Tổng quan
Một thuật ngữ quan trọng bậc nhất trong việc trở thành “nông dân 4.0” nhưng cũng không kém phần thú vị. Bất kể ai đã từng đi Farm đều đã từng nghe qua cụm từ IL-Impermanent Loss (Tổn thất tạm thời). Nhưng không phải ai cũng hiểu bản chất của vấn đề nằm ở đâu, và nhiều người sợ trở thành nông dân (Farmer) cũng bắt nguồn từ những lo ngại về tổn thất này. Mọi người nhận được lời khuyên rằng, hãy cẩn thận với cái IL này, cẩn thận làm nông dân cày cuốc mệt nhọc nhưng vẫn lỗ vốn..v.v. Rất nhiều anh em có cảm giác sợ khi trải nghiệm hình thức farming này, bởi lẽ bất cứ ai bỏ tiền vào cũng muốn bảo toàn vốn của mình chứ đã đầu tư lại còn tổn thất nữa thì sẽ có những tâm lý e dè, lo ngại phải không nào.
Đừng lo, hay hiểu bản chất của vấn đề thông qua bài viết sau đây của GFS Blockchain. Bạn sẽ không còn tâm lý e ngại khi phải đối diện với một trong những mối quan tâm bậc nhất trong Yield farming nữa. Hãy hiểu bản chất vấn đề để kiểm soát rủi ro hợp lý nhé!
*** Bài viết này thuộc Series Yield Farming của GFS Blockchain nhằm nghiên cứu từ căn bản tới nâng cao cũng như tốc độ phát triển hiện tại về lĩnh vực Farming – Một mảnh ghép không thể thiếu của Hệ sinh thái DeFi. Tổng hợp các bài viết phân tích về Farming –> Xem tại đây
Tìm hiểu chung
Ở bài viết trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Yield Farming thực chất là một hình thức cung cấp thanh khoản. Thường thấy nhất ở đây chính là các AMM DEX như Uniswap, 1inch, Pancakeswap..v.v. sẽ cho phép người dùng cung cấp thanh khoản cho các Pool để giúp chúng hoạt động trơn tru, tốt hơn và giảm độ trượt giá. Các Farmer sẽ cung cấp thanh khoản cho các Pool này thông qua một cặp coin/token theo một tỉ lệ định sẵn và nhận được Reward là một lượng phí giao dịch của Pool đó.
Nghe tới đây, chắc hẳn nhiều anh em thấy việc làm này khá đơn giản và dễ làm phải không nào? Tuy nhiên, hãy bình tĩnh và cẩn thận trong việc cung cấp thanh khoản. Bởi khi có việc đột xuất bên ngoài đời sống xảy tới, bạn cần cast out tài sản hoặc cần rút thanh khoản thì tài sản bạn nhận được có thể sẽ không còn nguyên vẹn như lúc ban đầu nạp vào nữa. Đó chính là tác động của Impermanent Loss, một cơ chế khá thú vị và độc đáo của các AMM Dex
(Ở phạm vi bài viết này, mình sẽ đề cập đến IL thông qua hình thức phổ biến nhất hiện nay là Farming trên các AMM nhé)
IL- Impermanent Loss là gì?
Impermanent Loss: Tạm dịch là tổn thất tạm thời, tức là những khoản lỗ tạm thời của các Farmer khi tham gia cung cấp thanh khoản trên các sàn AMM. (Hãy để ý kĩ chữ “tạm thời” nhé)
Khoản lỗ này được hiểu là sự chênh lệch giá trị của cùng một loại cặp token giữa việc mang ra cung cấp thanh khoản (làm Farmer) và việc không cung cấp thanh khoản (làm Holder). Nếu chênh lệch giá lúc đầu và giá lúc tháo farm càng lớn IL sẽ càng cao và ngược lại.
Như vậy, phải hiểu đúng ở đây là, tổn thất này là sự so sánh giữa việc mang đi FARM và việc bạn để yên HOLD trong ví. Chứ không phải như nhiều anh em lầm tưởng, cứ mang đi farming là bị mất tiền, bị tổn thất là không đúng nhé. Cần loại bỏ tâm lý này ngay từ đầu để không bỏ lỡ các kèo farm tiềm năng nhé.
Lúc nào thì bị dính Impermanent Loss?
Việc bị tổn thất tạm thời chỉ xảy ra khi và chỉ chỉ khi bạn rút thanh khoản không đi farm nữa (Tháo farm). Lúc này theo cơ chế cân bằng tự động của các AMM sẽ trả lại cho bạn số lượng coin/token theo một công thức đã được định sẵn phụ thuộc vào giá của cặp token tại thời điểm bạn tháo Farm. Hiểu đơn giản, nếu bạn rút thanh khoản thì có thể dính IL, còn nếu bạn không rút thì vẫn chưa bị dính IL nhé.
Vậy, có một câu hỏi thường được nhiều anh em quan tâm đó là: “Nếu khi phát hiện giá của cặp coin/token đang biến động. Mình để nguyên farm tiếp, không tháo ra có bị tổn thất gì không?”
Câu trả lời là “KHÔNG” – Hãy nhớ rằng, bạn chỉ thực sự dính IL khi bạn ngưng farm, rút thanh khoản khỏi pool. Còn nếu bạn để yên trong pool thanh khoản, thì đó chỉ là một dạng tổn thất trên giấy tờ, vô hình, không ảnh hưởng gì cả. Vì vậy, hãy cân nhắc thời điểm để rút thanh khoản hợp lý để tối ưu lợi nhuận nhé.
Bản chất của Impermanent Loss
Để cho đơn giản và dễ hiểu, mình sẽ tính toán thủ công để các bạn hiểu bản chất của Impermanent Loss này qua các công thức toán học đã được định sẵn nhé. Không phải ngẫu nhiên mà có đâu, nó xuất hiện dựa trên các công thức logic với nhau đã được các AMM lập trình, cài đặt từ trước.
Ví dụ: Ta tiến hành đi Farm một cặp coin có tên là: CAKE và USDT trên một AMM khá nổi tiếng và quen thuộc là Pancakeswap.
- Lúc này mình ví dụ trên sàn đã có sẵn một Pool thanh khoản. Bao gồm 5 Cake và 100 USDT. Khi đó chúng ta thống nhất rằng giá CAKE trên thị trường đang là 20$. (Dễ thấy, quy về giá trị $ thì 2 bên đang tương đương nhau là 100$ )
- Đặt số lượng CAKE có trong Pool này là: a (a = 5)
- Đặt số lượng USDT có trong Pool này là: b (b = 100)
Công thức chung cho hầu hết các AMM Dex hoạt động như Uniswap, 1Inch hay Pancakeswap… đó là:
a x b = K (1) – Trong đó K ở một hằng số không bao giờ thay đổi.
- Lúc này trong Pool ta có giá của đồng CAKE = b/a (2)
( Ở ví dụ trên giá CAKE = 100/5 = 20$ )
- Từ (1) và (2) ta có cặp phương trình như sau:
a x b = K
giá CAKE = b/a => b = a x Giá CAKE.
Thay vào phương trình (1), ta được:
a x a x Giá CAKE = K
a^2= K/ Giá CAKE
Suy ra, ta tính được a = sqrt (K/Giá CAKE) (3).
Từ đó ta tính được b = sqrt (K x Giá Cake) (4)
Như vậy, trở lại ví dụ trên đầu bài:
- Nếu giá CAKE tăng gấp đôi từ 20$ thì lúc này trong Pool ta có Giá CAKE = 40$, thay số này vào (3) ta sẽ được số lượng đồng CAKE mới có trong Pool (ta gọi là a* để phân biệt với chỉ số a = 5 như ban đầu)
a* = Sqrt [(axb)/40] = Sqrt [(5 x 100)/40]
a*= 3,54 CAKE => Ta thấy lúc này nếu rút thanh khoản, số lượng CAKE của bạn giảm xuống còn 3,54 đồng thay vì là 5 đồng như lúc ban đầu.
Vậy, số lượng USDT mới lúc này là (ta gọi là b*)
b*= Sqrt( a x b x 40) = Sqrt (5x100x40)
b*= 141,4 USDT
=> Như vậy so sánh với chỉ số b là số lượng USDT ban đầu, ta thấy b* nhiều hơn và tăng lên 141,4 USDT.
- Tóm lại, ta thấy sau khi giá CAKE tăng gấp đôi từ 20$ lên 40$ thì số lượng CAKE trong pool lúc này chỉ còn 3,54 đồng và lượng USDT thì tăng lên 141,4 đồng.
Vậy tóm lại bạn lời hay lỗ gì CAKE của bạn tăng x2 ?
- Giả sử bạn add vào Pool thanh khoản là 1 CAKE và 20 USDT (Chiếm 20% lượng thanh khoản cả Pool) thì tại thời điểm giá CAKE đạt 40$, nếu bạn rút thanh khoản để chốt lời thì sẽ nhận được về số tài sản như sau: 40 x (3,54 x 20%) + 1 x (141,4 x 20%) = 56,5 USDT
Như vậy, bỏ vào Pool lúc CAKE đang 20$ thì giá trị bỏ vào là :
1 CAKE + 20 USDT = 40 USDT
Sau khi CAKE x 2, bạn tháo thanh khoản thì sẽ nhận được là: 56,5 USDT
Tóm lại
Từ ban đầu nếu không FARM ta có số gốc là 40 USDT, nếu số này giữ nguyên HOLD thì khi CAKE giá 40$ ta có tổng tài sản là: 40+20 = 60 USDT (HOLDER)
- Nếu bạn mang đi FARM cũng với 1 CAKE và 20 USDT, thì khi giá CAKE bay lên 40$ (tức là x2 nhé) bạn tháo Farm ra để bán sẽ chỉ nhận được 56,5 USDT (FARMER)
- Chênh lệch giữa 60 USDT và 56.6 USDT với tỉ lệ là 5.7%, số chênh lệch này chinh là mất mát tạm thời mà bạn phải chịu khi tháo FARM. Tuy nhiên khi FARM bạn còn nhận được lãi farm chính là những token mà nền tảng đó trả cho bạn nữa (ở ví dụ trên sẽ nhận được CAKE), nhiều token farm được rất có giá trị, thậm chí vượt xa rất rất nhiều lần con số 5.7% ở trên kia. Vì vậy, anh em đi Farm cũng nên nghiên cứu nếu lãi farm ổn thì cũng ko nên quá sợ sệt cái IL này nhé.
Trang web giúp check nhanh IL
Nếu ở trên các bạn thấy mình diễn giải hơi dài dòng và khó hiểu về mặt toán học, thì có thể check nhanh IL thông qua trang web sau đây nhé
Ở phần giao diện chính, trang web này sẽ hiện 2 phần:
Initial Prices: Giá ban đầu của cặp coin mà bạn add vào Pool thanh khoản của 2 cặp coin A và B
Future Prices: Giá tương lai của cặp coin mà bạn add và Pool thanh khoản, và lúc này bạn muốn tháo Farm.
Mình lấy ví dụ:
Token A ban đầu giá 5$, token B của mình ban đầu giá 1$, nhập vào ô giá ban đầu nhé. Sau đó giả sử giá tương lại của đồng A tăng lên 10$, đồng B vẫn giữ nguyên là 1$ (Cái này mình ví dụ nhé, còn b có thể nhập số liệu ứng với đồng coin mà bạn nắm giữ)
Ta sẽ được trang web hiển thị kết quả và diễn giải rất chi tiết như bên dưới. (Bạn nào không rành tiếng anh có thể dùng trình duyệt Chrome để dịch nhé)
Đây là một trang web vô cùng hữu ích đối với bất kì anh em farmer nào, hãy sử dụng thành thạo các thao tác đơn giản để tính nhanh các khoản lợi nhuận, hay hụt đi để đưa ra quyết định hợp lý nhé.
Biểu đồ giá so sánh
Dựa vào biểu đồ trên ta thấy đường cong màu xanh là phần giá trị tài sản mạng đi Farm khi giá coin biến động. Cột thẳng đứng bên trái là % bị hụt đi khi dính IL, còn cột % nằm ngang thể hiện giá của coin mang đi farm biến động. Để check nhanh phần lợi nhuận bị hụt đi giữa FARM và HOLD ta có thống kê như sau
- Nếu giá coin thay đổi 1,25 lần => Hụt đi 0,6% giá trị so với Hold
- Nếu giá coin thay đổi 1,50 lần => Hụt đi 2,0% so với Hold
- Nếu giá coin thay đổi 1,75 lần => Hụt đi 3,8% so với Hold
- Nếu giá coin thay đổi 2 lần => Hụt đi 5,7% so với Hold
- Nếu giá coin thay đổi gấp 3 lần => Hụt đi 13,4% so với Hold
- Nếu giá coin thay đổi gấp 4 lần => Hụt đi 20,0% so với Hold
- Nếu giá coin thay đổi 5 lần => Hụt đi 25,5% so với Hold
Như vậy, biến động giá càng lớn, thì phần lợi nhuận bị mất khi FARM so với để nguyên HOLD càng lớn. Nên anh em hãy cân nhắc để có phương án tối ưu hợp lý nhé.
Kết luận
Như vậy thông qua bài viết trên, mình đã trình bày từ cơ bản tới phức tạp bản chất của Impermanent Loss trong Farming. Hi vọng các bạn đã có cái nhìn tổng quát và chi tiết nhất của thuật ngữ “Tổn thất tạm thời” này. Hoàn toàn không khó và dễ hiểu phải không nào. Hãy hiểu thuật ngữ này để làm nông dân một cách hợp lý và thông minh qua đó tối ưu lợi nhuận kiếm được từ việc “trồng trọt” nhé.
*** Hãy cùng theo dõi sự phát triển của lĩnh vực Yield Farming trong thị trường Crypto qua các bài viết cập nhật sau này cùng GFS Blockchain thông qua chuyên đề Yield Farming Workspace -> Tại đây
- Nhóm Telegram của GFS Blockchain ->Click tại đây
- Nhóm Facebook của GFS Blockchain -> Click tại đây
- Kênh thông tin Telegram của GFS Blockchain ->Click tại đây
- Kênh thông tin Twitter của GFS Blockchain -> Click tại đây