Tổng quan 

Như đã đưa tin về bản cập nhật Bedrock sẽ diễn ra vào ngày 06/06/2023 sắp tới của Optimism ở bài viết trước, trong đó từ khóa OP Stack chính là trọng tâm của bản cập nhật này. Sau đây hãy cùng GFI Blockchain tìm hiểu xem OP Stack là gì và nó sẽ giúp Optimism mở rộng như thế nào. 

OP Stack 

OP Stack là gì? 

OP Stack là một bộ công cụ (SDK) tạo ra một hệ thống chung, hoàn toàn open source (mã nguồn mở) giúp cho việc phát triển các L2 theo công nghệ Rollups một cách đơn giản, mức độ tùy chỉnh cao, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm chi phí hơn thay vì dự án phải xây dựng hết tất cả từ đầu. Nói đến đây, chắc hẳn bạn cũng có thể liên tưởng đến Cosmos SDK, một bộ công cụ phát triển mã nguồn mở cho phép người dùng tạo các ra các blockchain tùy chỉnh trên hệ sinh thái Cosmos. Các chains được xây dựng bằng OP Stack được gọi là “OP-Chains”.  

Ngoài ra, OP Stack sẽ chuyển cấu trúc của Optimism theo mô hình modular blockchain, module hóa kiến trúc của Optimism, từ đó có thể dễ dàng tùy chỉnh theo mỗi mục đích khác nhau bằng cách thay đổi, thêm bớt các tính năng. Các module này được liên kết chặt chẽ với cơ sở hạ tầng cũng của Ethereum. Một OP-Chain tiêu chuẩn được xem là một blockchain có smart contract rollups được xây dựng trên Ethereum cùng khả năng thực thi tương đồng với Ethereum (Ethereum equivalence). 

Cấu trúc của OP Stack

OP Stack Layers
OP Stack Layers

Data Availability Layer 

Data Availability Layer (Lớp khả dụng của dữ liệu) là nơi chứa các dữ liệu đầu vào của OP-Chain. Một OP-Chain có thể sử dụng 1 hay nhiều modules DA để cung cấp dữ liệu đầu vào. Quá trình này khá quan trọng, vì nếu một phần của dữ liệu cụ thể không thể trích xuất được từ DA thì không thể đồng bộ hóa mạng lưới. 

Với việc chuyển sang mô hình mới, Ethereum giờ đây sẽ đảm nhận vai trò như một lớp DA cho OP Stack. Ngoài Ethereum, OP-Chain có thể lựa chọn một phương án khác là Celestia.  

Sequencing Layer 

Lớp Sequencing là nơi diễn ra quá trình các giao dịch của người dùng trên OP-Chain được thu thập và gửi đến lớp DA. Trong cấu hình Rollups mặc định của OP Stack, việc sequencing được xử lý bởi một sequencer duy nhất (Single Sequencer) từ đội ngũ của dự án, điều này tương tự với Arbitrum One. Vì thế quyền lực nằm trong tay sequencer hay đúng hơn là nằm trong tay dự án là rất lớn. Các cuộc tranh luận về vấn đề cấp thiết trong việc phi tập trung hóa sequencer luôn là chủ đề nóng của cộng đồng L2 nói chung hay Optimism và Arbitrum nói riêng. 

Trong tương lai, OP Stack sẽ triển khai nhiều sequencers (Multiple Sequencers) thay vì mô hình Single Sequencer như hiện tại. Tuy nhiên, với những OP-Chains không muốn vận hành sequencers của riêng họ thì có thể trả phí để sử dụng chính sequencer của Optimism. Điều này mở ra một nguồn lợi nhuận khác cho Optimism. 

Derivation Layer 

Lớp Derivation diễn ra quá trình xử lý dữ liệu thô trong lớp DA để tạo ra các dữ liệu hoàn chỉnh, sau đó sẽ nó sẽ được gửi đến lớp Execution thông qua các API của Ethereum Engine.  

Execution Layer 

Lớp Thực thi (Execution Layer) cho thấy cấu trúc trạng thái liên tục thay đổi số dư trong một hệ thống OP Stack, các quá trình chuyển tiếp trạng thái được kích hoạt khi đầu vào được nhận từ lớp Derivation thông qua Engine API. Người dùng sẽ thường tương tác với lớp Execution thông qua UI như confirm giao dịch, ký giao dịch, triễn khai smart contract… Việc thực thi này dựa vào EVM, tuy nhiên, nếu bạn muốn đổi việc thực thi này bằng một máy ảo khác, ví dụ như FuelVM của Fuel Network, việc này là hoàn toàn khả thi với OP Stack. 

Settlement Layer 

Lớp Thanh toán (Settlement Layer) là nơi kiểm tra lại các giao dịch Rollups cũng như giải quyết các tranh chấp nếu có. Với OP Stack, có thể có một hoặc nhiều cơ chế settlement khác nhau. Các cơ chế này chỉ có thể cho phép đọc và cho phép các bên đưa ra các quyết định dựa trên trạng thái của OP-Chain. 

Governance Layer 

Lớp Quản trị (Governance Layer) là một phần quan trọng của hệ thống OP Stack, nó giúp quản lý các quyết định về cấu hình mặc định, nâng cấp hệ thống,… Hiện tại lớp quản trị gồm 2 thành phần: 

  • Multisig là một trong những cơ chế thường thấy được áp dụng trong việc quản trị của những dự án trên thị trường. Những smart contract này sẽ thực hiện yêu cầu khi nhận được hơn 50% lượng chữ ký từ tập hợp những người được xác định từ trước. Hợp đồng MultiSig thường được sử dụng để quản lý việc nâng cấp các thành phần của hệ thống dựa trên OP Stack. 
  • Token Quản trị (Governance Tokens) là một cơ chế được sử dụng rộng rãi khác trên thị trường. Nó cho phép chủ sở hữu token bỏ phiếu vào những proposal được đưa ra. 

Superchain 

Superchain là gì? 

Superchain là một mạng lưới bao gồm các OP-Chains liên kết lại với nhau, nơi các blockchain xây dựng trên OP Stack này chia sẻ bảo mật, tương tác lẫn nhau thông qua “Cross-chain messaging protocol” và hoàn toàn open source.  Tuy nhiên, Superchain của Optimism không dừng lại ở việc liên kết các chain với nhau mà còn muốn liên kết các dApps với nhau nhưng vấn đề này vẫn chưa được đề cập đến quá nhiều trong các tài liệu hiện tại.

Superchain
Superchain

Các yếu tố cần thiết của Superchain 

OP Labs đã đưa ra 5 yếu tố cần thiết để Optimism có thể tiến lên Superchain, cụ thể: 

  • Chia sẻ thông tin với L1: Cung cấp thứ tự các giao dịch trên tất cả các OP-Chains. 
  • Bridge dùng chung bởi tất cả OP-Chains: Cho phép OP-Chains có các thuộc tính bảo mật được tiêu chuẩn hóa. 
  • Chi phí triển khai OP-Chain không quá cao: Cho phép triển khai và giao dịch trên OP-Chains mà không phải trả phí giao dịch cao trên L1. 
  • Tùy chọn cấu hình cho từng OP-Chain: Cho phép mỗi OP-Chain tùy chỉnh cấu hình về DA, sequencer,… 
  • Giao dịch an toàn và tương tác cross-chain: Cho phép người dùng chuyển tài sản một cách an toàn giữa các OP-Chains.

=> Để đạt được tầm nhìn Superchain, OP Stack cần phải hoàn thiện và vận hành một cách ổn định.

Hệ sinh thái OP Stack 

Base 

Coinbase, sàn giao dịch crypto lớn nhất nước Mỹ đã cho ra mắt một giải pháp Layer 2 trên Ethereum có tên là Base, dự án thứ 2 được xây dựng dựa trên công nghệ OP Stack của Optimism. Đội ngũ của Base cũng cho biết rằng, họ sẽ cùng OP Labs tập trung xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng của OP Stack. Ngay khi Coinbase thông báo ra mắt Base, cộng đồng rất tích cực và cho rằng đây sẽ là hiện thực hóa CeDeFi của Brian Armstrong khi mà Coinbase có hơn 110 triệu người dùng. 

Magi 

Magi là một client dành cho việc đồng thuận (consensus) hay còn được gọi là Rollups client được xây dựng trên nền tảng OP Stack của Optimism do quỹ đầu tư hàng đầu thị trường là a16z phát triển. Nó sẽ hoạt động cùng với client dành cho việc thực thi (execution) như op-geth để tăng khả năng đồng bộ.  

OP Labs hiện đang sử dụng một phiên bản tham chiếu là op-node do chính OP Labs xây dựng và Magi sẽ thực hiện chức năng tương tự. Tuy nhiên, có sự khác biệt rằng op-node được viết bằng ngôn ngữ lập trình GO, còn với Magi sẽ là Rust. Với Rust, đội ngũ nhà phát triển của a16z hi vọng sẽ giúp cho Magi tăng cường tính phi tập trung, tốc độ giao dịch và gia tăng sự bảo mật cho Optimism. 

Worldcoin 

Chat GPT đã khởi xướng cơn sốt về công nghệ AI khi phủ sóng khắp các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới vào thời gian đầu năm 2023. OpenAI chính là công ty phát triển đằng sau ứng dụng chatbot siêu thông minh này. Tuy nhiên, nếu mọi người chưa biết thì Worldcoin, một dự án về Decentralized ID muốn phổ cập crypto đến toàn bộ người dùng trên toàn cầu, cũng là một sản phẩm của OpenAI do Sam Altman gầy dựng.  

Ngày 11/05/2023 vừa qua, Worldcoin và Optimism đều thông báo trên Twitter của riêng mình về việc Worldcoin sẽ đưa 2 sản phẩm là World ID và World App của mình lên OP Stack cùng tầm nhìn xây dựng Superchain. 

Combo Network 

Combo Network (trước đây là Cocos-BCX), một L2 được tạo ra từ sự kết hợp điểm mạnh của BNB Chain và Optimism nhớ sự kết hợp cùng NodeReal, là một nền tảng gaming thân thiện với nhà phát triển, cung cấp một loạt giải pháp cho các trò chơi Web3 hiệu suất cao.  

Trong số các giải pháp L2, việc áp dụng kiến trúc Optimistic Rollups của Optimism giúp giảm đáng kể chi phí và độ trễ trong khi vẫn đảm bảo tính bảo mật. Ngoài ra, OP Stack dạng module của Optimism cũng là một yếu tố quan trọng, nó giúp xây dựng một module mã nguồn mở được tiêu chuẩn hóa, chi phí thấp và thân thiện với nhà phát triển. 

Một vài dự án khác 

Ngoài 4 dự án nổi bật nêu trên, hiện tại còn có một vài dự án đáng chú ý khác được xây dựng trên OP Stack như: Erigon, Aevo, Op Clave, Conduit, Caldera, Chronicle (được xây dựng bởi Lit Protocol) và Magma (được xây dựng bởi UniDex).

So sánh với đối thủ 

Arbitrum Orbit 

Arbitrum Orbit, một nền tảng framework để có thể xây dựng L2 hoặc L3 mới của Arbitrum được thông báo cùng lúc với sự kiện airdrop token ARB vì thế nó tạm thời bị lu mờ đi. Theo Offchain Labs đưa ra, L3 được hiểu như là L2 của L2, Orbit mang đến nhiều lựa chọn cho các nhà phát triển như sau: 

  • Arbitrum Rollup: Xây dựng nền tảng L3 Rollups tương tự Arbitrum One. 
  • Arbitrum AnyTrust: Xây dựng nền tảng L3 AnyTrust tương tự Arbitrum Nova, phù hợp cho việc xây dựng các dApps như GameFi hay SocialFi phục vụ một lượng người dùng truy cập lớn, chi phí cực kỳ rẻ và khối lượng giao dịch lớn. 
  • Make Modifications: Cho phép các nhà phát triển có thể tùy chỉnh sâu hơn để tối đa hóa nhu cầu riêng của họ, phục vụ cho các lĩnh vực DeFi hay NFT ở level cao hơn dựa trên công nghệ của Arbitrum Nitro.
Arbitrum Orbit
Arbitrum Orbit

Không dừng lại ở Arbitrum Nitro, trong tương lai Arbitrum cũng sẽ có nâng cấp quan trọng là Arbitrum Stylus, nó cho phép các nhà phát triển xây dựng dApps bằng các ngôn ngữ lập trình truyền thống bao gồm C, C++ và Rust. Và Orbit cũng được thiết kế tương thích với Arbitrum Stylus ngay từ đầu.  

Lưu ý, như ban đầu mình đã đề cập, Arbitrum Orbit cho phép các nhà các phát triển có thể xây dựng cả L2 và L3, tuy nhiên, có sự khác biệt trong quá trình này, cụ thể: 

  • Với L3, hoàn toàn không có rào cản gì. 
  • Với L2, nếu muốn fork Arbitrum ra, bạn sẽ cần phải thông qua sự đồng ý của Arbitrum DAO => Tăng quyền lực của DAO => Tăng sức mạnh cho token holders. Trái ngược với OP Stack khi các nhà phát triển có thể tự do fork mà không bị bất kỳ rào cản nào. Quyền lực của Arbitrum DAO là thế nhưng cũng chính Arbitrum Foundation đã có pha xử lý “đi vào lòng đất” khi đã có những lùm xùm về việc đơn vị này đã bán token mặc dù đề xuất AIP-1 chưa được thông qua. 

zkSync L3 Pathfinder 

Theo Alex Gluchowski, Co-Founder Matter Labs, ông giới thiệu với zkSync Pathfinder, zkSync sẽ trở thành mô hình Hyperchains hay còn là mạng lưới của nhiều blockchains sử dụng công nghệ ZK (Multi-ZK-chain networks). Điều này làm chúng ta liên tưởng đến concept Internet Of Blockchain của Cosmos, Avalanche hay Polkadot đang làm. 

zkSync Pathfinder
zkSync Pathfinder

Mình sẽ gửi đến mọi người một bài phân tích rõ hơn về mô hình, cách thức hoạt động của zkSync Pathfinder ở bài sau. Bây giờ, mình sẽ liệt kê một vài ý chính về L3 của zkSync như sau: 

  • Với L2 là zkSync, đội ngũ Matter Labs kì vọng x10-x100 về hiệu suất, còn với L3 là vô hạn. 
  • Với trình biên dịch LLVM, L3 của zkSync không chỉ hỗ trợ ngôn ngữ lập trình Solidity mà còn bất kỳ ngôn ngữ hiện đại nào khác như Rust, C++, Swift,… 
  • Các nhà phát triển có 3 lựa chọn về DA: ZK Rollup giúp hưởng bảo mật toàn diện từ Ethereum (Hướng tới các dự án DeFi), zkPorter kết hợp giữa on-chain và off-chain để tối ưu về phí và tốc độ (Hướng tới các dự án GameFi) và Validium với hiệu suất cao nhất tuy nhiên độ bảo mật cũng sẽ kém hơn. 
  • Các Hyperchains được kết nối với nhau bằng cầu nối HyperBridges, gia tăng gấp 10 lần về độ bảo mật so với dùng cầu nối bên thứ 3. Tương tự với cầu nối IBC của Cosmos, XCM của Polkadot. 

Starknet: Khi Starknet là L3 của chính mình 

Khác với các đối thủ trên, Starknet không có một cái tên riêng dành cho sản phẩm L3 vì họ tự xem mình cũng chính là giải pháp L3. Đội ngũ còn đưa ra liên tưởng rằng L3 sẽ là mạng ánh xạ (Canary network) trên L2, tương tự với vai trò của Kusama với Polkadot.  

Starknet L3
Starknet L3

Không chỉ dừng lại ở L3, Starknet đã đặt sẵn trong mô hình của mình tới L4 khi xếp chồng lên L3. Dựa vào ảnh trên, L3 của Starknet sẽ bao gồm các thành phần: 

  • StarkEx sẽ được chuyển đổi lên L3, với tính khả dụng của dữ liệu của Validium hoặc Rollup, ngay lập tức mang lại lợi ích về khả năng mở rộng đã được thử nghiệm trong nhiều lần battle test cho StarkNet. VD như Sorare, Immutable X, DeversiFi,… 
  • StarkNet với tính khả dụng của dữ liệu Validium, nhằm mục đích sử dụng chung cho các ứng dụng nhạy với sự thay đổi về giá. 
  • Hệ thống app-specific StarkNet dành riêng cho ứng dụng được tùy chỉnh để có hiệu suất tốt hơn, có thể bằng cách sử dụng các cấu trúc lưu trữ được định sẵn hoặc tối ưu việc nén dữ liệu. 
  • Privacy Starknet (tương tự L4 của Starknet) nhằm cho phép các giao dịch bảo vệ quyền riêng tư mà không cần đưa chúng vào mạng Starknet public. 

Kết luận 

OP Stack đang là điểm sáng cũng như sự kì vọng của người dùng sẽ được bắt đầu triển khai vào ngày 06/06/2023 sắp tới. Tuy nhiên trước đó, ngày 31/05/2023, OP có một đợt unlock token lớn với hơn 386 triệu $OP, tương đương 9% tổng cung được trả cho đội ngũ phát triển và các quỹ đầu tư là a16z, Paradigm và IDEO Colab Ventures.

Nhìn chung có thể thấy các giải Layer 2 hàng đầu thị trường đều đã có roadmap sẵn để mở rộng mạng lưới của mình. Nhưng theo cảm quan cá nhân, hiện tại OP Stack của Optimism và Arbitrum Orbit của Arbitrum mới là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau. OP Stack đang có lợi thế hơn Arbitrum Orbit vì được sự hỗ trợ của Coinbase và a16z cùng các dự án DeFi khác. Còn với 2 giải pháp L2 của zkSync và Starknet vẫn chưa hoàn thiện, cần thêm nhiều thời gian để stress test mạng lưới trước khi đi xa hơn.