặc đơn giản là không thích bạn, các nền tảng này có thể xóa tất cả thông tin của bạn và đột nhiên bạn không có tồn tại trên ứng dụng Twitter nữa. Lúc này bạn mới nhận ra mình không có quyền gì với những dữ liệu về những mối quan hệ, bài viết, hình ảnh mà bạn đã xây dựng.
3 giải pháp của Lens Protocol
Cơ chế sở hữu social graph
Lens Protocol giống như một cộng đồng gồm các người dùng với social graph riêng. Xung quanh cộng đồng đó là các dApp với cơ chế module có thể plug-in/plug-out, như một thiết bị phụ của máy tính có thể tháo ra lắp vào dễ dàng. Người dùng sẽ vào các dApp để sinh hoạt với các thành viên khác của cộng đồng.
Để tham gia hệ sinh thái Lens Protocol, người dùng phải có 1 Lens Profile NFT, và NFT này như một mã định danh cá nhân của người dùng trong hệ sinh thái đó. Dữ liệu gốc của 1 Lens Profile nằm ở dApp Lensfrens, gồm dữ liệu về tên người dùng và lượt theo dõi.
Một Lens Profile này sẽ được dùng chung cho tất cả dApp trong hệ sinh thái, như dApp mạng xã hội (Lenster, ORB, Phaver…) và các dApp về game, video, livestream hay phát triển sản phẩm.
Đặc biệt, một hành động trên dApp này sẽ xuất hiện trên dApp khác. Ví dụ chúng ta đăng một bài viết “Chào buổi sáng cả nhà” trên một dApp mạng xã hội của Lens Protocol là Lenster, thì bài viết này cũng xuất hiện trên Phaver – một dApp khác thuộc hệ sinh thái Lens.
Hành động theo dõi, hay chia sẻ (mirror) cũng có sự liên kết tương tự. Tính năng này đã giải quyết vấn đề về sự phân mảnh và độc quyền social graph, giúp bạn thực sự sở hữu social graph và mang chúng sang các nền tảng khác nhau.
Cơ chế khuyến khích sáng tạo nội dung
Publication
Publication (ấn phẩm) trên Lens Protocol tồn tại ở 3 dạng: bài viết, bình luận và mirror (như retweet và share). Các ấn phẩm được đăng trực tiếp lên Profile NFT của người dùng; điều này đảm bảo rằng tất cả nội dung do người dùng tạo ra vẫn thuộc quyền sở hữu và nằm trong ví của họ. Tính chất này khác với Web2 – nơi ấn phẩm của người dùng chỉ tồn tại trong database độc quyền của các tập đoàn.
Collect
Collect (thu thập) là tính năng cho phép một người dùng mint bài viết của một tác giả thành một NFT. Tác giả có thể cài đặt phí collect, giới hạn truy cập bài viết chỉ cho người sở hữu NFT, và giới hạn số lượng bản NFT được mint ra (tạo ra giá trị về sự khan hiếm của NFT).
So với hoạt động donate và subscribe các nền tảng Web2, tính năng collect của Lens Protocol ưu việt hơn khi cho phép tạo ra NFT, liên kết trực tiếp với social graph của người sở hữu. Người sở hữu NFT bài viết sẽ được tác giả xem là “fan cứng”, từ đó tác giả có thể mở các VIP fan club cho những người này, và cung cấp các đặc quyền trên nhiều dApp khác.
Một tính chất khác của collect là người mint có thể xem NFT đó như một bản sưu tập, và rao bán trên các NFT Marketplace, tùy vào giá trị nội dung và độ khan hiếm của bài viết.
Follow
Follow là tính năng theo dõi một tài khoản, giống như trên Facebook, Twitter. Tuy nhiên trên Lens Protocol, khi một tài khoản theo dõi một tài khoản khác, một NFT follow sẽ được tạo ra thể hiện mối quan hệ theo dõi, từ đó thông tin về social graph được lưu trữ on-chain.
Ở các dApp như Lenster hay ORB, một tài khoản Lens có thể cài đặt tính năng “Super follow”, nghĩa là người khác phải bỏ ra một khoản tiền để được theo dõi và đọc được các bài viết của tài khoản đó. Tính năng này giúp các KOL nhận trực tiếp phí theo dõi mà không phải đưa hoa hồng cho một bên trung gian, hoặc nhận được rất ít như cơ chế Ads của Youtube.
Bảo toàn dữ liệu cho người dùng
Trên các dApp chỉ sử dụng Lens Profile để đăng nhập, dữ liệu về bài viết và social graph của người dùng được lưu trên các nền tảng lưu trữ dữ liệu phi tập trung như IPFS và Arweave. Cả đội ngũ phát triển và mạng lưới quản trị của Lens Protocol đều không có quyền xóa hay chỉnh sửa các Lens Profile NFT và những NFT liên quan.
Dòng tiền của Lens Protocol
Lens Protocol có 3 nguồn tiền chính từ người dùng, dApp và thông qua Lens Profile.
Dòng tiền từ phía người dùng
Dù chưa có thông báo chính thức, nhưng mô hình của Lens Protocol rất cần một token để quản trị và luân chuyển dòng tiền trong hệ sinh thái, tạm gọi là token Lens.
Khi bước vào mainnet hoàn chỉnh, người dùng muốn sử dụng hệ sinh thái Lens Protocol thì phải trả phí định kỳ (tháng, năm) bằng token Lens. Những NFT thế hệ đầu (trước mainnet hoàn chỉnh) có thể được định danh thành Genesis NFT và được miễn phí sử dụng. Lượng phí này dùng để bảo trì, nâng cấp Lens Protocol, hoặc grant cho các dApp trong hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, mọi hành động của người dùng đều sẽ tốn một ít phí. Ví dụ, đăng một bài viết sẽ tốn 0.01 Lens, hay đăng một video có dung lượng 100 MB sẽ tốn 0.3 Lens. Lượng phí này dùng để trả cho chi phí duy trì hệ thống và phí lưu trữ dữ liệu, do dữ liệu được lưu trên các nền tảng lưu trữ phi tập trung như IPFS hay Arweave.
Nguồn thu dApp
Nếu hệ sinh thái Lens Protocol lớn mạnh với nhiều người dùng, nhiều dApp sẽ muốn gia nhập vào hệ thống social graph của Lens. Lúc này, các dApp này phải trả một phần doanh thu đến từ mạng lưới người dùng đó cho Lens Protocol.
Thông qua Lens Profile
Nếu người dùng có một Lens Profile đẹp, nghĩa là có những nội dung hữu ích, có nhiều người theo dõi, Profile này sẽ rất có giá trị. Lens Profile sẽ là một loại tài sản với người sáng tạo nội dung và xây dựng các kênh media.
Do dữ liệu về follow và tương tác được lưu trữ bền vững trên blockchain, một ngành có thể sẽ phát triển là xây dựng kênh và chuyển nhượng Lens profile trên các sàn giao dịch NFT.
Đối tượng khách hàng
Nhiều người cho rằng việc trả phí bằng token sẽ không phù hợp với người dùng đại chúng, dẫn đến Lens Protocol khó mở rộng. Đây không phải là hạn chế của Lens mà nhiều khả năng là một lựa chọn.
Thông thường, người dùng đại chúng không quen sử dụng dApp blockchain, không sở hữu tài sản crypto, và không quan tâm vấn đề sở hữu tài sản kỹ thuật số như tài sản trí tuệ, social graph.
Do đó, đối tượng khách hàng của Lens Protocol sẽ là người sở hữu crypto, sử dụng mạng xã hội (như Twitter), và phải là người có tiền, chấp nhận bỏ một phần chi phí để được sở hữu nội dung sáng tạo, social graph, và dữ liệu.
Một lý do lớn khác cho lựa chọn này là sự hạn chế của cơ sở hạ tầng blockchain hiện nay. Theo thống kê của TripleA (một công ty blockchain của Singapore), khoảng 320 triệu người trên thế giới sử dụng crypto.
Thử tưởng tượng chỉ 2% số người này – tương đương 6 triệu người – sử dụng Lens Protocol, thì số lượng giao dịch từ hệ sinh thái Lens đã rất khổng lồ, tạm thời chỉ có một số blockchain có đủ khả năng xử lý lượng giao dịch này (như Polygon zkEVM).
5 dự án tiềm năng trong hệ sinh thái Lens Protocol
Lenster
Lenster là một mạng xã hội tương tự như Twitter nhưng chỉ có ở dạng web (chưa có ứng dụng trên điện thoại). Đây là một trong những sản phẩm chính của Lens Protocol và có chất lượng tốt nhất trong hệ sinh thái.
Trên ứng dụng này, các bạn có thể viết bài, chia sẻ về suy nghĩ và lối sống, cũng như đọc bài viết và tương tác với người dùng. Lenster có tất cả tính năng cơ bản nhất để trang bị cho một social graph theo định hướng của Lens Protocol: đăng bài, bình luận, like, mirror (tương tự share/retweet), follow và collect.
Với một số người dùng đang muốn săn airdrop từ Lens Protocol thì Lenster là một điểm đến không thể bỏ qua.
ORB
ORB là một mạng xã hội tương tự như LinkedIn trên Web3, với mục tiêu giúp cho các chuyên gia trong doanh nghiệp tạo hồ sơ Web3 và tăng cường kết nối với người trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, ORB đang dần được sử dụng như một mạng xã hội thông thường và không còn là “LinkedIn của Web3” như mục tiêu ban đầu.
Hiện tại, ORB là một trong ba ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất trong hệ sinh thái Lens Protocol (cùng với Lenster và Phaver). ORB chỉ có ở dạng ứng dụng trên điện thoại, không có phiên bản web (ngược lại với Lenster).
Phaver
Phaver cũng là ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại (gồm phiên bản iOS và Android) với hơn 200 nghìn người dùng. Phaver đạt được số lượng người dùng lớn này do “mở cửa” cho cả người dùng không có Lens Profile.
Với người dùng có Lens Profile, các tương tác trên Phaver, ORB và Lenster đều có sự liên thông về social graph như đã đề cập ở trên.
Trước đây, việc tương tác tích cực trên Phaver có thể cho người dùng một suất Whitelist để được mint Lens Profile, nhưng sự kiện này đã ngừng lại do quá nhiều người được team Phaver ưu ái tặng suất Whitelist. Tuy nhiên, người dùng săn airdrop từ Lens Protocol vẫn nên thường xuyên sử dụng ứng dụng này.
Lenstube
Lenstube có thể được xem là phiên bản Youtube phi tập trung trong hệ sinh thái Lens Protocol. Ứng dụng này cho phép người dùng xem và xuất bản các video clip, cũng như bày tỏ cảm xúc và bình luận cho những người dùng khác.
Gần đây, Lenstube ra mắt giao diện mới, khá giống một sự kết hợp giữa Youtube và TikTok. Người dùng có thể chọn chủ đề yêu thích của mình, và về sau này, Lenstube sẽ áp dụng thuật toán nguồn mở để gợi ý video có nội dung phù hợp nhất.
DumplingTV
DumplingTV là một nền tảng streaming, được đội ngũ Lens Protocol xếp vào danh sách 8 ứng dụng tốt nhất của hệ sinh thái.
Trên DumplingTV, người dùng có một giao diện màn hình khá cổ điển để phát sóng video và radio. Những tương tác cơ bản của người dùng như bình luận, like, mirror, collect đều được lưu lại trên social graph.
DumplingTV cũng có các tính năng dành riêng cho streaming như chuyển kênh, điều chỉnh màu sắc, độ sáng, phóng to thu nhỏ.
Kết luận
Lens Protocol là một nền tảng social graph trên blockchain có mô hình hoạt động sáng tạo, giúp giải quyết các vấn đề lớn của mạng xã hội Web2 như sở hữu social graph, nội dung và dữ liệu của người dùng.
Hiện tại dự án đang thử nghiệm mô hình này cho một cộng đồng nhỏ chỉ hơn 100 nghìn người, và trả hoàn toàn phí gas cho các giao dịch. Về lâu dài, khi đi vào mainnet hoàn chỉnh và mở rộng quy mô, Lens Protocol cần ra mắt token Lens để giải quyết vấn đề dòng tiền trong hệ sinh thái.
Giới hạn về cơ sở hạ tầng blockchain cũng là một điểm yếu của mô hình này, nếu Polygon zkEVM không xử lý được thì Lens Protocol phải tự xây dựng blockchain riêng.