Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về thị trường Oracle, đội ngũ phát triển và mô hình hoạt động của Chainlink. Vậy định hướng của Chainlink trong tương lai là gì, những công ty nào đang hợp tác với Chainlink, hay những đối thủ nào đang nhăm nhe vị thế thống trị thị trường oracle?
Mời các bạn cùng tìm hiểu những khía cạnh đó trong bài viết dưới đây của GFI Blockchain.
→ Đọc thêm: Phân tích chuyên sâu dự án Chainlink (LINK): P1
Lộ trình phát triển
Tổng quan lộ trình phát triển của Chainlink
Có thể chia lộ trình phát triển của Chainlink thành 3 giai đoạn: Khởi đầu, Hình thành và Phát triển.
- Giai đoạn khởi đầu:
Khi Ethereum ra đời, thị trường blockchain được làm quen với khái niệm smart contract (hợp đồng thông minh). Smart contract vốn gặp khó khăn khi tích hợp dữ liệu off-chain, nên cần phải có oracle để hỗ trợ việc này, nhưng rủi ro trong mô hình này là oracle cung cấp dữ liệu sai để tấn công smart contract đó.
Sau khi cân nhắc các lợi ích của một “smart contract đáng tin cậy” về mặt chuyển tiếp dữ liệu từ bên ngoài vào blockchain, Chainlink đã cho ra đời giải pháp Decentralized Oracle (oracle phi tập trung).
- Giai đoạn hình thành:
Như đã đề cập, sự phi tập trung hóa (decentralization) giúp tăng độ tin cậy của số liệu và tạo ra mô hình kinh doanh chính của Chainlink, nhưng Chainlink đã phi tập trung như thế nào? Có thể giải thích thông qua việc xem xét vòng đời của một data feed trên mạng lưới Chainlink:
- Người dùng viết một yêu cầu cung cấp dữ liệu (chẳng hạn “Hãy feed cho tôi giá của cặp BTC/USDT”) và gửi yêu cầu này đến tất cả các node của Chainlink.
- Các node Chainlink giải mã yêu cầu bằng phần mềm của Chainlink Core, rồi feed (cung cấp) số liệu này đến các contract ở các bước tiếp theo.
- Chainlink Reputation Contract (Hợp đồng danh tiếng) sẽ kiểm tra lịch sử của các oracle provider để xác nhận độ uy tín của dữ liệu và hiệu suất của các đơn vị này, đồng thời đánh giá và loại bỏ các dữ liệu từ node không đáng tin cậy (nếu cần thiết).
- Chainlink Order-Matching Contract (Hợp đồng khớp lệnh) sẽ chọn lọc những số liệu phù hợp nhất (chẳng hạn số liệu về giá của BTC thì phải là giá của BTC, thay vì số liệu không liên quan như nhiệt độ ngoài trời).
- Chainlink Aggregating Contract (Hợp đồng tổng hợp) sẽ tổng hợp từ các số liệu bên trên và cho ra kết quả cuối cùng.
Một vòng đời như vậy sẽ giúp Chainlink đảm bảo được độ tin cậy của thông tin. Đến năm 2017, Chainlink ra mắt token LINK để biến mô hình dịch vụ trên thành một mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên, lúc này token LINK vẫn chưa có tác dụng gì, vì Chainlink không yêu cầu khách hàng trả phí bằng LINK, trừ một số bên dùng LINK để trả cho dịch vụ VRF. Có thể nói token LINK lúc này sinh ra là để “xả” nhằm duy trì đội ngũ phát triển, và sự phi tập trung của Chainlink nằm ở cấu trúc vận hành chứ không phải token và tính năng quản trị.
Tình trạng này đã phần nào được cải thiện khi Chainlink ra mắt lộ trình Chainlink 2.0 vào tháng 4/2021. Lộ trình này đã có sức ảnh hưởng cực lớn đến hoạt động của Chainlink cho tới ngày nay.
- Giai đoạn phát triển (Chainlink 2.0):
Chainlink đã đưa ra tầm nhìn đối với lộ trình Chainlink 2.0 như sau:
“Chúng tôi thấy rằng vai trò của mạng lưới oracle ngày càng tăng. Các blockchain mới và cũ sẽ phải bổ sung và nâng cao khả năng kết nối và tính toán phổ quát một cách nhanh chóng và đáng tin cậy cho các hybrid smart contract. Thậm chí mạng lưới oracle sẽ trở thành tính năng quan trọng cho việc xuất dữ liệu blockchain một cách toàn vẹn sang các hệ thống bên ngoài blockchain.”
Đây là một tầm nhìn hai chiều. Thứ nhất, blockchain cần dữ liệu từ bên ngoài và từ các blockchain khác để nâng cao khả năng kết nối và tính toán. Thứ hai, thế giới bên ngoài cũng cần dữ liệu từ blockchain. Tầm nhìn hai chiều này chính là định hướng mà Chainlink đang tập trung phát triển.
Điểm đáng chú ý đầu tiên trong bản cập nhật Chainlink 2.0 là DONs (Decentralized Oracle Networks – Các Mạng lưới Oracle Phi tập trung). Lưu ý rằng trước đây Chainlink chỉ gọi hệ thống oracle của mình là Oracle Network, không có yếu tố “Decentralized” (phi tập trung).
Bên cạnh đó, Chainlink sử dụng từ “Networks” ở dạng số nhiều, để nhấn mạnh rằng Chainlink không phải là một mạng lưới oracle mà là tập hợp của nhiều mạng lưới oracle, mỗi mạng lưới oracle lại có nhiều oracle nhỏ hơn.
Mỗi DON là một mạng lưới oracle tùy chọn cụ thể (chẳng hạn người dùng có thể yêu cầu giá của cặp BTC/USDT). Các node operator sẽ tự lập nên một DON để hỗ trợ cho yêu cầu cụ thể đó (chỉ sinh ra để cung cấp giá của cặp BTC/USDT), và kết quả cuối cùng sẽ được đưa ra dựa trên giao thức đồng thuận BFT (Byzantine Fault Tolerance).
Người dùng có thể yêu cầu các thể loại dữ liệu đa dạng (không giới hạn phạm vi), từ giá cả cho đến nhiệt độ, thời gian, tình trạng vận chuyển của hàng hóa…
Ngoài ra, DON còn cung cấp khả năng truy cập vào các tài nguyên điện toán (computing) như tính toán và lưu trữ phi tập trung off-chain với hiệu quả cao. Nghĩa là DON vừa có thể là oracle, vừa là một hệ thống lưu trữ và tính toán phi tập trung (distributed computing & storage).
Bởi vì DON có thể được tạo nên từ một bộ phận node operator, nên Chainlink kỳ vọng sẽ có nhiều DON giống nhau chạy song song (nhưng có tính chất khác nhau). Nhờ vậy, dApp và người dùng sẽ có nhiều lựa chọn, tùy thuộc vào nhu cầu của họ.
Chainlink nhấn mạnh rằng dù có DONs hay không thì bản thân Chainlink vẫn là một hệ thống permissionless. DONs có thể là nền tảng cho một cấu trúc permissionless, ở đó các node có thể tập hợp với nhau để trở thành một mạng lưới oracle có cơ chế riêng (có thể là permissioned hoặc permissionless).
Nhìn chung, mô hình DONs sẽ nâng cao khả năng mở rộng, chuyên môn hóa và linh động cho Chainlink. DONs được thiết kết để nâng cao và mở rộng khả năng của smart contract trên một blockchain mục tiêu, bằng cách cung cấp các chức năng vốn không có sẵn trên blockchain đó.
Điểm đáng chú ý thứ hai trong bản cập nhật Chainlink 2.0 là Hybrid Smart Contracts (Hợp đồng Thông minh Lai).
Hybrid Smart Contracts là smart contract có 2 phần có thể kết hợp xử lý liền mạch với nhau, gồm:
- Phần on-chain: Smart contract thông thường, quy định các logic mặc định.
- Phần off-chain: Chính là DONs. Đóng vai trò như cầu nối với các dịch vụ off-chain như dịch vụ web, các blockchain khác, dịch vụ lưu trữ phi tập trung…
Tại sao lại cần có Hybrid Smart Contracts? Bởi vì các on-chain smart contract chạy chậm, đắt tiền và thiếu chính xác, không thể hưởng lợi từ dữ liệu của thế giới thực. On-chain smart contract cũng không thực hiện được một số chức năng như tính toán bí mật, tạo ra tính ngẫu nhiên, chống lại thao tác độc hại của các validator…
Hybrid Smart Contracts là bước đầu để mở ra meta contract. Meta contract có thể hiểu là contract có 2 phần được xây dựng trên một metalayer: phần on-chain quy định logic của smart contract và phần off-chain để tính toán. Metalayer là một cấu trúc mà Chainlink đang hướng đến, nhằm kết nối blockchain và thế giới thực (đây là một tầm nhìn rất vĩ mô).
Sự kết hợp của DONs và Hybrid Smart Contracts đã mở ra rất nhiều tiềm năng và dịch vụ mới của Chainlink. Trong đó, xét theo tầm nhìn của Chainlink whitepaper 2.0, có đến hơn 80% dịch vụ đã thành hiện thực.
Ngoài ra, trong whitepaper 2.0, Chainlink cũng đã ra mắt tokenomics mới tập trung vào staking, chia sẻ phí và gia tăng tính bảo mật cho mạng lưới. Tính năng staking đã được Chainlink triển khai sau 1 năm rưỡi kể từ ngày ra đời của whitepaper này.
Với Chainlink 2.0, lộ trình của Chainlink đã rõ ràng hơn rất nhiều. Khả năng mở rộng, tính linh hoạt, tính phi tập trung và độ tin cậy của Chainlink đã được cải thiện vô cùng đáng kể thông qua DONs và Hybrid Smart Contract. Lộ trình này cũng đánh dấu sự cải thiện tích cực về tokenomics của Chainlink.
Đánh giá quy mô của tầm nhìn
Tầm nhìn của Chainlink là rất lớn, đó là trở thành một cầu nối trung gian giữa các blockchain, và giữa thế giới blockchain với thế giới thực. Không chỉ vậy, đích đến cuối cùng của Chainlink còn là xây dựng meta contract và meta layer với 2 phần: on-chain để quy định logic và off-chain để xử lý dữ liệu. Meta layer của Chainlink sẽ là điểm đến của các dApp, nơi chúng có thể giao tiếp liền mạch với nhau và với thế giới thực.
Thực tế hoàn thành so với kế hoạch
So với kế hoạch Chainlink 2.0, Chainlink đã hoàn thành khoảng 80% hạng mục cho đến thời điểm hiện tại. Các sản phẩm đã ra mắt gồm: CCIP, Data Stream & Data Feeds, Proof of Reserve, DECO, Automation, Functions, VRF, Fair Sequencing Services. Các bạn có thể xem chi tiết về tình trạng và kế hoạch sắp tới của các sản phẩm này trong Báo cáo Q3/2023 của Chainlink.
Mức độ chỉn chu của các sản phẩm của Chainlink cũng rất cao. Chẳng hạn, sản phẩm cốt lõi Data Feeds có 5 sản phẩm phụ bên trong, đã có mặt trên Ethereum (EVM), Solana (non-EVM) và cả Starknet (cũng là non-EVM nhưng khác với Solana).
Sản phẩm cốt lõi khác là Proof of Reserve cũng đã được đề cập trong whitepaper từ tháng 4/2021 và thật sự đã có nhu cầu cao sau sự sụp đổ của sàn FTX và sự ra đời của xu hướng Real World Assets. Hiện tại, sản phẩm này đã được tích hợp bởi nhiều đối tác truyền thống lẫn Web3.
Cộng đồng và người dùng
Tốc độ phát triển cộng đồng và người dùng
Chainlink hiện có 1 triệu người theo dõi trên X, một con số vượt trội so với các đối thủ khác như Band Protocol, API3… Lượng thành viên trong Discord là khoảng 111 nghìn người, cũng là một con số rất đáng kể.
Sự quan tâm của cộng đồng và người dùng
Các nhóm chia sẻ về Chainlink trên các diễn đàn như Reddit, StackExchange… hoạt động rất tích cực, chủ yếu là các nhà phát triển chia sẻ về kiến thức, bàn luận về tính năng và các bản cập nhật. Cộng đồng cũng chú ý nhiều và phản đối các động thái chuyển token lên sàn để “xả” của đội ngũ Chainlink (liên tục từ năm 2019 đến nay).
Bên cạnh đó, Chainlink cũng nổi tiếng với một nhóm nhỏ cộng đồng tin tưởng tuyệt đối vào tương lai của Chainlink và đặt tên cho dự án là “The God Protocol” (Giao thức của Chúa). Tên gọi này ám chỉ Chainlink là sứ giả của Chúa để kết nối dữ liệu, truyền tin giữa thế giới blockchain và thế giới thực.
Theo đó, các dữ liệu mà Chainlink tổng hợp có thể được xem là “sự thật” được đảm bảo bởi công nghệ mã hóa. Các dApp, blockchain và cả thế giới loài người muốn hoạt động trơn tru thì phải “lắng nghe” Chainlink. Do ảnh hưởng từ quan điểm này, trong giai đoạn uptrend 2021, một số dự án đã bị cộng đồng chê bai vì chưa tích hợp Data Feeds hoặc VRF của Chainlink.
Tuy nhiên, đây chỉ là góc nhìn của một nhóm thiểu số tin tưởng thái quá vào Chainlink, chúng ta chỉ nên xem Chainlink như bao dự án cơ sở hạ tầng khác đang đóng góp cho ngành blockchain.
Tokenomics
Token use-cases
Các use-cases của LINK chỉ bắt đầu xuất hiện từ khi sáng kiến Economics 2.0 ra đời (khoảng nửa sau năm 2022). Trước đó, LINK hầu như không có use-case gì, chỉ dùng để trả phí cho VRF và quan trọng nhất là được đội ngũ mang đi bán để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, tình hình đang dần được cải thiện đối với token LINK, vì LINK đã được sử dụng làm phí cho giao thức CCIP, từ đó cũng tạo ra doanh thu ổn định cho Chainlink.
Chainlink cũng có một số mục tiêu dài hạn cho use case của token LINK, gồm:
- Tăng cường an ninh kinh tế và đảm bảo cho người dùng sử dụng các dịch vụ của Chainlink.
- Cho phép cộng đồng tham gia vào mạng lưới Chainlink.
- Tạo ra phần thưởng bền vững.
- Trao quyền cho các node operator để tiếp cận các công việc có giá trị cao hơn, bằng cách stake nhiều token LINK hơn.
Chương trình Staking v0.1 tạo ra một mô hình kinh tế mới, giúp tăng lượng phí thu được từ người dùng, cho phép các staker khác nhau kiếm được các phần phí khác nhau từ dịch vụ của họ. Cụ thể:
- Pool staking có lượng stake tối đa là 25 triệu LINK, trong đó các node operator có thể stake tổng cộng 22,5 triệu LINK.
- Có mô hình theo dõi danh tiếng để tự động phân bổ lượng stake và báo động.
- Node operator nhận được khoảng 5% APY (bao gồm lạm phát LINK và phí dịch vụ thu đc), cùng với 5% lượng phần thưởng mà các delegator (bên ủy quyền) sẽ nhận được. Chẳng hạn một người sở hữu LINK ủy quyền 1000 LINK vào một node, sau đó nhận được lãi suất hàng năm là 50 LINK, thì phải trích 5% x 50 = 2,5 LINK cho node đó.
Chương trình Staking v0.2 sẽ nâng hạn mức staking lên thành 45 triệu LINK. Các bạn có thể đọc thêm tại blog của Chainlink về điều kiện để tham gia gói early access cho Staking v0.2.
Tổng cung và lưu hành hiện tại
Theo CoinGecko, nguồn cung của token LINK cụ thể như sau:
- Tổng cung: 1.000.000.000 LINK.
- Lưu hành hiện tại: 556.849.971 LINK.
Giá LINK tại vòng Private Sale và ICO
Chainlink từng mở bán Private Sale với giá 0,0899 USD và ICO với giá 0,109 USD.
Tỷ lệ phân bổ và Lộ trình phân bổ
Hiện tại Chainlink đã mở khóa toàn bộ token LINK (100% unlocked). Phần lớn lượng LINK được kiểm soát bởi đội ngũ Chainlink (65%) và một phần lớn trong số này đang được lưu trữ trong các ví multisig riêng biệt (chia ra từ 6 ví ban đầu).
Từ ngày Chainlink tách ví, lượng token gồm 532,9 triệu LINK giờ chỉ còn 443 triệu LINK. Có thể phỏng đoán rằng 90 triệu LINK đã được mang đi làm incentive (phần thưởng) cho node operator và staker.
Có thể thấy tỷ lệ phân bổ token LINK không hề khoa học (do tokenomics thời 2017 chưa phát triển như hiện nay), dẫn đến việc 100% lượng token LINK được unlock trong vòng 3 năm. Đội ngũ Chainlink cũng kiểm soát quá nhiều nguồn cung ban đầu của LINK, tạo ra rủi ro đội ngũ này có thể bán hết bất cứ lúc nào và làm cho giá Chainlink giảm mạnh.
Tỷ lệ lạm phát và tốc độ đốt token
Chainlink không có lạm phát (tổng cung cố định) và cũng không có tính năng đốt token.
Đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh nổi bật của Chainlink
Chainlink có nhiều đối thủ trong mảng oracle như Chronicle, Winklink, API3, Band, UMA, Nest, DIA, DOS Network, Supra, iExec RLC, Augur, Pyth… Tuy nhiên, Chainlink có lợi thế vượt trội so với các đối thủ này.
Cụ thể, Chainlink là người tiên phong trong lĩnh vực oracle với đội ngũ mạnh và uy tín. Với hàng nghìn dự án đối tác, Chainlink có thể dễ dàng chuyển đổi đối tác này thành khách hàng cho các sản phẩm tiếp theo của mình. Ngoài ra, các sản phẩm của Chainlink cũng thường đón đầu xu hướng thị trường rất tốt, như sản phẩm Data Feeds cho xu hướng DeFi, sản phẩm VRF cho xu hướng NFT/GameFi, sản phẩm CCIP cho xu hướng cross-chain…
Bên cạnh đó, như đã đề cập trong phần Đội ngũ phát triển, cố vấn của Chainlink là Eric Schmidt – cựu CEO và chủ tịch của Google trong vòng 15 năm. Eric nổi tiếng với chiến lược cạnh tranh để đạt được độc quyền, và đã đưa Google trở thành ông trùm trong mảng tìm kiếm.
Chainlink dưới sự cố vấn của Eric cũng đang thực hiện nước đi tương tự: chấp nhận thu phí thấp hoặc miễn phí dịch vụ để thâu tóm tối đa thị phần. Chiến lược này đang cho thấy hiệu quả cao và đang giúp Chainlink duy trì vị thế thống trị thị trường oracle.
Dù vậy, Chainlink vẫn có một đối thủ đáng gờm là Binance oracle. Trước mắt, Binance oracle sẽ chỉ phục vụ trong hệ sinh thái Binance và BNB Chain, nhưng có thể mở rộng ra các hệ sinh thái khác nếu chứng minh được hiệu quả. BNB Chain dù ra mắt sau và có phần “sao chép” Ethereum nhưng đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Ethereum trong mùa uptrend 2021, nên rất có thể câu chuyện tương tự sẽ xảy ra với mảng oracle.
Tương quan thị phần so với đối thủ
- DeFi
Như đã đề cập trong phần Đánh giá thị trường, trong lĩnh vực DeFi, Chainlink đang chiếm gần 55% thị phần với TVS khoảng 22,6 tỷ USD.
- Cross-chain
Sản phẩm cầu cross-chain CCIP của Chainlink đang vận hành mainnet và testnet trên 7 blockchain lớn gồm Ethereum, Avalanche, BNB Chain, Polygon, Base, Arbitrum, Optimism… Nếu được lên mainnet hoàn chỉnh, CCIP sẽ trở thành đối thủ của các cầu cross-chain phổ biến như Bungee Bridge, Orbiter Finance, Synapse Protocol, Layerswap, cBridge (Celer Network)…
CCIP có đối thủ trực tiếp về mặt công nghệ là LayerZero – một giao thức cung cấp khả năng tương tác omnichain cho các dApp như Stargate, Trader Joe, Radiant Protocol… Theo tổng hợp của Messari vào tháng 4/2023, LayerZero đã hợp tác với hơn 70 dự án (trong đó 17 blockchain), trong khi hiện nay CCIP chỉ mới hỗ trợ token sUSD và 7 blockchain lớn.
Đối tác và Hệ sinh thái
Đối tác của Chainlink
Chainlink có một hệ sinh thái đa dạng với hơn 1900 đối tác, đó là các dự án và công ty trên nhiều lĩnh vực. Có thể chia các đối tác này thành: Đối tác hỗ trợ cho Chainlink và Đối tác sử dụng dịch vụ của Chainlink.
- Đối tác hỗ trợ cho Chainlink:
Chainlink có 100 đối tác là Data Provider, gồm Google Cloud, Coingecko, Associated Press (AP), Houbi, Binance, Kraken, AccuWeather…
Bên cạnh đó, có 89 đối tác Node Operator đang hỗ trợ Chainlink, gồm Infura, Blockpass, Binance, Houbi, Kraken, Framework Labs, Cosmostation…
- Đối tác sử dụng dịch vụ của Chainlink:
Chainlink đã ra mắt một bài blog liệt kê đến 77 use case của Chainlink mà các hợp đồng thông minh có thể sử dụng. Đối tác sử dụng dịch vụ của Chainlink trải rộng trên khắp các lĩnh vực, như các dApp DeFi, Gaming, Blockchain, Ngân hàng (SWIFT – Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng), Bảo hiểm, RWA…
Chainlink đang hỗ trợ tới 93 dự án blockchain, với các blockchain hàng đầu như Ethereum, Polkadot, Avalanche, BNB Chain, Polygon, Optimism, Arbitrum… Hầu hết dApp DeFi hàng đầu như Aave, Compound, Liquity… đều sử dụng oracle của Chainlink.
Chainlink cũng có nhiều khách hàng trong từng mảng cụ thể của DeFi như options, futures, tài sản tổng hợp, stablecoin thuật toán, yield farming, tự động hóa quản lý tài sản…
Hướng phát triển hệ sinh thái
Như đã đề cập trong phần Lộ trình phát triển, tầm nhìn của Chainlink là trở thành một metalayer cho tất cả dApp trong thế giới blockchain, giúp kết nối blockchain với thế giới thực. Đây là một tầm nhìn vĩ mô và cần nhiều thời gian để hiện thực hóa.
Còn trong ngắn hạn, Chainlink đang thúc đẩy hệ sinh thái bằng 2 chương trình là SCALE và BUILD.
- SCALE: Chainlink sẽ kêu gọi các blockchain thanh toán phí hoạt động của Chainlink Oracle, để các dApp trong blockchain đó có thể thoải mái sử dụng dịch vụ này. Các blockchain đã tham gia vào chương trình này gồm: Avalanche, Base, Moonbeam, MoonRiver, Metis…
- BUILD: Chainlink sẽ cung cấp dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao cho các dự án mới được phát triển. Khi dự án đã trưởng thành thì sẽ phải chia sẻ phân phối token cho Chainlink (khoảng 5%), lượng token này có thể được Chainlink chuyển thành phần thưởng cho các LINK staker.
Những rủi ro của Chainlink
Chainlink là một dự án chất lượng nếu xét trên các khía cạnh mà chúng ta đã phân tích, tuy nhiên không được bỏ qua 3 rủi ro lớn của dự án này:
- Tokenomics: Đội ngũ dự án đang nắm quá nhiều token và tất cả đều đã được mở khóa.
- Tính năng Circuit Breaker: Dịch vụ Price Feeds của Chainlink có tính năng Circuit Breaker (ngắt mạch), nghĩa là sẽ ngừng cập nhật giá tài sản nếu có sự biến động quá lớn trong thời gian ngắn. Điều này đã dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc cho thị trường DeFi. Chẳng hạn, khi giá LUNA giảm sâu về mức 0,000…001 USD thì giá được giao thức Venus Protocol cập nhật từ Chainlink vẫn là 0,1 USD. Nhiều người đã tranh thủ mua token LUNA ở bên ngoài với giá rẻ, sau đó nạp vào Venus và vay ra những token có giá trị thật rồi không bao giờ trở lại, khiến giao thức này thiệt hại tới 11 triệu USD.
- Sự phụ thuộc của CCIP: Giao thức CCIP hiện tại vẫn đang phải tin tưởng vào “uy tín” của mạng lưới oracle phi tập trung (DONs) của Chainlink. Về lâu dài, CCIP sẽ hỗ trợ chuyển dữ liệu cross-chain cho rất nhiều dự án và người dùng, sự phụ thuộc này sẽ tạo ra rủi ro lớn cho các giao dịch.
Kết luận
Chainlink đã hoàn thành tốt các hạng mục trong lộ trình 2.0, đặc biệt là tạo thêm nhiều ứng dụng cho token LINK. Chainlink cũng thể hiện tham vọng rất lớn khi muốn biến mình thành một metalayer để kết nối thế giới blockchain với thế giới thực.
Dù tầm nhìn này có thành hiện thực hay không, dự án này vẫn đang giữ vững vị thế thống trị thị trường oracle, và đang có một lượng đối tác cực lớn cả trong thị trường blockchain lẫn thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, Chainlink cũng có một cộng đồng rất trung thành, luôn tin tưởng vào tầm nhìn của đội ngũ phát triển.
Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo nhìn nhận rằng Chainlink có những rủi ro về mô hình hoạt động và tokenomics, có thể gây tổn thất lớn cho các đối tác sử dụng dịch vụ và những holder trung thành.