Tổng quan 

Nếu những ai đã từng tham gia đầu tư vào thị trường Crypto chắc hẳn không còn xa lạ gì với hai hình thức đầu tư phổ biến nhất đó làm HolderTrader. Điểm chung của hai phương pháp này đều có thể hiểu đơn giản là “mua ở giá thấp” và “bán ở giá cao” nhằm mục đích ăn chênh lệch lợi nhuận của các giao dịch. Dù là giao dịch ngắn hay dài ngày hoặc bất kể làm gì đi nữa thì về bản chất nhà đầu tư nào cũng muốn gia tăng tài sản của mình lên theo thời gian.

Kể từ khi bùng nổ của loại hình tài chính phi tập trung (DeFi), một dạng kiếm tiền sinh lợi nhuận khác đã được nhắc đi nhắc lại trên khắp các diễn đàn hay các kênh truyền thông về Crypto, hay đôi lúc tạo nên cơn sốt “người người đi farm” “nhà nhà đi farm” hay một số cụm từ dí dỏm như: “Nông dân thời 4.0” hay “cày cuốc tài chính” “Hệ nông dân” hay “Farmer” .v.v… Tất cả được gói gọn trong cụm từ khoá “Yield Farming”.

Vậy Yield Farming là gì? Có điểm gì thú vị xung quanh hình thức kiếm tiền đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần mạo hiểm này.  Trong bài viết này GFS Blockchain sẽ tập trung định nghĩa sâu hơn về các khái niệm, thuật ngữ về Farming, cách farm cơ bản, hay những rủi ro cần lưu ý khi tham gia làm Farmer nhé.

*** Bài viết này thuộc series Yield Farming của GFS Blockchain nhằm nghiên cứu từ căn bản tới nâng cao cũng như tốc độ phát triển hiện tại về lĩnh vực Farming – Một mảnh ghép không thể thiếu của Hệ sinh thái DeFi. Tổng hợp các bài viết phân tích về Farming –> Xem tại đây

 Yield Farming là gì?

Yield Farming: Yield dịch ra có nghĩa là sản lượng, năng suất. Farming: có nghĩa là canh tác, trồng trọt, chăn nuôi. Dịch sát nghĩa thì có thể hiểu Yield farming có nghĩa là lợi nhuận có được từ việc canh tác, trồng trọt. Vậy, muốn có lợi nhuận phải cầm cuốc, xẻng đi canh tác.

Yield farming
Yield farming. Nguồn ảnh: Drixx.com

Đó là ý nghĩa được hiểu trong đời sống hằng ngày, vậy còn đối với trong thị trường Crypto thì sao nhỉ ? Yield farming là một thuật ngữ nhằm nói tới việc khai thác thanh khoản, tạo ra thêm lợi nhuận từ tài sản tiền điện tử mà bạn đang nắm giữ. Để đơn giản và dễ hiểu, nó có nghĩa là việc làm mà bạn khóa lại một lượng tài sản tiền điện tử nhất định của bạn trong một giao thức Defi nào đó (thông dụng nhất là các AMM DEX hay Lending) và nhận phần thưởng theo một lượng % nào đó đã được nền tảng này quy định. Như vậy, có thể hiểu nôm na rằng, cuốc xẻng ở đây chính là các cặp coin/token của bạn mang đi farm, mảnh ruộng của bạn chính là các Pool thanh khoản, và nông sản mà bạn thu hoạch dĩ nhiên chính là các loại tiền điện tử (reward) mà bạn nhận được cho việc trả thưởng của pool đó. Và bạn đương nhiên chính là các Farmer, những người nông dân 4.0 chính gốc. Đơn giản vậy thôi phải không nào?

Tại sao mọi người lại thích đi làm Farmer?

Farming có thể giúp các nhà đầu tư kiếm được một khoản lợi nhuận kếch xù chỉ bằng việc nắm giữ Tiền mã hóa của mình cùng với các kiến thức hết sức cơ bản về Defi (sử dụng ví cá nhân, swap, add liquidity…) . Thay vì làm Holder truyền thống, mua coin xong để yên một chỗ, chờ lúc nào giá tăng thì bán trong một thời gian vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Thì giờ đây, bạn có thể đem chúng đi Farm để kiếm thêm lợi nhuận trong thời gian chờ đợi đó. Lúc nào không thích Farm nữa thì có thể ngưng lại và rút ra để bán tuỳ nhu cầu mỗi người.

Nguồn ảnh: Coinletegraph
Nguồn ảnh: Coinletegraph

Vào một ngày đẹp trời, khi bạn mua một cặp coin để đi Farm thì coin đó lại tăng giá, mang đi farm được thưởng thêm Token mới, giá trị của Token mới đó lại tăng liên tục, lãi mẹ đẻ lãi con,… Vậy tại sao phải giữ nguyên tài sản nhàn rỗi của bạn trong khi có thể bắt chúng hoạt động theo ý muốn của mình nhằm tăng thêm lợi nhuận, phải không nào?

Tuy nhiên hãy bình tĩnh và cẩn trọng nghiên cứu thật kĩ, bởi vì đây chính là những thứ mà các nhà tạo lập thị trường muốn cho chúng ta thấy về sự hào nhoáng cũng như lợi nhuận của yield farming. Những lợi nhuận khổng lồ, những cột lãi suất không tưởng cao ngất ngưởng lên tới vài trăm, thậm chí vài ngàn phần trăm, đó chính là con dao hai lưỡi nếu như bạn không thật sự tỉnh táo. Hình thức nào đem lại lợi nhuận cao cũng đi kèm với rủi ro cao, hãy nghiên cứu thật kĩ trước khi xuống tiền nhé.

Các thuật ngữ cơ bản cần phải biết khi làm Farmer?

LP Token là gì?

Khác với staking đơn lẻ từng đồng coin, LP Token được hiểu đơn giản là một sự kết hợp của 2 token ban đầu lại thành một loại token mới. Bạn bắt buộc phải tạo ra loại LP Token để có thể gửi vào các pool thanh khoản để farming. Ví dụ: Kết hợp 2 loại tiền ONE-BNB để tạo ra một sự kết hợp mới mang tên là “LP One-Bnb Token”

% APY/APR là gì?

Lợi nhuận trong farming được tính toán hàng năm thông qua các chỉ số APR và APY. Đây là ước tính lợi nhuận mà bạn có thể kiếm được trong suốt một năm, nhưng sẽ được trả dần liên tục trong từng giờ, từng phút, thậm chí là từng giây.

APY & APR
APY & APR
  • APR (Annual Percentage Rate): Tỷ lệ phần trăm hàng năm

Ví dụ: Bạn farm 1 cặp coin với số vốn 1000 USDT với APR là 50%. Thì Nếu số % này giữ nguyên, và bạn không làm gì cả với số lãi nhận được thì sau 12 tháng bạn sẽ nhận được là 1500 USDT (1000 Usdt gốc và 500 Usdt lãi)

  • APY (Annual Percentage Yield): Lợi suất phần trăm hàng năm tính theo cách cộng dồn.

Ví dụ: Theo ở trên bạn nhận được APR là 50% / năm. Thì khi với APY cho một năm chia lại cho 365 ngày sẽ được: 50/365 = 0.137 % / Ngày. Và với mỗi ngày bạn lại rút lãi ra dồn vào phần gốc farm liên tục, lặp đi lặp lại thì ta sẽ có được con số % APY cuối cùng.

Cách tính %APY đơn giản dựa vào %APR:

APY = (1 + r/n)^n – 1

Trong đó r là tỉ suất lợi nhuận định kì (APR) còn n là số kì tính toán trong 1 năm. Ví dụ: APR = 50%. Thay vào công thức trên ta có:

APY = (1+0.5/365)^(365-1) = 64.8%

Bao giờ APY cũng lớn hơn APR , vì APR chỉ tính lãi suất đơn. Sự khác biệt giữa chúng là APR không tính đến ảnh hưởng của lãi gộp, trong khi APY thì có. Lãi gộp có nghĩa là trực tiếp tái đầu tư lợi nhuận vào phần gốc để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.

Ví dụ: Phần thưởng khi farm mỗi ngày của bạn là 100 USDT, bạn không muốn rút ra mà muốn tái đầu tư chỗ lãi này vào phần gốc để Farm tiếp. Liên tục mỗi ngày như vậy theo ước tính nếu không có gì bất thường xảy ra, bạn sẽ nhận được một khoản lợi nhuận cực lớn sau một năm. Như vậy có để dễ dàng nhận thấy chỉ số của %APY sẽ cao nhiều so với %APR. Anh em chú ý để không bị % cao đánh lừa nhé.

Và lưu ý rằng chỉ số APR/APY chỉ là những ước tính dự báo và thay đổi theo thời gian. Thông thường sẽ cao lúc đầu và giảm dần khi càng có nhiều người tham gia vào pool thanh khoản. Miếng bánh càng chia cho nhiều người thì mỗi người sẽ được nhận ít đi, phải không nào!

TVL là gì?

TVL (Total Value Locked) được hiểu là tổng giá trị tài sản bị khóa. TVL được sử dụng để chỉ số lượng tiền điện tử đã được gửi vào các nhóm thanh khoản hoặc staking pool cơ bản của farm. Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá tiềm năng tăng trưởng hoặc dòng tiền của nền tảng DeFi đó. Đây cũng là một số liệu hiệu quả để so sánh khả năng chiếm lĩnh thị phần của các giao thức DeFi khác nhau.

TVL (Total valued locked)
TVL (Total value locked)

*** Các bạn có thể tham khảo TVL tại trang: Defi Pulse

Liquidity Pool là gì?

Liquidity Pool (LP) tạm dịch là hồ bơi thanh khoản (thực chất là 1 smart contract ) có khả năng lưu trữ các Crypto bên trong nó. Các pool này cho phép người dùng vay, cho vay hay giao dịch trao đổi giữa các token. Việc cung cấp thanh khoản sẽ giúp LP có thu nhập từ phí giao dịch kèm thêm 1 token nào đó -> Khoản thu này sẽ được chia lại cho những người add LP (Người đi Farm).

Liquidity Pool 2
Liquidity Pool. Nguồn ảnh: Cryptorobin.com

Ví dụ: nếu bạn sở hữu đồng ONE và đồng BNB trên ví Metamask, bạn có thể liên kết với sàn Pancakeswap để farm ra đồng CAKE theo 1 tỉ lệ % nào đó. Nghĩa là sẽ có sẵn 1 cái nơi (gọi là bể thanh khoản) để tất cả mọi người cùng bỏ tài sản vào đó để tạo ra thanh khoản các giao dịch liên quan đến ONE và BNB. Và tất nhiên bỏ tài sản vào đó và nhận về phần thưởng theo tỉ lệ %, càng nhiều người tham gia vào Pool thì tỉ lệ % càng giảm xuống do cơ chế tự động của AMM DEX

Yield Farming hoạt động như thế nào?

Dù ít hay nhiều, có thể trong quá trình đầu tư tìm hiểu Crypto bạn đã từng nghe qua về thuật ngữ phổ biến như Automated Market Maker (AMM), dịch ra có nghĩa là nhà tạo lập thị trường tự động, nghe có vẻ khó hiểu nhưng thực ra chúng là những cái tên quen thuộc với tất cả mọi người, đó những sàn giao dịch phi tập trung (DEX) như : Uniswap, 1inch, Pancakeswap,..v.v

Về cơ bản cách hoạt động của các AMM này như sau: Đầu tiên, sàn tạo ra một cái Pool chứa 1 cặp coin/token nhất định trong pool đó. Mọi người sẽ cùng nhau đóng góp tài sản tương ứng của mình vào để tăng tính thanh khoản cho pool. Ở Pool này sẽ cho phép người dùng vay, mượn, mua bán, trao đổi thoải mái…mỗi giao dịch liên quan trong pool sẽ phát sinh phí giao dịch và phí đó sẽ được gửi lại cho các nhà đầu tư đã cung cấp thanh khoản cho Pool (Liquidity provider) theo một tỷ lệ % nào đó. Phần thưởng đó được xem là lợi nhuận mà bạn thu về được trong quá trình farming.

Các bước Farming cơ bản

Hiện nay, tuỳ từng nền tảng sẽ có những cách bố trí giao diện, cũng như cách thao tác thực hiện khác nhau. Nhưng về cơ bản, nếu muốn farming các bạn sẽ cần làm tuần tự theo 6 bước sau đây

Bước 1: Xác định sàn để Farm và cặp coin/token bạn muốn farm trên chính sàn đó.

Bước 2: Mua 1 cặp coin muốn farm theo giá trị về USDT là tương đương nhau.

Ví dụ: Bạn có ý định farming trên sàn Pancakeswap, và mua cặp ONE-BNB (Phải nhớ là lượng ONE và BNB khi quy đổi ra USDT có giá trị là như nhau nhé, giả sử cả 2 đều có giá trị 500 Usdt)

Bước 3: Vào phần Liquidity để add cặp coin đó vào và kết hợp chúng trở thành một dạng token mới được gọi LP token (Ví dụ: LP ONE-BNB Token )

Bước 4: Vào phần Farm bấm Add cái lp token mới nhận ở trên vào vị trí của cặp Farm đó và nhấn approve để xác nhận.

Bước 5: Nhận Reward (phần thưởng) theo mô tình lãi gộp, hoặc lãi đơn tuỳ từng mô hình của các sàn khác nhau. Tuy nhiên đa số sẽ nhận reward riêng chứ không cộng dồn vào gốc. Phần thưởng này thường được trả về liên tục theo từng giờ, từng phút hoặc thậm chí từng giây. Mọi người có thể bán hoặc tái farm vào gốc tuỳ nhu cầu sử dụng.

Bước 6: Nếu không muốn farm nữa thì Remove LP token, rồi qua liquidity để gỡ lp token đó thành 2 token ban đầu mình Add vào. Khi muốn gỡ Farm ra cần chú ý tới Impernament Loss để tránh tổn thất nhiều nhất có thể.

Các rủi ro có thể gặp phải khi làm Farmer

  • Rủi ro về hợp đồng thông minh: Smart contract (Hợp đồng thông minh) thường được quảng cáo là một phương án an toàn và đáng tin cậy để xử lý các giao dịch. Công nghệ này giúp chống tham nhũng và tránh sai sót của con người vì mọi thứ được thực hiện tự động tuân theo các điều kiện được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ mã máy tính nào, hợp đồng thông minh vẫn có thể có lỗi. Các nhà phát triển thường cố gắng làm hết sức mình để đảm bảo rằng dự án của họ hoạt động như dự kiến. Tuy nhiên, đôi khi họ bỏ qua những lỗi nhỏ mà tin tặc có thể khai thác để rút tiền từ dự án. Trong trường hợp này, người dùng đã cung cấp tiền cho giao thức sẽ bị mất vốn mà không thể lấy lại được.

  • Biến động giá của Token mang đi Farm: các Farmer khi cung cấp thanh khoản có thể lỗ vốn (tạm thời) khi giá của Token gốc mang đi farm giảm liên tục, nhanh chóng, điều này dẫn tới bạn không thể cắt lỗ ngay trong lúc đang farm. Tất nhiên, về cơ bản bạn có thề chờ giá token của mình hồi phục tới giá ban đầu rồi mới tháo farm. Tuy nhiên bạn sẽ bị giam vốn và không thể cắt lỗ ngay lập tức. Vì thế, bạn nên cần có chiến lược và kế hoạch cụ thể để xử lý khi cần thiết nhé.
  • Hacker: Mọi ứng dụng kết nối với internet đều có lỗi bởi các ứng dụng đó là do con người lập trình và tạo ra. Ngay cả khi các nhà phát triển cố gắng hết sức để đảm bảo điều đó không xảy ra, họ vẫn có thể bỏ lỡ một số điều gì đó trong nển tảng của mình. Đối với hầu hết các ứng dụng hàng đầu, những lỗi như vậy thường không gây ra nhiều ảnh hưởng, nhưng đôi khi chúng có thể nghiêm trọng. Một tác nhân độc hại có thể khai thác những vấn đề như vậy để làm đánh cắp tiền của nhà đầu tư cho họ, khiến tất cả các nhà đầu tư trong nhóm đều mất tiền.
  • Phí gas: Phí gas trên Ethereum rất cao, đây là một thực tế mà không ai có thể bàn cãi. Đây là một vấn đề đối với canh tác năng suất DeFi, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư có số vốn nhỏ, những người tham gia với số vốn lớn có thể không quan tâm lắm về phi gas. Nhưng những nhà đầu tư nhỏ nên cân nhắc và lựa chọn nền tảng farming hợp lý. Tránh trường hợp phí gas quá cao, lãi farm không đủ để bù nổi mất mát.
  • Rủi ro từ Tổn thất tạm thời (Impermanent Loss – IL): Lượng token ban đầu mà bạn add vào pool sẽ không giữ nguyên số lượng khi bạn rút thanh khoản khỏi pool. Điều này xảy ra khi tỷ giá cặp token mà bạn add vào có sự biến động lớn, nghĩa là tỷ giá lúc rút ra chênh lệch so với lúc nạp vào và bạn muốn rút thanh khoản sẽ không nhận được nguyên vẹn số token ban đầu (bị lỗ về số lượng coin). Vì vậy, hãy tính toán và cân nhắc kĩ trước khi rút thanh khoản nhé.

Ở seri tiếp theo mình sẽ phân tích kĩ cho anh em thấy vì sao lại xuất hiện cái tổn thất IL này nhé!

TOP các nền tảng về Yield Farming nổi bật

Tại thời điểm viết bài, tổng vốn hoá của những nền tảng Farming đạt ngưỡng trên 40 tỷ đô la (Theo coingecko). Điều này cho thấy tiềm năng của mảng này là rất lớn trong tương lại. Nổi bật là một số cái tên quen thuộc như Uniswap, Pancakeswap, Aave hay Compound…v.v.

Top nền tảng về farming
Top nền tảng về farming
  • Uniswap  là một sàn DEX -Giao dịch phi tập trung cho phép người dùng gửi tiền vào các Liquid Pool. Các Liquid Pool sau đó được sử dụng để tạo điều kiện cho các giao dịch.
  • Pancakeswap (CAKE) được xây dựng trên hệ thống AMM (Automated Market Maker) – tạo thị trường tự động dựa trên các nhóm thanh khoản do người dùng cung cấp để cho phép giao dịch tiền mã hóa. Người dùng sẽ khóa crypto của họ vào một nhóm thanh khoản thông qua hợp đồng thông minh và điều này sẽ cho phép bạn thực hiện giao dịch hoán đổi mà bạn muốn. Những người dùng giữ tiền của họ trong Pool thanh khoản cũng sẽ kiếm được phần thưởng/lợi tức.
  • Aave (AAVE) là một giao thức thị trường thanh khoản phi tập trung không lưu giữ, nơi người dùng có thể tham gia với tư cách là người gửi tiền hoặc người đi vay. Người gửi tiền cung cấp tính thanh khoản cho thị trường để kiếm thu nhập thụ động, trong khi người đi vay có thể vay theo kiểu thế chấp quá mức hoặc không thế chấp
  • Compound (COMP) là một giao thức lãi suất tự trị, thuật toán trên chuỗi khối Ethereum. Compound đã phát triển trở thành một trong những nền tảng của ngành công nghiệp DeFi

Kết luận

Làm “nông dân” thời đại công nghệ 4.0 không khó mà cũng chẳng dễ. Một hướng đi mới mà bất cứ ai tham gia thị trường Crypto cũng nên trang bị các kiến thức cơ bản để không bị bỏ lỡ những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại. Đây cũng là tiền đề để có thể tạo ra nguồn thu nhập thụ động và ổn định cho các nhà đầu tư nếu chọn đúng nền tảng tốt và nắm chắc kiến thức về Defi trong tương lai.

*** Hãy cùng theo dõi sự phát triển của lĩnh vực Yield Farming trong thị trường Crypto qua các bài viết cập nhật sau này cùng GFS Blockchain thông qua chuyên đề Yield Farming Workspace -> Tại đây

Trên đây là những thông tin về Yield Farming mà GFS Blockchain muốn mang tới và truyền tải cho các bạn. Nếu bạn thấy mảng đầu tư này tiềm năng và muốn trao đổi nhiều hơn với những người có cùng mối quan tâm thì hãy tham gia vào cộng đồng của GFS Blockchain cùng các thành viên khác nhé:
Và đừng quên theo dõi các bài viết trên website của GFS Blockchain hàng ngày nhé! Chúc các bạn thành công.
0 0 đánh giá
Article Rating