Tổng quan

Có thể bạn chưa biết, mặc dù đã ra đời từ lâu, thuật ngữ non-fungible token (NFT) chỉ trở nên thực sự phổ biến sau sự bùng nổ vào khoảng thời gian cuối năm 2020, đầu năm 2021, khiến cả thế giới xôn xao. Trong giai đoạn này, việc sở hữu NFT là một trào lưu thịnh hành, thu hút cả các tên tuổi lớn từ nhiều lĩnh vực khác nhau như thể thao (Neymar), âm nhạc (Snoop Dog, Justin Bieber), chính trị (Melania Trump) … tham gia. Cũng từ đó, nhiều bộ sưu tập bỗng chốc “hóa rồng” (Bored Ape Yacht Club, CryptoPunks,…) và trở thành blue chip dẫn dắt thị trường này.

Tuy vậy liệu có ai tự hỏi rằng từ việc chẳng ai quan tâm cho cho đến trở thành một thị trường rộng lớn với khối lượng giao dịch mỗi tháng lên đến hàng tỉ đô la như ngày nay, NFT đã trải qua những biến động nào? Bản chất của NFT là gì để mà có thể phát triển như vậy? Ứng dụng của NFT trong hiện tại và tương lai ra sao? Liệu NFT có phải là một cú lừa? v.v.

Để bắt đầu, hãy cùng GFS nhìn lại chặng đường đã qua của NFT trong bài viết dưới đây nhé!

NFT là gì?

Trước tiên, để hiểu rõ nhất về thị trường cũng như lịch sử của NFT, chúng ta cần phải biết chính xác bản chất của nó, tránh những sai lầm cơ bản về kiến thức. Mình sẽ cố gắng tóm gọn như sau:

  • Trên mạng lưới blockchain/ thị trường giao dịch tiền mã hóa có 2 loại tài sản phổ biến được trao đổi gọi là cryptocurrency (tiền mã hóa) và NFT (tài sản kĩ thuật số).
  • Cryptocurrency về bản chất là fungible token và NFT về bản chất là non-fungible token.
  • Fungible token có rất nhiều đơn vị (units) và có thể thay thế ngang hàng lẫn nhau (ví dụ trao đổi 1 BTC lấy 1 BTC khác). Trong khi đó non-fungible token chỉ có một đơn vị, và không thể thay thế ngang hàng lẫn nhau.
  • Cả 2 loại token trên đều được sinh ra từ smart contract, một phần của mạng lưới blockchain. Cơ chế của nó sẽ hoạt động đại loại như sau:
    • Đối với fungible token: hãy gửi tiền vào smart contract, smart contract sẽ gửi bạn 1 số lượng token tương ứng.
    • Đối với non-fungible token: hãy gửi một tấm ảnh/ video/gif vào smart contract, smart contract sẽ biến sản phẩm đó của bạn thành token và trở thành một NFT.

Vậy đến đây, bạn đã biết NFT thực tế là một sản phẩm kĩ thuật số, được biến chuyển thành một tài sản kĩ thuật số thông qua smart contract.

Nhưng tại sao nó được xem là tài sản?

Bởi vì trên mạng lưới blockchain, mọi giao dịch đều được ghi lại, và khi kiểm tra một NFT nào đó, bạn sẽ luôn biết ai là người tạo ra chúng, ai là người có quyền sở hữu chúng. Chúng ta hãy hình dung thế giới blockchain hoạt động như một thế giới thực qua ví dụ sau:

Bạn dùng tiền mua một lon Coca, nhưng lon Coca đó hết hạn, bạn liền đổi một lon khác. Đó là fungible token. Rõ ràng, Coca rất đơn giản và có thể thay thế, tuy nhiên những bức tranh, những sản phẩm từ người nổi tiếng thì sao? Người mua sẽ luôn tìm hàng chính chủ và cố gắng không mua phải đồ giả trên thị trường. Chúng là duy nhất, đó là non-fungible token (NFT).

Thực sự từ xưa đến nay, các sản phẩm kĩ thuật số chưa được xem là một loại tài sản vì bất cập trong việc chứng minh quyền sở hữu và quá dễ sao chép. Nhưng với blockchain thì khác, các nghệ sĩ có thể biến sản phẩm của mình thành tài sản, việc người khác download, copy chẳng qua cũng chỉ giống như đi bảo tàng chụp về bức Mona Lisa mà thôi.

—–>  Để hiểu rõ hơn về smart contract, hãy tham khảo series về smart contract tại đây.

Quá trình phát triển của NFT smart contract

Có thể nói, để tạo nên sự phát triển rộng lớn của thị trường NFT như ngày nay, NFT đã có nhiều biến đổi, và các biến đổi đó đến từ các bản cập nhật smart contract khác nhau.

Quá trình phát triển của NFT smart contract
Quá trình phát triển của NFT smart contract

Thực tế từ những năm 1996, Nick Szabo, một nhà mật mã học nổi tiếng người Mỹ, đã đưa xây dựng những ý tưởng đầu tiên về smart contract. Tuy nhiên đến tận 2009, khi Bitcoin ra đời, smart contract mới có nền móng để phát triển. Và tiếp tục 9 năm sau đó, tiêu chuẩn smart contract cho NFT đầu tiên, ERC-721, trên mạng Ethereum mới thành hình và tạo ra làn sóng cho lĩnh vực này (trước đó cũng có NFT nhưng chưa có tiêu chuẩn nên không thể phát triển đại trà).

Bên cạnh ERC-721, sự nâng cấp ERC-1155 trong cùng năm 2018 cũng quan trọng không kém, vì tiêu chuẩn này cho phép phát triển đa dạng token với số lượng lớn trên cùng một smart contract (ERC – 721 chỉ cho tạo một NFT trên một smart contract, trong khi một smart contract ERC-1155 có thể tạo nhiều non-fungible token, nhiều fungible token và cả semi-fungible token). Chính vì thế, ERC-721 thích hợp để làm những bộ sưu tập quý hiếm, độc nhất, trong khi ERC-1155 lại thích hợp hơn cho các Dapp quản lý tài sản, hay các game với hàng ngàn vật phẩm.

Ngoài ra còn có ERC-3525 là tiêu chuẩn cho semi-fungible token (SFT) cũng độc đáo không kém, tích hợp được ưu điểm của cả non-fungible token (tính độc đáo) và fungible token (tính thanh khoản). SFT được phát triển dưới dạng token ID – slot – unit, hiểu đơn giản là tên token – thuộc tính – số lượng. Khi cả 3 thông số trên giống nhau, nó là fungible token, và ngược lại, là non-fungible token. Ngoài ra các SFT có cùng tên và thuộc tính có thể kết hợp với nhau để gia tăng số lượng. Vì thế ERC-3525 thường được sử dụng làm vé cho các sự kiện (tránh tình trạng vé giả).

Các tiêu chuẩn còn lại được tạo nên chủ yếu nhằm hỗ trợ, nâng cấp quyền tác giả, tạo use case cho ERC-721 và ERC-1155 như:

  • ERC-2981: Giúp thu phí bản quyền NFT trên nhiều nền tảng giao dịch khác nhau.
  • ERC-4906: Giúp cập nhật metadata cho NFT, thích hợp để làm NFT động (dNFT), tạo tính ngẫu nhiên cho NFT.
  • ERC-4907: Giúp NFT có thể được đem cho thuê.

Với những bản cập nhật sau này, NFT giờ đây không chỉ đơn thuần là NFT cố định, là một bức tranh nhàm chán nữa, mà còn là NFT với các thuộc tính ngẫu nhiên thay đổi theo thời gian (NFT động – dNFT), NFT có thể phân chia (fractional NFT – fNFT),…

Quá trình tạo dựng tên tuổi của NFT

NFT được cả thế giới biết đến sau giai đoạn bùng nổ 20-21. Tuy vậy, thực tế cho thấy rằng, trước đó rất lâu, NFT đã âm thầm tiến vào thị trường với những sự kiện mà khá ít người quan tâm. Chúng ta hãy cùng điểm qua các cột mốc đáng nhớ nhất trong hành trình này nhé!

NFT và những cột mốc đáng nhớ
NFT và những cột mốc đáng nhớ

2012-2016: Những ngày đầu tiên

Colored coin

Rất lâu trước khi Ethereum tồn tại, vào năm 2012, một bài báo do Meni Rosenfield viết được phát hành, đã giới thiệu khái niệm ‘Colored Coins’ cho chuỗi khối Bitcoin. Đây được coi là NFT đầu tiên trên thế giới.

Coloured Coins mô tả một phương pháp đại diện và quản lý tài sản trong thế giới thực trên blockchain để chứng minh quyền sở hữu những tài sản đó. Mặc dù Coloured Coins có một số vấn đề nghiêm trọng vào thời điểm đó và không thể tồn tại, nó đã mở đường cho tất cả những sự kiện sau này của thế giới NFT.

Quantum

Vào ngày 3/5/2014, nghệ sĩ kỹ thuật số Kevin McCoy đã đúc NFT ‘Quantum’ trên chuỗi khối Namecoin. Đây là tác phẩm NFT đầu tiên thuộc thể loại nghệ thuật được công nhận quyền sở hữu về sáng tạo nghệ thuật số. Sau này nó được bán với giá 1.47 triệu đô vào tháng 6/2021.

NFT Quantum
NFT Quantum

Counterparty

Tiếp đến, vào năm 2014, Robert Dermody, Adam Krellenstein và Evan Wagner đã thành lập Counterparty (một ứng dụng nền tảng trên mạng Bitcoin), và thậm chí nó còn có đồng coin cho riêng mình là XCP. Counterparty cho phép mọi người tạo, phát triển và giao dịch tài sản trên một mạng lưới sổ cái phi tập trung. Điều này đã thu hút một lượng lớn người dùng và nhà phát triển đổ xô vào đây để gây dụng những tài sản số cho riêng mình. Đây là những dấu ấn đáng nhớ mà nền tảng này để lại:

  • 2015 – Game Spells of Genesis ra mắt trên Counterparty và trở nên cực kỳ phổ biến. Họ là những người tiên phong phát hành tài sản trong trò chơi lên blockchain và cũng là người đầu tiên thực hiện ICO (một hình thức gọi vốn cộng đồng).
  • 2016 – Trò chơi thẻ bài Force of Will ra mắt thẻ bài của họ trên nền tảng Counterparty. Force of Will là trò chơi thẻ bài xếp thứ 4 theo doanh thu ở Bắc Mỹ, chỉ xếp sau Pokemon, Yu-Gi-Oh và Magic: The Gathering.
  • 2016 – Đánh dấu thời đại của meme và chứng kiến ​​sự ra đời của một loạt các NFT Pepes Rare trên Counterparty.
Meme NFT Pepe Rare
Meme NFT Pepe Rare

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là chuỗi khối Bitcoin không bao giờ được dự định sử dụng làm cơ sở dữ liệu cho các mã thông báo đại diện cho quyền sở hữu tài sản. Do đó đã bắt đầu có sự chuyển dịch lớn đối với NFT sang Ethereum.

2017-2020: Trở nên phổ biến

CryptoPunks

Tháng 6/2017, hai nhà phát triển phần mềm John Watkinson và Matt Hall, đã tiếp nối thành công của Rare Pepes với chuỗi NFT của riêng họ trên Ethereum. Chúng được đặt tên là CryptoPunks. Dự án giới hạn 10.000 tác phẩm khác biệt, được lấy cảm hứng từ văn hóa punk ở London và phong trào cyberpunk. CryptoPunks được coi là bộ sưu tập NFT đầu tiên được tạo ra và phân phát miễn phí cho người sử dụng Ethereum.

CryptoKitties

Tháng 11/2017, trong cuộc thi hackathon lớn nhất thế giới dành cho hệ sinh thái Ethereum, studio Axiom Zen có trụ sở tại Vancouver đã giới thiệu CryptoKitties.

CryptoKitties là một trò chơi trên Ethereum, cho phép người chơi nhận nuôi, nhân giống và buôn bán mèo ảo NFT, lưu trữ chúng trong ví tiền mã hóa. Trò chơi sau đó trở thành một cơn sốt lan truyền, đến mức làm tắc nghẽn mạng Ethereum và nhiều người kiếm được lợi nhuận không tưởng.

Game Cryptokitties
Game Cryptokitties

Sau thành công to lớn của CryptoKitties, game NFT mới thực sự bắt đầu có động lực tiến lên phía trước và NFT ngày càng thu hút nhiều sự chú ý từ công chúng hơn.

Decentraland

Khi mà các dự án game NFT và Metaverse đang dần được chú ý, Decentraland (MANA) trở thành người đầu tiên tạo đột phá trong không gian này. Decentraland là một nền tảng thế giới trò chơi mở, cho phép người chơi khám phá, chơi trò chơi, xây dựng, thu thập vật phẩm và hơn thế nữa. Mọi thứ bạn kiếm được và xây dựng ở đó, bạn sẽ sở hữu trên blockchain.

Axie Infinity

Không lâu sau khi tiêu chuẩn smart contract cho NFT (ERC-721) trên Ethereum ra đời, một trò chơi chiến đấu dựa trên blockchain khác cũng xuất hiện, Axie Infinity (AXS). Ra mắt vào tháng 3/2018, Axie đã tận dụng rất tốt thiên thời – địa lợi – nhân hòa của mình, nhanh chóng trở thành trò chơi play-to-earn số một thế giới, dẫn đầu làn sóng GameFi và là dự án game NFT thành công nhất cho đến ngày nay. Tại thời điểm đỉnh cao, Axie Infinity có hơn 1 triệu người chơi hoạt động hằng ngày.

2021: Năm của NFT

Năm 2021 trở thành năm của NFT với sự tăng vọt về cả cung và cầu. Theo số liệu từ Nonungible, từ khi ra mắt chuẩn NFT smart contract đầu tiên cho đến khi đạt đỉnh vào tháng 8/2021, khối lượng giao dịch đã tăng đến hơn 2300 lần và số lượng giao dịch tăng gần 53 lần. Mặc dù hiện nay, cơn sốt đã có phần suy giảm, nhưng vẫn ở mức cao với gần 1 tỷ đô được giao dịch mỗi tháng.

Sự bùng nổ của NFT
Sự bùng nổ của NFT trong 2020-2021

Beeple

Một trong những yếu tố lớn nhất trong sự bùng nổ này là những thay đổi lớn xảy ra trong thị trường nghệ thuật, khi các nhà đấu giá uy tín, cụ thể là Christie’s và Sotheby’s, không chỉ đưa các cuộc đấu giá của họ vào thế giới trực tuyến mà còn bắt đầu bán tác phẩm nghệ thuật NFT.

Điều này đã giúp Christie’s bán được kỷ lục NFT Beeple’s Everydays: The First 5000 Days với giá 69 triệu đô la. Một cuộc mua bán khổng lồ từ một nhà đấu giá uy tín như vậy đã xác nhận thị trường NFT một cách đáng kể.

NFT The first 5000 days được bán với mức giá kỉ lục
NFT “The First 5000 days” được bán với mức giá kỉ lục

Sự tham gia từ những blockchain khác

Cũng như nhu cầu về NFT tăng vọt từ cuộc đấu giá nổi tiếng của Christie’s, một hiệu ứng nữa là các blockchain khác bắt đầu tham gia và tạo phiên bản NFT (tiêu chuẩn smart contract) của riêng họ. Chúng bao gồm các blockchain như Cardano, Solano, Tezos và Flow. Trên những nền tảng mới này, NFT được giao dịch nhanh và mượt mà hơn, tránh tình trạng tắc nghẽn của Ethereum.

Facebook – Meta

Thậm chí vào tháng 10/2021, ông trùm công nghệ, Facebook, đã đổi tên thành Meta, chính thức bước chân vào Metaverse và NFT. Gần đây, Meta còn hợp tác với Flow để tích hợp NFT của nền tảng này vào Instagram.

Thực tế, Facebook chỉ là một ví dụ điển hình, ngoài ra còn có Samsung, Adidas, Nike, Dior, Gucci, … đã và đang từng bước đặt chân vào thế giới ảo.

—–> Xem thêm tình hình Metaverse 6 tháng đầu năm 2022 tại đây.

Ứng dụng NFT hiện tại và tương lai

Hiện tại

NFT với khả năng nhận diện bản quyền đang dần bước chân vào thế giới thực với nhiều công năng. Hiện tại mình liệt kê 6 lĩnh vực đang sử dụng NFT bao gồm: game, âm nhạc, thể thao/ giải trí, sưu tầm nghệ thuật, thế giới ảo (metaverse), và tên miền.

Các lĩnh vực áp dụng NFT
Các lĩnh vực áp dụng NFT

Game

Có thể nói, game là một trong những lĩnh vực đầu tiên áp dụng NFT. Việc sử dụng NFT trong game đa số là một dạng nhân vật trong game và nhân vật đó có thể đi kiếm những đồng token do chính game đó phát hành. Cơ chế này cho phép người chơi có thể tự quản lý tài sản của mình, tham gia vào bộ máy quản trị, tránh những quyết định độc đoán hoặc xóa tài tài sản của người dùng như game truyền thống (ví dụ khi Fifa online 2 đóng cửa, tất cả vật phẩm của người chơi đều mất hết).

Âm nhạc 

NFT trong âm nhạc thường được sử dụng dưới dạng bán những “mảnh bản quyền” NFT (ví dụ bạn mua NFT đó, bạn có thể nhận 1% lợi nhuận từ album) hoặc cả 1 tác phẩm được mã hóa thành NFT (ví dụ Rocki là một nền tảng music marketplace). Điều này giúp nghệ sĩ có thể nhận được đầy đủ tiền bản quyền của mình, cũng như tự chủ trong việc phát hành, tránh tình trạng gian lận từ các công ty trung gian.

Ở một mức độ cao hơn, hiện nay, NFT nổi tiếng còn được sử dụng như một nghệ sĩ thực thụ. Vào tháng 3/2022, một con khỉ trong bộ sưu tập Bored Ape đã kí hợp đồng DJ với WME.

Thể thao/ giải trí

Ở lĩnh vực này, NFT đáp ứng nhu cầu của các fan trung thành. Chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của bộ sưu tập NBA top shot từ Dapper Labs, hay các bộ sưu tập bóng đá từ Sorare.

Ngoài ra, NFT còn được sử dụng như một loại vé trong các trận thi đấu thể thao hay show sự kiện. Chúng vừa có tính sưu tầm, tính nghệ thuật, vừa tránh tình trạng vé giả, vé lậu.

vé NFT
vé NFT

Sưu tầm nghệ thuật

Như đã đề cập, NFT có thể dễ dàng chứng minh tính sở hữu và sự độc đáo nên thường được các nhà sưu tầm nghệ thuật săn đón. NFT không cần bảo quản hay cần mặt bằng để có thể triển lãm nên tiết kiệm được đáng kể chi phí duy trì so với các tác phẩm vật lý. Rất nhiều tác phẩm số đã được bán với giá cao là minh chứng rõ ràng nhất cho nền nghệ thuật này.

Thế giới ảo

Để biến thế giới ảo giống như thế giới thật, chúng ta chắc chắn cần một thứ có thể đại diện cho tài sản, và đó là NFT. Trong Metaverse, NFT có thể là một nhân vật, một loại đồ vật nào đó có độ hiếm, nét độc đáo riêng và đặc biệt là người dùng thể giao dịch chúng. Hiện nay, lĩnh vực thời trang và âm nhạc đang rất phát triển trong Metaverse với những fashion show và music show. Theo dữ liệu từ Dune Analytics ngày 22/8/2022, Nike đang dẫn đầu về doanh thu NFT với 185.3 triệu đô, Dolce & Gabbana và Tiffany xếp sau đó cũng lần lượt kiếm được 25.6 và 12.6 triệu đô.

Tên miền

Tên miền là một thuật ngữ có lẽ còn xa lạ đối với nhiều người. Tuy vậy, thực tế vẫn có rất nhiều nhu cầu trong việc giao dịch loại tài sản này. Việc “đóng gói” chúng thành NFT giúp quá trình giao dịch trở nên dễ dàng hơn và người đang sở hữu những tên miền hiếm có thể thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong tháng 8/2022, số lượng tên miền .eth đã tăng cao kỉ lục và đạt mức 2 triệu tên miền. Vào tháng 10/2021, tên miền paradigm.eth được bán với mức giá “trên trời” 1.5 triệu đô.

Tương lai

Trong tương lai, sẽ ngày càng nhiều lĩnh vực áp dụng NFT để giúp quá trình trao đổi tài sản dược dễ dàng hơn, cũng như tài sản hóa nhiều loại sản phẩm mà chính ta cũng không ngờ tới.

Bất động sản

Hiện nay NFT trong bất động sản còn nhiều bất cập trong việc định giá, cũng như pháp luật, nhưng như vậy không có nghĩa là không thể áp dụng NFT. Thực tế là đã có công ty đang sử dụng chúng, chỉ là chưa thể đại trà.

Vào lúc 1 giờ chiều ngày 8 tháng 6 năm 2021, người sáng lập TechCrunch, Michael Arrington, đã niêm yết căn hộ ở Kyiv của mình để bán thông qua Propy, là công ty tự động hóa các giao dịch bất động sản bằng hợp đồng thông minh để cắt giảm thời gian, nỗ lực trong quá trình thực hiện và loại bỏ các trò gian lận trong lĩnh vực bất động sản. Đây được xem là giao dịch buôn bán bất động sản NFT đầu tiên trên thế giới. Trước đó, Arrington đã mua căn hộ ở Ukraine của mình vào năm 2017 bằng Ethereum, cũng thông qua Propy.

Chăm sóc sức khỏe

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ blockchain vào ngành chăm sóc sức khỏe đã hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng trên khắp các quốc gia trên thế giới. Một số lĩnh vực quan trọng mà NFT có thể được triển khai trong một blockchain trong chăm sóc sức khỏe như là:

  • Các ngân hàng máu lưu trữ thông tin của người hiến máu dưới dạng NFT để có thể dễ dàng theo dõi và phân phối khi có nhu cầu.
  • Các nhà sản xuất dược phẩm được khuyến khích sử dụng NFT để lưu trữ dữ liệu thuốc nhằm đảm bảo tính xác thực và dễ theo dõi.
  • Hồ sơ bệnh nhân và đơn thuốc có thể được mã hóa để cải thiện phương pháp điều trị. Theo thông tin tại thời điểm bài viết thì Google và HCA Healthcare đã nghiên cứu ứng dụng này của NFT.

Thế chấp – cho vay

Khi mà các NFT có giá trị ngày càng nhiều và được xem như một loại tài sản, chúng có thể được dùng để thế chấp cho những khoản vay, thậm chí từ ngân hàng truyền thống nếu họ chấp nhận hình thức này trong tương lai.

—–> Xem thêm 10 xu hướng NFT trong năm 2022 tại đây.

Tổng kết

Như vậy, qua bài viết này, độc giả đã hiểu thêm về bản chất của NFT, quá trình hình thành, cũng như nguyên nhân bùng nổ của nó. Đối với mình, NFT có rất nhiều ưu điểm và có thể áp dụng rộng rãi trong tương lai. NFT không chỉ là thị trường mà còn là giải pháp thiết thực của cuộc sống.

Nếu bạn thích bài viết này, hay còn những suy nghĩ nào khác về NFT, hãy comment xuống phía dưới cho chúng mình biết nhé!