Tổng quan 

Thời gian qua, từ khóa “RWA” – Real World Assets (tài sản trong thế giới thực) đang được nhắc đến nhiều trên các nền tảng truyền thông. Đây được xem là xu hướng mới giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường DeFi sau một thời gian không có nhiều biến động.

Vậy RWA là gì và có thể được ứng dụng như thế nào trong thị trường DeFi? Tất cả sẽ được tổng hợp trong bài viết dưới đây của GFI Blockchain.

RWA là gì? 

RWA – hay Real World Assets – là những tài sản hữu hình và vô hình trong thế giới thực, nhưng được đưa vào blockchain và trở thành tài sản on-chain.

Tài sản hữu hình là các vật chất có thể cầm nắm, nhìn thấy được. Ví dụ phổ biến nhất là bất động sản, vàng, bạc, hoặc các hàng hóa như ô tô, đồng hồ, tranh ảnh nghệ thuật, đồ lưu niệm…

Tài sản vô hình là các dòng tiền, dòng doanh thu mà có thể chứng minh được là có thật. Tài sản vô hình có thể được chứng minh bằng sổ sách kế toán của công ty hoặc dữ liệu về việc phát sinh doanh thu (như dữ liệu của một kênh Youtube). Ví dụ về tài sản vô hình gồm cổ phiếu, trái phiếu, bảo hiểm, hóa đơn, hay phí bản quyền.

Tiền mặt cũng là một loại RWA. Trong thị trường crypto, tiền mặt được tokenize thành các stablecoin như USDT, USDC, hay BUSD.

Vì sao cần đưa RWA lên blockchain? 

Thực trạng ảm đạm của thị trường DeFi 

Thị trường DeFi đã phát triển mạnh từ đầu năm 2020 và đạt mốc TVL hơn 180 tỷ USD vào cuối năm 2021. Kể từ đó, cùng với đà downtrend của thị trường, giá trị tài sản được khóa (TVL) trên các giao thức DeFi đã sụt giảm mạnh, chỉ còn dưới 50 tỷ USD.

Các bạn có thể đọc thêm về thị trường DeFi qua bài viết: DeFi 2022 và 3 xu hướng 2023.

Thị trường DeFi sụt giảm mạnh từ tháng 12/2021
Thị trường DeFi sụt giảm mạnh từ tháng 12/2021. Nguồn DeFiLlama

Vốn là trụ cột về tiến bộ công nghệ và là động lực phát triển của cả ngành blockchain, tuy nhiên hiện nay, DeFi vẫn mắc kẹt trong những mô hình tokenomics nghèo nàn với tỉ lệ lạm phát token cao.

Một số token giảm hơn 90% giá trị, thậm chí biến mất khỏi thị trường, kéo theo lợi nhuận cho người dùng cũng giảm đáng kể. Lợi suất từ DeFi giờ chỉ còn tương đương với TradFi (Traditional Finance – tài chính truyền thống).

Dễ thấy rằng TradFi cung cấp một mô hình đầu tư ít rủi ro hơn nhiều so với DeFi. Vậy khi lãi suất giữa hai mảng là như nhau, người dùng DeFi sẽ dần rút lui và trở về với TradFi. Thực trạng này đòi hỏi một nguồn lợi suất mới để vực dậy DeFi, và Real World Assets chính là câu trả lời.

Động lực mới từ RWA 

Hiện nay, Real World Assets đang đóng góp một phần rất lớn vào giá trị của nền tài chính toàn cầu. Trong đó, thị trường nợ (với dòng tiền cố định) đã có giá trị khoảng 127 nghìn tỷ USD, thị trường bất động sản có giá trị khoảng 362 nghìn tỷ USD, và vốn hóa thị trường vàng là khoảng 11 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, với TVL chỉ 50 tỷ USD, thị trường DeFi giống như một người tí hon so với vốn hóa của RWA. Nếu đưa được RWA lên blockchain, thị trường DeFi sẽ nhận được một dòng tài sản dồi dào những mô hình lợi nhuận đa dạng hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

DeFi mở ra tiềm năng khổng lồ cho RWA 

Không chỉ là bên được lợi từ Real World Assets, DeFi cũng giúp tạo ra một mô hình thị trường hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiệu suất của TradFi đang dần bão hòa.

TradFi đã phải phụ thuộc vào hệ thống trung gian từ ngày mới ra đời. Hệ thống trung gian gồm người môi giới, các hoạt động xác thực danh tính, và các quy định. Hệ thống này đã phần nào đảm bảo an toàn cho các giao dịch, nhưng đi kèm với đó là những hạn chế về hiệu quả sử dụng vốn.

Theo Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu 2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), TradFi kém hiệu quả vì người tham gia thị trường phải trả phí cho bên trung gian (gồm phí lao động và phí quản lý hệ thống).

Ngoài ra, tài sản người dùng cũng bị kiểm soát bởi một bên thứ ba và đôi khi người dùng còn bị chặn khỏi hệ thống. Các mô hình DeFi sẽ giúp loại bỏ những hạn chế này này.

Bên cạnh việc loại bỏ hệ thống trung gian, việc áp dụng DeFi vào RWA cũng giúp người dùng dễ dàng đa dạng hóa danh mục đầu tư thông qua các token. Thanh khoản cũng nhanh chóng với các mô hình AMM giúp người dùng ngay lập tức hoàn thành giao dịch.

Đây là lợi ích cực kỳ lớn đối với những người đã quen với giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư chứng khoán thường phải liên hệ với công ty môi giới để giao dịch, và các giao dịch thường có độ trễ (như T+1, T+3).

Một lợi ích cuối cùng của DeFi cho RWA chính là sự minh bạch của sổ cái blockchain, giúp người dùng quan sát được luồng giao dịch, từ đó đánh giá được tình hình thị trường. Những thông tin này thường bị giấu kín trong TradFi.

Ứng dụng của Real World Assets trong DeFi 

Vậy khi Real World Assets được đưa lên blockchain, chúng sẽ được sử dụng như thế nào trong DeFi? Hiện nay, RWA có 3 ứng dụng chính trong DeFi:

  • Sử dụng làm stablecoin.
  • Tạo ra synthetic token (token tổng hợp).
  • Sử dụng làm tài sản trong các giao thức lending.

Stablecoin

Stablecoin là ví dụ hoàn hảo nhất của việc sử dụng RWA trong DeFi. USDT và USDC là 2 đồng stablecoin thường xuyên nằm trong top 5 token crypto hàng đầu theo vốn hóa thị trường, với tổng vốn hóa của chúng hiện đang ở mức hơn 110 tỷ USD. Điểm chung của cả hai là đều được đảm bảo bởi các tài sản thực như USD và trái phiếu.

Hiện nay, USDC được đảm bảo peg 1:1 với USD nhờ kho tài sản dự trữ gồm 8,1 tỷ USD tiền mặt và 29 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Tương tự, hơn 80% tài sản dự trữ của USDT là tiền mặt và trái phiếu Kho bạc, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp, tiền cho vay và các khoản đầu tư khác.

USDC được đảm bảo bởi tiền mặt và trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ
USDC được đảm bảo bởi tiền mặt và trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ

Với tính chất này, các stablecoin là tài sản quan trọng của DeFi, hỗ trợ luân chuyển giá trị giữa thế giới thực và blockchain, cũng như là một tài sản trung gian để trú ẩn sự biến động của thị trường.

Synthetic token 

Synthetic token hỗ trợ giao dịch on-chain cho các sản phẩm tài chính phái sinh liên quan đến tiền tệ, cổ phiếu và hàng hóa. Một nền tảng giao dịch synthetic token rất phổ biến là Synthetix (SNX) đã đạt mốc TVL gần 3 tỷ USD vào năm 2021.

TVL của Synthetix từng đạt hơn 3 tỷ USD
TVL của Synthetix từng đạt hơn 3 tỷ USD

Synthetic token có nhiều ứng dụng thú vị. Chẳng hạn, người nắm giữ tài sản thực như bất động sản có thể chứng khoán hóa dòng tiền từ hoạt động cho thuê, sau đó tokenize chứng khoán đó thành synthetic token để giao dịch trên DeFi.

Lending 

Một số nền tảng lending như Goldfinch, Maple Finance hay Centrifuge giúp hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp trong thế giới thực. Các nền tảng này yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các bằng chứng về tài sản và doanh thu, từ đó nhà đầu tư có thể cho các doanh nghiệp vay tiền một cách phi tập trung.

Mô hình này cung cấp lợi nhuận tương đối ổn định và không chịu sự biến động của thị trường tiền điện tử.

Đọc thêm: Top 10 dự án nổi bật ứng dụng Real World Assets (RWA)

Kết luận 

Real World Assets là những tài sản ở thế giới thực được đưa lên blockchain nhằm tạo ra nguồn tài sản mới cho DeFi. DeFi cũng giúp người sở hữu RWA tối ưu hiệu quả sử dụng vốn so với TradFi.

Một số ứng dụng nổi bật của RWA trong DeFi là stablecoin, synthetic token và lending. Đây chỉ là các ứng dụng đơn giản, do đó lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, cũng phải để ý một số thách thức đặt ra cho RWA như vấn đề định giáxác thực cho tài sản. Những bài viết tiếp theo của GFI Blockchain sẽ đào sâu hơn về chủ đề này.