Tổng quan

Thời gian gần đây, cộng đồng tiền mã hóa bắt đầu dành nhiều sự quan tâm về các giải pháp bảo hiểm như là cách bảo vệ tài khoản của mình khi các vụ tấn công và khai thác lỗ hổng từ các dự án DeFi xuất hiện với tần suất dày, quy mô và mức độ nghiêm trọng ngày càng lớn. Nhiều người hoài nghi về tính ổn định của stablecoin trước những sự kiện trên, trong bài viết này GFS sẽ cùng bạn tìm hiểu thêm về stablecoin cũng như các giải pháp giúp bảo vệ khoản đầu tư của bản thân.

Bối cảnh chung

Kể từ khi hệ sinh thái LUNA sập đổ khi bị khai thác các lỗ hổng từ mô hình stablecoin UST, USDD của hệ sinh thái TRON hay ông lớn Tether (USDT) cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Gần đây nhất, vụ khai thác lỗ hổng từ stablecoin aUSD của dự án Acala trên hệ sinh thái Polkadot (DOT) chính thức chiếm lấy vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng các dự án bị khai thác lỗ hổng/an ninh mạng lớn nhất thị trường theo Rekt.news, chi tiết toàn cảnh vụ tấn công aUSD bạn có thể tham khảo tại đây.

Top 10 Rekt
Top 10 dự án bị tấn công/khai thác lỗ hổng theo Rekt

Trước những sự kiện này, nhiều người đặt câu hỏi lớn về vai trò và ý nghĩa của Stablecoin đối với thị trường tiền mã hóa. Stablecoin có thực sự ổn định?

Stablecoin và các lỗ hổng

Nhắc lại khái niệm về Stablecoin (đồng tiền ổn định), đây là loại tiền mã hóa phát triển trên nền tảng Blockchain, được thiết kế với mục đích giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của sự biến động giá (volatility) bằng cách cố định vào một tài sản ổn định hơn như tiền pháp định (Fiat: USD, EUR, VND), tài sản… Đồng tiền này phải có tính chất toàn cầu, ít biến động và phi tập trung, tức là không bị bất cứ Ngân hàng trung ương, tổ chức nào kiểm soát.

4 nhóm Stablecoin hiện nay dựa theo thuộc tính bao gồm:

  • Stablecoin được đảm bảo bởi tiền pháp định (Fiat-Collateralized Stablecoins), các đại diện của nhóm này là Tether (USDT), USD Coin (USDC), Binance Coin (BUSD)…. Nhóm này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hệ sinh thái Stablecoin.
  • Stablecoin được đảm bảo bởi tiền mã hóa (Crypto-Collateralized Stablecoins) với đại diện là Dai (DAI), Acala USD (aUSD),…
  • Stablecoin được đảm bảo bởi hàng hóa (Commodity-Backed Stablecoins) với Tether Gold (XAUT) được bảo chứng bởi vàng.
  • Stablecoin thuật toán (Algorithmic Stablecoins) bao gồm Frax (FRAX), TerraUSD (UST) và Decentralized USD (USDD),…

Stablecoin được đảm bảo bởi tiền pháp định (fiat) là nhóm phổ biến nhất, chúng là tài sản mã hóa có dự trữ tài chính bằng tiền pháp định được nắm giữ bởi một tổ chức được quản lý như ngân hàng truyền thống. Nhờ được hỗ trợ bởi các loại tiền tệ trong thế giới thực, giá trị của stablecoin được gắn với giá của tài sản cơ bản chứ không phải cung và cầu. Ví dụ: 1 Tether ( USDT ) phải luôn có giá trị 1 đô la, điều kiện thị trường có thể khiến nó dao động nhẹ trong thực tế. Điều này làm cho chúng trở thành một hình thức thanh toán đáng tin cậy hơn so với các hình thức tiền mã hóa khác.

TOP 5 STABLECOIN
Top 5 Stablecoin theo Coingecko.com tại ngày 17/8/2022

Dữ liệu từ Coingecko đã cho thấy chỉ riêng 3 đồng Stablecoin đến từ nhóm được đảm bảo bới tiền pháp định là Tether (USDT), USD Coin (USDC) và Binance coin (BUSD) hiện đang dẫn đầu danh sách các đồng Stablecoin có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường tiền mã hóa, chiếm hơn 90% thị trường Stablecoin. Do được đảm bảo bởi đô la nên tỷ giá của nhóm này cũng ổn định nhất thị trường.

Tuy nhiên, khác với USDC và BUSD được bảo chứng toàn phần bởi đô la, USDT chỉ được bảo chứng một phần. Theo báo cáo kiểm toán độc lập từ MHA Cayman, chỉ hơn 4 tỷ đô la được bảo chứng bởi tiền mặt và tiền gửi ngân hàng trên tổng số hơn 67 tỷ đô la vốn hóa của Tether. Số còn lại được đảm bảo bởi các tài sản tương đương tiền (tài sản có thời gian đáo hạn dưới 3 tháng) như chứng chỉ tiền gửi, thương phiếu, tiền gửi ở quỹ thị trường tiền tệ và phần lớn là tín phiếu kho bạc. Chính sự bảo chứng không toàn vẹn của Tether đã khiến nhiều người lo ngại Tether sẽ không đủ tài sản để bảo chứng cho USDT trong trường hợp người nắm giữ Stablecoin này “tháo chạy” hàng loạt vì tài sản của công ty là dạng thiếu thanh khoản (trái phiếu, tín phiếu). Sự suy giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian qua sau các lần tăng lãi suất của Fed cũng khiến hoạt động của nhiều công ty bị ảnh hưởng, đe dọa đến sức khỏe của doanh nghiệp, trong đó có Tether. Đã có thời điểm cặp USDT/USDC bị mất peg do chính sự lo ngại về các nguy có của Tether.

TETHER DE-PEG
Tether (USDT) bị De-peg. Nguồn TradingView

Stablecoin được đảm bảo bởi tiền mã hóa hay các thuật toán là nơi dễ bị tấn công khai thác lỗ hổng. Vụ nổ lớn đầu tiên chính là cái tên Luna USD (UST). Mô hình UST-LUNA hoạt động theo cơ chế đã quy định trong nền tảng là khi một UST được mint ra từ giao thức, cần mua và đốt đi một lượng LUNA có giá trị tương ứng, và ngược lại. Bạn dùng số lượng UST này làm gì tùy thích và một lựa chọn khá hấp dẫn là gửi tiết kiệm vào Anchor Protocol của Terra để nhận lãi suất khủng lên đến 20%. Đây chính là động lực giúp thúc đẩy toàn hệ sinh thái Terra bùng nổ trong nhiều tháng ròng. Tuy nhiên, mô hình “PONZI” này không thể duy trì lâu dài do đối mặt với tình trạng lạm phát quá lớn, số lượng tiền để trả lãi thực chất không tới từ mô hình kinh doanh mà do chính bản thân dự án bơm vốn vào trả cho các nhà đầu tư để kích thích tăng trưởng. Bên cạnh đó khi thị trường sụp đổ bất ngờ khiến xảy ra hoảng loạn và bán tháo gây ra tình trạng mất peg nghiêm trọng của đồng UST. Bản thân tiền mã hóa đã là một tài sản mang tính rủi ro cao hơn tài sản ở các thị trường khác nên việc đem chính tài sản này đảm bảo cho một đồng ổn định Stablecoin đã làm tăng mức độ rủi ro lên mức cao nhất.

Trong vụ khai thác lỗ hổng lớn nhất, gần đây nhất và chưa đi đến hồi kết, aUSD – Stablecoin của Acala là nạn nhân chính. Nhóm của Acala đã đưa thông tin về sự việc này rằng: “Chúng tôi đã xác định vấn đề là do định cấu hình sai nhóm thanh khoản iBTC / aUSD (đã hoạt động sớm hơn vào ngày hôm nay) dẫn đến lỗi tạo ra một lượng lớn aUSD”. Và “Cấu hình sai kể từ đó đã được sửa chữa và các địa chỉ ví nhận được aUSD được đúc nhầm đã được xác định, với việc truy tìm hoạt động trên chuỗi liên quan đến các địa chỉ này đang được tiến hành.” Các biện pháp trừng phạt sàn giao dịch Tornado gần đây không ngăn được những tên trộm này, những kẻ đã cố gắng ăn cắp gần 1.3 tỷ đô la Mỹ từ Acala Network tự xưng là: “ DeFi Hub of Polkadot”. Cho đến nay, Acala vẫn chưa xác nhận số tiền chính xác đã bị đánh cắp vĩnh viễn, vì ngay cả khi các khoản chuyển khoản bị vô hiệu hóa, một số khoản tiền vẫn lọt qua lưới. Trong khi đó, biểu đồ giá aUSD cho thấy một mô hình quá quen thuộc khi xảy ra de-peg, giá của aUSD thời điểm thấp nhất đã chạm mức khoảng 0.05 đô la Mỹ và hiện tại đã phục hồi và giao dịch ở mức 0.9 đô la Mỹ.

AUSD DE-PEG
Acala USD (aUSD) bj de-peg. Nguồn Coingecko.com

Có nên tiếp tục tin tưởng vào Stablecoin?

Đến thời điểm hiện tại, Stablecoin đã là một phần không thể thiếu của hệ thống DeFi (tài chính phi tập trung) nói riêng và cả toàn thị trường tiền mã hóa nói chung với tỷ trọng xấp xỉ 13% tổng vốn hóa thị trường.

Nhìn sang một số thị trường khác, bạn sẽ thấy câu chuyện đơn giản hơn. Cuối năm 2021, Lira – đồng tiền pháp định của Thổ Nhĩ Kỳ mất hơn 50% giá trị so với đồng USD trên đà giảm mạnh nhất kể từ năm 1995 do Ngân hàng trung ương không có lượng dự trữ ngoại hối đáng kể. Hay siêu lạm phát ở Zimbabwe cũng đã khiến đồng tiền pháp định của quốc gia này mất toàn bộ giá trị và chỉ còn được xem là một mớ giấy lộn.

Để có thể tồn tại và phát triển trong các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường có tính rủi ro cao như thị trường tiền mã hóa chúng ta nên trang bị cho bản thân một số biện pháp hạn chế rủi ro. Đầu tiên, tôi chú trọng đến phương pháp quản lý vốn của bản thân. Không bao giờ cho tất cả số trứng bạn có vào một giỏ và cũng không đặt các giỏ trứng ở cùng một nơi, với trứng đại điện cho số vốn của bản thân bạn từ lâu đã là một kim chỉ nam trong hoạt động đầu tư, nếu bạn muốn biết rõ hơn có thể tham khảo tại đây.

Bên cạnh đó, còn một giải pháp khác đó là các công cụ bảo hiểm. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ làm rõ hơn về khía cạnh này.

Bảo hiểm phi tập trung và các giải pháp

Bảo hiểm là phương thức bảo vệ trước những tổn thất tài chính. Đó là hình thức quản lý rủi ro, chủ yếu được sử dụng để bảo hiểm cho những rủi ro ngẫu nhiên hoặc tổn thất có thể xảy ra. Trong Thị trường DeFi, Bảo hiểm sẽ giúp Hệ sinh thái tài chính phi tập trung bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư và nhà cung cấp trong trường hợp bị khai thác lỗ hổng hoặc hoạt động gian lận khác.

Trong thị trường tiền mã hóa, bảo hiểm giúp bảo vệ bạn khỏi những tổn thất tài chính do các sự cố tấn công, khai thác lỗ hổng trong DeFi. Giả sử bạn có một số vốn và sử dụng các công cụ của DeFi như staking, farming, lending/borrowing, để tăng lợi nhuận. Bạn biết rằng bất kỳ sai sót nào trong cơ sở hạ tầng DeFi đều có thể khiến bạn phải mất tài sản.  Vì vậy, bạn có thể mua bảo hiểm DeFi để đề phòng khả năng mất tiền trên nền tảng DeFi. Bảo hiểm cho phép các cá nhân chấp nhận rủi ro bằng cách xã hội hóa chi phí của các sự kiện rủi ro. Trong trường hợp bạn mất tiền trên nền tảng và muốn được bảo hiểm, bạn có thể tìm đến công ty bảo hiểm tài sản DeFi và được thanh toán một số tiền nhất định. Phí bảo hiểm DeFi sẽ được xác định bởi nhiều biến số bao gồm loại bảo hiểm, nhà cung cấp và kỳ hạn của hợp đồng bảo hiểm đó.

Một số dự án bảo hiểm có thể giúp bạn đầu tư an toàn hơn hiện nay là:

Nexus Mutual (NXM) là một giao thức bảo hiểm phi tập trung được xây dựng trên blockchain Ethereum và ra mắt vào ngày 03 tháng 5 năm 2019. Nền tảng sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra một nhóm hỗ trợ, chia sẻ rủi ro nhằm mục đích bảo vệ người dùng tránh khỏi một số mất mát về tài chính. Nexus Mutual ra đời với mục đích giải quyết các vấn đề về lỗ hỏng của hợp đồng thông minh, bên cạnh đó còn cung cấp các chính sách bảo hiểm để phòng tránh rủi ro hợp đồng thông minh và rủi ro kỹ thuật trong DeFi, cũng như bảo hiểm cho các tài sản được nắm giữ trên các sàn giao dịch giám sát như Coinbase, Binance,..

Sản phẩm của Nexus Mutual bao gồm:

  • Yield token cover;
  • Custody Cover;
  • Protocol Cover.

Xem thêm bài viết về Nexus Mutual tại đây.

UnoRe (UNO) là nền tảng tái bảo hiểm và bảo hiểm phi tập trung đầu tiên trên thế giới,  cho phép cộng đồng đầu tư và thu được lợi nhuận lớn từ một trong những loại tài sản an toàn. Nhiệm vụ của UnoRe là làm cho người dùng thường xuyên có thể tiếp cận đầu tư vào thị trường tái bảo hiểm, vì theo truyền thống, nó đòi hỏi vốn đầu tư cao. Công ty cũng có kế hoạch cho phép cộng đồng đề xuất các giải pháp bảo hiểm mới để thúc đẩy tương lai của công nghệ bảo hiểm.

Sản phẩm của UnoRe bao gồm:

  • Cover Portal: Mua bảo hiểm cho bất kỳ loại tài sản nào có trong ví bằng cách sử dụng thuật toán AI độc quyền – linh động, tùy chỉnh và tức thì.
  • Investment Dapp: Ứng dụng này cho phép người dùng đầu tư vào stablecoin để cung cấp thanh khoản cho các nhóm bảo hiểm và tái bảo hiểm trên nền tảng và kiếm phần thưởng.

InsurAce (INSUR) là một giao thức bảo hiểm phi tập trung đa chuỗi hàng đầu, cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đa dạng, đáng tin và an toàn cho người dùng Crypto, chống lại các rủi ro khi đầu tư và tương tác trong môi trường Web3.0. Dự án cung cấp sản phẩm chia làm hai nhánh chức năng tương tự như công ty bảo hiểm truyền thống, đó là nhánh bảo hiểm và nhánh đầu tư. Khách hàng vừa có thể mua bảo hiểm vừa tham gia các gói đầu tư thu lợi nhuận. Hai nhánh bảo hiểm và đầu tư cùng hoạt động tương hỗ, để giúp giảm chi phí bảo hiểm, và gia tăng lợi nhuận của việc đầu tư. Các sản phẩm bảo hiểm cho các loại rủi ro bao gồm: lỗ hổng hợp đồng thông minh, ký gửi tài sản cho bên trung gian tập trung, mất giá đồng stablecoin, và nhiều sản phẩm khác đang trong kế hoạch như bảo hiểm ví phi tập trung, NFT…, phục vụ cho tầm nhìn đa chuỗi và đa dạng sản phẩm trên nhiều giao thức phục vụ cho người dùng. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về InsurAce tại đây.

Trong sự kiện de-peg của đồng UST trên hệ sinh thái Terra, InsurAce là đơn vị tiên phong tung ra gói bảo hiểm UST de-peg và đã thanh toán hơn 12 triệu đô la phí bảo hiểm cho người dùng đủ điều kiện. Sự kiện này đã cho thấy tầm quan trọng của bảo hiểm trong thị trường tiền mã hóa và trong bất kỳ chiến lược nào của nhà đầu tư.

Gói Bảo hiểm của InsurAce
InsurAce UST de-peg cover

Khó khăn

Sự hạn chế về sự đa dạng sản phẩm chính là rào cản lớn nhất của người dùng đối với các sản phẩm bảo hiểm và nhất là sau chuỗi các vụ de-peg của stablecoin trong thời gian vừa qua, các dự án bảo hiểm cũng hạn chế tung ra thêm các sản phẩm về de-peg stablecoin.

InsurAce đang là dự án cung cấp một số dịch vụ bảo hiểm về Stablecoin tuy nhiên với tần suất các dự án stablecoin bị de-peg diễn ra càng nhiều thì INSUR cũng kỹ lưỡng hơn trong việc tung ra các gói bảo hiểm liên quan. Hiện nay, BUSD, USDT và MIM là các stablecoin đang được INSUR hỗ trợ các gói bảo hiểm nhưng số lượng sản phẩm hạn chế và toàn bộ đã được bán hết.

InsurAce Stablecoin cover
Các gói bảo hiểm Stablecoin của InsurAce

Bên cạnh đó, bảo hiểm phi tập trung đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển và nhất là với tốc độ phát triển rất nhanh của thị trường tiền mã hóa đi kèm những rủi ro khôn lường, các sản phẩm của bảo hiểm phi tập trung chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng mà chỉ tập trung vào các hệ sinh thái cùng các dự án lớn đã đi vào hoạt động ổn định. Các quy trình đền bù của bảo hiểm phi tập trung cũng khá khắt khe nên đòi hỏi mỗi người tham gia cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm bảo hiểm.

Kết luận

Stablecoin là một công cụ quan trọng bậc nhất đối với thị trường tiền mã hóa nhưng công cụ này cũng tồn đọng nhiều lỗ hổng có thể bị khai thác và ảnh hưởng trực tiếp đến khoản đầu tư của bạn. Các sản phẩm bảo hiểm là cần thiết để việc đầu tư của chúng ta an toàn hơn tuy nhiên các sản phẩm về bảo hiểm ở thời điểm hiện tại còn hạn chế về số lượng và sự đa dạng.

Hãy nhớ rằng gói bảo hiểm quan trọng nhất chính là phương pháp đầu tư và phân bổ vốn của mỗi người. Khi đầu tư vào các hệ sinh thái, các dự án tiền mã hóa mới  và chưa chứng minh được hoạt động ổn định cần được tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định đầu tư với số vốn an toàn nhất.