Nếu như nói tiền là máu của doanh nghiệp thì stablecoin cũng có thể coi là máu của DeFi. Stablecoin thể hiện dòng tiền chảy trong thị trường, nơi đâu có stablecoin được phát hành nhiều, nơi đó DeFi phát triển mạnh.

Thời điểm hiện tại, 19/8/2022 vốn hóa stablecoin lên tới ~ 153 tỷ USD gồm hàng chục đồng stablecoin lớn nhỏ với các cơ chế khác nhau như: stablecoin bảo chứng bởi Fiat, Stablecoin bảo chứng bởi crypto, Stablecoin thuật toán  (Algorithm Stablecoin), có loại phi tập trung, có loại thì tập trung… 

Stablecoin đều sinh ra với mục tiêu hướng tới sự ổn định, neo giá với một đồng fiat (như đồng USD, EURO…), tuy nhiên thực tế thì khác xa với lý thuyết, khi mà nhiều stablecoin thường xuyên bị mất peg, ngay cả những stablecoin được bảo chứng 1:1 với USD như USDT, HUSD cũng không ngoại lệ. Sự sụp đổ của stablecoin thuật toán UST – LUNA làm cả thị trường crypto điêu đứng. Hay như việc công ty Circle có thể đóng băng USDC của người dùng trong một nốt nhạc, khiến MakerDAO cũng phải chột dạ khi mà DAI đang được bảo chứng bởi 32.7% là USDC.

Trong bối cảnh loạn lạc vậy, AAVE, một giao thức Lending phi tập trung, đã đề xuất xây dựng một stablecoin phi tập trung mới – GHO. Tại sao AAVE lại phát triển stablecoin? GHO có khắc phục được những hạn chế của Stablecoin hiện tại không? Chúng ta cùng tìm hiểu xem nhé.

GHO là gì?

GHO là một stablecoin phi tập trung, neo giá với đồng USD (1 GHO = 1 USD) và được thế chấp quá mức (Over-Collateralized) bằng nhiều loại tài sản crypto trên AAVE, trong khi người đi vay tiếp tục kiếm lãi từ tài sản thế chấp cơ bản của họ.

AAVE đã đưa ra đề xuất ngày 7/7/2022 và được AaveDAO phê duyệt với 99.9% cử tri ủng hộ.

GHO linh hoạt hơn khi được hỗ trợ bởi một bộ các tài sản crypto mà người dùng lựa chọn. GHO hoàn toàn phi tập trung, nó được quản lý bởi cộng đồng AaveDAO chứ không phải một thực thể duy nhất.

Aave đã giới thiệu stablecoin mới để tăng mức độ chấp nhận stablecoin bằng cách bổ sung thêm tính thanh khoản và tính ổn định vào không gian DeFi đang phát triển nhanh chóng. Trong khi AaveDAO kiếm được tất cả tiền lãi tích lũy từ việc cho vay GHO, mang lại cho họ doanh thu bổ sung.

Cơ chế hoạt động của GHO

GHO sẽ được tạo bởi người dùng (hoặc người đi vay – borrower). Tương tự như với tất cả các khoản vay trên Giao thức Aave, người dùng phải cung cấp tài sản thế chấp (với tỷ lệ tài sản thế chấp cụ thể) để có thể mint ra GHO. Khi người dùng hoàn trả vị thế mượn (hoặc được thanh lý), giao thức sẽ đốt GHO của người dùng đó.

Tất cả các khoản thanh toán lãi suất do các nhà đúc tiền của GHO tích lũy sẽ được chuyển trực tiếp vào kho bạc AaveDAO.

Việc tạo và đốt GHO sẽ được thực hiện bởi một đơn vị không cần tin cậy (trustless), GHO gọi họ là Facilitators, Facilitator có thể là một giao thức, một thực thể, v.v. Bất kỳ Facilitator nào cũng phải được Ban quản trị Aave phê duyệt. ví dụ Facilitator #1 AAVE, Facilitator #2 RWA…

Các Facilitator khác nhau sẽ có thể áp dụng các chiến lược khác nhau để tạo ra GHO của họ. Ban quản trị sẽ phê duyệt cho mỗi Facilitator một lượng GHO tối đa có thể sinh ra.

Stablecoin GHO
Cơ chế hoạt động của Stablecoin GHO

Lãi suất vay cho GHO sẽ do AaveDAO quyết định, với một tỷ lệ ổn định có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Thiết kế này duy trì tính linh hoạt của mô hình lãi suất đi vay của Giao thức Aave và trong tương lai sẽ có thể thực hiện bất kỳ chiến lược lãi suất nào mà cộng đồng Aave thấy phù hợp.

Ban đầu, AAVE sẽ cho phép những người giữ stkAAVE sẽ nhận được chiết khấu trên lãi suất vay từ 0-100%, tức là họ được hưởng lãi suất thấp hơn khi vay GHO. Tỷ lệ chiết khấu này được kiểm soát bởi ban quản trị Aave.

Đặc điểm của GHO

Điểm nổi bật của GHO là cơ chế phân vùng và trao quyền cho các Facilitators, giúp người dùng có thể tạo GHO với nhiều loại tài sản đang được hỗ trợ trên Giao thức Aave trong khi vẫn giữ nó được thế chấp và giảm rủi ro. Kiểm soát nguồn cung và vay cũng giúp giảm thiểu rủi ro.

Đồng ổn định GHO chia sẻ các đặc điểm tương tự với đồng ổn định DAI (được tạo bởi MakerDAO). Cả hai là stablecoin phi tập trung và thế chấp quá mức (Over-Collateralized) để giữ giá cố định của chúng với đồng USD.

GHO có thể được phân phối theo hình thức trustless trên các blockchains trong khi được đúc trên Ethereum, có tính bảo mật cao hơn, bằng cách truyền thông tin đơn giản, không cần sử dụng cầu nối, giảm rủi ro tổng thể.

GHO
Stablecoin phát hành trên các blockchain

GHO làm tăng giá trị cho hệ sinh thái AAVE

  • GHO mang lại giá trị cho người nắm giữ stkAAVE, thông qua việc mint GHO với lãi suất chiết khấu. Nghĩa là họ sẽ phải trả lãi suất thấp hơn cho GHO mà họ vay.
  • Aave DAO sẽ nhận được một lượng doanh thu đáng kể dưới dạng phí, khi mọi người mint GHO thông qua Giao thức Aave và bất kỳ Facilitator nào khác.
  • Thay vì LP nhận phần lớn lãi vay của GHO, khoản lãi này được DAO thu toàn bộ. DAO sẽ dùng khoản này để khuyến khích phát triển hệ sinh thái và hỗ trợ kho bạc khi thị trường suy thoái…
  • Sau sự ra đời của GHO, DAO cũng sẽ có thể quyết định lãi suất gốc của GHO và thay đổi nó theo thời gian thông qua một quy trình quản lý, quy trình này sẽ được nêu trong một đề xuất sắp tới. Điều này có nghĩa là chính sách tiền tệ của GHO sẽ được quản lý AAVE kiểm soát theo cách phi tập trung.
  • Quan trọng là, việc mở rộng các Pools stablecoin của giao thức bao gồm GHO tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của thị trường stablecoin, sẽ thêm tùy chọn và đa dạng hóa cho người dùng Aave và giúp đóng góp vào vị thế của giao thức.

Cách GHO tiếp cận thị trường

  • AAVE có tham vọng áp dụng GHO cho cả thị trường crypto lẫn cộng đồng truyền thống bên ngoài.
  • Layer 2 có phí giao dịch thấp và việc áp dụng chúng ngày càng tăng nên AAVE tin rằng có cơ hội để GHO sử dụng rộng rãi trên L2.
  • Aave có kế hoạch tận dụng các khoản tài trợ và hackathons để thúc đẩy việc áp dụng hàng loạt stablecoin GHO. Các điểm bán hàng sẽ bao gồm việc sử dụng GHO như một hệ thống thanh toán không biên giới và permissionless.

So sánh GHO với các Stablecoin khác

Mặc dù Aave đã tuyên bố rằng stablecoin GHO tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của thị trường stablecoin phi tập trung toàn cầu thay vì cạnh tranh, nhưng việc so sánh với các stablecoin phổ biến và đã được thiết lập sẽ là điều không thể tránh khỏi.

GHO vs DAI

Tương tự như GHO, người dùng tạo DAI bằng cách gửi tài sản tiền mã hóa thế chấp vào kho tiền của Maker Protocol. Ngoài ra, giống như GHO, mỗi DAI được đúc bằng tài sản thế chấp có giá trị cao hơn nhiều so với khoản nợ DAI.

Tuy nhiên, DAI được thế chấp hơn 30% bởi USDC (một đồng stablecoin tập trung), nó khiến DAI chịu rủi ro tập trung. Còn GHO được thiết kế hoàn toàn phi tập trung, thế chấp bởi các tài sản crypto trên AAVE và được quản trị bởi DAO.

GHO phân vùng và trao quyền cho các Facilitators, kiểm soát nguồn cung và vay giúp giảm thiểu rủi ro. Trong khi DAI quản lý rủi ro trên toàn giao thức nhờ Maker Vault (quản lý vị thế nợ DAI), Maker Buffer (Kho bạc của dự án), Dai Saving Rate (giúp ổn định tỉ giá đồng DAI).

GHO được kiểm toán lần đầu bởi OpenZeppelin còn DAI và hệ sinh thái MakerDAO được kiểm toán bởi Callisto Network.

GHO vs UST

GHO được thế chấp quá mức bằng các tài sản tiền mã hóa trên AAVE, trong khi UST là stablecoin thuật toán, UST không được hỗ trợ bởi các tài sản tiền mã hóa như BTC, ETH (mặc dù sau này có thành lập kho bạc LFG đã tích lũy lượng BTC ~3.5 tỷ USD nhưng từng ấy vẫn còn quá nhỏ so với vốn hóa UST ~18.5 tỷ USD).

Để duy trì peg với 1 USD, Terra cho phép đổi $1 UST với $1 LUNA, nếu UST mất peg thì nó tạo ra cơ hội kinh doanh chênh lệch giá (Nếu UST < 1$, người dùng mua UST bên ngoài giá < 1$ và redeem lại vào giao thức với giá 1$. Ngược lại nếu UST>1$, người dùng mint UST với giá 1$ trong giao thức và bán ra bên ngoài với giá >1$), về lý thuyết thì sẽ khuyến khích thị trường lấy lại tỉ giá. Tuy nhiên thực tế thì lại khá phũ phàng khi 18 tỷ UST đã bị bốc hơi nhanh chóng trước làn sóng panic sell.

GHO vs FRAX

FRAX là stablecoin thuật toán phân số, duy trì peg 1 USD với cấu trúc thế chấp một phần. Khi giá vượt quá 1 USD, giao thức sẽ giảm tỷ lệ tài sản thế chấp, ngược lại điều chỉnh tăng tài sản thế chấp lên khi giá giảm xuống dưới 1 USD.

Đồng ổn định Frax được thiết kế để giảm thiểu rủi ro thế chấp quá mức. Các loại stablecoin thế chấp quá mức như GHO, được thế chấp hoàn toàn bằng tài sản tiền mã hóa, có nguy cơ mất ổn định khi một sự kiện thiên nga đen, chẳng hạn như flash-crash (giá tài sản giảm đột ngột do lực bán tháo lớn).

Stablecoin Frax cũng rẻ hơn và hiệu quả về vốn từ góc độ nguồn cung. Thiết kế thuật toán phân số độc đáo của FRAX cho phép nó cắt giảm chi phí (bằng cách sử dụng một phần các phương tiện thuật toán) để hỗ trợ sự ổn định của stablecoin FRAX.

Kết luận

GHO được phát triển bởi AAVE – một giao thức lending phi tập trung hàng đầu hiện nay. Người dùng sẽ yên tâm hơn khi GHO là stablecoin phi tập trung và được thế chấp quá mức. GHO liệu có thể trở thành stablecoin thế hệ mới, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của thị trường stablecoin và thanh khoản trong DeFi không? Chúng ta cùng follow những đề xuất sắp tới của AaveDAO về lãi suất, tài sản thế chấp và giới hạn, v.v. và sự đón nhận của người dùng với đồng GHO nhé.