Tổng quan

Nếu bạn đang đọc được bài viết này trên website của GFS Blockchain thì chứng tỏ rằng bạn đang là một người dùng của thế hệ web hiện đại. Các trang web mà chúng ta đang trải nghiệm ngày nay khác rất nhiều so với chỉ 20 năm về trước, thời điểm mà nó mới chớm nở bắt đầu hình thành. Vậy Web (hay Website) đã phát triển như thế nào trong tiến trình cải tiến của công nghệ, và quan trọng hơn, nó sẽ vươn xa tới đâu ở giai đoạn tiếp theo. Liệu Web3 có phải là tương lai của thế hệ Internet hiện tại hay không?

Chúng ta hãy cùng GFS Blockchain đi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

Các giai đoạn phát triển của web

Web đã phát triển rất nhiều trong những năm qua và các ứng dụng của nó ngày nay khiến chúng ta ko thể nhận ra được nó đã từng có giai đoạn rất thô sơ và nhàm chán từ những ngày đầu chớm nở. Sự phát triển của web được chia thành ba giai đoạn riêng biệt: Web 1.0, Web 2.0 và Web 3.0.

 

Các giai đoạn phát triển của Web
Các giai đoạn phát triển của Web

Web 1.0 là gì?

Web 1.0 là thế hệ đầu tiên trong tiến trình phát triển nói chung của web, thuật ngữ Web 1.0 thường mô tả sự kết nối sớm nhất của các mạng máy tính vào những năm 70 và 80 của thế kỉ trước cho đến sự nở rộ đầu tiên của các trình duyệt và trang web vào những năm 90.

web 1.0
web 1.0

Về cơ bản, trong thời gian này chỉ có hai dạng người sử dụng và trải nghiệm Web1.0, thứ nhất là các nhà phát triển nội dung, chủ sở hữu web, đó có thể là tổ chức, cá nhân, công ty nào đó tạo nên các website riêng của họ. Các trang web thời kì này sẽ chỉ đơn giản là cung cấp thông tin, kiến thức dạng văn bản chữ hoặc hình ảnh. Thứ hai là người dùng trải nghiệm, chỉ có thể tiếp nhận thông tin, đọc hiểu mà không thể có bất kì một tương tác qua lại nào với nội dung trong bài viết đó. Web 1 bao gồm các trang phục vụ nội dung tĩnh thay vì HTML động như hiện tại. Dữ liệu và nội dung được cung cấp từ hệ thống tệp tĩnh chứ không phải từ các cơ sở dữ liệu và các trang web hoàn toàn không có nhiều tương tác với người dùng cuối, là những người đọc hoặc trải nghiệm nội dung

Tóm lại, có thể xem Web 1.0 là web chỉ phổ biến ở dạng đọc thông tin các bài viết. Đây được xem là thời kì sơ khai của các trang web hay hệ thống web nói chung giai đoạn đầu.

Web 2.0 là gì?

Web 2.0 bắt đầu nhen nhóm hình thành từ giữa những năm 2000. Các nền tảng lớn như Google, Amazon, Facebook và Twitter đã nổi lên để chiếm lĩnh thị phần của Internet bằng cách giúp dễ dàng kết nối và giao dịch trực tuyến, họ gần như nắm quyền kiểm soát phần lớn thị trường. Hầu hết chúng ta chủ yếu đang được trải nghiệm web ở dạng hiện tại, và đó chính là web 2.0. Điểm khác biệt lớn nhất có thể dễ dàng nhận thấy so với Web1.0 đó chính là khả năng tương tác hai chiều với người dùng.

web 2.0
web 2.0

Trong thế giới Web 2, bạn không cần phải là nhà phát triển để tham gia vào quá trình tạo lập web. Rất nhiều ứng dụng được xây dựng theo cách dễ dàng cho phép mọi người trở thành những người sáng tạo dung. Ví dụ: Youtuber, Streamer…

Nếu bạn có một ý tưởng thú vị và muốn chia sẻ nó với thế giới bên ngoài, bạn có thể làm điều đó thông qua các nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter..v.v. Nếu bạn muốn tải video lên và cho phép hàng triệu người xem, tương tác với video và nhận xét về video đó, bạn cũng có thể làm điều đó thông qua ứng dụng Youtube..v.v.

Web 2 thực sự đã vận hành theo cấu trục khá đơn giản và chính vì sự đơn giản của nó mà ngày càng có nhiều người trên khắp thế giới trở thành người sáng tạo nội dung, điển hình là các Youtuber, Streamer hay Gamer mà các bạn thường thấy ngày nay trên các trang mạng xã hội.

Web 3.0 là gì?

Về bản chất, Web 3 (viết tắt của web 3.0), chính là một ứng dụng khác của công nghệ Blockchain ngoài  ứng dụng phổ biến nhất là tiền điện tử (Crypto) mà các bạn đang thấy hàng ngày. Được xem là tầm nhìn về tương lai sau này của Internet, trong đó mọi người hoạt động trên các nền tảng phi tập trung, gần như ẩn danh, thay vì phụ thuộc vào những gã khổng lồ trong giới công nghệ như Google, Facebook và Twitter…v.v.

web-3
web-3

Ban đầu, Web 3.0 được ông Tim Berner-Lee, người phát minh World Wide Web gọi là Semantic Web. Hệ thống được tạo ra với mục đích trở thành một mạng Internet tự chủ, thông minh và cởi mở hơn. Trên Semantic Web, máy móc sẽ xử lý nội dung giống con người thông qua sức mạnh của trí tuệ nhân tạo AI kết hợp cùng không gian thực tế ảo Metaverse. Với Web 3.0, người dùng không chỉ tương tác tốt hơn với nền tảng web mà còn được quyền chủ động kiểm soát trong khâu quản lý dữ liệu và bảo mật danh tính.

Web3 là một dạng web mà các nhà phát triển thường không xây dựng và triển khai các ứng dụng chạy trên một máy chủ duy nhất hoặc lưu trữ dữ liệu của họ trong một cơ sở dữ liệu duy nhất. Thay vào đó, các ứng dụng web3 hoặc chạy trên các mạng lưới Blockchain, mạng phi tập trung của nhiều nút ngang hàng (máy chủ) hoặc là một sự kết hợp của cả hai để tạo thành một giao thức kinh tế kết hợp với tiền điện tử (crypto economic protocol). Các ứng dụng này thường được gọi là Dapps (ứng dụng phi tập trung) và bạn sẽ thấy thuật ngữ đó được sử dụng thường xuyên trong không gian web3.

Web 3 hoạt động như thế nào?

Bằng cách ghi lại hoạt động của người dùng trong Blockchain, Web3 sẽ giúp người dùng sử dụng dữ liệu của mình trên toàn bộ môi trường mạng lưới và liên thông giữa các trang web chỉ bằng một tài khoản duy nhất. Web3 cho phép nâng cao quyền riêng tư, tăng cường tính minh bạch, loại bỏ các bên trung gian, tạo điều kiện cho quyền sở hữu dữ liệu và các giải pháp nhận dạng kỹ thuật số. Web 3.0 được ví von như một cơ sở dữ liệu khổng lồ, có khả năng truy cập tìm kiếm các thông tin trên Internet để trả lời cho những câu hỏi của bạn. Có thể biết mọi thứ về bạn giống như một người cố vấn hoặc trợ lý đồng hành cùng bạn bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain có thể cho phép thực hiện nhiều giao dịch và tương tác trực tuyến trực tiếp hơn mà không cần đến các dịch vụ, máy chủ trung gian như hiện nay.

Ví du: Tối nay bạn có một cuộc hẹn với crush, bạn đang phân vân không biết nên chọn đi ăn ở đâu? gọi món gì? di chuyển bằng phương tiện gì cho hợp lý?. Việc tìm kiếm và lựa chọn ra các yêu cầu phù hợp cũng khiến bạn mất rất nhiều thời gian, cách làm thông thường hiện nay là tìm kiếm thông tin và liệt kê ra các nguồn thông tin được các nhà cung cấp khác đăng tải, dựa vào cụm từ khóa mà chúng ta đang tìm kiếm trên Google hay Facebook. Do đó, Web 3.0 được dự đoán sẽ giúp bạn tìm kiếm và có thể thay thế bạn làm những công việc đó. Với tính năng hiểu được các nguồn thông tin, chọn lọc, nó sẽ giúp bạn tìm kiếm và phân tích so sánh để đưa ra những lựa chọn hiệu quả nhất. Kết hợp với công nghệ AI và Metaverse, chắc chắn sẽ đem lại một trải nghiệm thú vị cho người dùng.

Web 3 có phải là Trend trong đầu tư Crypto ?

Thời gian gần đây, ở khắp các diễn đàn về đầu tư Crypto, các hội nhóm, các diễn đàn nổi lên cụm từ “trend Web3”, người người bàn tán về Web3, nhà nhà đua nhau săn tìm những đồng coin/token về mảng Web3….v.v. Vậy, đây liệu có phải là cách hiểu đúng, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua phần giải thích dưới đây nhé.

Trước hết để mọi người hiểu rõ, từ “Trend” là một từ tiếng anh, có nghĩa là xu hướng, thịnh hành. Nó nói đến một việc gì đó đang được nhiều người quan tâm và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định rồi lắng xuống.

Một số ví dụ như: Top trending trên Youtube nghĩa là những video đang thịnh hành trên youtube, nhiều người xem. Trend game nghĩa là xu hướng những gì liên quan về game được nhắc tới và quan tâm nhiều nhất tại thời điểm đó…v.v

Trend là gì?
Trend là gì?

Quay trở lại với định nghĩa của web3, theo CoinMarketCap, định nghĩa Web 3.0 là những Web mà có thể được mở rộng thành một hệ thống, nơi dữ liệu được kết nối với nhau theo cách phi tập trung, không còn bị ràng buộc bởi các nền tảng trung gian. Sự phát triển của công nghệ Blockchain và sổ cái lưu trữ tạo ra một môi trường minh bạch và an toàn. Cơ sở hạ tầng trên nền tảng phi tập trung sẽ thay thế nhiều gã khổng lồ công nghệ như Google hay Facebook.

Như vậy có thể thấy, thuật ngữ “Trend coin Web3” hay “Trend Web3” dường như là một định nghĩa bao hàm rất rộng lớn và mang tính khái quát, bởi lẽ gần như 100% các đồng coin, token hay các ứng dụng, nền tảng trong thị trường crypto hiện nay đều được xây dựng trực tiếp trên mạng lưới Blockchain nào đó. Và chúng đã tồn tại từ rất lâu song hành với lịch sử hình thành của Crypto. Nếu nói rằng các nhóm đồng coin/token nào đó thuộc trend Web3, có lẽ chúng ta phải liệt kê hết tất cả các ứng dụng, Dapp đang hoạt động trên thị trường tiền điện tử. Và chính vì vậy, điều này khiến cho việc gọi Trend Web3 gần như là điều bất hợp lý!

Để chính xác hơn chúng ta có thể dự đoán xu hướng đầu tư vào những dự án cung cấp các giải pháp để giúp Web 3 phát triển sâu rộng hơn tới người dùng hay ứng dụng thực tiễn vào đời thực. Ví dụ, các dự án về lưu trữ dữ liệu, Oracles giúp kết nối từ thế giới thực vào Blockchain, hay những dự án làm về cơ sở hạ hầng giúp Web 3 phát triển và dễ tiếp cận với người dùng…v.v.

Web 3 sẽ là một thuật ngữ, một định nghĩa, một tương lại bắt buộc phải có trong quá trình phát triển và hình thành của Internet hiện đại, hoàn toàn không phải là Trending dễ thấy như các Trend đã và đang nở rộ gần đây như Trend DeFi (Nói về top những ứng dụng, nền tảng dành riêng cho tài chính phi tập trung), trend P2E (Nói về các dự án game), hay trend Metaverse (nói về các dự án làm về công nghệ thực tế ảo)…v.v. Và sẽ còn nhiều trend khác nữa trong tương lai, ví dụ Trending Social Token chẳng hạn?

*** Tìm hiểu thêm về Social Token – Một trend mới trong tương lai không thể bỏ qua -> Xem tại đây

Do vậy, nếu gọi Web 3 là trend như cách một số cộng đồng nói thì có nghĩa nó đang đặt cùng bàn cân của các trend đã hình thành như: DeFi, P2E, Metaverse hay thậm chí là Meme? Điều đó là không thể xảy ra.

Khi đầu tư Crypto thì hãy có một tư duy đầu tư đúng. Và đừng dễ dãi với sự “tỏ ra hiểu biết” của người khác, lạm dụng những ngôn từ gây sock, làm ma mị người khác tránh gây ra hệ quả cho những người mới trong thị trường đầy mạo hiểm này!

Trên đây là góc nhìn cá nhân của người viết về vấn đề lạm dụng từ Trend hiện nay cho Web 3. Tiếp theo hãy cùng mình điểm qua một chút các ưu điểm của Web 3 nhé!

Các ưu điểm của Web 3

  • Phi tập trung, không cần trung gian

Được xây dựng và phát triển trên công nghệ Blockchain, các ứng dụng Web3 có các giao dịch, được trao đổi trực tiếp, ngang hàng và không thông qua sự kiểm soát của bất kì cá nhân, tổ chức nào. Trong Web 2.0 hiện nay, các dữ liệu thông tin được lưu trữ tại một nền tảng nào đó của nhà phát triển, nhưng ở thế giới Web3 thông tin sẽ được tìm thấy ở nhiều nơi, và hoàn toàn phân cấp không thông qua bên trung gian nào.

  • Đáng tin cậy

Các dữ liệu cá nhân là do bạn hoàn toàn kiểm soát và bảo mật. Dường như không thể có cách nào để hacker xâm nhập được mạng lưới và lấy đi tài sản của bạn trừ khi bạn để lộ cụm từ khoá hay mật khẩu ví. Lấy trộm các dữ liệu cá nhân của người dùng là điều bất khả thi đối với các hacker, trừ phi có thể hack được toàn bộ internet trên thế giới, và điều này là phi thực tế.

  • Tự quản lý

Bất kì ai cũng có thể tham gia Web3, các thông tin, dữ liệu do bạn tự quản lý và nắm giữ, không ai có thể xâm nhập đánh cắp hay làm lộ bí mật riêng tư nếu bạn không muốn. Điều này trái ngược hẳn với các nền tảng như Facebook hay Google, nới người dùng hoàn toàn chịu sự kiểm soát về mặt dữ liệu cá nhân tại các máy chủ của nền tảng.

  • Phân tán và mạnh mẽ

Các ứng dụng hay nền tảng trên Web3 không có máy chủ trung tâm như ở hệ thống web tập trung. Chúng tồn tại song hành và liên tục bất kể ngày đêm. Sự cố mất điện do thiên tai, hay máy chủ bị phá hoại từ hacker dẫn đến sập hệ thống máy chủ của web hiện tại sẽ không làm ảnh hưởng trải nghiệm của bạn ở trong thế giới Web3

  • Trạng thái của dữ liệu

Thông tin, trò chơi, bài viết, tác phẩm mà bạn ưa thích, nội dung tin nhắn hay bất kỳ dữ liệu nào khác trên Web 3.0 sẽ tồn tại chừng nào Internet trên thế giới còn hoạt động, không ai có quyền truy cập để sửa đổi hay xoá bỏ. Nó sẽ tồn tại mãi mãi theo thời gian và bạn có thể dễ dàng truy xuất bất kì lúc nào.

Nhược điểm cần khắc phục của Web3

  • Dữ liệu rác khổng lồ

Do là mạng lưới phi tập trung, phân quyền, nên các dữ liệu trên web3 được đưa lên một cách ồ ạt và đôi khi sẽ có nhiều thông tin không có giá trị hay những tin rác, cũng sẽ được lưu trữ trên mạng lưới. Điều này gây nên một trải nghiệm không tốt đối với người dùng. Bên cạnh đó những thông tin không phù hợp với các lứa tuổi, nội dung không lành mạnh (18+, bạo lực, chiến tranh…v.v.) cũng là vấn đề nhức nhối cần được xử lý. Một khi dữ liệu đã được on-chain, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn và không ai có thể làm gì.

  • Các vấn đề về pháp lý

Hãy thử tưởng tượng một nền tảng Internet mà không ai kiểm soát về nội dung hay các vấn đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo, chiến tranh…v.v sẽ là một rào cản lớn để Web3 phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tội phạm khôn gian mạng, ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong một cấu trúc phi tập trung vì thiếu sự kiểm soát. Một web phi tập trung cũng sẽ làm cho việc thực thi các quy định pháp lý trở nên khó khăn hơn ở các quốc gia sở tại. Hãy thử tưởng tượng, luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng cho một trang web có nội dung được lưu trữ ở nhiều quốc gia trên thế giới? Điều này sẽ thúc đẩy một cơ chế mới trong thời đại mới đó là DAO.

  • Chưa thân thiện với người dùng

Tính đến thời điểm hiện tại, công nghệ Blockchain nói chung và web3 nói riêng vẫn còn đang ở những bước đi đầu tiên trên con đường tạo dựng được niềm tin và ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống của mọi người. Các tính năng, cách sử dụng, dương như vẫn đang còn khá phức tạp và khó hiểu đối với một số bộ phận như người già hay những người không thực sự am hiểu về công nghệ. Các tính năng này đòi hỏi người dùng phải có một lượng kiến thức nhất định về công nghệ cũng như Internet.

Có thể trong lương lai, thế hệ web hiện nay sẽ được chuyển đổi dần dần từng bước theo hướng, phi tập trung 1 phần trước khi chuyển hẳn sang phi tập trung để có thể dễ dàng tiếp cận hơn với mọi người.

  • Khả năng mở rộng

Chính vì những thông tin, dữ liệu được lưu trữ vĩnh viễn trên mạng lưới của Web3, điều này khiến cho gánh nặng lưu trữ theo thời gian cũng là một vấn đề đáng để lưu tâm và xử lý. Nếu thời gian xử lý giao dịch hay tải dữ liệu chậm dần theo thời gian, điều này có thể gây tác dụng ngược tới trải nghiệm người dùng.

Một số giải pháp được đưa ra như Blockchain của dự án Mina Protocol, được xem là blockchain nhẹ nhất thế giới, có thể dễ dàng lưu trữ, hay tải các dữ liệu một cách nhẹ nhàng thoải mái.

  • Tốc độ xử lý

Do phải chạy các nút xác thực, dựa trên các tính năng cơ bản của blockchain, điều này dẫn tới việc có thể bị ngẽn mạng và khiến trải nghiệm của người dùng giảm xuống.

Tương lai của Web3

Về cơ bản, Internet ngày nay cho phép điều phối toàn cầu thông qua một tập hợp các bên trung gian, cung cấp độ tin cậy xã hội kỹ thuật số cho những người lạ tương tác: từ Facebook, Google, amazon…v.v. Tuy nhiên, điều này đã gián tiếp trở nên quá phụ thuộc vào những nền tảng này và người dùng của họ (cho dù là cá nhân hay doanh nghiệp) phải chịu phí cao hơn hoặc rủi ro nền tảng (tức là nền tảng có khả năng phá hủy doanh nghiệp của bạn đang chạy trên đó). Điều này thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Web3.

Nhiều công ty lớn cũng đang tham gia vào sự phát triển của Web 3.0. Esther Crawford, Giám đốc dự án cấp cao của Twitter cho biết mạng xã hội này đang nghiên cứu cách để đưa các khái niệm của Web 3.0 vào nền tảng. “Trước đây, Web 3.0 chỉ là lý thuyết. Hiện tại, nó là động lực để xây dựng hệ thống”, bà Crawford nói tại một Tweet mới đây.  Hay Facebook cho biết ưu tiên của họ là xây dựng Metaverse. Khả năng tương tác mạnh mẽ ở một không gian thực tế ảo, dịch vụ một cách liền mạch là một trong các nguyên tắc được Meta (Cái tên mà Facebook úp mở mới đây) đưa ra, đó cũng được xem là một phần của định nghĩa Web 3.0.

Với Web 3.0 , bất kì cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp cũng có thể trao đổi giá trị, thông tin và làm việc với các đối tác toàn cầu mà họ không biết hoặc chưa thực sử tin tưởng rõ ràng mà không cần trung gian. Sự phát triển quan trọng nhất được Web3.0 kích hoạt là giảm thiểu được sự tin cậy cần thiết để phối hợp trên quy mô toàn cầu. Dấu mốc này một bước tiến tới tin tưởng tất cả các thành phần của một mạng lưới ngầm chứ không cần phải tin tưởng lẫn cá nhân một cách rõ ràng hoặc tìm cách đạt được sự tin tưởng.

Về cơ bản, Web 3.0 sẽ mở rộng quy mô và phạm vi tương tác giữa người và máy móc vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng ngày nay. Những tương tác này, từ thanh toán liền mạch đến luồng thông tin phong phú hơn, đến chuyển dữ liệu đáng tin cậy, hay kết hợp thêm công nghệ AI, Metaverse sẽ trở nên khả thi với một loạt các đối tác tiềm năng tăng lên đáng kể. Web 3.0 sẽ cho phép mọi người tương tác với bất kỳ cá nhân hoặc máy móc nào trên thế giới mà không cần thông qua người trung gian thu phí. Sự thay đổi này sẽ tạo ra một làn sóng hoàn toàn mới về các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh không thể tưởng tượng như trước đây.

Kết luận

Trong khi làn sóng Web 2.0 vẫn đang đơm hoa kết trái, nở rộ, chúng ta cũng đang chứng kiến ​​những chồi non đầu tiên của sự phát triển xuất hiện từ sự thay đổi mô hình tiếp theo trong các ứng dụng Internet có tên là Web 3.0. Điều này có thể là giải pháp cho những vấn đề nhức nhối là chống độc quyền và các hoạt động kinh doanh độc quyền. Web thế hệ tiếp theo này sẽ loại bỏ quyền lực từ các tập đoàn lớn vì họ sẽ không còn là nền tảng nổi bật duy nhất để sử dụng và sẽ trao lại quyền lực đó cho người dùng một cách tự nhiên.

Hy vọng với những thông tin trên, các bạn đã có những đánh giá riêng của mình về Web3 để có thêm một lựa chọn trong quyết định đầu tư của mình.  Mọi người có góc nhìn hay sự phân tích nào về thuật ngữ Web3 thì thảo luận ở dưới cùng GFS Blockchain nhé!

0 0 đánh giá
Article Rating