Tổng quan

Cho vay (Lending) và đi vay (Borrowing) là một trong những yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ hệ thống tài chính nào. Trong hệ thống tài chính phi tập trung (DeFi), Lending and Borrowing cũng luôn đóng vai trò là trụ cột, là yếu tố để thu hút dòng tiền, tạo ra dòng tiền, đưa các dòng tiền ấy luân chuyển trong hệ thống và tạo động lực cho cả hệ thống Defi phát triển.

Bài viết này sẽ tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến cơ chế vận hành của Lending and Borrowing trong Defi.  Hy vọng bài viết sẽ cung cấp được cho các bạn một cái nhìn tổng quan nhất về lĩnh vực tiềm năng này của Defi.

*** Bài viết này thuộc chuỗi Series Lending & Borrowing Workspace của GFS Blockchain nhằm nghiên cứu từ căn bản tới nâng cao cũng như tốc độ phát triển hiện tại về lĩnh vực Lending & Borrowing – Một mảnh ghép không thể thiếu của bất kỳ Hệ sinh thái DeFi nào

*** Tìm hiểu định nghĩa Hệ sinh thái trong DeFi là gì? Các mảnh ghép trong một Hệ sinh thái gồm những gì? -> Tại đây

Lending và Borrowing
Lending-Borrowing một mảnh ghép không thể thiếu trong Defi

Lending Borrowing trong DeFi là gì?

Lending and Borrowing trong Defi là một giao thức cho phép hai bên thực hiện các hoạt động vay và cho vay mà không cần thông qua bên thứ ba, như sàn giao dịch hay tổ chức bảo đảm tài chính. Đây cũng là lý do tại sao hoạt động vay và cho vay trong Defi khác hoàn toàn với hoạt động vay và cho vay trong tài chính tập trung (CeFi), mọi người hoàn toàn có thể tiếp cận được nguồn vốn mà không cần phải cung cấp thông tin cá nhân hay phải tin tưởng vào một ai đó. Thay vào đó, các hoạt động này được thực hiện hoàn toàn tự động thông qua các Smart-contract của giao thức blockchain.

Cơ chế hoạt động của Lending Borrowing

* Hoạt động cho vay (Lending): Cũng giống hoạt động cho vay truyền thống ở bên ngoài (Cefi), khi bạn có một khoản tiền nhàn rỗi, muốn gửi vào ngân hàng để lấy lãi, đến cuối kỳ bạn có thể rút gốc về và nhận thêm một khoản tiền lãi.

Cho vay trong Defi cũng tương tự như vậy, khi bạn có một khoản crypto nhàn rỗi muốn cho vay để lấy lãi hoặc muốn kiếm thêm lợi nhuận mà vẫn giữ lại được khoản crypto đó (ví dụ giữ lại để đợi kỳ vọng tăng giá) thì bạn đem lượng crypto đó nạp vào bể thanh khoản của một giao thức Lending and Borrowing để thực hiện hợp đồng cho vay trong một kỳ hạn nhất định. Khi hết thời hạn cho vay, bạn nhận lại lượng crypto gốc cộng với một khoản lãi từ giao thức đó.

+ Vay nhanh không cần thế chấp (Flash loan): Tức là người đi vay được quyền vay một khoản crypto nào đó trong thời gian nhất định mà không cần nạp tài sản crypto khác để thế chấp cho khoản vay. Trước khi kết thúc giao dịch theo quy định, người đi vay phải hoàn trả khoản vay và lãi vay đúng hạn.  

* Hoạt động đi vay (Borrowing): Cũng tương tự như trong Cefi, khi bạn muốn vay một khoản crypto nào đó thì bạn cũng phải nạp tài sản thế chấp, là một loại crypto khác có giá trị lớn hơn khoản vay, vào bể thanh khoản để vay loại crypto mình mong muốn. Khi kết thúc thời hạn vay, bạn phải trả lại khoản crypto đã vay cộng với một khoản lãi cho giao thức đó.

Như vậy, có thể thấy nếu như ở Cefi, bạn phải gửi tiền cho bên thứ ba là ngân hàng hoặc một tổ chức tín dụng nào đó thì trong Defi, bạn chỉ nạp crypto vào bể thanh khoản. Các bể thanh khoản này có cơ chế hoạt động hoàn toàn tự động, thông qua các smart-contract của các giao thức blockchain để điều chỉnh các hoạt vay và cho vay của bạn một cách chính xác, minh bạch và công bằng.

 

Sơ đồ mô tả cơ chế của lending and borrowing
Sơ đồ mô tả cơ chế của lending and borrowing

 

Để điều hành được các hoạt động vay và cho vay một cách tự động, chính xác và chi tiết, trong cơ chế hoạt động của các giao thức còn thiết kế thêm các công cụ vận hành với các đặc tính như sau:

* Trả bằng một token khác, có giá trị quy đổi tương đương: Khi bạn nạp một lượng crypto nào đó vào bể thanh khoản thì giao thức đó sẽ dùng smart contract khoá lại, rồi trả cho bạn một khoản tiền khác, có thể trả bằng loại crypto khác, có giá trị quy đổi tương đương. Ví dụ khi bạn nạp 01 ETH vào bể thanh khoản của giao thức Compound thì giao thức đó quy đổi giá trị tương đương rồi sẽ trả lại bạn 01 token có tên cETH hoặc 01C, có giá trị bằng 01 ETH của bạn vừa nạp vào.

Tức là về mặt bản chất thì lượng crypto của bạn nạp vào đó đã được quy đổi giá trị tương đương, tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì giao thức ấy phải chuyển số tài sản crypto ấy của bạn thành một loại mã crypto khác để chúng có cùng đặc điểm kỹ thuật, vận hành được trong môi trường công nghệ của giao thức ấy.

Với những khoản nạp vào để làm tài sản thế chấp, tuỳ từng giao thức, bạn sẽ nhận được tài sản thấp hơn giá trị tài sản nạp vào, mức thông thường là từ 75% (ví dụ trong giao thức của Maker) hoặclên tới 82,5% (trong AAVE). Ví dụ, bạn nạp vào giao thức AAVE số lượng 01 ETH để làm tài sản thế chấp, bạn sẽ chỉ nhận được một lượng AETH bằng 82,5% giá trị bạn nạp vào.

Nếu hiểu theo cách của Cefi truyền thống thì khi bạn đi vay thế chấp, bạn phải có một tài sản thế chấp lớn hơn giá trị khoản vay.

* Quy định sẵn tỷ lệ trao đổi: Từng giao thức luôn quy định sẵn tỷ lệ trao đổi (exchange rate) để quy đổi ra giá trị tương đương cho lượng crypto được nạp vào. Ví dụ bạn nạp vào giao thức Maker là 01 USD, bạn sẽ nhận được 01 DAI.

 * Tỷ lệ lãi suất hàng năm (APY): APY trong mỗi giao thức cũng được điều chỉnh tự động dựa trên cơ chế cung- cầu. Nếu lượng tiền nạp vào bể thanh khoản để cho vay nhiều thì tỷ lệ APY sẽ giảm đi và ngược lại. Như vậy, bạn có thể hiểu lãi suất cho vay trong các giao thức cũng là lãi suất thả nổi, được tính tự động theo công thức có sẵn và phụ thuộc vào cung cầu của từng loại tài sản trong bể thanh khoản. Bạn có thể tham khảo APY của từng nền tảng cho vay tại link sau: https://defirate.com/lend/

 

Bảng tỷ lệ lãi suất tham khảo tháng 11/2021
Bảng tỷ lệ lãi suất lending tham khảo tháng 11/2021

* Thanh lý tài sản thế chấp: Khi giá của loại crypto bạn vay biến động quá mạnh, làm cho tài sản thế chấp bị mất giá trị (ví dụ mất giá xuống dưới mức 75% giá trị trong Maker hoặc xuống dưới mức 82,5% trong AAVE), lúc này, tài sản đi vay lớn hơn tài sản thế chấp thì các giao thức sẽ thanh lý tài sản thế chấp của bạn để đảm bảo tài sản cho vay.

Chính vì vậy, để an toàn hơn thì bạn nên vay những đồng token ít có độ biến động giá, ví dụ như USDT, USDC, DAI.

* Tổn thất tạm thời (Impermernant Loss-IL): Tổn thất tạm thời là hiện tượng tổng giá trị token của bạn bị giảm đi khi bạn cung cấp thanh khoản cho các bể thanh khoản so với việc bạn nắm giữ token đó (hold).

Tổn thất tạm thời xảy ra khi bạn nạp token vào bể thanh khoản với một tỷ giá cố định, tuy nhiên, giá của loại token ở các sàn khác ngoài bể thanh khoản lại tăng lên, chính vì vậy, xảy ra hiện tượng những người khác cũng vào bể để vay đồng token của bạn mang đi bán ở nơi khác kiếm tiền chênh.

Để giảm thiểu tổn thất tạm thời: Bạn nên cung cấp thanh khoản cho các đồng ít biến động, ví dụ cặp USDT với DAI; Cung cấp thanh khoản cho các cặp token đồng biến (cùng tăng, hoặc cùng giảm giá);

Xét về tổng thể thì khi bạn cung cấp thanh khoản cho các bể thanh khoản thường là có lợi nhuận, dù là có gặp tổn thất tạm thời, vì bạn được các bể thanh khoản trả lãi, thậm chí một số bể còn trả lãi bằng một loại token mới, có tiềm năng tăng giá rất nhiều trong tương lai.

*** Tìm hiểu chi tiết về mức độ quan trọng của IL -> Tại đây

Tổng kết

Tiềm năng phát triển của Defi là rất lớn, nhất là khi dòng vốn đổ vào Defi ngày càng mạnh mẽ như hiện nay. Cùng với sự phát triển và hỗ trợ của công nghệ mới, Defi với những ưu điểm nổi bật của mình, sẽ không chỉ dừng lại ở không gian crypto nữa mà tiến ra mạnh mẽ để tham gia vào hoạt động tài chính truyền thống bên ngoài.

Lending và Borrowing là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu của Defi, chắc chắn cũng sẽ những bước vươn mình mạnh mẽ. Chính vì vậy, hiểu được tiềm năng của lĩnh vực này, đón đầu xu thế phát triển của nó để có chiến lược đầu tư đúng đắn và khai thác, tối ưu hoá lợi nhuận ở bước sau đó (ví dụ trong quá trình hold lâu dài thì mang crypto đó đi cho vay hưởng lãi…)… đó là những gì mà chúng tôi mong muốn mang đến cho các bạn thông qua bài viết này.

*** Hãy cùng theo dõi sự phát triển của lĩnh vực (Lending & Borrowing) trong thị trường Crypto qua các bài viết cập nhật sau này cùng GFS Blockchain thông qua chuyên đề Lending & Borrowing Workspace -> Tại đây

Trên đây là những thông tin chính về cơ chế hoạt động của mảng vay và cho vay (Lending & Borrowing), nếu bạn muốn trao đổi nhiều hơn thì hãy tham gia vào cộng đồng của GFS Blockchain cùng các thành viên khác nhé:

0 0 đánh giá
Article Rating