Tổng quan 

Việc sử dụng tài sản trong thế giới thực (Real World Assets – RWA) trong DeFi đang trở thành một xu hướng ngày càng được phổ biến rộng rãi. Các tài sản vật chất như bất động sản, ô tô và hàng hóa có thể được biến đổi thành các sản phẩm tài chính kỹ thuật số trên blockchain và được giao dịch trên các sàn giao dịch phi tập trung. 

Dù gặp phải một số thách thức khi chuyển đổi tài sản từ thế giới thực lên blockchain, ngày càng nhiều tổ chức đầu tư, giao thức DeFi và doanh nghiệp truyền thống đang tham gia tích cực vào xu hướng này. 

Trong bài viết dưới đây của GFI Blockchain, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về tình hình ứng dụng RWA trong thị trường truyền thống và blockchain, lợi ích đối với các doanh nghiệp, cũng như những thách thức mà lĩnh vực RWA đang gặp phải. 

Đọc thêm: 

Thực trạng ứng dụng Real World Assets 

Các tổ chức đầu tư ứng dụng thành công Real World Assets 

Việc ứng dụng Real World Assets trong các tổ chức đầu tư đang được triển khai ở bước thử nghiệm. Các thử nghiệm này chủ yếu liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu, chuyển đổi ngoại tệ và từng bước tích hợp DeFi vào các hoạt động ngân hàng. 

Một ví dụ nổi bật nhất về việc ứng dụng thành công Real World Assets trên DeFi chính là dự án Guardian của Ngân hàng Trung ương Singapore. Đây là một dự án thử nghiệm ứng dụng DeFi cho thị trường gọi vốn được thực hiện vào cuối năm 2022. 

Trong thử nghiệm đầu tiên này, DBS Bank, JP Morgan và SBI Digital Asset Holdings đã tiến hành giao dịch các tài sản được token hóa gồm trái phiếu chính phủ Singapore, trái phiếu chính phủ Nhật Bản, đồng Yên Nhật (JPY) và đồng Đô la Singapore (SGD). 

Thử nghiệm này được vận hành trên blockchain Polygon, sử dụng bản fork của giao thức lending Aave và sàn Uniswap. Bản thử nghiệm đã đánh dấu cột mốc lần đầu tiên JP Morgan thực hiện một giao dịch DeFi trên một blockchain công khai, với một giao dịch chuyển đổi 100.000 đô la Singapore được token hóa thành token yên Nhật Bản.

Một thử nghiệm khác thuộc dự án Guardian cũng đang được thực hiện, trong đó Standard Chartered Bank (ngân hàng lớn thứ 5 nước Anh) sẽ hỗ trợ phát hành các token liên quan đến tài sản tài chính thương mại (như các loại hóa đơn). Ngân hàng HSBC và United Overseas Bank cũng đang nghiên cứu phát hành các sản phẩm quản lý tài sản dưới dạng token hóa. 

Ngân hàng lớn thứ 5 nước Anh tích cực tham gia hoạt động token hóa
Ngân hàng lớn thứ 5 nước Anh tích cực tham gia hoạt động token hóa

Gần đây, tập đoàn công nghệ Siemens đã phát hành một khoản trái phiếu trị giá 60 triệu euro trên blockchain Polygon. Khoản trái phiếu này có kỳ hạn một năm, được phát hành tuân thủ luật Chứng khoán Điện tử Đức (eWpG), và được thu mua bởi DekaBank, DZ Bank và Union Investment. 

Ông Peter Rathgeb – Giám đốc Tài chính tại Siemens – cho biết: 

“Nhờ giảm bớt các loại giấy tờ, kết hợp sử dụng blockchain trong việc phát hành chứng khoán, chúng tôi có thể thực hiện các giao dịch nhanh hơn và hiệu quả hơn nhiều so với mô hình trước đây. Lần phát hành này giúp chúng tôi đạt được một bước tiến quan trọng trong việc phát triển chứng khoán kỹ thuật số tại Đức.” 

Với thực trạng ứng dụng RWA như vậy, chúng ta có thể thấy rằng các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn đang rất cởi mở với ngành blockchain và DeFi. Sự tiện dụng của blockchain sẽ thúc đẩy việc token hóa và ứng dụng RWA nhiều hơn nữa ở các tổ chức này. 

Các giao thức DeFi đã tham gia sâu vào Real World Assets 

Nhiều giao thức DeFi đang rất quan tâm tới việc token hóa Real World Assets, và cũng đang nắm giữ hàng trăm triệu USD tài sản dạng này. Các giao thức DeFi đang ứng dụng RWA tích cực nhất trong việc phát triển stablecoin, token hóa các chứng khoán và sản phẩm tài chính khác. 

MakerDAO là dự án DeFi đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc áp dụng RWA. Hiện tại, giao thức này nắm giữ một lượng RWA có giá trị hơn 680 triệu USD để bảo chứng cho stablecoin DAI. MakerDAO đang dần chuyển đổi tài sản bảo chứng thành trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, do lãi suất cơ bản của Hoa Kỳ đang ở mức khoảng 4%, cao hơn rất nhiều so với lãi suất 2% khi cho vay tại các dự án DeFi. 

Bằng cách dùng RWA làm tài sản thế chấp, MakerDAO có thể tăng tỷ lệ phát hành DAI vào thị trường, củng cố tính ổn định của đồng DAI và tăng đáng kể doanh thu của giao thức. Theo số liệu từ Dune Analytics, khoảng 58% doanh thu của MakerDAO đến từ RWA. 

 

58% doanh thu của MakerDAO đến từ RWA
58% doanh thu của MakerDAO đến từ RWA

Phần lớn tài sản thế chấp RWA của MakerDAO (khoảng 500 triệu USD) đến từ các trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, mang đến một mức lãi suất phải chăng hơn so với việc cho vay USDC. MakerDAO cũng hợp tác với Huntingdon Valley Bank (HVB) để ra mắt một vault lãi suất trị giá 100 triệu USD được bảo chứng bởi các khoản vay trong thế giới thực. Những động thái trên cho thấy MakerDAO đang tham gia rất sâu vào việc ứng dụng RWA để hỗ trợ cho mô hình kinh doanh. 

Một ông lớn khác trong ngành DeFi là giao thức Lending Aave với TVL 7,7 tỷ USD cũng đang tích cực ứng dụng RWA. Aave đang hợp tác với Centrifuge để phát triển stablecoin GHO – một loại stablecoin được bảo chứng bằng RWA. 

Bên cạnh việc phát triển GHO, Aave cũng đang nhúng tay nhiều hơn vào mảng bất động sản. Mới đây, một bản đề xuất đã được soạn thảo bởi Marc Zeller (Integrations Lead của Aave), cho phép nền tảng token hóa bất động sản RealT fork mô hình của Aave để phát triển một nền tảng giao dịch Real World Assets. Đổi lại, 20% lợi nhuận từ nền tảng này sẽ được RealT gửi lại cho Aave theo từng quý.

Aave sắp ra mắt stablecoin GHO được bảo chứng bằng RWA
Aave sắp ra mắt stablecoin GHO được bảo chứng bằng RWA

Nhiều giao thức DeFi khác gồm Ondo Finance, Backed, Maple Finance, Centrifuge, Goldfinch… cũng là những ví dụ tiêu biểu trong việc ứng dụng RWA:

  • Ondo Finance – một nền tảng DeFi cho các RWA – gần đây đã token hóa các trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ ngắn hạn và trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao. Ondo cũng đã cho ra mắt Flux Finance, một giao thức lending cho vay các stablecoin với tài sản thế chấp là trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. 
  • Backed – một startup tại Thụy Sĩ về RWA – vừa ra mắt sản phẩm đầu tiên của mình là bCSPX, đại diện cho các cổ phiếu ETF S&P 500 đã được mã hóa thành token. Các token của Backed có thể được chuyển dễ dàng giữa các ví và cho phép giao dịch 24/7 trên thị trường vốn.
  • Centrifuge là một giao thức giúp chứng khoán hóa và token hóa các khoản nợ, với tổng tài sản đã cho vay lên đến 298 triệu đô la Mỹ.

Đọc thêm: Ondo Finance là gì? (ONDO) Tổng quan dự án Ondo Finance 

Dự án Ondo Finance
Dự án Ondo Finance

Nhìn chung, các giao thức DeFi đã xác định RWA là một bộ phận quan trọng của thị trường này. Nếu giá trị các tài sản crypto tiếp tục tích lũy đi ngang trong thời gian dài, các giao thức DeFi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xu hướng sử dụng RWA làm tài sản bảo chứng và token hóa RWA nhằm duy trì động lực tăng trưởng. 

Lợi ích của việc token hóa Real World Assets 

Như đã được đề cập trong bài viết Real World Assets (RWA) là gì? Ứng dụng của RWA trong DeFi, việc đưa Real World Assets lên blockchain giúp mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp truyền thống: 

Tăng hiệu suất và tính minh bạch 

Sổ cái blockchain với các hoạt động on-chain được hiển thị rõ ràng là nguồn thông tin đáng tin cậy cho việc giải quyết tranh chấp trong giao dịch. Bên mua cũng sẽ ngay lập tức nhận được tài sản từ bên bán, mà không còn phải chịu thời gian trì hoãn (ví dụ T+1, T+2). 

Giảm chi phí 

Các giao thức DeFi tự vận hành sẽ giúp giảm bớt nhu cầu sử dụng bên trung gian trong quá trình giao dịch. Theo số liệu từ HSBC, việc áp dụng công nghệ blockchain giúp giảm tới 90% chi phí phát hành trái phiếu và 40% chi phí huy động vốn. 

Ngân hàng HSBC có cái nhìn tích cực về blockchain và crypto
Ngân hàng HSBC có cái nhìn tích cực về blockchain và crypto

Hỗ trợ thanh khoản 

Nhiều tài sản trên thị trường truyền thống có mức thanh khoản khá thấp (như cổ phiếu pre-IPO, bất động sản, tín chỉ carbon) nhưng lại có giá trị lên tới hàng trăm nghìn tỷ USD. Nếu có thể tăng tính thanh khoản của các tài sản này bằng cách token hóa thì sẽ giúp khơi thông một nguồn vốn khổng lồ trong thị trường. 

Nhờ có RWA, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn trước đây không bao giờ nghĩ đến việc đầu tư những tài sản có giá trị cao như bất động sản thì nay có thể sở hữu một phần tài sản, và dễ dàng tiếp cận thông qua các dApp. Đây cũng là một lượng thanh khoản lớn cho toàn thị trường. 

Sáng tạo mô hình kinh doanh mới 

Nhiều sản phẩm tài chính mới dự kiến sẽ được ra đời khi các tài sản được luân chuyển trên một nền tảng chung (chính là thế giới blockchain). Các sản phẩm đó có thể là các quỹ bất động sản được chia nhỏ (fractionalized real estate funds) hoặc hợp đồng chia sẻ doanh thu (liquid revenue-sharing agreements). 

Một số thách thức trong việc ứng dụng Real World Assets 

Với các lợi ích như vậy của Real World Assets, các doanh nghiệp và giao thức blockchain vẫn gặp phải nhiều thách thức khi làm việc với loại tài sản mới này. Các thách thức này chủ yếu liên quan đến pháp lý, cơ sở hạ tầng và rủi ro mất vốn. 

Pháp lý cho ngành RWA

Thách thức lớn nhất của các dự án và tổ chức muốn tham gia lĩnh vực RWA chính là sự mơ hồ về pháp lý. Một số khu vực phát triển như EU, Thụy Sĩ, Anh và Nhật Bản đã có những bước tiến nhất định khi cho ra mắt một bộ khung pháp lý khá rõ ràng. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ lại khá thận trọng với lĩnh vực mới này. 

Liên minh châu Âu đã thông qua dự luật MiCA về crypto
Liên minh châu Âu đã thông qua dự luật MiCA về crypto

Với các quốc gia phát triển còn như vậy, các quốc gia còn lại trên thế giới hầu như có rất ít luật pháp liên quan đến blockchain, do đó làm hạn chế sự phát triển của RWA. 

Bên cạnh đó, các giao thức DeFi còn phải đảm bảo về quy định KYC và chống rửa tiền, trong khi bản chất của DeFi là phi tập trung và ẩn danh. Một số giao thức DeFi đã phải thỏa hiệp với pháp luật và đưa ra các giải pháp đi ngược lại với triết lý của DeFi (whitelist địa chỉ ví, giới hạn truy cập với một số khu vực).  

Cơ sở hạ tầng xác thực 

Blockchain và các dApp không thể giao tiếp với thế giới thực. Do đó, khi ứng dụng Real World Assets vào DeFi, luôn phải có một bên thứ ba hỗ trợ xác minh uy tín của người vay và giá trị của các tài sản thế chấp. Quá trình giám định sử dụng công cụ là con người, vừa được tổ chức bởi một bên thứ ba nên rất dễ xảy ra sai sót hoặc thao túng. 

Một số mô hình đã được ra đời nhằm phần nào giải quyết vấn đề này, như mô hình Auditor phi tập trung của Goldfinch. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế và chưa có dự án nào trong lĩnh vực RWA đưa ra phương án hiệu quả. 

Rủi ro mất vốn 

Rủi ro mất vốn thường xảy ra trong hoạt động cho vay thế chấp sử dụng Real World Assets. Khi tài sản thế chấp được định giá cao hơn so với giá trị thật (xuất phát từ vấn đề về cơ sở hạ tầng xác thực), giao thức cho vay sẽ ngay lập tức chịu lỗ. 

Đây là điều đã xảy ra với Maple Finance, giao thức này đã thiệt hại hàng triệu USD vào năm 2022 do mất vốn trong giao dịch cho vay thế chấp. 

Kết luận 

Real World Assets là một lĩnh vực được tham gia tích cực bởi nhiều tổ chức đầu tư, doanh nghiệp và giao thức DeFi trong thời gian gần đây. Việc ứng dụng RWA vào hoạt động kinh doanh giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa các ưu điểm của blockchain như hiệu suất cao, minh bạch, và chi phí thấp. 

Tuy nhiên, xu hướng áp dụng RWA cũng gặp phải nhiều cản trở, đặc biệt là khung pháp lý không rõ ràng ở các quốc gia. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ sở hạ tầng xác thực cũng là một hạn chế lớn, gây ra rủi ro mất vốn cho các giao thức DeFi.  

Hy vọng loạt bài về Real World Assets (gồm khái niệm RWA, các dự án làm về RWA và thực trạng ứng dụng RWA) đã giúp các bạn có một cái nhìn toàn diện về lĩnh vực này. Chúc các bạn tận dụng được những insight mà đội ngũ GFI Blockchain mang lại để có được những quyết định đầu tư hợp lý.