Thị trường khởi sắc là lúc các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm một hệ sinh thái mới nhưng đã hoàn thiện tất cả các mảnh ghép. Arbitrum đang đáp ứng cả hai tiêu chí đó, và là một vùng đất đầy tiềm năng cho những nhà đầu tư nhạy bén.
Arbitrum là một blockchain Layer 2 của Ethereum, sử dụng cơ chế Optimistic Rollup và hiện đang dẫn đầu về TVL trong nhóm giải pháp này.
Bài viết dưới đây của GFI Blockchain sẽ mang đến cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh về hệ sinh thái Arbitrum năm 2022.
Cập nhật chung về Arbitrum
Chiến dịch Arbitrum Odyssey
Ngày 21/6/2022, Arbitrum khởi chạy Arbitrum Odyssey – một chiến dịch khuyến khích người dùng khám phá các dự án trong hệ sinh thái Arbitrum với phần thưởng là Arbitrum Odysey NFT.
Chiến dịch này dự kiến diễn ra trong 8 tuần, nhưng đã phải dừng lại chỉ sau 2 tuần. Nguyên nhân là quá nhiều người dùng tham gia để đầu cơ nhận airdrop, đẩy phí gas tăng cao lên tới $14 mỗi giao dịch.
Tổng kết chiến dịch đã có hơn 400 nghìn NFT được phân bổ cho người tham gia. Sự cố phí gas Odyssey cũng đã thúc đẩy Offchain Labs – đội ngũ phát triển Arbitrum – nhanh chóng tích hợp bản nâng cấp Nitro vào Arbitrum One.
Arbitrum Nova
Ngày 9/8/2022, Arbitrum chính thức khởi chạy Arbitrum Nova – một blockchain được phát triển trên công nghệ Arbitrum AnyTrust. Arbitrum Nova cũng như Arbitrum One đều là Layer 2 của Ethereum, tuy nhiên định hướng của Nova là nhằm tối ưu cho các ứng dụng xã hội và game với mức phí cực rẻ.
Cùng với sự kiện này, Reddit cũng công bố sử dụng Nova cho tính năng Community Points. Nhiều tên tuổi lớn như ConsenSys, GoogleCloud, QuickNode đã tham gia Data Availability Committee của Arbitrum Nova.
A new dawn is upon us🌄
✨Arbitrum Nova is now live and open to the public ✨
Nova is a new chain built on the Arbitrum AnyTrust technology and optimized for social and gaming applications that require ultra-low fees and high securityhttps://t.co/4yAqe7PrRx
— Arbitrum (💙,🧡) (@arbitrum) August 9, 2022
Arbitrum Nitro
Ngày 1/9/2022, Arbitrum One hoàn thành bản nâng cấp Nitro. Bản nâng cấp này làm tăng thông lượng (throughput) lên gấp 7-10 lần Ethereum, giúp Arbitrum One có tốc độ nhanh hơn, phí rẻ và yêu cầu thấp hơn cho hoạt động chạy node.
Theo thống kê từ Arbitrum vào cuối tháng 11, bản nâng cấp này đã giúp giảm hơn 90% chi phí vận hành cho các node validator.
Mua lại Prysmatic Labs
Ngày 12/10/2022, Offchain Labs công bố mua lại Prysmatic Labs – một trong những đội ngũ phát triển cốt lõi đứng sau bản nâng cấp The Merge của Ethereum. Prysmatic Labs sở hữu sản phẩm Prysm giúp hỗ trợ cơ chế đồng thuận Proof of Stake và đang được 43% số node của Ethereum sử dụng.
Việc thâu tóm Prysmatic Labs giúp nâng tổng số nhân sự của Offchain Labs lên hơn 60 người, cũng như thể hiện sự tham gia tích cực của Offchain Labs trong hoạt động phát triển Ethereum.
Các thông số mạng lưới chính của Arbitrum One
Trải nghiệm giao dịch
Thông số giao dịch của Arbitrum One so sánh với Optimism và zkSync được thể hiện trong bảng dưới đây:
Thông số | Arbitrum One | Optimism | zkSync |
Thời gian swap | 0,7 giây | 0,6 giây | 3-5 giây |
Phí swap | $0.13 | $0.16 | $0.10 |
Phí chuyển tiền | $0.03 | $0.9 | $0.04 |
Về thời gian giao dịch, mỗi lệnh swap trên Arbitrum One được hoàn thành chậm hơn một chút so với Optimism và nhanh hơn zkSync.
Về phí giao dịch, Arbitrum có mức phí tương đương zkSync và rẻ hơn Optimism. Tuy nhiên vào giờ cao điểm (từ sau 21h đến gần sáng theo giờ Việt Nam), phí gas có thể lên tới $0.3 trên Arbitrum và $0.5 trên Optimism.
Giá trị tài sản bị khóa (Total Value Locked – TVL)
Theo số liệu từ L2BEAT, TVL của Arbitrum One đạt đỉnh ở mức hơn 4 tỷ USD vào tháng 4/2022, sau đó giảm về mức hơn 2 tỷ USD và dao động ở vùng này suốt 7 tháng cuối năm 2022.
Hiện tại, Arbitrum One đang dẫn đầu về TVL trong số các blockchain Layer 2, chiếm 52% thị phần. Lượng TVL này cao gấp 1,7 lần so với Optimism, và gấp 40 lần so với zkSync.
Số giao dịch hàng ngày
Trong năm 2022, số giao dịch hàng ngày của Arbitrum One tăng mạnh từ đầu năm và đạt đỉnh ở mức 570 nghìn vào tháng 11. Đây là thời điểm đội ngũ marketing của Arbitrum lan truyền từ khóa “Arbitrum Autumn” (mùa thu Arbitrum) khiến nhiều người dùng đổ xô vào Arbitrum để giao dịch với hy vọng nhận được airdrop.
Tuy nhiên khi “mùa thu” đi qua mà không có thông tin gì về airdrop, nhiều nhà đầu cơ đã chán nản và rời bỏ Arbitrum, làm cho số giao dịch hàng ngày giảm chỉ còn hơn 200 nghìn vào ngày 31/12/2022.
Số địa chỉ duy nhất
Số địa chỉ duy nhất của Arbitrum One đã tăng gấp 8 lần, từ 330 nghìn lên hơn 2,5 triệu trong năm 2022. Đặc biệt, chỉ số này có hai đợt tăng mạnh vào tháng 6 và tháng 11, trùng với chiến dịch Arbitrum Odyssey và giai đoạn cao trào của “Arbitrum Autumn”.
Mức tăng này cho thấy nỗ lực rất lớn của Arbitrum trong việc thu hút người dùng, tuy nhiên số địa chỉ duy nhất của đối thủ lớn là Optimism cũng tăng trưởng rất tốt với mức tăng lên tới 16 lần.
Thống kê người dùng theo số giao dịch
Theo số liệu từ Dune Analytics, có khoảng 90 nghìn địa chỉ đã thực hiện hơn 100 giao dịch trên Arbitrum One. Do đó, các bạn nên cân nhắc thực hiện trên 100 giao dịch nếu đang đầu cơ kiếm airdrop từ Arbitrum.
Dự án nổi bật trong hệ sinh thái Arbitrum
Phái sinh
- GMX
GMX là sàn giao dịch spot và perpetual (hợp đồng vĩnh cửu) phi tập trung lớn nhất trên Arbitrum. Dù là một sàn DEX, GMX lại đang xây dựng tất cả tính năng mà một sàn CEX sở hữu, và định hướng trở thành trung tâm thanh khoản của cả hệ.
Mô hình nổi bật của sàn GMX là GLP (GMX Liquidity Provider), trong đó nhà cung cấp thanh khoản sẽ đóng góp vào một pool chung gồm ETH, wBTC, USDC, DAI… và nhận lại token GLP. Người nắm giữ GLP sẽ nhận được 70% phí giao dịch từ sàn GMX (real yield), và token GLP cũng được xem như giấy chứng nhận sở hữu một phần pool chung đã nêu trên.
- Rage Trade
Rage Trade là một sàn perpetual DEX native của Arbitrum cho phép người dùng mua bán token ETH với đòn bẩy lên tới 10 lần. Lượng thanh khoản cho đòn bẩy 10x này được Rage Trade tổng hợp từ các cặp thanh khoản ETH-USDC trên tất cả các blockchain được LayerZero hỗ trợ.
- Dopex
Dopex là sàn giao dịch quyền chọn (options) phi tập trung dành cho đồng Euro. Dopex đang hỗ trợ GMX phát triển các tài sản tổng hợp (synthetic asset), đang tự phát triển stablecoin DPXUSD (được hỗ trợ bởi 75% USDC và 25% rDPX), và có kế hoạch tham gia mảng bảo hiểm giao dịch.
DEX
- Uniswap
Uniswap là sàn DEX lớn nhất trong thị trường crypto và đang rất thành công sau khi V3 được triển khai Arbitrum. Do có lịch sử lâu đời, độ tin cậy về bảo mật và giao diện đơn giản dễ sử dụng, sàn DEX này luôn nằm trong top 3 dApp lớn nhất Arbitrum về lượng người dùng, TVL và khối lượng giao dịch hàng ngày.
- Curve
Curve Finance là sàn DEX dành cho stablecoin lớn nhất trên thị trường crypto, luôn là điểm đến số một khi cần swap stablecoin với tỷ lệ trượt giá cực thấp. Hiện tại Curve đang đạt mức TVL 70 triệu đô la trên Arbitrum, chỉ đứng sau Uniswap.
- Camelot
Camelot là sàn DEX native của hệ sinh thái Arbitrum, hiện đang có TVL 17 triệu đô la. Camelot có các tính năng swap, farming, stake như một sàn DEX thông thường, ngoài ra còn có launchpad và NFT. Sàn DEX này hiện đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều dự án trong hệ Arbitrum như Dopex, PlutusDAO, GMX.
Lending
- Aave
Aave là nền tảng lending lớn nhất với TVL trên tất cả blockchain là hơn 4,5 tỷ đô la. Aave V3 được triển khai trên Arbitrum vào cuối tháng 1/2022, hiện nay đang dẫn đầu mảng lending của blockchain này với TVL 57 triệu đô la.
- Radiant Capital
Radiant là một nền tảng lending cross-chain được fork từ Aave, đang hoạt động theo mô hình real yield. Real yield của giao thức đến từ phí giao thức (gồm cả khoản chênh lệch giữa cho vay và vay) cùng với tiền phạt. Radiant có tính năng vừa vay vừa bridge tài sản thông qua cầu Stargate. Dù là một dự án mới nhưng nền tảng này đã thu hút được 31 triệu đô la TVL trên Arbitrum.
Yield Optimizer
- PlutusDAO
PlutusDAO là một nền tảng tối ưu lợi nhuận trên Arbitrum, hiện đang hoạt động khá giống với mô hình của ConvexDAO trong Curve Wars: cho phép người dùng khóa vĩnh viễn token quản trị của các dự án khác vào giao thức và để nhận lại plsToken (ví dụ khóa DPX để nhận plsDPX). Mô hình này giúp PlutusDAO thu thập voting power của các dự án DeFi native trên hệ Arbitrum như Sperax, Dopex, Jones DAO…
Hiện tại dự án đã chiếm được lần lượt là 41% và 54% voting power của Sperax và Dopex. Lãi suất cho việc stake plsToken đang ở mức cao (30-100% APR) thể hiện tham vọng của PlutusDAO trong việc thu thập voting power, nhưng cũng tạo ra nghi vấn về sự bền vững của mô hình này.
- Beefy
Beefy Finance là nền tảng tối ưu lợi nhuận multi-chain rất phổ biến trong cộng đồng DeFi với nguồn thanh khoản dồi dào. Beefy có thuật toán so sánh lãi suất giữa các Vault để người dùng lựa chọn phù hợp với khẩu vị rủi ro. Ngoài ra, người dùng cũng có thể stake LP Token và stToken (đại diện cho token đã stake trên nền tảng khác) vào Beefy để nhận được lợi nhuận cao hơn.
Stablecoin
- Vesta Finance
Vesta Finance là một giao thức stablecoin native của hệ Arbitrum với stablecoin VST, có mô hình hoạt động CDP tương tự MakerDAO. Người dùng có thể stake ETH, GMX, GLP, gOHM… để mint VST. Dự án có những advisor nổi tiếng như 0xMaki – đồng sáng lập Sushiswap hay Lau Brother – 2 anh em sáng lập quỹ Not3Lau Capital. Vesta Finance đang có 22 triệu đô la TVL trên Arbitrum.
- Sperax
Sperax cũng là một giao thức stablecoin với stablecoin USDs. Tính năng đặc biệt của Sperax là auto-yield, tức là tài khoản USDs trong ví người dùng sẽ tự động tăng trưởng khoảng 11% mỗi năm.
Game/NFT
- The Beacon
The Beacon là một game NFT nhập vai hành động đang rất hot trên Arbitrum được phát triển bởi Treasure DAO. Người chơi có thể tham gia The Beacon một cách miễn phí, tuy nhiên nên mua một nhân vật NFT để trải nghiệm game tốt nhất.
Game có hai nhiệm vụ chính là giải đố (Quiz) và nhiệm vụ ngục tối (né chiêu và tấn công các Skeletons để vượt ải). Người chơi có thể giao dịch phần thưởng NFT trên Trove marketplace, hoặc dùng để trang trí cho ngôi nhà của mình.
- Smolverse
Smolverse là một cộng đồng NFT trên Arbitrum được phát triển bởi Treasure DAO, nổi tiếng với cụm từ “EEEEEEE” thể hiện âm thanh vui nhộn. Sản phẩm nổi tiếng nhất của Smolverse là Smol Brains NFT, được nhiều KOL của hệ sinh thái Arbitrum sử dụng làm ảnh đại diện. Người sở hữu NFT của Smolverse có thể mang chúng đi stake để nhận phần thưởng hoặc để tiến hóa NFT.
Sàn giao dịch NFT
- Trove
Trove là sàn giao dịch NFT chính của hệ sinh thái Treasure DAO. Các NFT nhân vật hoặc vật phẩm thu thập được từ các game như The Beacon, Tales of Elleria… đều có thể được mua bán trên sàn này.
- Opensea
Opensea là sàn giao dịch NFT multichain lớn nhất thị trường crypto, công bố triển khai lên Arbitrum vào ngày 21/9/2022. Đến nay, OpenSea đang đứng đầu các sàn NFT trên Arbitrum về số địa chỉ tương tác, và cũng là nơi giao dịch sôi nổi các NFT Arbitrum Odyssey.
Bridge
Hơn 30 cầu đang hỗ trợ chuyển token hoặc swap cross-chain cho Arbitrum. Một số cái tên nổi bật gồm HopProtocol, Router Protocol, Orbiter Finance, Multichain, Bungee, Stargate, Chainhop, deBridge, CelerNetwork, hashflow, Connext, Synapse Protocol…
Người dùng Arbitrum cũng quen thuộc với cầu miễn phí từ sàn Binance và chỉ tốn một ít phí gas.
Ví
Hiện đã có hơn 30 ví hỗ trợ Arbitrum One, nổi bật trong số đó là MetaMask, Trust Wallet, Coinbase Wallet, Coin98 Wallet, MathWallet, imToken, Rainbow, BitKeep, Zerion, Zapper…
Đánh giá hệ sinh thái Arbitrum
Đánh giá chung
- DeFi
Nhìn chung, DeFi trên Arbitrum rất đa dạng về mô hình hoạt động, phát triển xung quanh narrative khá hot thời gian gần đây là real yield thông qua việc thu phí từ hoạt động lending và giao dịch phái sinh.
Các sản phẩm DeFi trên Arbitrum có lợi thế của người đi sau, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về bảo mật trong 2 năm qua, và đã chứng minh khả năng vận hành trơn tru trong giai đoạn dòng vốn đổ mạnh về hệ sinh thái này vào tháng 11.
Bên cạnh đó, các dự án DeFi trên Arbitrum đã biết thành lập liên minh, có liên kết chặt chẽ với nhau về thanh khoản và truyền thông (như Dopex-GMX, PlutusDAO-Dopex-Jones DAO, Camelot-Dopex-PlutusDAO-GMX).
Tuy nhiên một số dự án DeFi native lớn của Arbitrum vẫn chưa có tính đột phá, ví dụ Vesta Finance giống với MakerDAO, PlutusDAO giống với Convex Finance, hay Radiant Capital fork từ Aave.
- Game/NFT
Arbitrum có hệ sinh thái Treasure DAO làm về game và NFT cực kỳ thành công, sở hữu một cộng đồng hoạt động tích cực. Hầu như tất cả nhà phát triển trên Arbitrum đều có ảnh đại diện Twitter là NFT của các dự án trong Treasure DAO như The Beacon, Smolverse, hay The Lost Donkey. Đây là một điểm sáng của Arbitrum mà chưa có blockchain nào trước đây thực hiện được.
- Cơ sở hạ tầng
Từ những ngày đầu thành lập, Offchain Labs đã được hỗ trợ tích cực bởi Chainlink – dự án thống trị mảng oracle, do Chainlink muốn sử dụng Arbitrum để giảm phí gas cho các Chainlink Node. Với mối quan hệ bền chặt như vậy giữa hai dự án, người dùng Arbitrum có thể yên tâm về vấn đề bảo mật và oracle.
Arbitrum cũng được hỗ trợ bởi rất nhiều ví và bridge, đặc biệt là cross-chain swap như Stargate, Synapse…, hay bridge miễn phí từ sàn Binance. Do đó người dùng rất dễ dàng luân chuyển dòng vốn giữa Arbitrum với mainnet Ethereum và các Layer 1, Layer 2 khác.
So sánh với các Layer 2 nổi bật khác
- Optimism
Phát triển song song với Arbitrum, Optimism cũng đã xây dựng được một hệ sinh thái hoàn thiện. Một điều đáng tiếc của Optimism là phát hành token và airdrop ngay giai đoạn thị trường downtrend, do đó không tận dụng được đòn bẩy này để phát triển hệ sinh thái. Kết quả là hệ Optimism đã chững lại suốt 5 tháng sau đợt airdrop, trong khi Arbitrum lại phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên giai đoạn gần đây chứng kiến một sự khởi sắc dành cho Optimism. Mặc dù phí hơi cao hơn so với Arbitrum nhưng số giao dịch hàng ngày của Optimism đã tăng gấp ba lần vào giai đoạn cuối năm và vượt qua Arbitrum.
Sự chuyển dịch này một phần do người dùng đã chán nản đầu cơ kiếm airdrop trên Arbitrum và chuyển sang đầu cơ trên Optimism, một phần khác là do Optimism đang dần tập trung xây dựng các dự án native chất lượng.
- zkSync và Starknet
Đây là hai đại diện tiêu biểu trong các giải pháp Layer 2 sử dụng zkRollup, nhìn chung hai hệ sinh thái này còn khá “hoang vu”.
zkSync chỉ có ZigZag Exchange và một vài bridge là có hoạt động mainnet, còn hàng trăm dự án khác trong hệ vẫn chờ ngày hoàn thiện mainnet 2.0 – mà sự kiện này đã bị trì hoãn đến quý 2 năm nay. Starknet còn ít dự án và hoạt động giao dịch hơn zkSync, blockchain cũng chạy rất chậm, người dùng phải chờ nhiều phút cho mỗi giao dịch.
Do đó ít nhất đến cuối năm nay, zkSync và Starknet vẫn không có cửa để cạnh tranh với Arbitrum và Optimism.
Kết luận
Với lợi thế tương thích EVM cùng một chiến lược phát triển bài bản, Arbitrum hiện đang đứng đầu các giải pháp Layer 2 về TVL và mức độ hoàn thiện hệ sinh thái. Từ DeFi đến NFT, Arbitrum đang chứng tỏ blockchain này đã xây dựng được một hệ sinh thái chuẩn chỉ với đầy đủ các mảnh ghép và cộng đồng đông đảo.
Nếu Arbitrum tận dụng được thời gian thị trường phục hồi để ra mắt token, đây sẽ là chất xúc tác mạnh để đưa hệ sinh thái Arbitrum bùng nổ, sánh ngang với các blockchain Layer 1 lớn như Polygon.