Sự bùng nổ của thị trường Blockchain đã tạo ra nhu cầu cực lớn về một nguồn cung cấp dữ liệu chính xác và liên tục. Trong khi đó, các hợp đồng thông minh lại không có khả năng tự giao tiếp với nhau hay tự tiếp nhận thông tin trong thế giới thực. Do vậy, các dịch vụ oracle đã dần ra đời để giải quyết nhu cầu cấp bách này.

Trong số các dự án về lĩnh vực oracle, Chainlink đang nổi lên như một kẻ thống trị thị trường. Tập hợp những bộ óc tinh hoa của ngành blockchain, Chainlink đã liên tục ra mắt những sản phẩm đánh đúng nỗi đau của thị trường, đồng thời phát triển một hệ sinh thái khổng lồ về đơn vị cung cấp dữ liệu và khách hàng sử dụng dữ liệu. 

Vậy Chainlink (LINK) là gì và tại sao dự án này có thể thống trị lĩnh vực oracle như vậy? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài phân tích chuyên sâu dưới đây của GFI Blockchain. 

Chainlink là gì?

Chainlink là một mạng lưới oracle phi tập trung, giúp các hợp đồng thông minh tương tác một cách an toàn với dữ liệu và dịch vụ trong thế giới thực bên ngoài các blockchain. Mục tiêu của Chainlink là cung cấp dữ liệu đúng nhất – hay còn gọi là “sự thật” – cho các hợp đồng thông minh cũng như các tổ chức có nhu cầu.

Mô hình đơn giản của Chainlink Oracle
Mô hình đơn giản của Chainlink Oracle

Ý tưởng kinh doanh 

Blockchain là một hệ thống khép kín. Nếu phải tồn tại một mình, blockchain sẽ như một chiếc máy tính hay điện thoại mà không thể kết nối với Internet. Do đó, các ứng dụng Oracle sinh ra để giúp blockchain giao tiếp, trao đổi dữ liệu với thế giới thực bên ngoài. 

Sản phẩm oracle của Chainlink được phổ biến đến cộng đồng vào năm 2017, và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2019. Oracle của Chainlink được đánh giá là một sản phẩm mới có tính ứng dụng cao, giải quyết một vấn đề lớn về mặt công nghệ của thị trường. Chainlink đã trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực oracle và giữ vững vị thế dẫn đầu từ đó cho đến ngày hôm nay. 

Các dịch vụ oracle – đặc biệt là của Chainlink – đã góp phần không nhỏ trong hành trình phát triển của thị trường blockchain. Tất cả các lĩnh vực chính của thị trường như DeFi, NFT, Lending, Derivatives,… đều phải cần có oracle để có thể kết nối giữa dữ liệu off-chain và on-chain. Oracle đã, đang và sẽ là lĩnh vực đi cùng với sự phát triển chung của thị trường. 

Đánh giá thị trường 

Nhu cầu thực tế của giải pháp 

Ban đầu, Chainlink chỉ cung cấp giải pháp Oracle. Tuy nhiên, Chainlink đã dần phát triển thành một nền tảng Infrastructure (Cơ sở hạ tầng) thực thụ với rất nhiều sản phẩm khác nhau. Có thể thấy được nhu cầu của các sản phẩm này thông qua số lượng dự án khách hàng của Chainlink sau đây:

  • Oracle – Data Feeds (1000 dự án tích hợp): Có thể thấy nhu cầu về dịch vụ Data Feeds của Chainlink là rất lớn, do các dự án đều cần có oracle để phục vụ cho sản phẩm của mình, và số lượng dự án trong ngành thì ngày càng tăng. 
  • Automation (207 dự án tích hợp): Automation là giải pháp của Chainlink giúp cho smart contract của các bên sử dụng có thể cập nhật sự thay đổi về dữ liệu theo thời gian thực trong một khoảng thời gian cụ thể. Sản phẩm này có nhu cầu trung bình do không quá cần thiết đối với phần lớn dự án. 
  • VRF (720 dự án tích hợp): VRF – Verifiable Random Function (Hàm ngẫu nhiên có thể xác thực) – cung cấp logic ngẫu nhiên vào smart contract một cách phi tập trung. Sản phẩm này có nhu cầu lớn, trong đó phần lớn các sản phẩm sử dụng VRF là các dự án ứng dụng NFT như các NFT Collection, NFT Gaming… 
  • Proof of Reserve (42 dự án tích hợp): Sau sự sụp đổ của FTX, Proof of Reserve (Bằng chứng Dự trữ) đã trở thành chuẩn mực mới dành cho các công ty CeFi, đặc biệt là các sàn CEX như Huobi, Gemini… Hiện tại, theo xu hướng RWA (Real World Assets) của thị trường, các giao thức như Tangible, TrueFi… cũng cần ứng dụng Proof of Reserve để minh bạch hóa tài sản thế chấp. Sản phẩm này có nhu cầu khá ít ở thời điểm hiện tại. 
  • CCIP (8 dự án tích hợp): CCIP (hay Cross-Chain Interoperability Protocol) là một sản phẩm rất được cộng đồng chờ đón, nhưng sản phẩm này chỉ mới ra mắt bản beta mainnet vào tháng 7/2023 (chưa phải full launch mainnet). Do đó, số lượng dự án và blockchain được hỗ trợ vẫn còn hạn chế, chỉ bao gồm các blockchain lớn như Ethereum, Polygon, Avalanche, Arbitrum, Optimism… 

Nguồn: Chainlink Ecosystem

Khả năng mở rộng trong tương lai 

Trong số 5 sản phẩm trên, có 3 sản phẩm là Data Feed, VRF và CCIP sẽ có khả năng mở rộng tốt trong tương lai: 

  • Data Feed và VRF: Khi thị trường ngày càng lớn với dòng tiền mới và số lượng dự án ngày càng nhiều thì sẽ luôn có nhu cầu cho Data Feed và VRF. Hạ tầng Data Feed và VRF đã được Chainlink phát triển liên tục trong hơn 3 năm qua nên đã đạt đủ tiêu chuẩn để cung cấp dữ liệu cho thị trường. Hai dịch vụ này cũng đang hoàn toàn miễn phí nên đang thu hút rất nhiều dự án sử dụng, sau này Chainlink có thể thu phí cho một số trường hợp sử dụng đặc biệt. 
  • CCIP: Nhu cầu giao tiếp giữa các blockchain với nhau đã được giải quyết bằng các giải pháp cross-chain bridge. Tuy nhiên, khả năng bảo mật của các dự án này là không tốt, cross-chain bridge là mảng nằm trong top các vụ hack lớn nhất trong lịch sử DeFi. Mô hình Omnichain của LayerZero và CCIP của Chainlink sẽ đáp ứng được nhu cầu bảo mật này. Riêng với Chainlink, CCIP đang là nguồn lợi nhuận duy nhất (thu phí khi bridge tài sản). 

Thị phần 

Theo thống kê từ DefiLlama, Total Value Secured (Tổng giá trị tài sản được đảm bảo) của các dịch vụ Oracle đang là 41 tỷ USD với sự góp mặt của 47 dự án. Trong đó, Chainlink đang chiếm gần 55% thị phần với TVS khoảng 22,6 tỷ USD. 

Chainlink chiếm gần 55% TVS của thị trường oracle
Chainlink chiếm gần 55% TVS của thị trường Oracle

Xét theo số liệu Market Cap (Vốn hóa Thị trường) từ CoinGecko, lĩnh vực Oracle đang có tổng vốn hóa là 9,3 tỷ USD. Trong đó, Chainlink chiếm 86% thị phần với vốn hóa 8 tỷ USD. 

Chainlink chiếm 86% vốn hóa thị trường oracle
Chainlink chiếm 86% vốn hóa thị trường oracle

Đối với số lượng đối tác sử dụng dịch vụ Data Feeds, 2 dự án đối thủ là Band Protocol và API3 cũng chỉ lần lượt có 37 và 136 đối tác (phần lớn là dự án quy mô nhỏ). Trong khi đó, con số đối tác sử dụng Data Feeds của Chainlink đã lên đến hơn 1000 dự án, bao gồm những giao thức DeFi lớn nhất thị trường.

Đội ngũ phát triển và Cố vấn 

Lực lượng nhân sự của Chainlink Labs rất hùng hậu, cùng với đó là sự dẫn dắt của dàn lãnh đạo và cố vấn cực kỳ tên tuổi, có sức ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực. Lực lượng nhân sự này sẽ là nền tảng vững chắc để Chainlink hiện thực hóa những tham vọng của mình. 

Theo thông tin từ LinkedIn, nhân sự của Chainlink Labs hiện đang có 459 người. Các vị trí C-Level và Advisor của Chainlink đều sở hữu những profile khủng: 

  • Sergey Nazarov – Co-Founder & CEO: 

Sergey Nazarov từng học chuyên ngành Triết học và Quản trị tại Đại học New York. Sau đó Sergey làm thực tập sinh 2 năm tại FirstMark Capital (một quỹ quản lý 2 tỷ USD) từ năm 2009. 

Đến năm 2011, Sergey làm việc tại QED Capital – một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ blockchain, từ đó mở ra thời kỳ Sergey tìm hiểu sâu về công nghệ này. Năm 2014, khi vẫn còn làm việc tại QED, ông đã trở thành Co-Founder và CEO của dự án CryptaMail, đồng thời là Co-Founder và CEO của Secure Asset Exchange. 

Bước ngoặt đến với Sergey vào cuối năm 2014, khi ông sáng lập công ty SmartContract – một mạng lưới kết nối các hợp đồng thông minh với các API bên ngoài. Sergey đã cùng Steve Ellis và Ari Juels phát triển ý tưởng về một sản phẩm giúp thu hẹp khoảng cách giữa blockchain với thế giới thực, từ đó cách mạng hóa tính ứng dụng của hợp đồng thông minh trên blockchain. Sản phẩm này về sau được phát triển thành một mạng lưới oracle với tên gọi Chainlink. 

Trong cộng đồng Chainlink cũng lưu truyền một thuyết âm mưu về việc Sergey Nazarov chính là Satoshi Nakamoto, với hai lý do: Thứ nhất, tên và họ của cả hai người đều bắt đầu bằng chữ cái S và N. Thứ hai, Sergey Nazarov đã mua tên miền smartcontract.com (được điều hướng đến trang web của Chainlink Labs) vào ngày 25/10/2008, chỉ 1 tuần trước ngày ra mắt của Bitcoin whitepaper (31/10/2008). Dù vậy, đây cũng chỉ là thuyết âm mưu. 

Trên thực tế, Sergey là một người có ảnh hưởng lớn trong ngành blockchain, ông thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện dành cho những builder hàng đầu. Twitter của Sergey cũng chia sẻ nhiều quan điểm của ông về hướng phát triển của thị trường blockchain, do đó thu hút lượng lớn follower là các KOL trong ngành, cũng như cộng đồng nhà phát triển và nhà đầu tư.

Sergey Nazarov - CEO và Co-Founder của Chainlink
Sergey Nazarov – CEO và Co-Founder của Chainlink
  • Steve Ellis – Co-Founder & CTO: 

Steve Ellis từng học chuyên ngành Khoa học Máy tính tại Đại học New York (cùng trường với Sergey), sau đó ông làm trợ giảng cũng trong khoa này. Sau khi tốt nghiệp, Steve làm kỹ sư phần mềm tại Pivotal Labs, tập trung vào extreme programming. 

Ông là Co-Founder và CTO tại Secure Asset Exchange, sau đó cùng với Sergey sáng lập công ty SmartContract (tiền thân của Chainlink). 

  • Ari Juels – Chief Scientist: 

Cùng với Sergey Nazarov, Ari Juels cũng là một nhân vật rất đáng chú ý của Chainlink Labs. Ông là đồng tác giả của Chainlink whitepaper vào năm 2017 và Chainlink whitepaper 2.0 vào năm 2021. 

Về mặt học thuật, Ari Juels là tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học California Berkeley, và hiện tại là giáo sư tại Đại học Cornell. Ông là một giáo sư đáng kính trong ngành Khoa học máy tính, được trích dẫn tới 36 nghìn lần trong các báo cáo khoa học. Ông cũng đã chính thức đưa ra thuật ngữ Proof of Work (cơ chế đồng thuận của Bitcoin và phiên bản trước của Ethereum) vào năm 1999.

Giáo sư Ari Juels - Chief Scientist của Chainlink
Giáo sư Ari Juels – Chief Scientist của Chainlink
  • Kemal El Moujahid – CPO: 

Kemal El Moujahid là thạc sĩ Khoa học máy tính tại Đại học École Polytechnique (đại học về kỹ thuật hàng đầu nước Pháp), sau đó là thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Stanford. 

Kemal có 3 năm làm việc tại Facebook ở vị trí Director of Product Management. Sau đó, ông chuyển sang Google và quản lý về sản phẩm cho TensorFlow – nền tảng machine learning mã nguồn mở lớn nhất thế giới. Kemal đảm nhận vị trí CPO (Giám đốc sản phẩm) tại Chainlink Labs từ năm 2022. 

  • Eric Schmidt – Advisor: 

Ngoài dàn lãnh đạo kỳ cựu, Chainlink cũng có những advisor rất tên tuổi, một trong số đó là Eric Schmidt. Ông học Kỹ thuật Điện tại Đại học Princeton, và là tiến sĩ Khoa học máy tính tại đại học California Burkeley (cũng là nơi Ari Juels lấy bằng tiến sĩ). 

Trong chính quyền Mỹ, Eric Schmidt từng là chủ tịch Hội đồng cố vấn về Công nghệ cho Bộ Quốc phòng Mỹ, và là Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo. 

Trong sự nghiệp kinh doanh, Eric Schimidt từng là CEO và Chủ tịch của Google trong suốt 15 năm, góp công lớn trong việc đưa Google từ một startup thành một đế chế công nghệ hàng đầu thế giới. Ông cũng là thành viên hội đồng quản trị của Apple trong 3 năm. 

Eric Schmidt có triết lý kinh doanh dựa trên cạnh tranh và độc quyền, được thể hiện qua phát biểu: “Tại sao mục tiêu của chúng ta không phải là trở nên cực kỳ thành công đến mức chúng ta bị kiện vì quá độc quyền?”. Chiến lược kinh doanh này đã được Eric Schmidt áp dụng với Google, và có thể ông cũng đang áp dụng chiến lược trên với Chainlink để giúp công ty này giữ vững vị thế thống trị trên thị trường oracle.

Eric Schmidt - Cố vấn Chiến lược của Chainlink
Eric Schmidt – Cố vấn Chiến lược của Chainlink
  • Balaji Srinivasan – Advisor: 

Balaji Srinivasan thường được biết đến với vai trò cựu CTO của sàn Coinbase, và là General Partner (hiểu đơn giản là thành viên ban quản trị) của quỹ đầu tư Andreessen Horowitz (a16z). Ông là một nhà đầu tư thiên thần cực kỳ nổi tiếng, vô số dự án được ông đầu tư từ sớm và đã thành công như Ethereum, Solana, Avalanche, NEAR, Polygon, Chainlink… 

Sản phẩm 

Các sản phẩm của Chainlink chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của dự án này. Chainlink hiện đang cung cấp 7 sản phẩm, gồm: 

  • Data Feeds: Tích hợp dữ liệu off-chain cực kỳ an toàn để đưa vào các hợp đồng thông minh. 
  • CCIP: Giao thức chuyển dữ liệu cross-chain (tương tự các giải pháp như LayerZero, các cầu cross-chain phổ biến…). 
  • VRF: Cung cấp tính ngẫu nhiên có thể kiểm chứng, được ứng dụng nhiều trong các dự án Game và NFT. 
  • Proof of Reserve: Kiểm chứng việc lưu trữ tài sản được token hóa (wrapped asset) từ cross-chain hoặc off-chain. 
  • Data Streams: Cung cấp dữ liệu thị trường với độ trễ thấp. 
  • Automation: Cung cấp khả năng tự động hóa cho các hợp đồng thông minh. 
  • Function: Hỗ trợ các hợp đồng thông minh truy cập cơ sở hạ tầng tính toán, thu thập dữ liệu từ API và thực hiện các tính toán được cá nhân hóa. 

Trong đó, Data Feeds và CCIP là 2 sản phẩm chủ lực của Chainlink: 

  • Data Feeds (cụ thể hơn là Price Feeds): Chainlink Data Feeds là sản phẩm oracle được sử dụng rộng rãi nhất trong thị trường, với hơn 1000 dự án đang sử dụng. Về mặt mô hình triển khai, Chainlink giảm trách nhiệm cho các nhà cung cấp dữ liệu đầu vào (không cần chạy node hay thế chấp tài sản). Do đó, mạng lưới có thể được mở rộng dễ dàng hơn, kết nối với nhiều bên cung cấp dữ liệu (data provider) hơn so với các mô hình khác (như Pyth, API3…). Tuy nhiên, vấn đề tồn đọng của mô hình này là người dùng sẽ phải tin tưởng vào hệ thống oracle phi tập trung (DONs – Decentralized Oracle Networks) của Chainlink. 
  • CCIP (Cross-Chain Interoperability Protocol): CCIP được đánh giá là công nghệ có thể giải quyết pain point lớn của thị trường hiện tại, nếu xét về mức độ an toàn khi gửi dữ liệu cross-chain. Tuy nhiên, CCIP mới chỉ được triển khai trong 5 tháng trở lại đây và đang ở giai đoạn beta mainnet, nên chúng ta cần thêm thời gian để quan sát hiệu suất của sản phẩm này. 

Nhắc tới những sản phẩm chủ lực cũng là nhắc tới khả năng dự đoán xu hướng thị trường rất tốt của đội ngũ Chainlink. Năm 2019, Chainlink tập trung phát triển sản phẩm Data Feed thì năm 2020 thị trường nổ ra làn sóng DeFi Summer. Năm 2020, Chainlink phát triển VRF thì 2021 trở thành giai đoạn bùng nổ của GameFi và NFT. 

Đến năm 2021, Chainlink tập trung xây dựng CCIP thì 2022, 2023 trở thành giai đoạn bùng nổ nhu cầu di chuyển tài sản giữa các blockchain. Có thể thấy các sản phẩm của Chainlink khi ra mắt đã đáp ứng những nhu cầu cấp bách của thị trường. 

Công nghệ 

Trong phần này, chúng ta sẽ tập trung phân tích mô hình hoạt động của 2 sản phẩm chủ lực của Chainlink là Data FeedsCCIP. 

Mô hình hoạt động của Data Feeds 

Để dễ dàng phân tích mô hình hoạt động của Chainlink Data Feeds, chúng ta cần so sánh với mô hình của Band Protocol, Pyth Network và API3. Xuyên suốt trong 4 mô hình thiết kế oracle hiện nay, có 3 đối tượng không đổi là: 

  • Data provider: Các bên cung cấp dữ liệu off-chain, có thể là Binance, CoinGecko… 
  • Data consumer: Các bên sử dụng dữ liệu, thường là các dự án về DeFi, NFT… 
  • Destination blockchain (chuỗi đích): Đây là nơi đặt các hợp đồng thông minh của dự án để các bên sử dụng dữ liệu có thể lấy dữ liệu. 
So sánh thiết kế oracle của Chainlink và các đối thủ (nguồn Delphi Digital)
So sánh thiết kế oracle của Chainlink và các đối thủ (Nguồn: Delphi Digital)

Tuy nhiên, 4 mô hình trên có sự khác nhau ở một số tiêu chí sau: 

  • Tổ chức công việc: 

Đối với 2 mô hình đầu tiên (Chainlink và Band Protocol), có 2 vai trò rõ ràng trong giai đoạn tổng hợp giá (price aggregation). Thứ nhất, bên cung cấp dữ liệu đầu vào (data provider) sẽ chỉ chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu và nhận phần thưởng từ mạng lưới. Thứ hai, bên vận hành node (node operator) có trách nhiệm nhận, tổng hợp, lưu trữ và gửi dữ liệu đáng tin cậy lên các hợp đồng thông minh ở chain đích. 

Vì vậy, để đảm bảo tính đúng đắn của dữ liệu đầu ra, các node operator sẽ phải thế chấp tài sản của mình và chịu rủi ro slashing (bị phạt bằng cách lấy đi tài sản thế chấp) nếu như bị phát hiện có sai phạm. Trong khi đó, đối với 2 dự án Pyth và API3, các data provider vừa cung cấp dữ liệu vừa gửi dữ liệu tổng hợp về chuỗi đích. 

Với thiết kế như vậy, các bên cung cấp dữ liệu của Pyth sẽ phải chịu nhiều trách nhiệm và rủi ro (slashing) hơn, dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng đối tượng cung cấp dữ liệu so với các mô hình khác. 

  • Vận hành node: 

Như đề cập ở trên, vì tính chuyên biệt hóa nên các node của Chainlink và Band Protocol sẽ được vận hành bởi bên thứ ba. Trong khi đó, các bên cung cấp dữ liệu của Pyth và API3 đảm nhiệm luôn công việc chạy node, không cần thông qua 1 lớp trung gian của bên thứ ba, nên không phải chia sẻ doanh thu cho lớp trung gian đó. 

So sánh mô hình kinh tế oracle của Chainlink và các đối thủ (nguồn Delphi Digital)
So sánh mô hình kinh tế oracle của Chainlink và các đối thủ (nguồn Delphi Digital)

Tóm lại, mô hình của Chainlink cần nhiều sự tin tưởng vào bên thứ ba, trong khi các data provider trong mô hình của Pyth lại đảm nhiệm cả phần chạy node và bị slashing nếu sai phạm. Do đó, mô hình của Chainlink sẽ thu hút nhiều data provider hơn do ít chịu trách nhiệm và bị phạt, nhưng bù lại Chainlink phải chọn lọc rất kỹ các bên chạy node cho DONs vì cả hệ thống của Chainlink phải tin tưởng vào DONs. 

Mô hình hoạt động của CCIP 

CCIP cho phép chuyển thông tin và token giữa các blockchain được hỗ trợ trong mạng lưới của Chainlink. Nhờ vậy, các nhà phát triển có thể tận dụng thế mạnh và lợi ích của các blockchain khác nhau trên cùng một dApp. CIPP cũng cho phép xây dựng các cross-chain dApp (ứng dụng xuyên chuỗi) để phục vụ nhiều người dùng hơn, thông qua việc kết hợp giữa các nhà phát triển trên mỗi blockchain khác nhau. 

Trong mô hình của CCIP, token sẽ được lock/burn (khóa hoặc đốt) trên blockchain nguồn (source chain), sau đó được unlock/mint (mở khóa hoặc in ra) trên blockchain đích (destination chain). Tùy loại token mà có cơ chế phù hợp, và có mạng lưới chống gian lận chạy off-chain để hỗ trợ mô hình này. Tóm lại, mục tiêu của CCIP là gắn kết các blockchain lại với nhau (“chain” “link”). 

Tài chính 

Tình hình gọi vốn 

Tình hình gọi vốn của Chainlink không quá nổi bật, với tổng cộng 32 triệu USD thu được sau 3 vòng gọi vốn ICO và seed round bởi các nhà đầu tư: FJ Syndicates, Richard F. Dulude, Nirvana Capital, Limitless Crypto Investments, George Burke, Andreas Schwartz, Fundamental Labs, 8Decimal, Anmi OECD, Consensus Capital, Framework Ventures, Outlier Ventures. 

Danh sách nhà đầu tư này không quá nổi bật. Một số cá nhân và tổ chức trong danh sách này hầu như không còn được biết đến trên thị trường blockchain hiện nay. 

Tình hình doanh thu 

Về mặt doanh thu, Price Feeds là sản phẩm chủ đạo ở giai đoạn đầu của dự án nhưng lại được cung cấp miễn phí, không tạo ra doanh thu. Các sản phẩm mà Chainlink đang thu phí gồm Chainlink CCIP, Chainlink Keepers, Chainlink Requests, Chainlink VRF (V1 và V2). 

Dòng tiền để vận hành các dịch vụ của Chainlink có thể được hiểu như sau: 

  • Chainlink thu phí LINK từ người dùng và trả một phần cho các node operator để yêu cầu dữ liệu. Các node thiết lập giá của riêng mình, vì khi chúng ta thấy các node thu phí 0,1 LINK, đó là phí cho mỗi lượt call API hoặc yêu cầu dữ liệu. 
  • Khi người dùng thực hiện một yêu cầu, họ chọn oracle cụ thể mà họ muốn sử dụng. Một yêu cầu chỉ gửi tới một oracle duy nhất. Nếu người dùng muốn một câu trả lời phi tập trung hơn, họ có thể gửi yêu cầu tới nhiều oracle. Tương tự như các blockchain có gas giao dịch riêng, các oracle cũng có một loại gas riêng gọi là oracle gas. 

Theo DefiLlama, Chainlink Requests, Chainlink VRF V2 và Chainlink CCIP là 3 sản phẩm tạo ra doanh thu chính cho Chainlink, với tổng doanh thu khoảng 150 nghìn USD mỗi tháng, một con số không ấn tượng. Bên cạnh đó, Chainlink còn có nguồn thu từ việc nhận tài trợ để duy trì dịch vụ Price Feeds (con số không được tiết lộ) và việc bán token hàng tháng trên các sàn giao dịch. 

Doanh thu lũy kế của Chainlink trong 4 tháng gần đây
Doanh thu lũy kế của Chainlink trong 4 tháng gần đây

Việc bán token để duy trì và mở rộng đội ngũ phát triển cũng đã trở thành một hoạt động định kỳ của Chainlink. Theo tokenomics của Chainlink, khoảng 35% số lượng token được dành cho các nhà phát triển dự án trong tương lai (kỹ sư, sản phẩm, nhân viên thiết kế, pháp lý, tiếp thị và nhiều lĩnh vực khác). 

Kết luận 

Chainlink là một dự án phát triển các sản phẩm về Oracle, giúp hợp đồng thông minh tương tác an toàn với nhau và với dữ liệu từ thế giới thực. Oracle là một phân khúc rất quan trọng, và Chainlink đã biết tận dụng đội ngũ cực kỳ mạnh của mình để phát triển những sản phẩm có thể giải quyết nhu cầu cấp bách của thị trường blockchain (như Data Feeds và CCIP). 

Tuy nhiên, hiện tại Chainlink vẫn chưa tạo được nhiều doanh thu, hầu như phải trợ giá cho dịch vụ Data Feeds, và phần lớn nguồn thu lại đến từ việc “xả token”. 

Để có cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về dự án này, mời các bạn tiếp tục tìm hiểu những khía cạnh như lộ trình phát triển, tokenomics, hệ sinh thái và cả những rủi ro tại Phân tích chuyên sâu dự án Chainlink (LINK): P2