Tổng quan

  • Sau khi gây bão với việc listing token $PI IOU, Huobi của Justin Sun tiếp tục là tâm điểm của sự chú ý trong tuần qua, khi liên tục bị FUD về những vấn đề nội bộ.
  • Ngoài ra, những hành động bất thường của vị chủ tịch này cũng dấy lên câu hỏi về tính thanh khoản của sàn Huobi.
  • Các token liên quan giảm giá mạnh, đồng stablecoin “con cưng” của Sun, USDD, giao dịch dưới peg trong nhiều ngày liền.

Hãy cùng GFI điểm lại những sự kiện trên trong bài viết này nhé!

Huobi lục đục nội bộ

Bắt đầu từ ngày 30/12/2022, theo tin tức nội bộ, sàn Huobi sẽ hủy bỏ tất cả phần thưởng cuối năm, giảm lương của các nhân viên cấp cao, đồng thời sa thải từ 600 đến 400 nhân sự. Tin tức này không phải là quá mới lạ đối với một sàn crypto, khi làn sóng này đã diễn ra suốt mùa downtrend (Kraken sa thải khoảng 30%, Bybit sa thải khoảng 50%,…), thậm chí Binance, sàn CEX lớn nhất thế giới, cũng tuyên bố sẽ không có thưởng cuối năm cho 20% nhân viên kém hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, Huobi đã bác bỏ tin đồn này và xác nhận sẽ chỉ cắt giảm 20% nhân sự (khoảng 200 người) như một phần của kế hoạch tái cấu trúc công ty sau khi Sun tiếp quản. Ngoài ra họ cũng phủ nhận việc thiếu thanh khoản.

Nhưng vài ngày sau thông tin trên, nhiều nhân viên cho biết họ được yêu cầu trả lương bằng USDT/ USDC thay vì fiat, nếu không chấp nhận thì rất có thể bị sa thải. Điều này dường như đã kích hoạt một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong công ty và kênh chat nội bộ cũng bị vô hiệu hóa nhằm dẹp tắt những “cuộc nổi dậy”.

Theo như một KOLs người Trung Quốc khá nổi tiếng BitRun, điều này là rất nguy hiểm và người dùng cần rút tiền khỏi Huobi ngay lập tức cũng như không tiếp xúc với nền tảng này vì không loại trừ khả năng nhân viên của Huobi sẽ tấn công vào tài khoản, hoặc cài mã độc Trojan để ăn cắp thông tin, khóa cá nhân của người dùng. Nếu họ quyết định thực hiện điều đó, sẽ không ai có thể ngăn cản vào lúc này, kể cả Huobi. Ngoài ra do chưa được quy định pháp lý tại các nước sở tại, nên việc này là hoàn toàn hợp pháp.

Không chỉ vậy, theo một trader nhiều kinh nghiệm, hành động của Huobi/ Justin Sun khá tương đồng với sàn Hoo Exchange đã rug-pull nhân viên và người dùng trong quá khứ. Bắt đầu với việc list token vô giá trị ($PI, $BONK) –> tìm cách cắt giảm nhân viên  –> nhân viên bất mãn và tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình –> không còn ai tập trung làm việc –> đội ngũ chăm sóc khách hàng dần tan rã và hoàn toàn biến mất,…

Tuy vậy, đó chỉ là một vài thuyết âm mưu mà cộng đồng bàn tán, vậy có phải Huobi đang thực sự thiếu hụt dự trữ tiền mặt, hay đang gặp các khó khăn tài chính khác nên không thể trả lương bằng fiat cho nhân viên của mình?

Hãy bắt đầu với mối quan hệ của Sun/ Huobi với Silvergate, một ngân hàng nổi tiếng thân thiện với ngành crypto. Theo như tìm hiểu của mình thì Silvergate là một trong những đối tác rút tiền của Huobi, điều này đồng nghĩa Huobi đang gửi toàn bộ/ một phần tiền của người dùng (cũng như của chính Huobi) tại đây.

Trong khi đó, trước khi mua lại Huobi, Sun cũng từng có “dây mơ rễ má” với ngân hàng này thông qua mối quan hệ với Alameda (Alameda/ FTX gửi rất nhiều tiền ở Silvergate). Thậm chí Sun còn chỉ định Alameda là một trong những thành viên quản lý quỹ Tron Dao Reserve, đơn vị phát hành stablecoin USDD.

Tron Dao Reserve hợp tác với Alameda
Tron Dao Reserve hợp tác với Alameda

Chính vì mối quan hệ nhập nhằng giữa Alameda/FTX – Sun/Huobi – Silvergate, sau khi FTX phá sản, vấn đề của các bên liên quan dần dần được phơi bày. Đầu tiên là Silverglate, ngân hàng này đã bị tòa án thu giữ nhiều tài khoản có liên quan đến FTX để phục vụ cho quy trình phá sản, thậm chí nó phải bán dần các tài sản của mình, chịu tổn thất lên tới hơn 700 triệu đô để đối phó với lượng tiền rút lên tới 8.1 tỷ đô. Cố phiếu của Silvergate giảm hơn 50% trong1 tháng qua và có khả năng đứng trước nguy cơ phá sản.

Tiếp theo, như đã đề cập ở trên, Huobi cũng “gửi gắm” cho Silvergate khá nhiều tiền. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến Huobi ngay lập tức bị ảnh hưởng và không thể rút tiền để trả lương cho nhân viên của mình khi Silvergate gặp khó khăn.

Vậy tại sao họ lại không chấp nhận USDT/ USDC? Bởi lẽ chúng có rất nhiều nhược điểm như:

  1. Không phải quốc gia nào cũng hỗ trợ giao dịch P2P stablecoin/ fiat trên sàn CEX giống như ở Việt Nam
  2. Nếu rút qua Tether/ Circle, phải rút tối thiểu $100, thời gian chờ lên tới 3 ngày
  3. Tether/ Circle cũng sử dụng hệ thống ngân hàng để chuyển tiền, chính vì thế phải có các loại tài khoản ngân hàng cũng như tốn phí chuyển tiền.
  4. Ngoài ra bởi vì Tether/ Circle khi cung cấp stablecoin cho tổ chức, thì sẽ có tài khoản riêng cho tổ chức đó. Vậy nếu tài khoản Tether/ Circle của Huobi nằm trên Silvergate, liệu nhân viên của Huobi có thể rút được tiền hay không?

Hành động của Justin Sun

Trong bối cảnh đó, từ đầu tháng 11 đến nay (từ khi FTX phá sản) Justin Sun đã nhanh chân rút hơn 1,2 tỷ đô qua nhiều giao dịch khác nhau, chủ yếu từ pool trên AAVE, JustLend, và ví cá nhân trên Binance, Huobi,… Dòng tiền luân chuyển từ Ethereum, Tron –> Binance –> Ethereum –> Paxos (BUSD), Circle (USDC).

Justin Sun cashout hơn 1.2 tỷ đô
Justin Sun cashout hơn 1.2 tỷ đô (nguồn: Watcherpro)

Chưa ai biết mục đích thật sự của Sun là gì, có thể là anh đã nhìn thấy đây là thời điểm cần phải cashout để phòng ngừa rủi ro, cũng như tìm kiếm các cơ hội khác trong thị trường. Trong khi cũng có người suy đoán Sun đang sử dụng tài sản cá nhân để bù đắp cho khả năng hoạt động liên tục (solvency) của Huobi trong tương lai, bởi vì PoR mà Huobi thực hiện trước đó không bao gồm nợ của sàn giao dịch này.

Mặc dù lí do cụ thể vẫn là một ẩn số nhưng có lẽ chúng ta đều biết Justin Sun là một cáo già, cộng với những mối quan hệ chặt chẽ giữa FTX, Tether, Silvergate, Tron, Huobi, mọi hành động của anh đều không đơn giản.

Dẫu sau đó Sun giải thích rằng đây đơn giản chỉ là trao đổi chuỗi (chainswap) giữa những stablecoin khác nhau, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra như:

  • Tại sao trao đổi chuỗi nhưng Sun lại phải cash out?
  • Sun dùng số tiền đó để làm gì? Hỗ trợ thanh khoản cho Huobi và trả lương cho nhân viên? Mua lại tài sản của FTX? Hay phục vụ cho nhu cầu cá nhân khác?
  • Tại sao Sun lại phải đổi USDT thành USDC, BUSD và rút trên Ethereum, chịu hơn 15 nghìn đô slippage, chứ không rút trực tiếp trên Tron?
  • CEO trẻ có đang tháo chạy khỏi thị trường khi cảm thấy sức nóng của FTX đang lan rộng?

Trước làn sóng rút tiền ồ ạt từ người dùng do những lo ngại gần đây, ngày 6/1, Justin Sun đã “bơm” 100 triệu đô lên Huobi như một liều thuốc trấn an cộng đồng.

Sun chuyển $100m từ Binance lên Huobi
Sun chuyển $100m từ Binance lên Huobi

Phản hồi của Justin Sun

Là một người tích cực hoạt động trên Twitter, Sun tất nhiên không bỏ qua dịp này để đánh bóng tên tuổi (“noi gương” CZ tweet “Ignore FUD. Keep building”) và bảo vệ Huobi. Về vấn đề lo ngại hành động quá khích của nhân viên, Sun bảo rằng:

“Dữ liệu kinh doanh cốt lõi và kiến trúc kỹ thuật của công ty không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn lực tập trung nào. Duy trì 100% tính khả dụng và khả năng bảo mật tốt nhất trong ngành mà không có sự cố bảo mật nào trong mười năm. Tài sản của người dùng sẽ luôn được bảo vệ hoàn toàn.

….

Huobi hoàn toàn tôn trọng các yêu cầu hợp pháp của nhân viên địa phương và tiếp tục cung cấp các ưu đãi cũng như đối xử cạnh tranh trong ngành”

Bên cạnh đó, Sun cũng cố gắng giải thích tài sản của người dùng luôn được lưu trữ trong ví lạnh hoặc là ví multi-sig cực kì an toàn, cũng như sử dụng các biện pháp cần thiết để duy trì tính minh bạch, tuân thủ pháp luật, phòng chống việc chuyển tiền mà không có sự đồng ý của người dùng,…

Ngoài ra, Sun còn sa thải đội ngũ HR, tổ chức chương trình “trải nghiệm người dùng Huobi” (Huobi User Experience Bounty Program) và “cố vấn trải nghiệm dùng” (User Experience Advisory Committee) dành cho các KOLs, leader trong ngành, nhằm khôi phục lại uy tín của sàn tập trung này.

Với những hành động quyết liệt của Justin Sun, việc rớt giá của token $HT tạm thời được ngăn lại nhưng những hiểm nguy vẫn còn rình rập, chúng ta hãy cùng nhìn vào các thông số dưới đây.

Liệu Huobi có trở thành FTX thứ 2? 

Theo dữ liệu từ DeFiLlama (10/1), lượng tiền bị rút ra khỏi sàn Huobi vẫn đều đặn, bất chấp thị trường đã bắt đầu tích cực hơn. Chỉ trong vòng 7 ngày, gần 5% tổng tài sản trên Huobi đã “bốc hơi”. Tuy nhiên con số này kém xa so với “drama” FTX (hơn 80%), giúp cho sàn này vẫn có thể trụ vững. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, một sự kiện “thiên nga đen” lớn vẫn có thể xảy ra, rút tiền khỏi Huobi hiện tại là một biện pháp phòng ngừa rủi ro cần thiết.

Tiền vẫn liên tục bị rút ra khỏi Huobi
Tiền vẫn liên tục bị rút ra khỏi Huobi

Ngoài ra, số BTC, ETH, stablecoin bị rút khỏi sàn vẫn ở mức ổn định hơn so với FTX. Lượng BTC trên sàn chỉ giảm 10% (FTX giảm 100%), ETH giảm 9% (FTX giảm 80%), và stablecoin giảm 12% (FTX giảm 80%)

Lượng Bitcoin trên Huobi
Lượng Bitcoin trên Huobi (nguồn: Cryptoquant)
Lượng ETH trên Huobi
Lượng ETH trên Huobi (nguồn: Cryptoquant)
Lượng stablecoin trên Huobi
Lượng stablecoin trên Huobi (nguồn: Cryptoquant)

Những hiểm nguy rình rập

Thoạt nhìn, Huobi có vẻ vẫn rất an toàn, nhưng nếu xem xét kĩ hơn, khoảng 50% tài sản Huobi đang nắm giữ còn lại là token HT và TRX (gần 1.5 tỷ đô). Liệu đây hoàn toàn là tiền của người dùng thế chấp hay Huobi/ Justin Sun đang sử dụng một khoản tiền khác để đánh lừa Proof – of – Reserve? Các bạn hãy đưa ra câu trả lời đúng đắn nhất cho chính bản thân mình nhé!

Huobi Proof - of - Reserve
Huobi Proof – of – Reserve (nguồn: Nansen)

Không chỉ vậy, kể từ khi Justin Sun rút tiền, stablecoin USDD luôn được giao dịch dưới peg. Rất có thể Sun đã lấy chúng từ quỹ phòng hộ của USDD.

USDD bị ảnh hưởng vì lượng stablecoin thế chấp bị rút ra
USDD bị ảnh hưởng vì lượng stablecoin thế chấp bị rút ra

Vào tháng 8, tỉ lệ thế chấp của USDD lên tới 350%, nhưng ở thời điểm hiện tại, nó chỉ ở mức 200%, trong đó 113% là token TRX và 87% là BTC và stablecoin. Nếu Sun tiếp tục rút stablecoin, USDD có thể mất peg sâu hơn nữa và hệ quả có thể là một đợt bán tháo các token liên quan như TRX, HT, JST,… Biết rằng marketcap hiện tại của USDD lên tới 725 triệu đô.

Số BTC và stablecoin thế chấp đang thấp hơn tổng cung USDD
Số BTC và stablecoin thế chấp đang thấp hơn tổng cung USDD (nguồn: Tron Dao Reserve)

Tổng kết

Như vậy qua bài viết trên, mình đã điểm lại chi tiết những tin đồn gần đây của Justin Sun và Huobi. Chúng ta cần phải luôn nhớ rằng, thị trường crypto là một thị trường “high risk – high return”, chính vì thế luôn đầy rẫy những hiểm nguy sẵn sàng ập đến bất cứ lúc nào. Cân đối tỉ trọng, phân bổ vốn hợp lý, quản trị rủi ro và nhanh nhạy trước thông tin là điều cẩn thiết để bảo vệ tài sản của chính mình.

Những điểm tiêu cực của Huobi chưa thực sự rõ ràng nhưng những hành động của Justin Sun có thể khiến chúng ta phải cẩn trọng. Mong rằng qua bài viết này, các bạn hãy có những quyết định hợp lý nhất nhé!