Tổng quan 

Thị trường crypto đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và luật pháp cũng đang đi theo xu hướng đó. Gần đây, Hong Kong đã mở cửa giao dịch crypto cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, đánh dấu sự trở lại của một trong những trung tâm crypto quan trọng của thế giới. 

Trong khi đó, MiCA – một đạo luật mới được thông qua bởi EU – cũng được xem là một luật giúp đẩy mạnh sự phát triển của crypto ở châu Âu. Vậy MiCA quy định về crypto như thế nào và đạo luật này có khác gì so với những khung pháp lý hiện tại của Hong Kong? 

Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết “Pháp lý Series #2: Hiểu sao cho đúng về MiCA – luật crypto của châu Âu?” của GFI Blockchain. 

Đọc thêm: Pháp lý Series #1: Hong Kong hợp pháp hóa crypto, Trung Quốc đang mưu tính điều gì? 

MiCA là gì? 

MiCA (Markets in Crypto Assets) là một bộ luật về crypto đã được Liên minh châu Âu thông qua. MiCA có thể trở thành luật vào tháng 7 năm 2023, với một số quy định có hiệu lực từ tháng 7 năm 2024 và các quy định khác có hiệu lực vào tháng 1 năm 2025.

Đây là một phần của gói tài chính kỹ thuật số rộng hơn được đưa ra bởi Liên minh châu Âu và được ca ngợi là quy định về crypto quan trọng nhất trên thế giới.

Đạo luật MiCA mở đường cho sự phát triển của crypto tại EU
Đạo luật MiCA mở đường cho sự phát triển của crypto tại EU

MiCA quy định như thế nào về crypto? 

MiCA đưa ra các quy định về phân loại tài sản crypto, quy định nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp crypto (đặc biệt là doanh nghiệp về stablecoin), và bỏ ngỏ quy định về các bộ sưu tập NFT. 

Những sản phẩm crypto nào sẽ bị “đưa vào tròng”? 

Theo phiên bản văn bản mới nhất có sẵn, MiCA áp dụng cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào “tham gia vào việc phát hành, cung cấp cho công chúng và cho phép giao dịch các tài sản crypto hoặc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài sản crypto trong Liên minh châu Âu“. 

Tài sản crypto được định nghĩa là “biểu hiện kỹ thuật số của giá trị hoặc quyền hạn có thể được chuyển nhượng và lưu trữ điện tử, sử dụng công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ tương tự”. Tài sản crypto được chia thành ba loại: 

  • Loại đầu tiên là token tiền điện tử (EMT – electronic money tokens), sử dụng chỉ một loại tiền tệ để ổn định giá trị của chúng, do đó bao gồm hầu hết các stablecoin được bảo đảm bằng tiền tệ fiat. 
  • Loại thứ hai là token tham chiếu tài sản (ART – asset-referenced tokens), ràng buộc giá trị của chúng bằng một thứ gì đó hoặc đến một giỏ tiền tệ và tài sản. Dự án Diem (trước đây được biết đến với tên gọi Libra) của Meta là một trong những dự án thuộc nhóm ART. 
  • Loại thứ ba bao gồm hầu hết tất cả các loại tài sản crypto khác, với một vài ngoại lệ đáng chú ý, chẳng hạn như những tài sản đã được quy định trong các luật hiện hành.
Dự án Diem được xếp vào nhóm token tham chiếu tài sản theo đạo luật MiCA
Dự án Diem được xếp vào nhóm token tham chiếu tài sản theo đạo luật MiCA

Không áp dụng cho NFT nhưng Bored Apes và CryptoPunks sẽ bị kiểm soát

Điểm đáng chú ý của MiCA là không áp dụng cho NFT. Đạo luật này chỉ áp dụng cho các tài sản có tính chất thay thế được (fungible assets), chứ không phải đối với những tài sản có giá trị “được gán cho từng đặc điểm độc đáo của từng tài sản crypto và tiện ích mà nó mang lại cho chủ sở hữu token“. 

Tuy nhiên, văn bản này lại bỏ ngỏ về các bộ sưu tập lớn của NFT: “Các tài sản crypto dưới dạng token không thay thế (NFT) trong một bộ sưu tập lớn nên được xem như là có tính thay thế“. Các chuyên gia cho rằng câu này nhằm ám chỉ các bộ sưu tập phổ biến như Bored Apes và CryptoPunks.

MiCA bỏ ngỏ về những bộ sưu tập NFT lớn như Bored Ape Yacht Club
MiCA bỏ ngỏ về những bộ sưu tập NFT lớn như Bored Ape Yacht Club

Doanh nghiệp crypto phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt 

Nhìn chung, MiCA có các quy định nghiêm ngặt hơn về stablecoin, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp liên quan đến crypto tiết lộ thông tin chi tiết hơn, và thực hiện các quy trình chống rửa tiền (AML) và bảo mật dữ liệu. 

Theo MiCA, nhà cung cấp dịch vụ tài sản crypto (CASP) là bất kỳ doanh nghiệp hoặc cá nhân nào cung cấp các dịch vụ liên quan đến crypto một cách chuyên nghiệp. Vậy CASP bao gồm các sàn giao dịch và nền tảng giao dịch, các nhà giao dịch chuyên nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản, các cố vấn và nhà quản lý danh mục đầu tư, và các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền. 

Các thực thể này sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt để bảo vệ tiền của khách hàng và chịu trách nhiệm nếu để mất tài sản của nhà đầu tư. CASP nên “hành động trung thực, công bằng và chuyên nghiệp”, và cần đảm bảo giao thức bảo mật đạt chuẩn. CASP cũng cần có một số tiền tối thiểu trong “quỹ của riêng mình”. 

Sau khi đã có được giấy phép từ cơ quan quản lý tại một quốc gia, CASP sẽ có thể cung cấp dịch vụ của mình trên toàn liên minh châu Âu, bao gồm 27 quốc gia. 

Quy định về white paper và stablecoin 

Một thay đổi quan trọng trong đạo luật MiCA là yêu cầu tất cả người phát hành tài sản crypto phải xuất bản white paper. White paper phải được xuất bản trước khi tài sản được cung cấp cho công chúng, và có vai trò như một bản tóm tắt mà một công ty công bố trước khi đưa cổ phiếu của mình lên sàn giao dịch chứng khoán. 

White paper phải ghi rõ về người phát hành tài sản, lượng vốn được huy động sẽ dùng để phát triển dự án nào, cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ đi kèm với token. White paper cũng phải cung cấp thông tin về tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường.

Tuy nhiên, để tránh gánh nặng đối với các doanh nghiệp nhỏ, các dự án được cung cấp cho ít hơn 150 cư dân Liên minh châu Âu hoặc có giá trị ít hơn 1 triệu euro trong vòng 12 tháng thì không cần xuất bản white paper.

Đọc thêm: White Paper là gì? Tầm quan trọng của White Paper khi đầu tư Crypto

MiCA yêu cầu tất cả dự án phát hành crypto phải công bố white paper
MiCA yêu cầu tất cả dự án phát hành crypto phải công bố white paper

Bên cạnh đó, MiCA cũng có các quy định về stablecoin. Nhà đầu tư nên có khả năng đổi lại (redeem) ART và EMT (token tham chiếu tài sản và token tiền điện tử) của mình bất cứ lúc nào. Nghĩa là người phát hành stablecoin phải có quỹ dự trữ để người nắm giữ token có thể đổi thành tiền mặt, và quỹ này cần được tách biệt khỏi các quỹ khác.

So sánh MiCA với giấy phép VASP của Hong Kong 

Về tổng quan, đạo luật MiCA của Liên minh Châu Âu có các quy định chi tiết và toàn diện hơn nhiều so với văn bản về VASP (Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo) của Hong Kong. Văn bản VASP của Hong Kong chỉ nói về hoạt động giao dịch crypto – một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh pháp lý của toàn ngành, còn MiCA đã đưa ra quy định chi tiết về các thành phần trong thị trường. 

MiCA phân loại tài sản crypto thành 3 loại (ART, EMT và crypto khác), do đó đã bao quát toàn bộ loại token có mặt trên thị trường crypto (trừ NFT). Trong khi đó, giấy phép VASP của Hong Kong chỉ nêu ra định nghĩa về tài sản ảo. 

MiCA đưa ra quy định chi tiết về white paper và stablecoin, đặc biệt là quy định doanh nghiệp phải dự trữ tài sản để khách hàng có thể redeem token khi cần thiết. Trong khi đó, giấy phép VASP của Hong Kong chỉ quy định nhà đầu tư nhỏ lẻ không được giao dịch stablecoin. 

Bên cạnh đó, so với MiCA, văn bản về VASP của Hong Kong rất hạn chế phạm vi áp dụng: chỉ áp dụng cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, các token vốn hóa lớn, và doanh nghiệp crypto có nhiều kinh nghiệm về pháp lý. Trong khi đó, đạo luật MiCA lại bao gồm tất cả thành phần tham gia trong ngành crypto, từ khách hàng tới sàn giao dịch, tới các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển tiền. 

Điểm chung duy nhất của hai văn bản luật là trong mảng NFT. MiCA hầu như không quy định gì về NFT, chỉ lưu ý sẽ quan tâm các bộ sưu tập NFT lớn. Tương tự MiCA, luật VASP của Hong Kong cũng chỉ đề cập tới các token tiện ích, token thanh toán và token quản trị mà không đề cập về NFT. 

Đạo luật crypto MiCA là khung pháp lý hoàn thiện hơn so với VASP của Hong Kong
Đạo luật crypto MiCA là khung pháp lý hoàn thiện hơn so với VASP của Hong Kong

MiCA sẽ tác động như thế nào đến ngành crypto? 

Đạo luật MiCA được xem là “ngọn cờ đầu”, làm nền tảng để các quốc gia khác (như Anh, Hong Kong, Hoa Kỳ…) xây dựng bộ luật cho riêng mình về crypto. Nhiều chuyên gia cho rằng MiCA sẽ định hình cho bức tranh pháp lý của toàn ngành. 

Theo Brinda Paul – Giám đốc Tuân thủ Pháp lý của Banxa, MiCA thiết lập một tiêu chuẩn cao về bảo vệ người tiêu dùng, nên khách hàng sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ một thị trường tiền điện tử đáng tin cậy. MiCA sẽ là chất xúc tác cho cả ngành, thu hút cả các doanh nghiệp startup và doanh nghiệp lâu đời, từ đó mở đường cho sự cạnh tranh lành mạnh hơn. 

Laura Chaput – Trưởng bộ phận Tuân thủ Pháp lý của Keyrock – cho rằng luật về đơn vị phát hành stablecoin sẽ cung cấp thêm “sự tin tưởng rằng token của họ được dự trữ và redeem hợp lý, và các biện pháp chống thao túng sẽ giúp bảo vệ thị trường này.” 

Vấn đề về thiếu minh bạch của các doanh nghiệp crypto cũng sẽ được giải quyết khi có MiCA. Một thành viên của ủy ban kinh tế Nghị viện châu Âu là ông Stefan Berger từng tuyên bố rằng việc áp dụng MiCA như một bộ tiêu chuẩn quy định toàn cầu có thể đã ngăn chặn được thảm họa FTX. 

Kết luận 

MiCA (Markets in Crypto Assets) là một đạo luật toàn diện và chi tiết cho toàn bộ thành phần tham gia trong thị trường crypto. Đạo luật MiCA quy định rõ về cách phân loại các token, nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong thị trường, yêu cầu về việc công bố white paper và dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành stablecoin. 

So với giấy phép VASP của Hong Kong, đạo luật MiCA vượt trội về mức độ chi tiết và phạm vi áp dụng. MiCA hiện là văn bản pháp lý hoàn chỉnh nhất về thị trường crypto, đóng vai trò cơ sở để các quốc gia khác trên thế giới ra mắt luật crypto của mình.