Tổng quan
Thị trường tiền mã hóa đang rơi vào một trong những mùa đông lạnh lẽo nhất kể từ khi ra đời và phát triển. “Đứa trẻ” non dạ ấy lần đầu được chứng kiến chiến tranh, suy thoái kinh tế và trải qua các “cơn bão lòng” như một điều tất yếu. Và thật không ngoa khi nói rằng, chúng ta đang ở trong “tâm bão” lớn nhất kể từ trước đến nay.
Chỉ trong vòng 1 tuần (6/11 – 13/11), 2 ông chủ của 2 sàn tập trung lớn nhất thế giới Sam Bankerman-Fried (FTX) và CZ (Binance), đã tạo nên một cuộc đại chiến vô tiền khoáng hậu khiến thị trường crypto và hàng triệu người dùng toàn cầu điêu đứng.
Mặc dù kết thúc bằng sự phá sản của FTX, nhưng những hệ lụy, những mặt tối đang dần được phơi bày sau đó cũng khiến cho cả thế giới đứng ngồi không yên.
Nguyên nhân
Coindesk tiết lộ bảng cân đối kế toán của Alameda
Alameda là một quỹ đầu tư đươc Sam Bankerman-Fried (SBF) thành lập từ năm 2017, và luôn nằm trong hàng ngũ quỹ đầu tư hàng đầu thế giới. Tính đến thời điểm trước sự kiện FTX phá sản, Alameda đã tham gia đầu tư hơn 185 thương vụ và thành công không ít trong số đó. Nhưng bên cạnh đó, Alameda cũng là một quỹ đầu tư có khá nhiều tai tiếng liên quan đến việc “pump – dump” token của dự án mà họ đầu tư điển hình như Stargate, Iron Finance, Reef, …
—–> Xem thêm “lịch sử bump – dump của Alameda” tại đây.
Tuy nhiên họ ít khi công khai báo cáo tài chính của mình. Chính vì thế, khi tin tức về báo cáo tài chính của Alameda bị rò rỉ, hàng loạt chuyên gia đã nhảy vào săm soi, và mọi chuyện cũng bắt đầu từ đây.
Theo bảng số liệu này, phần lớn lượng tài sản của Alameda là FTT ( trị giá 5,8 tỷ đô tại thời điểm công bố), token của chính sàn FTX. Điều này dấy lên nghi vấn rằng Alameda sẽ không thể trả được số nợ lên tới 8 tỷ đô la, bởi lẽ họ không thể bán hết số FTT này mà không ảnh hưởng đến giá của nó trên thị trường (biết rằng khi ấy khối lượng giao dịch của FTT chỉ khoảng 50 triệu đô/ ngày, thậm chí nhiều bên còn chỉ ra rằng 80% lượng thanh khoản ấy là do chính Alameda tự thực hiện).
Mặc dù sau đó, Caroline Ellison, CEO của Alameda, lên tiếng rằng họ còn tới 10 tỷ đô tài sản chưa kê khai, nhưng cũng không tránh khỏi những bàn tán từ cộng đồng. Cory Klippsten, Giám đốc điều hành của nền tảng đầu tư Swan Bitcoin, cho biết:
“Thật thú vị khi thấy rằng phần lớn vốn chủ sở hữu ròng trong hoạt động kinh doanh của Alameda là mã thông báo được in ra từ không khí (printed-out-of-thin-air) và kiểm soát tập trung của chính FTX.”
Dù nhận được nhiều sự cảnh báo, người dùng khi ấy vẫn còn khá “dửng dưng”. Và thực tế cũng chỉ ra rằng bài viết này của Coindesk không có nhiều sức ảnh hưởng cho đến khi CZ, ông chủ sàn Binance thông báo sẽ bán FTT khỏi quỹ của mình.
CZ công khai bán FTT
Vào ngày 6/11, CZ tweet rằng do những “tiết lộ được đem ra ánh sáng” gần đây, ông quyết định không nắm giữ FTT nữa. Thậm chí sau đó ông còn retweet lại một bài viết của Whale Alert khi có 30 triệu token FTT (giá trị khoảng 580 triệu đô vào thời điểm đó) được đẩy lên sàn Binance khiến cho cả thế giới phải chú ý đến.
CZ cho rằng việc thanh lý FTT “chỉ là quản trị rủi ro, học hỏi từ LUNA”. Tuy nhiên những hành động liên tiếp này của CZ khiến cho nhiều người tin rằng vị CEO này đang thực sự khơi mào một cuộc chiến với SBF, và lo sợ điều đó có thể khiến cho giá FTT giảm sâu cũng như FTX sụp đổ.
As part of Binance’s exit from FTX equity last year, Binance received roughly $2.1 billion USD equivalent in cash (BUSD and FTT). Due to recent revelations that have came to light, we have decided to liquidate any remaining FTT on our books. 1/4
— CZ 🔶 BNB (@cz_binance) November 6, 2022
Chỉ trong vòng 24 tiếng kể từ bài đăng của CZ, đã có khoảng 5 tỷ đô bị rút ra khỏi FTX và Sam buộc phải ngưng hệ thống rút tiền của mình ngay sau đó. Điều này làm cho cộng đồng càng nghi ngờ FTX, cũng như Alameda không hề có tiền và tiền họ gửi trong đó đã “không cánh mà bay”.
Nhưng tại sao CZ lại làm như vậy, có lẽ chúng ta cần ngược dòng quá khứ, xem lại mối quan hệ không mấy “cơm lành canh ngọt” giữa 2 vị chủ tịch này.
Mâu thuẫn giữa Sam và CZ
Sự mâu thuẫn giữa CZ mà Sam Xoăn có lẽ không còn là chuyện lạ đối với những nhà nhà đầu tư “có thâm niên” trong thị trường crypto. Vào tháng 11/2019, khi mới thành lập được 6 tháng, FTX đã bị Binance kiện 150 triệu đô vì tấn công vào Binance Futures. Tuy nhiên, sau đó 1 tháng, 2 bên đạt được thỏa thuận, FTX bán 20% cổ phần của mình cho Binance với giá khoảng 100 triệu USD.
A market maker from a smaller futures exchange tried to attack @binance futures platform. NO ONE was liquidated, as we use the index price (not futures prices) for liquidations (our innovation). Only the attacker lost a bunch of money, and that was that. pic.twitter.com/ztMZEtYKc6
— CZ 🔶 BNB (@cz_binance) September 16, 2019
Đến tháng 7/2021, vì muốn tự do phát triển FTX, cũng như khác biệt trong đường lối kinh doanh, SBF đã mua lại số cổ phần đó với giá khoảng 2.1 tỷ đô la (trả bằng FTT và BUSD), kết thúc mối quan hệ “keo sơn” với CEO sàn Binance. Một cuộc chiến tranh lạnh đã âm thầm nổ ra từ đây.
Sự đối đầu này tiếp tục được đẩy lên cao trong thảm họa Luna – 3AC. CZ đã nghi ngờ chính FTX đang chi phối dòng tiền để đẩy 3AC và Voyager vào phá sản, phá hoại nền công nghiệp tiền mã hóa và sau đó thâu tóm dưới danh nghĩa “người hùng” để mở rộng tầm ảnh hưởng cũng như để phục vụ cho những mục đích đen tối.
1/3 We have a policy to not comment on competitors (we call industry peers) publicly. I broke this rule only a few times in the past.
July 7th, I tweeted this:https://t.co/qvVfLhtTx5 pic.twitter.com/AJ86k9X96j
— CZ 🔶 BNB (@cz_binance) November 12, 2022
Dưới góc nhìn của mình, có thể FTX đang cố gắng phân bổ token FTT sang các tổ chức khác để tiếp tục thực hiện vòng xoáy nợ USD được thế chấp bằng FTT.
Ví dụ: FTX vay 1 tỷ đô được thế chấp bằng FTT thì sẽ khó hơn và dễ bị săm soi hơn là sử dụng 10 công ty con để vay 100 triệu đô trên mỗi công ty.
Trái ngược với quan điểm đó, là một người bị thiệt hại nặng nề về cả tiền tài, danh dự và uy tín trong nỗ lực cứu giúp Luna, CZ gay gắt cho rằng những tổ chức yếu kém, ponzi, không minh bạch, lừa dối người dùng,… thì xứng đáng sụp đổ. Vào ngày 10/11, trước khi FTX phá sản, Binance đã tweet rằng:
“Mỗi khi “tay chơi” lớn trong ngành thất bại, người dùng sẽ bị thiệt hại. Trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến hệ sinh thái tiền mã hóa đang trở nên linh hoạt hơn và chúng tôi tin rằng các trường hợp lạm dụng tiền của người dùng sẽ bị thị trường tự do loại bỏ.”
Sam đề xuất luật không tốt cho thị trường tiền mã hóa
Vào ngày 19/10, Sam đã đề xuất một bộ luật mà theo anh cho rằng nó có thể trở thành tiêu chuẩn cho thị trường tiền mã hóa. Dự thảo luật ấy ban đầu dường như có vẻ sẽ giúp cho thị trường tiền mã hóa trở nên minh bạch, an toàn hơn cho người dùng, tuy nhiên nó lại có 2 nội dung cực kì gây tranh cãi, khiến nhiều chuyên gia phải lên tiếng phản bác:
- Các nền tảng blockchain cần tôn trọng lệnh cấm, danh sách cấm được các bên lập pháp đưa ra, mà cụ thể ở đây là OFAC, tổ chức đã ra lệnh cấm đối với Tornado Cash trước đây.
- Các nền tảng DeFi vẫn được duy trì, tuy nhiên người dùng cần truy cập chúng từ một nền tảng tập trung front-end được kiểm soát, thậm chí phải KYC trước khi có thể giao dịch trên sàn DEX. Và nền tảng tập trung này thậm chí cần phải thực hiện đăng kí pháp lý, giấy phép cho các ứng dụng DeFi họ kết nối.
Hai đề xuất này rõ ràng giúp Sam đạt được 2 mục đích: giúp cho OFAC có nhiều quyền lực hơn (Sam có mối quan hệ khá mật thiết với các chính trị gia) và giúp cho FTX loại bỏ các đối thủ cạnh tranh nhỏ lẻ khi tham gia thị trường DeFi (các công ty nhỏ rất khó để xin giấy phép).
Người sáng lập giao thức DeFi Alchemix đã tweet rằng:
“Tôi thấy họ sử dụng phương pháp của các tập đoàn lớn, nơi họ vươn lên dẫn đầu, sau đó tham gia vận động hành lang để đưa ra các quy tắc có lợi cho họ để làm tổn hại đến đối thủ, và cuối cùng là củng cố vị trí của họ ở đó”
Anthony Sassano, một nhà giáo dục Ethereum nổi tiếng, cũng chỉ trích CEO FTX:
“SBF đang và sẽ luôn là căn bệnh ung thư trong hệ sinh thái này, bất cứ ai ủng hộ anh ta và những người bạn thân của anh ta nên thấy xấu hổ.”
Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến cho CZ không hài lòng khi mà ông đang cố gắng thúc đẩy sự ứng dụng của blockchain, xây dựng một nền kinh tế mở, chống độc quyền, cạnh tranh bình đẳng.
Diễn biến
Chỉ trong vòng 1 tuần ngắn ngủi, tỉ phú trẻ từng được vạn người ca ngợi Sam Banker-Fried đã mất tất cả, không những thế, anh còn phải đối mặt với nhiều cáo buộc pháp lý từ cả người dùng đến những nhân viên trung thành nhất.
- 6/11/2022
CZ công bố sẽ bán FTT, người dùng hoảng sợ, ồ ạt rút tiền khỏi FTX.
- 8/11/2022
Sàn FTX ngưng rút tiền vì không đủ tiền trong ví nóng của sàn. Theo như tài liệu sau này Sam cung cấp, khoản thiếu hụt này lên đến 8 tỷ đô la. Anh giải thích rằng mình đã không nắm rõ lượng tiền dự trữ cũng như đòn bẩy mà sàn đang sử dụng do việc “dán nhãn tài khoản nội bộ” tệ hại.
6) My sense before:
Leverage: 0x
USD liquidity ready to deliver: 24x average daily withdrawalsActual:
Leverage: 1.7x
Liquidity: 0.8x Sunday's withdrawalsBecause, of course, when it rains, it pours. We saw roughly $5b of withdrawals on Sunday–the largest by a huge margin.
— SBF (@SBF_FTX) November 10, 2022
Mặc nhiên lời giải thích này của Sam cũng không hề thỏa đáng khi mà con số “hiểu nhầm” lại chênh lệch quá cao, đặc biệt đối với một người đang đứng đầu doanh nghiệp.
- 9,10/11
Sau khi FTX gặp khó khăn, CZ lại bỗng chốc hóa “thiên thần” khi ngỏ ý muốn giúp đỡ, kèm điều khoản mua lại toàn bộ công ty. Nhưng có thể đây chỉ là một nước đi khôn khéo của “cáo già” khi mà ông đã biết chắc việc mua lại sẽ không thể “thuận buồm xuôi gió” khi mà cả SEC, OFAC, FBI,… đang nhúng tay vào điều tra. Dưới góc nhìn của mình, CZ chỉ đang cố gắng tìm thêm kẽ hở, đảm bảo cho chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của mình.
Và kết quả chúng ta đều đã rõ, chỉ sau nửa ngày xem được bản cân đối kế toán “vượt khỏi tầm kiểm soát và ngoài khả năng giúp đỡ”, CZ đã từ chối thương vụ này. Người dùng lập tức mất hết hi vọng, giá token FTT “rơi” một mạch từ $17 xuống $2.5.
- 11/11
Sau chuỗi ngày thảm họa, cuối cùng vào ngày 11/11, FTX đã chính thức nộp đơn phá sản theo chương 11 của luật phá sản Hoa Kì. Kéo theo đó là 130 công ty con cũng tàn lụi theo. Mặc dù trước đó không lâu, Sam liên tục đăng những dòng tweet, gửi thư nội bộ để trấn an các nhà đầu tư, người dùng, và cả nhân viên của mình rằng sàn FTX vẫn ổn. Có phải Sam đang lừa gạt tất cả mọi người?
Trong đơn gửi cho tòa án, FTX đã thể hiện rằng họ đang có từ 10 đến 50 tỷ đô tài sản, 10 đến 50 tỷ đô nợ và hơn 100 nghìn chủ nợ (con số thống kê xác thực sau này chỉ ra có khoảng 1 triệu chủ nợ), và top 50 (chủ nợ không được bảo hộ) trong số đó đã chiếm khoảng 3.1 tỷ đô.
Ngoài ra, theo chương 11, con nợ (FTX) có thể toàn quyền lên kế hoạch sắp xếp hoàn trả chủ nợ (chủ nợ không được tùy tiện thu hồi tài sản) thông qua tái cấu trúc công ty, bán đấu giá tài sản (nhưng không được sử dụng tiền mặt và cổ phiếu),… để trả nợ, dưới sự giám sát của Văn phòng Ủy thác Hoa Kỳ. Chính vì thế, mặc dù tuyên bố phá sản, đây vẫn chưa là kết thúc của FTX. Sau khi phá sản ít phút, SBF vẫn cố gắng giải trình rằng “hàng tỷ đô la cứu trợ tiềm năng đang tới”.
FTX FOUNDER: Minutes after FTX bankruptcy was signed "potential interest in billions of dollars of funding came in" 🤔
— Bitcoin Archive (@BTC_Archive) November 23, 2022
Có thể đây là một trong những lý do mà SBF vẫn đang được tự do (trước khi tòa án quyết định luận tội gian lận và trộm cắp) và thậm chí anh sẽ còn có một buổi hội thảo trực tuyến với nhiều tên tuổi lớn trong sự kiện Dealbook Summit vào ngày 30/11!?
Cũng trong cùng ngày, nhiều trang báo đã tiết lộ rằng, thực tế, FTX đã chuyển tới 10 tỷ đô tiền người dùng cho Alameda và khoảng 1.7 tỷ đô trong số này lại bị “mất tích” và không được thể hiện trong bảng cân đối kế toán của Alameda. Nhân viên của FTX cho biết Sam đã sử dụng một “cửa sau” để chuyển tiền và họ, cũng như hệ thống tài chính của FTX không hề hay biết.
Vụ sụp đổ này phức tạp đến nỗi John Ray III, CEO mới của FTX, một người có kinh nghiệm 40 năm trong luật pháp và tái cấu trúc cũng phải thốt lên:
”Chưa bao giờ trong sự nghiệp của mình, tôi thấy sự thất bại hoàn toàn như vậy ở một công ty trong việc kiểm soát tài chính. Không có thông tin nào đáng tin cậy ở đây”.
- 12/11
Chỉ ngay sau tuyên bố phá sản 1 ngày, ví nóng sàn FTX bỗng bị hacker tấn công và lấy đi mất khoảng 450 triệu đô tài sản. Nhiều chủ sở hữu ví FTX đã báo cáo số dư $0 trong ví FTX.com và FTX US của họ. FTX cũng nhanh chóng phản ứng để cứu phần tiền còn lại nhưng con số thiệt hại đã là quá lớn. Số tiền để bồi thường cho nạn nhân bị thiệt hại vốn nhỏ bé nay lại càng nhỏ bé hơn.
Và thủ phạm không ai khác chính là SBF, dưới sự chỉ đạo của chính quyền Bahamas. Lí do mà các quan chức Bahamas đưa ra là FTX Digital (công ty con của FTX Trading) đã bị thu hồi giấy phép và bắt buộc phá sản ở Bahamas trước khi FTX Trading công bố phá sản ở Mỹ 1 ngày. Chính vì thế họ chỉ đang cố gắng thu hồi tài sản để đảm bảo quyền lợi cho chủ nợ của FTX Digital.
Số tiền bị hack sau khi chuyển thành ETH (trở thành cá mập ETH lớn thứ 27), đang dần được chuyển sang BTC và được “rửa” thông qua ChipMixer (một giao thức giống như Tornado Cash trên mạng Bitcoin), khiến chúng ta không thể truy vết được nữa.
Câu hỏi đặt ra lúc này là có phải SBF đang thông đồng cùng chính phủ Bahamas để biển thủ số tiền đó? Bởi lẽ sự ăn chia, gian lận, rửa tiền trong thị trường Crypto đã là chuyện bình thường “như cơm bữa”, và các tài liệu được cung cấp từ tòa án đang dần hé lộ những mảng tối trên.
- Từ ngày 12/11 đến nay
Trong khoảng thời gian này các tài liệu về FTX dần được “đưa ra ánh sáng”. SBF, từ người chuyên đi “làm giàu để làm thiện nguyện” nay biến thành kẻ tham nhũng bậc nhất trong giới tiền mã hóa khi các tài liệu công bố rằng anh và “các người bạn” đã “mượn” tổng cộng 1.6 tỷ đô từ Alameda. Trong đó SBF vay 1 tỷ đô, Singh vay 543 triệu đô, và Ryan Salame là 55 triệu đô. Ngoài ra, nhiều trang báo cũng đưa tin rằng SBF đã “đút túi riêng” 300 triệu đô trên số vốn 420 triệu đô mà FTX kêu gọi được vào tháng 10/2021.
Chưa dừng lại ở đó, SBF cùng gia đình và các nhân viên cấp cao của FTX cũng đang sở hữu 19 bất động sản trị giá 121 triệu đô ở Bahamas. Liệu khối tài sản này có thể được thanh lý như một phần của quá trình phá sản? Hay nó có liên quan đến quỹ FTX hay không? Vẫn là những câu hỏi chưa có hồi đáp.
Trong hồ sơ tòa án, FTX cũng đang có khoảng 1.2 tỷ đô tiền mặt, nhưng con số này vẫn còn quá nhỏ với khoản nợ ít nhất 10 tỷ đô của họ. Lượng tài sản còn lại (không phải tiền mặt) có thể sẽ được đem ra đấu giá sau này, nhưng thời chưa xác định thời điểm. Theo chương 11, FTX sẽ có 120 ngày để lên kế hoạch cải tổ.
Hệ quả
Người dùng
Thiệt hại đầu tiên của sự sụp đổ này chắc chắn là người dùng, họ không thể rút tiền khỏi sàn và khả năng thu hồi đầy đủ tài sản cũng không cao. Theo ước tính của The Block, số tiền họ có thể nhận lại chỉ khoảng 5% số vốn bỏ vào.
Ngoài ra trong điều khoản người dùng của FTX cũng ghi rằng “tài sản trong tài khoản của bạn không được bảo vệ” (có thể FTX đã “tác động” lên điều khoản này khi ngưng rút tiền), khiến cho cơ hội được bồi thường càng trở nên mong manh.
Tổ chức
Những người bị thiệt hại lớn nhất chắc chắn là các tổ chức, họ không chỉ giao dịch rất nhiều tiền trên FTX, mà còn đầu tư vào FTX, cho FTX vay và sử dụng các dịch vụ EARN trên nền tảng này.
Hiện tại số tổ chức, cũng như số tiền bị thiệt hại vẫn đang tăng dần theo thời gian. Và nhiều bên cũng đã quyết định ghi vào bảng cân đối kế toán của mình khoản tiền này thành $0, như Sequoia ($213m), Temasek ($205m), Ontario Teachers’ Pension Plan ($95m),…
Nặng nề nhất trong số đó là Multicoin khi quỹ đầu tư hàng đầu thế giới này không thể rút gần 1.3 tỷ đô trên FTX (khoảng 15.6% tổng tài sản mà quỹ đang quản lý). Bên cạnh đó, Multicoin cũng sở hữu rất nhiều token trên hệ sinh thái Solana (như SOL, SRM,…) giống như Alameda. Chính vì vậy, khi Alameda phá sản, những token này mất giá trầm trọng và ước tính tổng thiệt hại của Multicoin không chỉ là 15.6% mà là 55% (khoảng 4 tỷ đô).
Ngoài Multicoin, Genesis cũng là một “nạn nhân” lớn của FTX khi đang cho sàn giao dịch này vay 200 triệu đô và 175 triệu đô không thể rút được. Không lâu sau đó, chính Genesis cũng đứng trên bờ vực phá sản và đã ngưng rút tiền từ ngày 16/11. Nền tảng này có khoảng 1 tỷ đô lỗ hổng tài chính và đang tích cực huy động vốn. Hiện tại Binance cũng đã từ chối thương vụ này.
Tương tự, các dự án mà FTX và Alameda đầu tư cũng đang vật lộn để xoay sở như BlockFi (phá sản), Aptos (giá token APT giảm 50%), Voyager (đang đi tìm nhà đấu thầu khác), …
—–> Xem thêm sự ảnh hưởng của FTX tại đây.
Solana
FTX phá sản đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tiền mã hóa, đặc biệt là hệ sinh thái Solana, nơi mà Alameda là nhà tạo lập chính.
- Giá token SOL giảm 66%
- Giá token MAPS giảm 80%
- Giá token SRM giảm 70%
- soBTC và soETH, BTC và ETH trên mạng Solana do Alameda phát hành đang dần trở về 0.
- Solana foundation bị “kẹt” 1 triệu đô tiền mặt, 3.43 triệu token FTT và 134.54 triệu token SRM trên FTX, giá trị khoảng 183 triệu đô vào ngày 7/11.
- TVL của hệ sinh thái Solana mất 1.1 tỷ đô (giảm 70%), trong đó Solend giảm tới 270 triệu đô (giảm 90%).
Ngoài ra, stable coin USDT, USDC, cùng các token khác được phát hành trên Solana cũng bị hàng loạt sàn CEX lớn “cấm cửa” như Binance, OKX, Bybit,… khiến mạng lưới này càng trở nên “đói” thanh khoản, trong khi người dùng cũng liên tục rời bỏ sang những nền tảng khác an toàn hơn như BNB Chain, Ethereum… Sau cú sốc này, rất có khả năng Solana sẽ không thể trở lại thành một trong những top Layer 1 hàng đầu như trước.
Các ảnh hưởng khác
- Mất niềm tin vào các sàn giao dịch tập trung
Như câu nói: “Không phải chìa khóa cá nhân của bạn, không phải tiền của bạn.” Các sàn CEX bị thiệt hại niềm tin nặng nề khi tùy ý quản lý tài sản của người dùng một cách không minh bạch, người dùng ồ ạt rút tiền ra khỏi đây và nhiều công ty đã không thể trụ vững (Genesis, BlockFi, AAX…). Chính vì thế Proof – of – Reserve (POR) đã và đang được ra đời để giải quyết vấn đề này.
Trước làn sóng chuyển dịch tài sản vô cùng lớn, các sàn DEX với giao thức phi tập trung chứng kiến mức tăng mạnh mẽ hơn 100% về khối lượng giao dịch trong tháng 11. Qua đó giúp tỉ trọng của DEX so với CEX cũng được phục hồi từ 11.8% lên 16.5%.
- Sự thất bại của hệ thống lập pháp
Sự sụp đổ của các tổ chức tài chính tập trung đã hết lần này đến lần khác cho ta thấy tầm quan trọng của phi tập trung và quyền tự giám sát. FTX chẳng qua chỉ là một trường hợp lâu đời trong việc thiếu kiểm soát nội bộ, giám sát của hội đồng quản trị, biển thủ tiền gửi của khách hàng và hành vi lừa đảo trắng trợn của công ty. Không nên đánh đồng nó với các vấn đề cố hữu trong Web3 hoặc công nghệ tiền mã hóa.
Sau sự kiện của FTX, mối quan hệ mập mờ giữa các chính trị gia, nền tảng tập trung, và công ty truyền thống cũng dần được phanh phui, cho thấy thị trường tài chính đang bị chi phối khủng khiếp đến mức nào. Hình sự hóa và trừng phạt các nhà phát triển mã nguồn mở (như việc OFAC “thanh trừng” Tornado Cash) sẽ chỉ gây nhầm lẫn cho người dùng, nhà xây dựng và người sáng lập vì chúng sẽ cản trở sự phát triển và đổi mới của ngành.
Nếu không có quy định, bảo đảm và bảo hiểm phù hợp cho tiền gửi của khách hàng trên các sàn giao dịch tập trung, người dùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi một tổ chức tài chính phá sản, làm lung lay niềm tin họ đối với nền kinh tế tự do – blockchain.
Tổng kết
Mặc dù FTX đã phá sản nhưng những vấn đề còn tồn đọng là vô cùng phức tạp. Có thể trong tương lai gần, vẫn còn những sự kiện có thể tác động tiêu cực đến thị trường crypto, khiến càng nhiều người dùng bị thiệt hại và rời bỏ tiền mã hóa. Tuy nhiên trên con đường dài của sự phát triển, những sự kiện “thiên nga đen” này chính là những “con virus” cần thiết để nâng cao “sức đề kháng” cho thị trường non trẻ này, giúp nó trở nên cứng cáp, trưởng thành và an toàn hơn.
Ngoài ra, FTX phá sản không phải vấn đề của blockchain và công nghệ tiền mã hóa, mà chính là sai lầm của nền tảng quản lý truyền thống. Lịch sử đã chứng minh, công nghệ mới tốt hơn sẽ luôn ra đời để thay thế cho những điều cũ kĩ, lạc hậu, kém năng suất. Các bạn hãy cùng GFI giữ vững niềm tin và vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé!