Tổng quan
The Merge, sự kiện quan trọng bậc nhất của “ông lớn” Ethereum, đã diễn ra từ 2 tuần trước vào ngày 15/9, tuy nhiên dư âm của nó vẫn còn tồn đọng bởi lẽ khi nhiều nhà đầu tư kì vọng một đợt tăng giá vì giảm phát, thì giá ETH giảm một mạch từ $1650 (15/9) xuống còn $1300 (26/9) (giảm hơn 20%).
Không chỉ vậy, nhiều tin tức lùm xùm xoay quanh việc Ethereum POS không còn phi tập trung như trước cũng như tuyên bố của SEC về việc Ethereum sẽ do Mỹ kiểm soát cũng dấy lên một làn sóng lo ngại trong thế giới tiền mã hóa, thứ vốn là biểu tượng của sự tự do.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ những vấn đề nhức nhối trên cũng như lý do giá ETH giảm để có nhiều góc nhìn và nhận định chính xác nhất về tiềm năng của Ethereum 2.0.
Lợi ích của Ethereum Proof – of – Stake
Đầu tiên chúng ta hãy cùng nhìn lại lí do Ethereum cần chuyển sang POS.
- POW: các thợ đào sẽ cạnh tranh nhau bằng một dàn “trâu đào”, họ cần liên tục cải tiến phần cứng để có thể giải mã thuật toán bảo mật nhanh hơn, qua đó dành quyền xác thực giao dịch và nhận được phần thưởng. Việc này tiêu tốn rất nhiều năng lượng điện cũng như chi phí nâng cấp phần cứng.
- POS: các validator sẽ stake ít nhất 32 ETH vào mạng lưới, việc này không đòi hỏi một phần cứng mạnh mẽ bởi vì mạng lưới sẽ lựa chọn ngẫu nhiên validator được xác thực giao dịch, tuy nhiên người nắm giữ lượng token nhiều hơn sẽ có tỉ lệ được chọn cao hơn. Hiện tại Ethereum có gần 14 triệu ETH được stake (khoảng 12% tổng cung) và hơn 434,000 validator, một con số vô cùng ấn tượng.
POS sẽ giúp Ethereum giải quyết 4 bài toán là năng lượng, chi phí, tỉ lệ lạm phát và tốc độ giao dịch.
Giảm năng lượng
Theo báo cáo mới nhất từ Crypto Carbon Ratings Institute (CCRI), với sự thay đổi cơ chế sang POS, năng lượng tiêu hao trên mạng lưới hằng năm của Ethereum sẽ giảm đến hơn 99.98% từ gần 23 triệu MWh/năm xuống chỉ còn 2,600 MWh/năm, tương đương với khoảng 260 hộ gia đình Mỹ. Trên góc độ doanh nghiệp mà nói, đây là một điều cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Giảm chi phí
Với việc năng lượng tiêu hao giảm, các thợ đào không cần trả quá nhiều chi phí cho điện năng (đặc biệt là khi giá điện đang leo thang như hiện nay). Ngoài ra họ cũng không cần đầu tư một dàn máy đào “khủng” như POW để “tranh giành” block, qua đó tiết kiệm được rất nhiều tiền phần cứng. Điều này còn giúp việc tham gia mạng lưới trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, đặc biêt là đối với những người không có kinh nghiệm chạy node.
Giảm lạm phát
Theo số liệu từ Etherscan, tổng lượng ETH làm phần thưởng cho các validator/ miner đã giảm từ khoảng 14500 ETH/ ngày xuống 1600 ETH/ ngay sau khi chuyển sang POS. Kết hợp với burn fee thì số ETH được hành mới mỗi ngày đã giảm gần 94% từ 13000 ETH xuống còn 800 ETH, qua đó giúp tỉ lệ lạm phát trên toàn mạng lưới đạt mức cực kì thấp, 0.2%/ năm (trước đó là 3.8%). Đây có thể là động lực tăng giá tốt cho ETH nếu Ethereum vẫn duy trì được lượng người dùng lớn, khối lượng giao dịch “khủng” và tỉ lệ stake cao trong tương lai.
Giảm thời gian xác thực giao dịch
Trong hình bên dưới ta có thể thấy rằng, sau The Merge, thời gian trung bình mỗi block đã giảm từ khoảng 13.5 giây xuống còn 12 giây. Điều này đồng nghĩa với việc mạng lưới được đồng bộ nhanh hơn, qua đó việc xác thực giao dịch cũng sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên đây chỉ là bước khởi đầu cho ETH POS với mục tiêu lên đến 100,000 giao dịch/ giây thông qua sharding và rollup sau này, điều mà ETH POW (khoảng 30 giao dịch/ giây) sẽ không bao giờ làm được vì sự nặng nề của quá trình giải thuật toán.
Tại sao giá ETH giảm?
Sau khi The Merge kết thúc, giá ETH đã lập tức quay đầu đến hơn 20%, và khiến nhiều nhà đầu tư lạc quan ngỡ ngàng. Dưới đây là những nguyên nhân mà theo mình đã dẫn đến đợt giảm giá trên.
Fed tăng lãi suất
Vào ngày 13/9, sau khi Mỹ công bố tỉ lệ lạm phát tháng 8 là 8.3% (cao hơn dự kiến 0.2%), thj trường tiễn mã hóa đã ngay lập tức “đỏ lửa”, và ETH giảm tới hơn 9% giá trị. Điều này đã dấy lên làn sóng lo ngại rằng sẽ có một đợt đi xuống nữa khi FED sẽ tăng lãi suất khá cao (0.75 hoặc 1 điểm) vào ngày 22/9 (1 tuần sau The Merge). Vì vậy, trong khoảng thời gian này, Ethereum hậu The Merge đã mất đi động lực tăng giá của mình, và có lẽ đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của ETH.
Vay quá đà
Theo số liệu từ AAVE, một ứng dụng lending hàng đầu trên Ethereum, lượng ETH được cho vay trên nền tảng này đã chạm mốc 100% lần đầu tiên trong lịch sử (trước đó chỉ khoảng 10%). Qua đó khiến họ chịu lãi suất lên đến 180%/ năm.
Sự vay mượn khủng khiếp này đến từ việc ETHW sẽ airdrop cho những người nắm giữ ETH. Vì vậy ngay khi The Merge kết thúc và ETHW hard fork thành công, họ đã bán tháo số ETH này. Ngoài ra vì vay quá nhiều, nên khi thị trường sụt giảm nhẹ cũng dễ dàng dẫn đến một đợt thanh lý lớn.
Áp lực bán từ thợ đào
Sau khi ETH trong ví thợ đào đạt mốc cao nhất kể từ tháng 8/2018, vào ngày 12/9 (3 ngày trước The Merge), các thợ đào cũ đã nhanh chóng “chốt lời” 1 lượng lớn ở mốc $1800. Điều này có thể vì họ cần tiền để trang trải chi phí (ETHW hoặc ETC đem lại phần thưởng ít hơn nhiều so với ETH) hoặc họ cần vốn để bắt đầu lại từ đầu.
Bên cạnh đó, các thợ đào mới (validator của ETH 2.0) vì kiếm được lợi nhuận dễ dàng hơn nên họ không có động lực nắm giữ ETH. Chúng ta có thể làm 1 bài toán đơn giản: ETH POS giảm 99.98% năng lượng –> giảm 99.98% tiền điện + giảm chi phí nâng cấp và duy trì phần cứng –> trong khi lượng ETH reward chỉ giảm gần 90% –> biên lợi nhuận vẫn tốt hơn ít nhất 10% so với POW.
Áp lực bán từ nhà đầu tư
Theo dữ liệu từ Coinglass, funding rate của ETH âm sâu nhất trong lịch sử lên tới gần -0.3% khi The Merge diễn ra, chứng tỏ nhiều nhà đầu tư đang hoang mang và short ETH, khiến giá ETH không còn cơ sở để tăng trưởng.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu cơ The Merge đã bán tháo ETH khi tin tức về sự kiện này được công bố. Trong khi đó các quỹ lớn trong tuần 12 – 19/9, cũng “xả” tới 15.4 triệu đô ETH, và nếu tính từ đầu tháng 9, con số này lên đến 77.1 triệu đô.
Giải mã “tin đồn”
Sau The Merge, nhiều “tin đồn” xấu về Ethereum 2.0 bắt đầu nổi lên, hòa cùng với sự ảm đạm của thị trường nói chung và ETH nói riêng. Tuy nhiên không phải “tin đồn” nào cũng xấu như bản thân nó. Chúng ta hãy cùng nhìn qua và phân tích chúng nhé.
Sự tồn tài của ETHW
Mặc dù The Merge đã thành công tốt đẹp, tuy nhiên sự tồn tại của hard fork ETHW vẫn còn là một đe dọa tiềm tàng đối với ETH POS. Ví dụ nếu ETH POS không hoạt động như kì vọng, nhiều nhà đầu tư và nền tảng hỗ trợ sẽ nhanh chóng “quay xe”, và lựa chọn của họ có thể là ETHW.
Hiện tại các nền tảng quan trọng trong việc vận hành mạng lưới như stable coin (USDT, USDC, BUSD) và oracle (Chainlink) đều hỗ trợ ETH POS và không hỗ trợ ETHW. Điều này khiến việc sở hữu ETHW không khác gì một “money game” của các sàn CEX (ví dụ Binance, Coinbase, Polinex, Karen…), người đang nắm giữ rất nhiều đồng tiền này. Có lẽ chính vì thế giá ETHW đã được “bump” rất mạnh trong tuần qua (từ $5 lên $14, trước khi giảm về $10 ngày 26/9).
Tuy vậy, điều này cũng dấy lên một câu hỏi rằng liệu ETHW sau này có thể trở thành một mạng lưới chính thức được nhiều “ông lớn” hỗ trợ? Nhưng dù điều này có diễn ra, mình nghĩ rằng nó cũng không thể hút người dùng bởi lẽ POS nhanh và rẻ hơn nhiều so với POW.
ETH 2.0 không còn phi tập trung?
Điều này bắt nguồn từ việc chỉ 2 địa chỉ (bao gồm Lido và 1 địa chỉ ví khác) đã chiếm tới 46% số block được tạo mới. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại (26/9), con số này đã giảm xuống 30% và sẽ tiếp tục giảm khiến đây không còn là một vấn đề quá lớn.
Nhưng đây là luận điểm khá thất thiệt, bởi vì để đánh giá tính phi tập trung, chúng ta cần chú ý 3 điều sau: tỉ lệ stake trong mỗi pool, bản chất của pool, số lượng validator.
Theo số liệu từ Etherscan, chỉ tính lượng stake trên Lido (30.1%) và Coinbase (14.7%) gộp lại đã hơn 44%. Và trên mặt lý thuyết, 2 nền tảng này đã có thể tùy ý đóng mở mạng lưới (trên 33.33%). Nhưng chúng ta cần nhớ rằng Lido là một Dapp phi tập trung, và mọi quyết định từ Lido cần thông qua người dùng. Nếu trong tương lai, lượng stake về tay các sàn CEX nhiều hơn, đó mới là một nỗi lo tiềm tàng (nhưng khả năng các sàn bị tấn công hoặc kết hợp với nhau kiểm soát mạng lưới là gần như không có). Chính vì thế, về bản chất, Ethereum vẫn khá phi tập trung.
Ngoài ra, ta còn thấy rằng:
- Số lượng validator vẫn đang tăng không ngừng theo thời gian (khoảng 100 đến 500 validator/ ngày)_
- Lượng ETH được stake trên ETH 2.0 mới đạt 11.5% tổng cung và còn rất nhiều tiềm năng.
Vì vậy rất có thể sau này lượng stake cũng như lượng validator trong các pool sẽ được phân bổ lại đáng kể để cải thiện tính phi tập trung, đặc biệt là khi Ethereum cho phép người dùng rút ETH mà họ đang stake.
Nhìn rộng hơn, chúng ta hãy cùng so sánh tính phi tập trung của ETH 2.0 với các blockchain POS khác.
Avalanche
Avalanche hiện có 1237 validator. Tuy nhiên điểm đặc biệt là mỗi pool stake của Avalanche đều giới hạn 3,000,000 Avax (chỉ hơn 1% lượng Avax đang được stake), nên đây là một cơ chế hoàn hảo cho tính phi tập trung. Nhưng số lượng validator ít có thể là một điểm yếu “chết người” của mạng lưới này.
Solana
Là một trong những blockchain bị lên tiếng nhiều nhất về tính phi tập trung, Solana hiện có 2043 validator, nhưng chỉ 30 validator đã có thể kiểm soát mạng lưới. Chính vì thế Solana đã bị “khởi động lại” đến 8 lần trong 12 tháng qua. Nếu so sánh với Solana, Ethereum POS vẫn khả quan hơn rất nhiều.
Vậy nên nếu xét về độ tập trung của các pool trên ETH 2.0 thì đó đúng là một điểm quan ngại, nhưng nếu xét về số lượng validator thì Ethereum vẫn là một ngôi sao sáng trong giới POS.
Vậy Ethereum có dễ bị tấn công?
Hiện tại, để có thể tấn công Ethereum sẽ cần sự đồng lòng của các sàn tập trung (tuy nhiên tổng lượng stake của các sàn tập trung gộp lại chỉ có 30% nên về bản chất là chưa thể đóng mở mạng lưới chứ đừng nói đến tấn công 51%).
Ngoài ra theo định hướng tương lai của Vitalik, cơ chế chọn người để xác thực giao dịch sẽ được thực hiện trong bí mật (single secret leader election), tức là những validator khác sẽ không thể biết “người được chọn” là ai cho đến khi giao dịch được hoàn tất và bản thân họ muốn công khai. Điều này giúp ngăn chặn việc hợp tác tấn công cũng như thời điểm để tấn công vì họ không biết khi nào sẽ được chọn.
Không chỉ thế, với bản cập nhật The Surge, Ethereum sẽ được phân nhánh thành nhiều shard. Sẽ có 2 lần ngẫu nhiên được thực hiện trong quá trình này:
- Ngẫu nhiên về shard: validator sẽ được phân bổ vào 1 shard bất kì.
- Ngẫu nhiên về người xác thực giao dịch: cơ chế này tương tự như Ethereum POS hiện tại, kết hợp với “single secret leader election”.
Những thay đổi này khiến việc tấn công trở nên phức tạp hơn nhiều. Ngoài ra các sàn CEX với uy tín của mình chắc chắn sẽ không làm gì gây hại đến Ethereum. Bên cạnh đó, tổng lượng ETH đang được stake có giá trị gần 20 tỷ đô, tức là một kẻ tấn công sẽ cần tới hơn 20 tỷ đô stake thêm vào nếu muốn tấn công mạng lưới, một con số không tưởng. Vì thế, dưới góc nhìn cá nhân, mình tin rằng Ethereum 2.0 vẫn rất an toàn.
SEC sẽ kiểm soát Ethereum?
Trong vụ kiện của ủy ban chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đối với một KOL tiền mã hóa, Ian Balina, do không đăng kí tiền mã hóa như một loại chứng khoán khi anh thực hiện ICO 4 năm về trước, SEC đã tuyên bố họ có quyền kiện Balina không chỉ vì trường hợp của anh ta liên quan đến các giao dịch được thực hiện trong phạm vi Hoa Kỳ, mà còn bởi vì, về cơ bản, toàn bộ mạng Ethereum nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Hoa Kỳ.
Lý do SEC đưa ra là vì phần lớn node vận hành của Ethereum tập trung ở Mỹ (chiếm hơn 47%), nên các giao dịch trên Ethereum tất yếu sẽ được xem như trên đất Mỹ. Có thể thấy SEC đang cố gắng tìm lý do để kiểm soát toàn bộ hệ thống giao dịch tiền mã hóa của Ethereum, qua đó có cơ cở để kiện những cá nhân/ tổ chức thực hiện hành vi giao dịch chứng khoán chưa đăng kí.
Nếu lập luận này của SEC được chấp thuận, rất có thể những giao dịch sau này trên Ethereum 2.0 sẽ dưới quyền tài phán của SEC và mất đi tính phi tập trung vốn có.
Trước đó, SEC cũng đã kiện Coinbase vì niêm yết “chứng khoán” chưa đăng kí nhưng thất bại. Vì vậy, có thể thấy động thái lần này của SEC khả năng lớn cũng sẽ bị bác bỏ. Ngoài ra, trọng tâm vụ kiện của SEC là về Ian Balina nên tòa án sẽ không cân nhắc quá sâu vấn đề này.
Tuy vậy, tuyên bố của SEC cũng rất đáng để để tâm bởi vì trong vài giờ sau khi Ethereum hợp nhất thành công với cơ chế proof – of – stake, chủ tịch SEC Gary Gensler ngụ ý rằng việc chuyển đổi có thể đưa mạng lưới đến gần hơn với định nghĩa về chứng khoán trong mắt chính phủ.
Gensler đã đưa ra quan điểm của mình về cách “staking” (tức là cam kết tài sản cho một mạng lưới tiền mã hóa để đổi lấy phần thưởng thụ động) là một dấu hiệu cho thấy tài sản đó đủ điều kiện trở thành chứng khoán, mặc dù ông ta không đề cập đến loại tiền mã hóa cụ thể nào.
Hiện tại, sau khi đón nhận nhiều sự giận dữ từ cộng đồng, SEC vẫn chưa có hồi đáp.
Thời gian unstake
Theo kế hoạch, lượng ETH stake trong ETH 2.0 sẽ được unstake vào cập nhật Thượng Hải (6 đến 12 tháng sau the Merge). Tuy nhiên qua tiết lộ từ một nhà phát triển Ethereum, Micah Zoltu, lần cập nhật này sẽ chưa cho phép người dùng unstake, khiến thời điểm được trả lại ETH vẫn là một câu hỏi lớn.
Nếu bạn đang stake ETH, hãy chờ đợi thêm thông báo chính thức từ Ethereum. Nhưng dưới góc nhìn vận hành, có thể Ethereum sẽ giam stake lâu hơn dự kiến để duy trì độ bảo mật và tính ổn định của mạng lưới. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng ETH được stake mới đạt 11.5% tổng cung, trong khi đa số các blockchain POS khác đều ở mức 40% đến 50%.
Mạng lưới cho người giàu
Đây là một nhận định khá chính xác, chúng ta chỉ cần nhìn vào một phép tính đơn giản sau (stake reward khoảng 5.2%/năm):
- Một người stake 1 triệu ETH à sau một năm sẽ nhận thêm 52000 ETH
- Một người stake 1000 ETH à sau một năm sẽ nhận thêm 52 ETH.
Thậm chí lượng ETH này của “người giàu” còn được lãi kép qua năm tháng và sẽ nhanh chóng pha loãng ETH của “người nghèo”. Không chỉ vậy, theo cơ chế của POS, khi validator có lượng stake càng lớn, thì khả năng được chọn xác thực giao dịch càng cao và nhận được nhiều phần thưởng hơn. Chính vì thế, như một hệ quả tất yếu, “người giàu” sẽ càng giàu, và “người nghèo” sẽ càng nghèo.
Tổng kết
Trên đây là những thông số, tin tức và nhận định của mình về Ethereum hậu The Merge. Có thể thấy, Ethereum đã được cải thiện về nhiều mặt, và đây là một điều cần thiết cho sự phát triển lâu dài trong tương lai. Mặc dù còn các lo ngại về sự tồn tại của ETHW, về tính phi tập trung cũng như tuyên bố “hùng hồn” từ SEC có thể ảnh hưởng đến sự phát triển này, ở thời điểm hiện tại, mình tin rằng Ethereum vẫn sẽ vững bước trên con đường mà Vitalik và cộng đồng đã tạo dựng nên.
Nếu bạn thích bài viết này hay con góc nhìn nào khác về Ethereum 2.0, hãy comment xuống dưới cho chúng mình biết nhé!.