Tổng quan 

Trong cuộc họp lúc 1h sáng ngày 27/7, cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất lên mức 5,5% (+0,25%), đúng như dự đoán trước đó của nhiều chuyên gia kinh tế. Đây hiển nhiên sẽ là một tin xấu cho thị trường tài chính nói chung và thị trường crypto nói riêng, khi mà khiến cho dòng tiền bị thắt chặt, ngân hàng và doanh nghiệp ngày càng lao đao.  

—–> Xem thêm: Tại sao lãi suất tăng cao có thể khiến thị trường crypto sụp đổ.

Đễ dễ so sánh, chúng ta có thể thấy rằng, mức lãi suất của thời điểm hiện tại đã cao nhất trong vòng 22 năm, vượt qua vức lãi suất thời kì bong bóng bất động sản (2007 -2008) và chỉ kém thời kì bong bóng Dot-com (2000-2001) khoảng 1%. Rõ ràng Fed biết việc tiếp tục gia tăng lãi suất có thể gây ra những hệ quả xấu cho nền kinh tế, nhưng tại sao họ vẫn “cứng đầu” như vậy? Hãy cùng GFI tìm hiểu trong bài viết sau! 

Fed da tang lai suat len muc cao nhat trong vong 22 nam
Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 22 năm

Chưa đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát  

So với thời kì những năm 2000 và 2008, thì đợt lạm phát này có chút khác biệt vì nó chịu sự ảnh hưởng lớn từ giá nguyên liệu và thực phẩm (tăng đột biến trong chiến tranh Nga – Ukraine), khiến cho mức độ biến động rất cao. Chính vì thế, trong các cuộc họp chính sách, quan chức của Fed thường xem xét chỉ số core CPI (không bao gồm năng lượng và thực phẩm) hơn là CPI.  

Mặc dù mục tiêu lạm phát của Fed là 2%, nhưng có lẽ họ sẽ không ngần ngại “đánh” xuống mức giảm phát để kéo core CPI trở lại “mặt đất” vốn vẫn đang ở mức cao 4,8%. Nói cách khác, 2% là mục tiêu của core CPI, chứ không phải là CPI.  

Lam phat Hoa Ky trong 25 nam gan day
Lạm phát Hoa Kỳ trong 25 năm

Hồ Quốc Tuấn, Giáo sư Tài chính tại Đại học Bristol, cho rằng:  

“Fed sẽ chú ý chủ yếu vào core CPI (màu vàng), và qua khỏi tháng 7 thì những đợt giảm nhanh do tác động số học của việc so sánh giai đoạn tăng giá chậm từ tháng 5, tháng 6 năm nay với giai đoạn tăng giá nhanh của tháng 5, tháng 6 năm ngoái đã hết. Chúng ta quay lại so sánh tăng giá chậm của tháng 7-9 năm nay với 7-9 năm ngoái thì sẽ thấy tốc độ giảm lạm phát chậm hơn nhiều” 

Core CPI giam rat cham
Core CPI vẫn đang ở mức cao và sẽ giảm rất chậm trong những tháng sau

Ông cũng nói thêm: vài tháng sau lẽ CPI sẽ đổi chiều bật lên trở lại hiệu ứng lương tăng. Quan trọng core CPI để xác định chính sách vẫn rất cao, 4.8%.

Tiếp tục giải thích cho câu hỏi “Khi nào lạm phát tăng trở lại?”, giáo sư có viết:  

“Xu thế giảm dần của lạm phát có thể còn kéo dài đến tháng 9, hưởng lợi từ chi phí vận tải quốc tế và giá hàng hóa giảm nếu so với năm ngoái. Nhưng kể từ sau tháng 9, chỉ số giá hàng hóa có thể tăng trở lại do yếu tố mùa vụ, cũng như đà giảm giá hàng hóa như dầu thô và một số loại thực phẩm, nguyên liệu thô, đã chững lại mấy tháng nay. 

Lúc đó, Fed phải hy vọng rằng lạm phát trong khu vực dịch vụ sẽ giảm xuống, cân bằng với mức tăng trở lại của lạm phát hàng hóa, và do đó tiếp tục kéo chỉ số lạm phát xuống. Đây là một khả năng, nhưng không có gì đảm bảo nó chắc chắn xảy ra.”. 

Thực tế, quan điểm “diều hâu” vẫn liên tục được các quan chức Fed khẳng định. Ngay sau khi số liệu lạm phát tháng 6 được công bố (3%), Chủ tịch Fed ở Richmond là Thomas Barkin, đã lạnh lùng nhắc lại: “Lạm phát vẫn quá cao, mục tiêu của chúng tôi là 2%”.  

Và tiếp tục nhấn mạnh:

Nếu chúng ta dừng tăng lãi suất sớm quá, lạm phát có thể tăng mạnh trở lại, và Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất nhiều hơn”. 

Chuyên gia Mohamed El-Erian, Chủ tịch Trường Queens’s College của Đại học Cambridge và là cố vấn kinh tế trưởng của Allianz, chỉ ra bài toán khó của Fed hiện nay 

“Vấn đề là họ muốn kéo lạm phát về 2% nhanh tới mức nào. Nếu Fed thật sự muốn kéo lạm phát về mức 2% càng nhanh càng tốt, họ sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để khẳng định cam kết và uy tín là họ thật sự nghiêm túc với mục tiêu lạm phát. 

Ngược lại, Fed có thể phớt lờ mục tiêu lạm phát 2%. Nhưng như vậy, uy tín của Fed trong việc chống lạm phát sẽ bị tổn hại, sau này không còn ai tin những mục tiêu họ đưa ra, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả lan truyền của chính sách tiền tệ sau này.”

Thất nghiệp thấp – chi tiêu ổn định 

Tỉ lệ thất nghiệp thấp là một trong những yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình kiềm chế lạm phát của Fed. Theo số liệu, tỉ lệ này ở Hoa Kỳ tháng 6/2023 chỉ là 3,6%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn bong bóng Dotcom và bong bóng bất động sản.  

ti le that nghiep o muc thap trong nhieu thap ky
Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ

Tình trạng thiếu người làm việc, khiến cho áp lực tăng lương càng cao trong một số ngành. Từ đó tạo sức mua cho người dân và giữ lạm phát lì lợm ở một mức nhất định. Các chỉ số thể hiện mức chi tiêu của người dân (số CAPEX và retail sales) sau nhiều đợt tăng lãi suất mới chỉ đứng hoặc tăng chậm lại chứ chưa hề giảm. 

“Đây là cả một cái bàn cờ domino mà quân cờ được cho là yếu nhất lại vững nhất, đó là consumer resilience. Không chỉ ở Mỹ mà còn cả ở UK hay EU, người dân vẫn đang duy trì chi tiêu trong bối cảnh khó khăn. Một phần chính là vì họ nghĩ lãi suất đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong vòng 6-9 tháng tới, đồng thời tin rằng suy thoái sẽ không diễn ra” 

Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy cuộc sống người dân và doanh nghiệp vẫn chưa bị ảnh hưởng quá nhiều, cho phép Fed tiếp tục thẳng tay tăng lãi suất.

Doanh nghiệp vẫn ổn 

Chi phi lai suat doanh nghiep dang thap nhat trong vong 60 nam
Chi phí lãi suất doanh nghiệp đang thấp nhất trong vòng 60 năm

Lãi suất chính sách Fed (đường màu đen) tăng nhanh nhưng lãi vay/lợi nhuận (đường màu đỏ) của doanh nghiệp giảm nhanh” là một trong những tranh luận khá nhiều trong của giới tài chính Hoa Kỳ. Nó góp phần giải thích vì sao đến giờ Mỹ vẫn chưa suy thoái (vỡ nợ, phá sản, thất nghiệp, bán tháo tài sản,…) như lời đồn từ đầu năm, và là động lực cho Fed tiếp tục nâng lãi suất.  

Có 3 lý do giải thích cho hiện tượng trên:

1. Mỹ đã chi ra rất nhiều tiền để hỗ trợ cho nền kinh tế trong dịch Covid-19. 

Cụ thể, Mỹ đã chi đến 26% GDP cho kích thích kinh tế trong thời kỳ Covid-19, so với mức 8-15% ở các nền kinh tế lớn của châu Âu. Điều này dẫn đến doanh nghiệp và người dân Mỹ vẫn còn có một lượng thặng dư dự phòng mà theo ước tính phải tới cuối 2023, thậm chí là Q1/2024, thì mới dùng hết. Từ đó giảm nhu cầu vay mới với mức lãi suất cao hiện nay.

2. Doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu nợ

Do lo ngại suy thoái, nhiều doanh nghiệp niêm yết S&P500 đã tích cực tái cấu trúc nợ trong Covid-19. Vì thế họ đã có thể sở hữu kỳ hạn vay nợ dài cùng mức lãi suất lãi suất rất thấp khi đó, và không bị ảnh hưởng đáng kể trong đợt tăng lãi suất suốt hơn 1 năm nay.

3. Sự bùng nổ của Startup thay vì sự mở rộng của các doanh nghiệp truyền thống

Một lý do quan trọng không kém là sự bùng nổ của các công ty công nghệ và startup trong nền kinh tế. Hoạt động của doanh nghiệp này chủ yếu “đốt tiền” từ PE/VC (quỹ đầu tư) thay vì vay mượn nên tỷ lệ lãi vay/lợi nhuận chung cũng giảm. 

Thực tế, xu hướng này đã diễn ra từ 2010, sau khi bong bóng bất động sản vỡ. Nó là một kết hợp hoàn hảo của một giai đoạn dài lãi suất siêu thấp, sự bùng nổ của vốn PE/VC và hỗ trợ Covid. Vì thế mặc dù lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá “nhàn hạ”. Dễ nhìn thấy nhất là tỉ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận Q2/2023 tốt hơn dự kiến (màu xanh) vẫn đang chiếm phần lớn trong đồ thị dưới đây. 

Ty le doanh nghiep co loi nhuan Q22023 tot hon du kien trong cac nganh nghe
Tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận Q2/2023 tốt hơn dự kiến trong các ngành nghề

Dẫu vậy, theo một khảo sát gần đây của Calcbench Inc đối với 1700 doanh nghiệp, họ cho rằng chi phí lãi vay đã tăng lên đến 22% so với năm ngoái. Mặc con số này chưa đủ lớn để phản ánh toàn bộ thị trường, nhưng cho thấy một phân khúc nào đó đã đang bắt đầu phải chịu đựng hậu quả của lãi suất cao. Nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn (1-2 m), một pha điều chỉnh lớn của nền kinh tế có l là điều khó tránh khỏi.  

Duy trì sức mạnh của đồng Đô la Mỹ 

Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và sự thành lập của các liên minh kinh tế mới, sức mạnh của đồng Đô la Mỹ đã giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh vào tháng 10/2022. 

DXY da giam manh trong nhung thang gan day
DXY đã giảm mạnh trong những tháng gần đây

Điều này về cơ bản có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Hoa Kỳ, nhưng cũng có thể góp phần làm tăng lạm phát và không phù hợp với định hướng của Fed.  

Chính vì thế, Fed buộc phải tăng lãi suất để duy trì chỉ số DYX ở mức cao, trong khi các doanh nghiệp cũng vô cùng phối hợp khi thu hẹp quy mô sản xuất (biểu hiện qua chỉ số PMI) và gia tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Cac doanh nghiep thu hep quy mo san xuat va tang nhap khau
Các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất và tăng cường nhập khẩu

Tổng kết 

Trong biên bản họp FOMC ngày 27/7, Fed đã tái khẳng định những luận điểm trên: 

“Các chỉ số gần đây cho thấy hoạt động kinh tế đã mở rộng ở mức độ vừa phải. Việc làm tăng trưởng mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vẫn ổn định và mạnh mẽ. Trong khi đó, lạm phát vẫn đang ở mức cao.

Mặc dù những điều kiện tín dụng chặt chẽ có thể gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát. Tuy nhiên mức độ tác động này vẫn chưa rõ ràng. Hiện tại, Ủy ban sẽ tiếp tục tập trung đến các rủi ro về lạm phát.” 

Vì vậy, những dự đoán chắc nịch rằng lạm phát sẽ giảm tịnh tiến từ nay đến cuối năm có thể là quá lạc quan ở thời điểm hiện tại.  

Tuy nhiên, lãi suất sẽ tăng đến bao nhiêu (Fed cho rằng còn 1 lần tăng nữa) và kéo dài bao lâu, sẽ là 2 yếu tố cần được bàn luận thường xuyên, khi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ vọng của người dân và cả cấu trúc nền kinh tế trong tương lai. 

“Kỳ vọng là yếu tố quan trọng bậc nhất lúc này. Người dân có cảm giác khó khăn sắp qua đi họ mới tiếp tục chi tiêu. Doanh nghiệp có hy vọng mới tăng đầu tư.” (Gs. Hồ Quốc Tuấn)