Tổng quan
Ngày 1/6 tới đây, thị trường Hong Kong chính thức cho phép nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia đầu tư hợp pháp vào các tài sản crypto, tạo tiền đề cho Hong Kong trở thành miền đất hứa với các loại tài sản này.
Vậy chính xác thì chính quyền Hong Kong đã nói gì trong quy định mới, và Trung Quốc đang thể hiện lập trường như thế nào đối với crypto qua những động thái gần đây? Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết của GFI Blockchain.
Vị thế gia tăng của Hong Kong trên thị trường crypto
Khu vực Hong Kong – Trung Quốc đã từng là một trung tâm về crypto của thế giới. Hong Kong là nơi ra đời của Bitfinex, BitMEX, Tether. Các sàn giao dịch crypto lớn như Binance, Huobi, OKX trước đây cũng liên quan mật thiết tới thị trường Hong Kong.
Sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm ICO vào năm 2017, cũng như ban hành lệnh cấm giao dịch và khai thác crypto trên toàn quốc vào năm 2021, các sàn crypto và tập đoàn thợ đào lớn lần lượt tháo chạy khỏi quốc gia này. Vị thế của Hong Kong vì thế mà dần giảm xuống, và lần lượt được thay thế bằng những quốc gia mới nổi về crypto như Singapore hay El Salvador.
Tuy nhiên, Hong Kong không “sớm nở tối tàn” như vậy. Suốt lịch sử hàng trăm năm, Hong Kong luôn là cửa ngõ của Trung Quốc để giao dịch và liên lạc với thế giới, và là một thương cảng quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Hong Kong vẫn là một vùng lãnh thổ năng động bậc nhất châu Á. Dù Hong Kong trực thuộc Trung Quốc nhưng vùng lãnh thổ này vẫn giữ được sự năng động về chính sách kinh tế – chính trị trong mô hình nhà nước “Một quốc gia – Hai chế độ”.
Do đó, với những động thái gần đây thể hiện sự mở cửa của chính quyền Trung Quốc đối với crypto và blockchain, Hong Kong sẽ có một vị thế rất quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc. Các vai trò của Hong Kong sẽ là:
- Một mắt xích quan trọng để Trung Quốc nối lại các hoạt động giao thương với thế giới crypto.
- Một trung tâm về crypto và blockchain của khu vực châu Á.
- Một “bãi thử nghiệm” chiến lược của Trung Quốc để áp dụng crypto và blockchain vào nền kinh tế.
Hong Kong hợp pháp hóa crypto với quy định khắt khe
Từ tháng 2/2023, nhiều tin đồn đã rộ lên trong cộng đồng crypto thế giới về việc Hong Kong sắp hợp pháp hóa hoạt động giao dịch crypto. Đúng là Hong Kong có các động thái mở cửa giao dịch crypto, nhưng không mở cửa hoàn toàn như nhiều người mong đợi.
Thực chất, từ ngày 1/6/2023, Hong Kong sẽ ban hành một loại giấy phép có tên gọi Nhà cung cấp dịch vụ Tài sản ảo (Virtual Asset Service Providers – VASP). Cơ quan quản lý chứng khoán của Hong Kong là SFC cũng đã ban hành một bản hướng dẫn để các sàn giao dịch crypto và người dùng có thể hiểu rõ hơn về giấy phép này.
Chỉ một số nhà đầu tư nhỏ lẻ được giao dịch crypto
Nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ được giao dịch crypto, nhưng người đó phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp với danh mục đầu tư tối thiểu 8 triệu HKD (khoảng 1 triệu USD).
Nhà đầu tư phải được đánh giá về khả năng chịu rủi ro, sự hiểu biết đối với tài sản ảo thông qua trình độ giáo dục, công việc và kinh nghiệm giao dịch trước đây. Nhà đầu tư cũng bị hạn chế về kích cỡ vị thế giao dịch, giới hạn này sẽ dần được nới rộng qua từng cấp độ KYC.
Sàn giao dịch phải minh bạch tài chính
Sàn giao dịch crypto phải luôn luôn duy trì khoản vốn tối thiểu trị giá 5 triệu HKD (khoảng 640 nghìn USD) và phải gửi báo cáo tài chính hàng tháng cho SFC. Khi người dùng gửi tài sản vào sàn, hầu hết tài sản này phải được lưu trữ vào ví lạnh, và sàn chỉ được để tối đa 2% tài sản người dùng trong ví nóng.
Yêu cầu này của SFC được cho là nhằm cải thiện tình hình khai báo Bằng chứng Dự trữ (Proof of Reserves) không “có tâm” của các sàn giao dịch crypto sau sự kiện sụp đổ của FTX.
Nhà đầu tư được giao dịch token nào?
SFC không công bố danh sách token được phép giao dịch, chỉ đưa ra những tiêu chí sau:
- Từ khi phát hành, một token phải chờ thêm 12 tháng mới được phép niêm yết trên các sàn.
- Token được niêm yết phải được audit hợp đồng thông minh bởi một đơn vị độc lập.
- Token được niêm yết phải là một tài sản ảo có vốn hóa lớn được niêm yết trong danh sách chỉ số của hai nhà cung cấp chỉ số độc lập (independent index providers).
- Nhà đầu tư nhỏ lẻ không được giao dịch stablecoin.
Trong một thread vào tháng 2/2023, Adam Crochran – đối tác của Cinneamhain Ventures và là một nhà phân tích luật nổi tiếng trong giới crypto – đã cho rằng chỉ có BTC và ETH thỏa mãn các tiêu chí nêu trên.
26/39
These assets must be "Eligible large-cap virtual assets" which are included in "two acceptable indices" provided by "two independent index providers"
Currently, in HK, the only assets that meet this requirement are BTC and ETH.
— Adam Cochran (adamscochran.eth) (@adamscochran) February 21, 2023
Trong khi đó, một bài đăng gần đây của George Marshall cho rằng một số token khác như Litecoin, Bitcoin Cash, Polkadot, Chainlink, Solana, Avalanche, Polygon và Cardano cũng có thể nằm trong danh sách được cấp phép.
🇭🇰👀 According to the requirements of the Hong Kong government, tokens purchased by retail investors must be included in two major indices (minimum requirement).
👇tokens that may get approval first. pic.twitter.com/ZRU5ZDypfc— G.M. (@DegenFully) May 23, 2023
Nhìn vào các quy định trên, có thể thấy chính quyền Hong Kong đưa ra những hạn chế rất ngặt nghèo đối với hoạt động giao dịch crypto, xem như vẫn “đóng cửa” với phần lớn sàn crypto và người dùng.
Tuy nhiên, nếu vùng lãnh thổ này thật sự muốn trở thành trung tâm crypto của châu Á, có thể các điều kiện nêu trên sẽ được nới lỏng trong tương lai khi thị trường Hong Kong đi vào ổn định.
Thái độ của Trung Quốc với crypto đang thay đổi
Sau gần 2 năm cấm đoán crypto, Trung Quốc đang dần thể hiện quan điểm thoáng hơn với lĩnh vực này, trong đó hai ví dụ tiêu biểu nhất là việc đẩy mạnh phát hành CBDC trong dân chúng, và việc mở cửa giao dịch crypto cho nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Hong Kong.
Truyền thông đại chúng Trung Quốc cũng đang thể hiện quan điểm tích cực với crypto. Kênh CCTV-2 (thuộc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc) mới đây đã đưa tin về việc Hong Kong hợp pháp hóa giao dịch crypto, trong đó có nhiều hình ảnh về Bitcoin, NFT và công nghệ blockchain.
JUST IN: 🇨🇳 China's Central Television network just broadcasted the news that Hong Kong is allowing retail investors to buy #bitcoin
China is quietly allowing it again… 👀 pic.twitter.com/M2qy6ig7x0
— Bitcoin Magazine (@BitcoinMagazine) May 24, 2023
Một tin tức khác cũng gây chấn động là sự kiện Ủy ban Khoa học & Công nghệ thành phố Bắc Kinh đã ra mắt Whitepaper về Đổi mới và Phát triển Web3 vào ngày 29/5/2023, văn bản này đã đề cập Web3 như một “xu hướng tất yếu cho sự phát triển của Internet”.
Trung Quốc đang mưu tính điều gì?
Giải thích cho những chính sách gần đây của Trung Quốc, một phân tích rất thú vị đã được đưa ra trong bài blog “Comeback” của Arthur Hayes – đồng sáng lập và cựu CEO của sàn giao dịch BitMEX.
Arthur Hayes cho rằng Trung Quốc đang nắm hàng nghìn tỷ USD thông qua thặng dư thương mại, và cũng đã nắm quá nhiều Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Trước tình hình đồng USD mất giá do lạm phát, chính quyền Trung Quốc đang đau đầu tìm kiếm những loại tài sản mới để giữ giá trị cho khối thặng dư khổng lồ này, và Bitcoin có thể là một lựa chọn phù hợp.
“Bitcoin và tiền điện tử có thể giải quyết một phần vấn đề của Trung Quốc. Bitcoin nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào, khiến nó trở thành tài sản tài chính tốt hơn nhiều so với Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ.” – Arthur Hayes chia sẻ.
Tuy nhiên, quan điểm giải quyết thặng dư thương mại của Arthur Hayes chỉ là một khía cạnh nhỏ trong toàn bộ bức tranh chính sách của Trung Quốc đối với thị trường crypto. Có ba lý do chính khiến Trung Quốc cần “trọng dụng” crypto và blockchain:
- Thứ nhất, blockchain là một phát minh đột phá của nhân loại, giúp giải quyết vấn đề về niềm tin (tin tưởng lẫn nhau để hợp tác) vốn vẫn là bài toàn khó của các nền văn minh từ xưa đến nay. Nếu Trung Quốc tranh thủ giai đoạn kinh tế thịnh vượng và chính trị ổn định để đẩy mạnh ứng dụng blockchain, đây sẽ là đòn bẩy để kinh tế Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới.
- Thứ hai, đất nước Trung Quốc là cái nôi sinh ra những sàn giao dịch crypto lâu đời của thế giới, chứng kiến làn sóng ICO “điên cuồng” những năm 2017 – 2018, và duy trì thị phần khai thác crypto (BTC & ETH) lên tới 20% toàn cầu kể cả khi bị chính quyền cấm đoán. Điều này cho thấy người dân Trung Quốc rất có thiện cảm với crypto và blockchain, việc chính quyền Trung Quốc mở cửa với crypto cũng là hành động “hợp lòng dân”.
- Thứ ba, blockchain và crypto đã được nhiều quốc gia để mắt đến, các nghị viện của Hoa Kỳ, EU, Anh… đang họp bàn ngày càng thường xuyên về lĩnh vực này. Các quốc gia kể trên đều có nguồn lực về vốn rất lớn để đầu tư vào công nghệ blockchain; nếu chậm chân, Trung Quốc sẽ vuột mất cơ hội bứt phá của mình.
Tóm lại, giai đoạn hiện tại là thời điểm chín muồi để Trung Quốc đẩy mạnh phát triển crypto và blockchain – lĩnh vực mới này sẽ giúp Trung Quốc giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội và chính trị.
Kết luận
Sự kiện Hong Kong mở cửa giao dịch crypto cho nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đánh dấu sự trở lại của một trong những trung tâm crypto quan trọng của thế giới. Hiện tại Hong Kong chỉ cho phép giao dịch crypto một cách hạn chế, nhưng những hạn chế này có thể sẽ được nới lỏng khi thị trường Hong Kong ổn định hơn.
Từ sự kiện trên, có thể thấy rằng Hong Kong sẽ là “bãi thử nghiệm” crypto và blockchain của Trung Quốc. Những động thái gần đây cũng chứng tỏ chính quyền Trung Quốc sẽ không bỏ lỡ cơ hội để đổi vị thế kinh tế – chính trị thông qua công nghệ mới này.