Tổng quan
Khi nhắc đến NFT, chúng ta thường nghĩ đến một loại token chỉ dùng để cất trong ví và có tác dụng sưu tầm là chính. Tuy nhiên, chuẩn token ERC-6551 sẽ thay đổi suy nghĩ này.
Tiêu chuẩn token ERC-6551 mở rộng khả năng sử dụng của NFT bằng cách biến chúng thành một tài khoản Ethereum hoàn chỉnh, có thể tương tác với các ứng dụng Web3 và thực hiện các chức năng khác.
Để tìm hiểu rõ hơn về tiềm năng của chuẩn token ERC-6551, mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây của GFI Blockchain.
Đọc thêm: Non-fungible token (NFT): Ứng dụng và cách sử dụng
ERC-6551 là gì?
ERC-6551 là một chuẩn token mới, giúp cải tiến đáng kể chức năng của chuẩn ERC-721 và vừa được phát hành trên Ethereum vào ngày 7/5/2023.
Nói một cách dễ hiểu, ERC-6551 biến đổi NFT thành một ví (smart contract wallet) có địa chỉ riêng, các ví này được gọi là “Token Bound Accounts” (TBA).
Trong một TBA, các bạn có thể lưu trữ các token ERC-20, ERC-721, ERC-1155…, nói chung là tất cả NFT và token mà bạn có thể nghĩ đến. Bên cạnh đó, vì TBA cũng là một “ví”, các bạn cũng có thể dùng TBA để tương tác với các ứng dụng phi tập trung và toàn bộ cơ sở hạ tầng blockchain hiện tại như Opensea, MetaMask hay Etherscan.
ERC-6551 hoạt động như thế nào?
Các NFT ERC-721 có chức năng khá hạn chế. Các NFT này chỉ có thể dùng để sở hữu và chuyển nhượng và không thể sở hữu các tài sản khác, như token hoặc các NFT khác. Hơn nữa, các NFT ERC-721 cũng không thể tương tác với các hợp đồng thông minh khác hoặc tiến hóa dựa trên các yếu tố bên ngoài và input của người dùng.
ERC-6551 sử dụng một registry (cơ sở dữ liệu) tương thích với ERC-721 NFT để giải quyết vấn đề này. Registry là một hợp đồng thông minh hoạt động như một factory và directory cho các TBA. Bất cứ ai cũng có thể tạo ra một TBA cho token ERC-721 bằng cách gọi một hàm trên registry và thanh toán một khoản phí nhỏ. Sau đó, registry triển khai một hợp đồng ủy quyền (authorization contract), hợp đồng này hoạt động như một TBA cho các token.
Hợp đồng ủy quyền đại diện cho TBA kế thừa tất cả các thuộc tính và metadata của token ERC-721 gốc. Hợp đồng ủy quyền cũng tuân theo tiêu chuẩn EIP-1271, cho phép hợp đồng này đại diện cho các token để ký các tin nhắn và xác minh chữ ký. Nhờ vậy, TBA tương tác được với các hợp đồng thông minh và tài khoản trên Ethereum, như các sàn DEX, nền tảng Lending, game…
3 tính chất nổi bật của token ERC-6551
Tính tương thích
Tính tương thích nghĩa là người dùng có thể gộp các tài sản crypto như NFT và token khác vào trong một hồ sơ chung (profile) có dạng NFT ERC-6551. Khi người dùng bán hoặc chuyển NFT ERC-6551 đó, tất cả tài sản bên trong NFT đó cũng được chuyển đi theo.
Nhờ có khả năng tương thích, các NFT liên quan đến nhau trong một game (ví dụ NFT phụ kiện áo, quần, nón, màu mắt… của một nhân vật) có thể được gom lại thành một NFT ERC-6551, giúp giảm bớt rắc rối khi sử dụng NFT.
Trước đây, các NFT phụ kiện (ở dạng NFT ERC-721) vốn độc lập với nhau nên người dùng sẽ thấy khá rối mắt khi nhìn vào danh sách NFT của mình. Khi muốn mua bán cả nhân vật lẫn NFT phụ kiện, người dùng cũng phải thao tác cho từng NFT rất tốn thời gian.
Tính định danh
Tính định danh (Identity) nghĩa là mỗi NFT sẽ có một danh tính riêng dưới dạng lịch sử di chuyển on-chain, và có thể tương tác độc lập với các dApps mà không cần một ví chứa nào. Tính chất này giúp các game blockchain có thể dễ dàng biết được NFT nào “chơi” tích cực nhất, từ đó có các phần thưởng tương xứng. Việc có danh tính on-chain cũng giúp các NFT có uy tín cao hơn khi trở thành tài sản thế chấp trên các nền tảng Lending NFT.
Nguồn gốc rõ ràng
Tính nguồn gốc (Provenance) nghĩa là người dùng có thể theo dõi lịch sử giao dịch của các NFT ERC-6551, mức giá đã giao dịch cũng như cách mà các NFT này đã được sử dụng.
Đọc thêm: NFTFi là gì? 5 ứng dụng nổi bật của NFTFi
Nhà phát triển nói gì về ERC-6551?
Các nhà phát triển về DAO và NFT trên Ethereum đã chia sẻ góc nhìn của mình về ERC-6551:
- Benny Giang – nhà phát triển tiên phong của ERC-6551 và là đồng sáng lập công ty Future Primitive: “Ý tưởng rất đơn giản. Điều gì xảy ra nếu các NFT có ví riêng của chúng? Ý tưởng của chúng tôi được lấy cảm hứng từ Soul Bound Token (SBT), chỉ khác là chúng tôi làm ngược lại và gọi sản phẩm mới này là Token Bound Account (TBA). Thay vì gắn NFT vào ví, chúng tôi gắn ví vào NFT.”
- Gami – thành viên của Nouns DAO, đồng sáng lập của Gnars DAO và Tings DAO: “ERC-6551 là tất cả những gì tôi muốn thực hiện với NFT Nouns của mình khi tham gia Nouns DAO. Hy vọng một ngày NFT Nouns có thể được mua bán kèm theo những đặc tính mà chúng thu thập được.”
- 0xBeans.eth – lập trình viên Solidity: “ERC-6551 có thể là một trong những bản đề xuất thú vị nhất của Ethereum. ERC-6551 có những đặc tính rất thú vị, chẳng hạn chúng ta có thể mua bán cả một tài khoản. ENS là một bước tiến lớn trong hoạt động định danh on-chain, và việc cả một tài khoản Ethereum được sở hữu bởi một NFT sẽ là bước tiến lớn tiếp theo.”
Một số điểm hạn chế của ERC-6551
Ít nền tảng hỗ trợ
Tiêu chuẩn ERC-6551 vẫn cần được hỗ trợ rộng rãi bởi các nền tảng và sàn giao dịch NFT do những khó khăn về kỹ thuật hoặc yếu tố kinh doanh.
Bên cạnh đó, không phải dự án NFT nào cũng tuân thủ tiêu chuẩn ERC-6551. Do đó, một số NFT phổ biến và có giá trị cao như CryptoPunks sẽ không có tính năng Token Bound Account.
Phí cao
Cần phải tạo một tài khoản hợp đồng thông minh mới để phát hành các NFT ERC-6551. Quy trình này sẽ tốn phí và tài nguyên nhiều hơn so với quy trình phát hành NFT ERC-721.
Rủi ro bảo mật
NFT ERC-6551 vẫn là một sản phẩm mới và chưa được audit rộng rãi, nên sẽ chịu rủi ro về lỗi và lỗ hổng bảo mật. Các rủi ro này sẽ được giảm bớt khi tiêu chuẩn ERC-6551 được phát triển và sử dụng phổ biến hơn.
Chưa tối ưu trải nghiệm người dùng
Người dùng vốn quen nghĩ rằng NFT chỉ là một vật phẩm để sưu tập và mua bán. Tiêu chuẩn ERC-6551 lại tạo ra một loại NFT phức tạp hơn, khiến người dùng phải học nhiều kiến thức mới (cách tạo, truy cập, quản lý và chuyển nhượng tài khoản) để sử dụng hiệu quả loại NFT này.
Kết luận
ERC-6551 là một tiêu chuẩn NFT được phát triển trên Ethereum, cho phép các NFT sở hữu ví với địa chỉ riêng, các ví này được gọi là “Token Bound Accounts” (TBA).
So với ERC-721, tiêu chuẩn ERC-6551 có các lợi thế sau:
- NFT có thể chứa các token và NFT khác.
- NFT có thể tự tương tác với các hợp đồng thông minh (không cần thông qua ví).
- NFT có danh tính on-chain và lịch sử hoạt động riêng.
Các nhà phát triển trên Ethereum rất kỳ vọng vào ERC-6551, cho rằng tiêu chuẩn token này sẽ tạo ra bước tiến lớn cho lĩnh vực NFT. Tuy nhiên, tiêu chuẩn ERC-6551 cũng đang gặp phải một số hạn chế như: phí cao, ít nền tảng hỗ trợ, rủi ro bảo mật và chưa tối ưu trải nghiệm người dùng.