Tổng quan

2022 là một năm khắc nghiệt của thị trường crypto, những cú lừa kinh điển, những sự kiện không ai ngờ tới đã xảy ra, tuy vậy nó cũng để lại biết bao bài học xương máu giúp chúng ta trưởng thành hơn.

Dưới đây mình xin tổng lại top 10 sự kiện có sức ảnh hưởng to lớn và những nhận định về xu hướng cũng như định hình bức tranh của tiền mã hóa trong năm 2023.

Chiến tranh Nga – Ukraine (24/2)

Chiến tranh Nga - Ukraine mở đầu cho 1 năm "kinh tế buồn"
Chiến tranh Nga – Ukraine mở đầu cho 1 năm “kinh tế buồn”

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khởi đầu cho một nền kinh tế ảm đạm 2022. Giá dầu và giá hàng hóa liên tục leo thang đã chặn đứng sự hồi phục sau đại dịch đang trên đà thăng hoa. Nền kinh tế của các nước châu Âu đã, đang và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng với mức lạm phát cao nếu tình hình chiến sự không được cải thiện.

Lạm phát Châu Âu tăng mạnh trong năm 2022
Lạm phát Châu Âu tăng mạnh trong năm 2022 (nguồn: Trading Economy)

Tuy vậy, hiện nay, đã có những dấu hiệu tích cực có thể làm giảm lạm phát, giúp thị trường xán lạn hơn như mùa đông không quá lạnh, Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, Châu Âu dần kiếm được các nguồn cung dầu khí khác  như Mỹ, Qatar,…

Trong chiến tranh, công nghệ blockchain đã được tận dụng như một kênh quyên góp hiệu quả và khắc phục các lệnh trừng phạt kinh tế vô lý từ phía Nhà Trắng. Điều này sẽ thúc đẩy một làn sóng mới trong việc mua bán hàng hóa đa quốc gia thông qua blockchain để vượt qua những rào cản do cường quốc áp đặt.

–> Xem thêm: Iran lần đầu tiên sử dụng tiền mã hóa để nhập khẩu hàng hóa.

Làn sóng Move-to-Earn StepN (2/3)

StepN dẫn đầu trend move to earn
StepN dẫn đầu trend move to earn

Dự án ICO thứ 28 trên Binance StepN đã tạo nên một trào lưu đi bộ để kiểm tiền chưa từng có. Thời kì đỉnh cao StepN có đến 100 nghìn người dùng hàng ngày trước khi sụt giảm mạnh trước lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc (và nhiều quốc gia khác) đã nhận định đây là một mô hình Ponzi hoàn toàn vô giá trị.

Số lượng người dùng StepN hằng ngày
Số lượng người dùng StepN hằng ngày

Qua đó ta có thể thấy người dùng, cũng như chính phủ đang cảnh giác hơn nhiều so với ngày xưa, để có thể thành công, các mô hình kinh tế crypto cần trở nên bền vững và đem lại giá trị thực sự xã hội. Một số xu hướng có thể liệt kê như SocialFi, AI, NFT, Play – and – Earn, Learn – and – Earn,…

“Earn” ở đây không nên có quá nhiều giá trị kinh tế, mà là giá trị tinh thần như một phần quà nhỏ cho khách hàng trung thành khi sử dụng dịch vụ.

Ronin Bridge bị hack 624 triệu đô (29/3)

Với 624 triệu đô bị trộm, Ronin Bridge trở thành vụ hack lớn nhất lịch sử tiền mã hóa. Nguyên nhân đến từ việc Ronin mất quyền kiểm soát đối với 5/9 validator key.

Ronin trở thành cầu nối cross-chain bị hack nặng nhất
Ronin trở thành cầu nối cross-chain bị hack nặng nhất

Tuy vậy nó chỉ là khởi đầu của năm 2022, khi mà tổng thiệt hại trong năm lên tới 3.2 tỷ đô, lớn hơn tất cả các năm trước đó cộng lại. Hack cầu nối cross-chain trở thành chủ đề nóng để bàn tán suốt một thời gian dài và là động lực cho các đội ngũ phát triển một giải pháp an toàn, thân thiện hơn.

Dẫu vậy, trước khi có phương án khả thi, ở thời điểm hiện tại, có thể dòng tiền và dự án vẫn sẽ tập trung trên các Layer 2 chất lượng của Ethereum hoặc Layer 1 thế hệ mới nhằm hạn chế giao dịch chéo chuỗi nhiều rủi ro.

Yuga Labs ra mắt Metaverse Otherside (1/5)

Metaverse Otherside dành cho chủ sở hữu BAYC và MAYC
Metaverse Otherside dành cho chủ sở hữu BAYC và MAYC

Với tổng cung là 100,000 mảnh đất (khoảng 50% được airdrop cho chủ sở hữu BAYC và MAYC). Sự kiện này đã biến ngày 1/5 trở thành ngày có khối lượng giao dịch NFT lớn nhất lịch sử (gần 400 triệu đô). Có những lệnh đua gas đạt hơn $1000.

Phí gas trên Ethereum cao nhất lịch sử do Otherside
Phí gas trên Ethereum cao nhất lịch sử do Otherside

Tuy vậy, trend Metaverse dường như không có đất sống trong năm 2022, Decentraland hay Sandbox chứng kiến số lượng người dùng sụt giảm mạnh, có lúc chỉ 100-200 người/ ngày trong khi vốn hóa hàng tỷ đô. Theo như định hướng của CEO quỹ đầu tư a16z, để có thể trải nghiệm Metaverse đích thực, chúng ta vẫn cần thêm sự phát triển về phần cứng (ví dụ kính VR của Meta) và trí tuệ nhân tạo.

Gần đây, chat GPT của OpenAI đang thu hút cực nhiều sự chú ý với định giá khoảng 30 tỷ đô, liệu có thể nó sẽ dẫn đầu một làn sóng AI lớn trong tương lai?

UST mất peg, Luna sụp đổ (9/5)

Sự sụp đổ của Luna/ UST khiến nhiều ông lớn "ngã ngựa"
Sự sụp đổ của Luna/ UST khiến nhiều ông lớn “ngã ngựa”

Chỉ trong vòng 1 tuần kể từ khi UST mất peg, Luna dump mạnh từ $60 về $0, cuốn bay hơn 40 tỷ đô vốn hóa. CEO Luna Foundation Do Kwon bỏ trốn, trong khi quỹ đầu tư 3AC, Babel, Voyager,… lần lượt phá sản vì chịu ảnh hưởng của sự sụp đổ. Đây là cú sốc vô cùng lớn đối với thị trường khi ấy, khó ai có thể tưởng tượng một hệ sinh thái lớn như Terra lại có thể biến mất trong 1 tuần.

Sau sự kiện này, Mỹ đã cấm stablecoin thuật toán (khiến NEAR phải từ bỏ USN sau này) và thúc đẩy các tổ chức stablecoin lớn như Circle, Tether nhanh chóng chuyển đổi tài sản dự trữ sang trái phiếu ngắn hạn và tiền mặt nhằm đảm bảo tính thanh khoản.

Từ đó một cuộc chiến stablecoin cũng âm thầm bùng nổ giữa những stablecoin được bảo đảm bằng tiền pháp định (BUSD – USDC – USDT) nhằm chiếm lấy miếng bánh béo bở này. Bên cạnh USD, đồng stablecoin được hỗ trợ bằng nhân dân tệ CNHT cũng đang dần được phổ cập.

Liệu rằng sau này nhiều loại stablecoin được đảm bảo bằng các loại tiền pháp định khác nhau sẽ được phát triển, làm suy yếu sự thống trị của đồng đô la Mỹ? Hoặc đơn giản là từng quốc gia sẽ phát triển CBDC cho riêng mình và sử dụng chúng để mua bán tài sản trên mạng lưới blockchain.

Tornado Cash bị OFAC trừng phạt (8/8)

Tornado Cash bị Mỹ trừng phạt
Tornado Cash bị chính phủ Mỹ trừng phạt

Sau nhiều vụ hack và nghi vấn rửa tiền, Tornado Cash chính thức bị chính quyền Mỹ trừng phạt và cấm truy cập toàn cầu. Nhiều địa chỉ ví USDT, USDC từng tiếp xúc với nền tảng này bị đóng băng, thậm chí nhà phát triển mã nguồn của Tornado thì phải “ngồi sau song sắt”. Tuy vậy, đến hiện tại Tornado Cash vẫn đang tiếp tục hoạt động, bởi lẽ nhiều hacker đã có thể tạo “cửa sau” để truy cập vào Tornado Cash. Đây là điển hình sức mạnh của blockchain và tính phi tập trung.

Nhưng sau vụ việc này, vấn đề về quyền riêng tư cũng được cảnh báo. Trong khi nhiều mạng lưới Layer 2 về privacy được ra đời (Polygon Nightfall, Aztec,..) để ẩn đi các giao dịch, chính phủ các nước (điển hình là Mỹ) lại cố gắng thúc ép các validator, miner, người sử dụng ví phải KYC nhằm kiểm soát nạn rửa tiền.

Nếu điều này thành sự thật, có thể một lượng lớn dòng tiền “bẩn” sẽ tháo chạy khỏi thị trường vào năm 2023, và gây nên một tác động tiêu cực ngắn hạn đối với những tài sản có giá trị cao đang được sử dụng như một phương tiện rửa tiền.

The Merge hoàn tất (15/9)

The Merge giúp Ethereum giảm 99.98% năng lượng
The Merge giúp Ethereum giảm 99.98% năng lượng

Sau thời gian đằng đẵng đợi chờ, The Merge cũng chính thức hoàn thành, đưa ETH POW thành ETH POS, giảm hơn 99,96% năng lượng tiêu hao, lạm phát giảm hơn 20 lần còn 0.2-0.5%/năm, thời gian đóng khối giảm từ 13.5s xuống 12s. Tuy nhiên sau thời điểm này có một số bất đồng xảy ra như hard fork của ETH POW, ETH POS gần hơn với định nghĩa về chứng khoán của SEC, ETH POS là mạng dành cho người giàu… Không chỉ ETH, mà nhiều token khác như XRP, BNB, HT,… cũng đang đấu tranh với SEC về sự khác biệt giữa crypto và chứng khoán.

—–> Xem thêm: Giải mã chi tiết Ethereum hậu The Merge

Road map của Ethereum trong tương lai
Road map của Ethereum trong tương lai

Trong tương lai gần, Ethereum 2.0 sẽ tiếp tục hoàn thành shading (tăng tốc độ giao dịch), cho phép người dùng unstake (dự kiến tháng 3/2022), làm chủ công nghệ ZK, cũng như chuyển lớp thực thi (execution layer) lên layer 2,…

Những định hướng của Ethereum/ Vitalik, bên cạnh cuộc chiến với SEC, chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2023, gây nên sức ảnh hưởng sâu sắc lên thị trường.

Justin Sun mua lại Huobi (8/10)

Justin Sun thâu tóm thành công Huobi
Justin Sun thâu tóm thành công Huobi

Vào ngày 8/10, About Capital Managment chính thức mua lại thành công sàn giao dịch Huobi và trở thành thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử tiền mã hóa. Tuy nhiên bàn tay chi phối đằng sau lại là Justin Sun, ông chủ của Tron. Ban đầu Justin Sun phủ nhận thông tin này, nhưng một tháng sau đó anh đã xác nhận mình đã chi hơn 1 tỷ đô để thâu tóm Huobi.

Tuy nhiên, bên cạnh Huobi, Justin Sun còn có mặt trong rất nhiều điểm nóng như: hỗ trợ người dùng FTX rút token trên hệ Tron, hồ hởi đàm phán với Sam Xoăn để hỗ trợ thanh khoản nhưng sau đó lại quay ngoắt để về “team” CZ,…

Gần đây nhất là các nghi vấn về sự chi phối của Sun trong Valkyrie (Sun có hơn 580 triệu đô BTC trong nền tảng này), hay việc Huobi list token $PI network (nhưng dưới dạng IOU). Ngoài ra Justin Sun cũng đã “cash out” hơn 1.2 tỷ đô vào những ngày cuối tháng 12. Sự thần bí của vị tỉ phú trẻ tuối này vẫn đang là một ẩn số. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, dưới bàn tay của Sun, Huobi đang hồi sinh và tạo thành bộ ba sàn giao dịch hàng đầu châu Á bên cạnh OKX và Binance.

Tuy vậy những bước đi của Sun vẫn vô cùng đáng quan tâm vì mối quan hệ mật thiết giữa Sun – Alameda – Tether chưa được sáng tỏ. Bên cạnh đó còn là stablecoin “con cưng” USDD liên tục bị giao dịch dưới peg, khiến nhiều người lo ngại về một cú sập lớn của hệ Tron trong tương lai.

—–> Xem thêm: Justin Sun rút hơn 1,2 tỷ đô, Huobi có trở thành FTX 2.0?

FTX/ Alameda phá sản (11/11)

Sam Bankman-Fried bị dẫn độ về Mỹ
Sam Bankman-Fried bị dẫn độ về Mỹ

Sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới FTX tuyên bố phá sản sau hơn 1 tuần không thể thanh khoản cho người dùng là cú sốc nặng thứ hai sau Luna trong năm 2022. Trong đó, CZ – ông chủ Binance góp một phần công lao không hề nhỏ khi công khai đăng tweet bán token $FTT.

Trong hồ sơ phá sản, FTX có hơn 100 nghìn chủ nợ với số nợ từ 10 đến 50 tỷ đô la. Những lùm xùm sau đó như vụ hack “thần bí” gần 450 triệu đô trên ví nóng ngay sau khi phá sản, mối quan hệ phức tạp giữa FTX/ Alameda/ BlockFi, FTX/ Genesis, hình phạt dành cho Sam Xoăn,… vẫn đang thu hút dư luận.

—–> Xem thêm: Giải mã sự sụp đổ của FTX – những mảng tối của thị trường crypto

Tuy vậy, bước qua năm 2023, các dư chấn của FTX vẫn chưa hề kết thúc, đặc biệt là quá trình giải quyết nợ nần của DCG/ Genesis còn đang bỏ ngỏ. Nếu DCG phá sản, rất có thể một lượng lớn BTC trị giá gần 10 tỷ đô sẽ được “giải phóng” khỏi quỹ Greyscale, gây ra một cú dump mạnh lên thị trường.

Việc các sàn CEX, các bên huy động vốn và các quỹ đầu tư mạo hiểm phải minh bạch hơn trong hoạt động kinh doanh của mình chắc chắn là một xu hướng không thể tránh khỏi.

Lãi suất Mỹ tăng nhanh nhất 30 năm (14/12)

Fed đang tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ
Fed đang tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ

FED kết thúc năm 2022 bằng việc tăng lãi suất thêm 0.5% lên 4.5%, cách mục tiêu dự kiến 5.1% còn 0.6%, khiến nhiều người kì vọng một chính sách “bồ câu” trong năm 2023. 2022 cũng là năm có tốc độ tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Tuy vậy, mặc dù lãi suất đã tăng cao, tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp (thậm chí còn giảm) và lạm phát cao (7.1%, tháng 12/2022), khiến cho “room” tăng lãi suất vẫn còn nhiều, thậm chí có thể cao hơn mức mục tiêu 5.1%. Chúng ta vẫn chưa nên quá lạc quan vào lúc này.

Tổng kết

Như vậy, qua bài viết này, mình đã tổng hợp lại 10 sự kiện crypto đáng chú ý nhất năm 2022 và các xu hướng “tiềm ẩn” bên trong nó. Mặc dù đa số chúng là những thông tin tiêu cực nhưng những bài học trong đó cũng vô cùng giá trị cho chúng ta khi tham gia vào thị trường tài chính nhiều biến động như crypto.

Nếu bạn thích bài viết này hay còn những suy nghĩ nào khác về các sự kiện nổi bật trong năm 2022, hãy để lại comment phía dưới cho chúng mình biết nhé!