Tổng quan

Kể từ khi tài chính phi tập trung (Defi) bùng nổ trong thị trường crypto, đã có vô số hình thức kiếm tiền với mức lợi nhuận khủng khiếp. Yield Farming là một hình thức điển hình như vậy, với việc khoá lại tài sản của mình cho việc cung cấp thanh khoản, bạn đã có thể nhận về reward với những con số %APY từ vài chục cho tới vài trăm phần trăm, thậm chí vài ngàn phần trăm một năm. Tuy nhiên, cho dù hình thức farming với mức % lợi nhuận có hấp dẫn và cao bao nhiêu so với tài chính truyền thống vẫn không ít những người dùng mong muốn tối đa hoá lợi nhuận của họ thêm nữa. Những nền tảng có mức %APY cao, hay nhiều hình thức gia tăng giá trị tài sản luôn nhận được sự chú ý cực lớn từ cộng đồng và thu hút dòng tiền chảy về mạnh mẽ. Và chính từ đây thuật ngữ dùng đòn bẩy vốn chỉ phổ biến ở những trader trên sàn giao dịch giờ đây cũng không còn quá xa lạ với các anh em “nông dân 4.0” khi mà một loạt nền nảng tích hợp tiện ích Farming có đòn bẩy này để tăng thêm trải nghiệm người cho người dùng. Vậy, có nên áp dụng đòn bẩy cho Farming? Hãy cùng GFS Blockchain đi tìm hiểu hình thức còn khá mới mẻ trong lĩnh vực này nhé.

*** Bài viết này thuộc Series Yield Farming của GFS Blockchain nhằm nghiên cứu từ căn bản tới nâng cao cũng như tốc độ phát triển hiện tại về lĩnh vực Farming – Một mảnh ghép không thể thiếu của Hệ sinh thái DeFi. Tổng hợp các bài viết phân tích về Farming –> Xem tại đây

Đòn bẩy Yield Farming (Leveraged) là gì ?

 Đòn bẩy Yield Farming (Leverager) được hiểu là việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong hình thức farming. Hiểu một cách đơn giản thì khái niệm này đề cập tới việc, nếu bạn bỏ số vốn đi Farm ban đầu đơn thuần với giá trị là A và nhận mức lợi nhuận đạt được là B, thì việc sử dụng đòn bẩy để Farm với x5 lần nguồn vốn A sẽ mang lại cho bạn lợi nhuận tăng gấp 5 lần thên thành 5B . Nói một cách khác, việc vay thêm tiền để tăng vị thế A của bạn, hay còn gọi là sử dụng đòn bẩy, sẽ nhân lên giá trị lợi nhuận của bạn tương ứng.

Sử dụng đòn bẩy trong Farming. Nguồn ảnh: Blockpatriot
Sử dụng đòn bẩy trong Farming. Nguồn ảnh: Blockpatriot

Và tất nhiên nó không miễn phí và chứa đựng nhiều rủi ro, giống như bất kỳ nền tảng cho vay nào khác, bạn phải trả lãi suất đi vay để có đặc quyền sử dụng các khoản tiền đã vay theo một tỉ lệ nào đó định sẵn. Tuy nhiên farming theo đòn bẩy thể hiện ở việc hiệu quả sử dụng vốn, bạn có khả năng vay nhiều hơn số tiền bạn đưa ra làm tài sản thế chấp (thông thường là hệ số 2x hoặc 3x)

(Ở phạm vi bài viết này, mình sẽ trình bày một cách đơn giản nhất cơ chế leveraged farming tại các AMM Dex đang áp dụng nhé )

Cách hoạt động cơ bản của các AMM Dex sử dụng Leveraged

Leveraged Farming cũng tương tự như việc bạn add LP vào pool thanh khoản nhưng với thêm nhiều các tính năng bổ sung. Trong Farming tiêu chuẩn (không dùng đòn bẩy), người dùng cung cấp tính thanh khoản cho AMM bằng cách gửi một cặp mã thông báo theo tỷ lệ 50:50 (ví dụ: CAKE trị giá 100 đô la và USDT trị giá 100 đô la) để tạo một mã mã thông báo LP-CAKE-USDT. Sau đó người dùng sẽ nhận được giá trị theo thời gian khi phí giao dịch được tích lũy vào các mã thông báo LP này, hoặc trả thưởng bằng token nào đó mà nền tảng quy định.

Trong Farming sử dụng đòn bẩy, người dùng có thể mượn thêm token để tăng vị thế canh tác của họ và do đó, thu được lợi nhuận cao hơn so với cách farm tiêu chuẩn thông thường. Để có được đòn bẩy, các farmer có thể vay một trong các mã thông báo với mức đòn bẩy hợp lý mà mình mong muốn (1.5x-3x) tùy thuộc vào cặp token và tuỳ vào nền tảng cho phép. Đòn bẩy 1x có nghĩa là không có đòn bẩy được gọi là farming tiêu chuẩn. Đòn bẩy 2x có nghĩa là bạn đi vay thêm tiền để thế chấp và tổng giá trị vị thế của bạn sẽ gấp đôi giá trị vốn sở hữu của bạn.

Coinletegraph 1 1
Thu hoạch thêm nhiều phần thưởng hơn nữa với “Đòn bẩy”

Khi bạn đã chọn đòn bẩy của mình và mở một vị thế để farming, giao thức sau đó sẽ sử dụng một DEX tích hợp để chuyển đổi tất cả các mã thông báo được ký gửi và đi vay theo tỷ lệ 50:50, thêm chúng dưới dạng thanh khoản vào các Pool và đặt các mã thông báo LP nhận được Pool thanh khoản. Tuy nhiên, tất cả những điều đó xảy ra bên trong nền tảng thông qua các smart contract. Việc của bạn chỉ là thao tác đơn giản thông qua các click chuột để sử dụng tính năng này.

Quy trình

Khi nói đến Farming sử dụng đòn bẩy, người dùng chỉ cần cung cấp mã thông báo của cặp đó và chọn mức đòn bẩy theo nhu cầu của mình.

Thông thường việc làm này sẽ được các Smart contract thực hiện và diễn ra một cách dễ hiểu thông qua ví dụ với đồng BNB như sau:

  1. Hợp đồng thông minh vay số lượng BNB từ một nền tảng Leding/borrowing nào đó liên kết sẵn dựa trên mức đòn bẩy của bạn.
  2. Các tài sản được tự động hoán đổi, đảm bảo rằng bạn có giá trị quy về USDT là ngang nhau.
  3. Tạo một mã thông báo LP token tương ứng với giá trị được cung cấp.
  4. Các Token LP sau đó được đặt trong Pool thanh khoản nào đó của giao thức.
  5. Nhận phần thưởng từ lãi farming.
  6. Các mã thông báo được sử dụng trong Pool được bán để có thêm tính thanh khoản, làm tăng tổng giá trị vị thế của bạn.
  7. Lặp lại quá trình trên.
Quy trình cơ bản
Quy trình cơ bản

Các thuật ngữ cần biết khi Farming dùng đòn bẩy

High risk – High return” – Lợi nhuận cao đi kèm với rủi ro cực lớn, hãy cẩn thận nghiên cứu các thuật ngữ quan trọng trong việc sử dụng đòn bẩy với bất kì hình thức nào nhé.

  • Debt Value: Là giá trị nợ của bạn hay còn gọi là giá trị của các mã thông báo đã vay
  • Position Value: Là giá trị vị thế của bạn hay còn gọi là giá trị của vị thế canh tác của bạn, số liệu này được tính bằng với tài sản thế chấp + tài sản đã vay + lợi nhuận của bạn (còn được gọi là giá trị của các mã thông báo LP của bạn)
  • Debt Ratio: Là tỷ lệ nợ được tính bằng giá trị nợ của bạn chia cho giá trị vị thế (Debt Ratio = Debt Value / Position Value)
  • Leverage Ratio: Tỷ lệ đòn bẩy là tổng giá trị tài sản bạn muốn bỏ vào farm / Tổng tài sản vốn mà bạn góp vào.
  • Max Debt Ratio: Là tỷ lệ nợ cho phép sẽ được quy định cho từng pool riêng biệt khác nhau. Nếu chạm hoặc vượt qua khỏi ngưỡng giới hạn này, vị thể đòn bẩy của bạn sẽ bị thanh lý.

Ví dụ:

Bạn farm cặp CAKE-USDT bằng cách sử dụng đòn bẩy 2x trên sàn Pancakeswap. Lúc này bạn muốn cung cấp 10 CAKE tài sản của riêng mình (trị giá 200 USDT), phần này được gọi đó là Giá trị vốn chủ sở hữu .

Sau đó bạn chọn đòn bẩy x2 vay thêm tài sản trị giá 400 USDT (gấp 2 lần số tiền gốc)

Sau đó, giao thức sẽ chuyển đổi tất cả các mã thông báo được ký gửi, liên kết với một nền tảng về Lending/Borrowing khác và đi vay thành tỷ lệ 50:50 để tạo ra các mã thông báo LP bao gồm: 15 CAKE + 300 USDT hoặc trị giá 30 CAKE (Dễ thấy giá trị 2 phần tương đương nhau là 300 USDT) đây được gọi là Giá trị vị thế của bạn (600 USDT) (Trên thực tế, nó sẽ thấp hơn một chút do tác động của giá từ phí hoán đổi và giao dịch)

Ta có công thức tính tỉ lệ nợ: Debt Ratio = Debt Value / Position Value

Tỷ lệ Nợ của bạn = Giá trị Nợ / Giá trị vị thế  =  33% (10 CAKE / 30 CAKE)

  • Nếu tại một thời điểm nào đó, giá CAKE giảm dẫn tới tỉ lệ nợ tăng lên vượt ngưỡng thanh lý (ví dụ 40%) cho nhóm CAKE-USDT. Ngay lúc này, một bot thanh lý sẽ gọi hợp đồng thông minh để đóng vị thế của bạn, hoàn trả lại khoản vay trước đó và trả lại mọi tài sản còn lại vào ví của mình.

Dựa vào công thức: Debt Ratio = Debt Value / Position Value ta thấy rằng, tỷ lệ nợ của bạn (Debt Ratio) là một chỉ số hết sức quan trọng, chỉ số này sẽ tăng lên khi giá trị vị thế của bạn (Position Value) giảm xuống. Điều này có nghĩa là khi thị trường biến động, giá CAKE của bạn giảm đột ngột dẫn tới Debt Ratio tăng lên. Ví dụ nền tảng đó quy định mức tỷ lệ nợ phải thanh lý là 60%, thì khi chỉ số này của bạn đạt ngưỡng, hệ thống sẽ tự động thanh lý khoản vay của bạn và đóng vị thế farm, cũng như trả lại phần tài sản còn dư về ví.

Đây được xem là rủi ro lớn nhất khi sử dụng đòn bẩy trong Farming: Rủi ro thanh lý, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về loại rủi ro này bên dưới nhé.

Rủi ro thanh lý

Khi bạn mở một vị thế đòn bẩy, vay tới 2 lần số tiền bạn thêm vào, giao thức cần đảm bảo rằng bạn sẽ có thể trả lại khoản vay đó. Vì vậy, số tiền bạn thêm vào từ quỹ của mình đóng vai trò là tài sản thế chấp, số tiền này sẽ tăng lên khi bạn tích lũy lợi tức (trừ đi lãi suất đi vay).

Bây giờ, điều quan trọng cần lưu ý là một thuật ngữ cho tài sản thế chấp của bạn là “Giá trị vốn mà bạn sở hữu”. Chỉ số này cần phải nằm ở một ngưỡng nhất định để tránh bị thanh lý. Cụ thể, nếu tỉ lệ nợ của bạn vượt quá ngưỡng được gọi là ngưỡng thanh lý mà nền tảng đó quy định, thì vị thế của bạn có thể được thanh lý bởi một smart contract, lúc này nền tảng sẽ đóng vị thế farm của bạn, trả nợ đã vay và trả lại số tiền còn lại cho bạn (tính theo khoản đã vay mã thông báo).

Tại sao lại có ngưỡng thanh lý?

Đơn giản là bởi khi tài sản thế chấp của bạn (giá trị vốn sở hữu) đã trở nên đủ thấp để nếu nó tiếp tục giảm giá trị, có thể có một số rủi ro nào đó khiến bạn không thể trả lại khoản vay của mình. Bởi bạn đang trải nghiệm giao thức trong Defi, đâu ai có thể biết được liệu bạn có đủ khả năng trả nợ hay không? Không ai biết bạn là ai, đến từ đâu, tất cả chỉ dựa vào ví cá nhân và các thao tác trên AMM Dex. Vì vậy việc thanh lý là cần thiết để bảo vệ người cho vay. Đó là điều mang lại cho người cho vay sự tự tin khi cho bạn vay tài sản của họ ngay từ đầu cũng như giúp ích cho việc phát triển nền tảng minh bạch, công bằng.

Làm thế nào để có thể tránh rủi ro thanh lý?

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để tránh bị thanh lý bất ngờ

  • Theo dõi vùng giá an toàn của bạn: Nền tảng sẽ tự động tính toán cho bạn một khoảng vùng giá an toàn mà tại đó, tài sản của bạn được giữ nguyên, nếu thấy thị trường biến động quá lớn và dự báo được rủi ro. Bạn có thể đóng vị thế farm của mình và chấp nhận một khoản lỗ vừa phải có thể chấp nhận được
  • Thêm tài sản thế chấp: Nếu bạn thấy vùng giá an toàn của mình bị giảm, bạn có thể chọn thêm tài sản thế chấp, nạp thêm tài sản vào để tiếp tục gồng. Việc làm này không khác gì nạp thêm tiền để gồng lệnh Long khi thị trường tụt mạnh cả (thường thấy ở các trader)
  • Sử dụng đòn bẩy với cặp farm ít biến động: Nếu bạn đang farm cặp stablecoin, việc thanh lý trở nên cực kỳ khó xảy ra. Tất nhiên, sự đánh đổi ở đây là bạn kiếm được APY nhỏ hơn và ít lợi nhuận hơn.

Một số nền tảng Farming sử dụng đòn bẩy

Hiện tại các giao thức về Leveraged Yield Farming đã và đang phát triển thêm nhiều hình thức và trên nhiều nền tảng. Nổi bật trong số chúng có phải kể đến các AMM Dex của hệ sinh thái SOL đã và đang phát triển hết sức mạnh mẽ thời gian vừa qua. Cùng điểm qua một số dự án tiêu biểu nhé

Solyard Finance

Solyard Finance (YARD) là dự án nhằm cải tiến năng suất đòn bẩy mới trên hệ sinh thái của Solana. Nó giúp người cho vay kiếm được lợi tức an toàn và ổn định, đồng thời cung cấp cho người vay các khoản vay không tập trung cho các vị thế farming có đòn bẩy, nhân lên đáng kể các khoản gốc canh tác của họ và dẫn đến lợi nhuận kếch sù. Tại thời điểm viết bài TVL (Total Value Locked) của Solyard đang rơi vào khoảng hơn 750 triệu USD

Solyard
Solyard

Tulip Protocol

Tulip Protocol (TULIP) là nền tảng tổng hợp lợi nhuận (Yield Aggregator) đầu tiên được xây dựng trên Solana với các chiến lược tổng hợp lãi suất tự động theo hướng cộng dồn. Dự án được thiết kế để tận dụng blockchain chi phí thấp, hiệu quả cao của Solana, cho phép các chiến lược vault kết hợp thường xuyên. Điều này có lợi cho các Farmer với APY cao hơn, không yêu cầu quản lý tích cực và phí gas thấp hơn. Tại thời điểm viết bài TVL (Total Value Locked) của Tulip Protocol đạt ngưỡng xấp xỉ 1 tỷ USD – một con số khá ấn tượng.
Tulip Protocol
Tulip Protocol

Điểm đặc biệt của nền tảng Tulip Protocol có đó là có cơ chế auto-compound (tự động cộng dồn), vì thế khi farming trên Tulip, các farmer sẽ có mức lợi nhuận tốt hơn. Cùng với mức đòn bẩy lên tới 3x cho một số cặp Farming, Tulip đang dần phát triển lớn mạnh để cạnh tranh với các ông lớn khác cùng ngành.

Tulip
Tulip

Có nên dùng đòn bẩy khi Farming?

Ở phương diện cá nhân và sự trải nghiệm của chính bản thân mình, thị trường Crypto đã là một thị trường đầy rẫy những sự mạo hiểm và chứa đựng nhiều sự rủi ro, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại. Tổng vốn hoá thị trường tại thời điểm viết bài (T11/2021) đạt ngưỡng loanh quanh mức từ 2700 tỉ đô la. Theo mình con số này là quá bé nếu so với các thị trường truyền thống khác như chứng khoán, forex, vàng, BĐS…v.v. Chính vì vốn hoá nhỏ, nó dễ bị thao túng và làm giá bởi các cá mập, MM (Martket maker), hay các sàn giao dịch.

Vì vậy, theo mình bạn “KHÔNG NÊN” sử dụng đòn bẩy cho bất kì một hình thức đầu tư nào trong Crypto và Farming đương nhiên cũng không phải ngoại lệ. Bởi lẽ tỉ suất lợi nhuận cơ bản của Farming đã là rất lớn so với bên ngoài truyền thống rồi, bạn đừng cố mua thêm rủi ro về cho tài sản của mình nữa nhé. Hãy nghiên cứu và cân nhắc thật kĩ để làm nông dân hiệu quả!

Kết luận

Sử dụng đòn bẩy trong farming cũng giống như “con dao hai lưỡi”, bạn có thể kiếm được mức lợi nhuận khủng khiếp trong thời gian ngắn cũng từ một số vốn nhỏ. Tuy nhiên, thị trường không phải lúc nào cũng êm đẹp và dễ dàng như bạn nghĩ. Hãy suy xét cẩn trọng để đưa ra quyết định để có những sự lựa chọn an toàn, bền vững qua đó tạo được lợi nhuận cho bản thân.

*** Hãy cùng theo dõi sự phát triển của lĩnh vực Yield Farming trong thị trường Crypto qua các bài viết cập nhật sau này cùng GFS Blockchain thông qua chuyên đề Yield Farming Workspace -> Tại đây

Trên đây là những thông tin về Leveraged Yield Farming mà GFS Blockchain muốn mang tới và truyền tải cho các bạn. Nếu bạn thấy mảng đầu tư này tiềm năng và muốn trao đổi nhiều hơn với những người có cùng mối quan tâm thì hãy tham gia vào cộng đồng của GFS Blockchain cùng các thành viên khác nhé:
Và đừng quên theo dõi các bài viết trên website của GFS Blockchain hàng ngày nhé! Chúc các bạn thành công.
0 0 đánh giá
Article Rating