Tổng quan
Cuối tuần qua, thị trường crypto như thở phào nhẹ nhõm khi nhận được phán quyết của tòa án trong vụ kiện giữa SEC và Ripple Labs (đơn vị chủ quản của token XRP). Sau 3 năm chờ đợi, Ripple Labs đã có thể tuyên bố với thế giới rằng: token XRP không phải là chứng khoán.
Để phát biểu được câu nói trên, Ripple Labs đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức và thời gian trong một vụ kiện dài đằng đẵng. SEC (Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ) cũng phải dốc nhiều nguồn lực để theo đuổi vụ kiện này.
Bài viết này của GFI Blockchain sẽ là một khoảng lặng để nhìn lại cuộc chiến 3 năm giữa Ripple Labs với cơ quan quản lý chứng khoán của Hoa Kỳ. Bài viết cũng sẽ phân tích những điểm mấu chốt trong phán quyết của tòa án, từ đó đưa ra dự phóng cho những động thái tiếp theo của SEC.
Gary Gensler “1 chọi 100” với ngành crypto
Một ngày cuối tháng 12/2020, SEC – lúc đó chưa được dẫn dắt bởi Chủ tịch Gary Gensler như bây giờ – đã chính thức khởi kiện Ripple Labs với lý do phát hành chứng khoán trái phép, và cáo buộc công ty này thu lợi 1,3 tỷ USD trong đợt mở bán token XRP.
Khi Gary Gensler lên làm Chủ tịch SEC , dường như ông lại kế thừa một cách xuất sắc lý tưởng của người tiền nhiệm. Ông không chỉ tích cực thúc đẩy vụ kiện, mà còn lấn sang cáo buộc hầu hết token crypto trên thị trường đều là chứng khoán.
Lập luận của Gary Gensler dựa trên Howey Test – một tiêu chuẩn để đánh giá xem một hợp đồng đầu tư có phải là chứng khoán hay không. Nếu một hợp đồng đầu tư thỏa mãn cả 4 tiêu chí sau đây thì được xem là chứng khoán:
- Một khoản đầu tư bằng tiền.
- Khoản tiền này được đầu tư vào một doanh nghiệp chung (common enterprise).
- Nhà đầu tư có kỳ vọng về một khoản lợi nhuận.
- Khoản lợi nhuận được tạo ra từ công sức của những người khác.
Căn cứ theo 4 tiêu chí này, chủ tịch SEC Gary Gensler đã phát biểu như sau về thị trường crypto:
“Nhà sáng lập thì quảng cáo, còn công chúng lại mua hầu hết token với kỳ vọng về một khoản lợi nhuận đến từ công sức của người khác… Luật đã rõ ràng. Tôi tin rằng dựa trên những cơ sở này, hầu hết token đều là chứng khoán”.
Với lập luận này, SEC đã cáo buộc hàng chục token là chứng khoán, có thể kể đến như MATIC, SOL, ADA, MANA, FIL, ATOM… Nhiều sàn giao dịch crypto lớn như Coinbase, Binance US, Kraken… đã bị SEC kiện là niêm yết chứng khoán và cung cấp dịch vụ chứng khoán trái phép.
Cáo buộc cũng khiến những nền tảng giao dịch lớn (dù ít liên quan đến crypto) như Robinhood, Etoro… đã phải nhanh chóng hủy niêm yết các token bị nhắc tên. Gary Gensler và SEC đã thực sự trở thành một bóng ma che phủ thị trường crypto.
XRP – SEC: Cuộc chiến không khoan nhượng
Trong tất cả token bị SEC cáo buộc là chứng khoán, XRP là token đầu tiên bị kiện. XRP lại được phát hành bởi Ripple Labs – một doanh nghiệp nằm trong top những công ty khủng nhất của ngành crypto. Do đó, thắng bại trong cuộc chiến pháp lý giữa XRP – SEC sẽ quyết định vận mệnh của cả thị trường này.
Nếu SEC chiến thắng, mọi công ty crypto ở Hoa Kỳ sẽ bị xem như là công ty chứng khoán, mọi hành động của các công ty này phải nằm dưới sự kiểm soát của SEC. Khi các công ty muốn làm gì cũng phải xin phép SEC, cơ quan này tự nhiên biến thành kẻ “bảo kê” của cả ngành, rất dễ dẫn đến độc quyền, tham nhũng. Chiến thắng của SEC cũng sẽ thành tiền lệ cho nhiều quốc gia khác, gây ra hậu quả khôn lường cho ngành crypto.
Ngược lại, một chiến thắng của XRP và Ripple Labs sẽ thổi bay màn đêm tăm tối đó. XRP mà không phải là chứng khoán, thì 99% token trong thị trường crypto cũng không phải là chứng khoán, vậy thì các công ty crypto sẽ không phải bị đóng khung trong khuôn khổ Luật chứng khoán nữa. Ngành crypto sẽ thoải mái phát triển hơn.
Vì tính chất không khoan nhượng của cuộc chiến pháp lý, cả Ripple Labs (XRP) và SEC đều dồn rất nhiều nguồn lực cho vụ kiện này. Theo CEO của Ripple Labs, công ty sẽ phải chi tổng cộng 200 triệu USD cho vụ kiện. Về phía SEC, con số phí tổn không được tiết lộ nhưng cũng sẽ rất lớn, do chi phí pháp lý ở Hoa Kỳ rất cao, đặc biệt là chi phí cho luật sư.
Ripple Labs (XRP) đang trên đà chiến thắng
Phán quyết vào ngày 13/7 của Thẩm phán quận Nam New York là một tình tiết mang tính bước ngoặt của cuộc chiến pháp lý. Phán quyết có 3 điểm chính:
- Thứ nhất, phán quyết cho rằng hoạt động bán token XRP cho các tổ chức đầu tư là hoạt động chứng khoán. Do đó Ripple Labs phải nộp tiền phạt và án phí cho vi phạm này.
- Thứ hai, phán quyết cho rằng tất cả token XRP được bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ và được giao dịch trên các sàn đều không phải là chứng khoán. GFI Blockchain xin được trích nguyên văn: “XRP – dưới dạng một token kỹ thuật số – không phải là một “hợp đồng, giao dịch, hoặc mô hình” như được nhắc đến trong tiêu chuẩn Howey về hợp đồng đầu tư”.
- Thứ ba, phán quyết nói rằng để xác định một token có phải là chứng khoán hay không thì phải phân tích mô hình của từng token, chứ không thể đưa ra kết luận cho cả thị trường crypto. Phán quyết này là một thất bại lớn của SEC, vì giờ đây, SEC phải kiện từng token một để chứng minh token đó là chứng khoán.
Điểm thứ hai và thứ ba của phán quyết đã mang lại chiến thắng lớn cho Ripple Labs và cả thị trường crypto. Vậy là những cáo buộc bấy lâu của SEC rằng hàng loạt token như MATIC, SOL, LINK, ADA… là chứng khoán bỗng nhiên không còn thuyết phục. Sàn Coinbase hay Kraken cũng không vi phạm luật khi niêm yết những token nêu trên.
Nhìn một cách toàn diện, phán quyết này là một hành động “dĩ hòa vi quý” từ phía thẩm phán. SEC đã có chiến thắng cho riêng mình, cuối cùng cũng chứng minh được Ripple Labs vi phạm luật chứng khoán. Tuy nhiên, Ripple Labs và thị trường crypto đã thắng cả cuộc chiến. Thị trường crypto có thể tạm thở phào và tập trung phát triển trong thời gian tới.
Nhận được tin tức này, thị trường đã phản ứng vô cùng tích cực. Giá của XRP tăng tới 80% trong ngày 14/7, vốn hóa đạt mốc 42 tỷ USD, vượt cả vốn hóa của BNB. Giá của nhiều token vốn bị SEC đưa vào danh sách chứng khoán đã được dịp tăng mạnh, thậm chí giá BTC cũng tăng hơn 5%. Các sàn như Coinbase, Kraken hay BinanceUS đã nhanh chóng niêm yết lại token XRP sau 2 năm hủy niêm yết, như một sự trả thù ngọt ngào cho SEC.
Thế cuộc đang bỏ ngỏ, SEC có kiện nữa không?
Theo đúng luật thì SEC và XRP còn tới hai lần kháng cáo, một lần lên tòa phúc thẩm và một lần lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Dù vậy, khả năng hai đơn vị này kháng cáo là khá thấp, vì cả hai bên đã suy kiệt với vụ kiện 3 năm. Cụ thể, chi phí pháp lý đã lên tới hàng trăm triệu USD cho mỗi bên, cùng với vô số nhân lực đã bỏ ra.
Do đó, việc tòa án cho SEC một chiến thắng nho nhỏ có thể là để mở đường cho SEC rút lui trong danh dự. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần thận trọng, vì động thái tiếp theo của SEC rất có thể là kiện các công ty đã từng bán token cho các tổ chức đầu tư.
SEC đang mất dần uy tín
SEC của Gary Gensler vốn đã mất uy tín vì bị chỉ trích thẳng thừng trước Quốc hội Hoa Kỳ, nay lại bị kết quả vụ kiện dội một gáo nước lạnh vào mặt. Nhiều Nghị sĩ Hoa Kỳ đã tranh thủ kết quả vụ kiện để một lần nữa “réo tên” Gary Gensler và SEC.
Nghị sĩ Patrick McHenry – Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Hoa Kỳ – đã đưa ra lời đe dọa đối với Chủ tịch SEC Gary Gensler:
“Những chính sách cực tả về môi trường và xã hội của phe Dân chủ đã không được Quốc hội thông qua, nên phe Dân chủ đang lợi dụng SEC để áp đặt chính sách của họ lên người dân Mỹ. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng để chấm dứt sự lạm quyền của Gary Gensler.”
Ở bên dưới bài tweet này, cộng đồng đã thể hiện sự ủng hộ với hàng loạt hashtag #FireGaryGensler (Sa thải Gary Gensler).
Democrats don’t have the votes to get their far-left environmental and social policy through Congress, so they are using the SEC to force their agenda on the American people.
I will keep fighting to end @GaryGensler's abuse of power. pic.twitter.com/Mb8qDJFZ8b
— Patrick McHenry (@PatrickMcHenry) July 13, 2023
Điểm thú vị là ngay cả những đảng viên đảng Dân chủ như Nghị sĩ Ritchie Torres cũng lên tiếng chỉ trích SEC:
“SEC hành động như một ông cảnh sát giao thông năng nổ, cứ tùy tiện bắt phạt các tài xế nhưng lại không nói cho họ biết giới hạn tốc độ. SEC thích nói chuyện bằng sự áp đặt, thay vì đưa ra luật lệ hoặc bản hướng dẫn. Đó không phải là cách để quản lý tài sản số. Tôi kêu gọi mở một cuộc điều tra (với SEC và công ty ma Prometheum).”
Những phát biểu này cho thấy thất bại trong cuộc chiến pháp lý với XRP là một tổn thất nặng nề đối với uy tín và quyền lực của SEC. Từ nay về sau, SEC dưới sự lãnh đạo của Gary Gensler sẽ không còn sức nặng trong các cáo buộc “token này, token nọ là chứng khoán”, và sẽ phải chùn chân mỗi khi muốn kiện các sàn giao dịch và công ty crypto.
Kết luận
Vụ kiện kéo dài 3 năm giữa Ripple Labs (XRP) và SEC đã dần đi đến hồi kết. Phần thắng đang tạm nghiêng về XRP và suy rộng ra là cả thị trường crypto. Các token sẽ không còn bị SEC tùy tiện cáo buộc là chứng khoán, nên các công ty crypto có thể rảnh tay để tập trung phát triển.
Với SEC, sự thất bại chung cuộc đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của cơ quan này và cá nhân Gary Gensler. Tuy nhiên, thị trường cũng cần cảnh giác với tình trạng “chó cùng rứt giậu” của SEC. Trong thời gian tới, tận dụng phán quyết của tòa án, cơ quan này có thể sẽ kiện hàng loạt công ty crypto đã từng mở bán token cho các tổ chức đầu tư.