Năm 2022 bắt đầu với chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ để siết chặt dòng tiền dễ dãi đã được bơm ra thị trường trong khoảng thời gian dịch bệnh, rồi tới chiến tranh giữa Nga và Ukraine cũng như chính sách “zero COVID” của Trung Quốc gây đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Những điểm nhấn đó đã gây tác động tiêu cực không nhỏ tới các thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền mã hóa nói riêng.
Vậy thì ở phương diện của nhà đầu tư cá nhân, chúng ta cần quan tâm theo dõi những yếu tố kinh tế vĩ mô nào để có nhận định khái quát được về tình hình chung của nền kinh tế thế giới, từ đó có được quyết định đầu tư và quản lí tài sản phù hợp cho bản thân. Hãy cùng GFS đi tìm hiểu một vài tiêu chí cơ bản sau đây, bắt đầu với các chỉ số kinh tế thể hiện điều gì, rồi tới các chính sách điều chỉnh và mối tương quan giữa chúng ra sao nhé.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (quý, năm). GDP được sử dụng để đánh giá và so sánh mức độ tăng trưởng của nền kinh tế (từng quốc gia và toàn cầu). Chỉ số GDP thể hiện thực trạng nền kinh tế, các mối đe dọa như suy thoái hoặc lạm phát.
Chỉ số GDP của các quốc gia có thể được theo dõi và hiển thị trực quan từ dữ liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF hoặc dữ liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD
Nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn gặp khó khăn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8% so với dự báo tháng 01/2022. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sẽ chậm lại và chỉ đạt 3%, thấp hơn 1,5% so với dự báo vào 12/2021. World Bank cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới.
Lạm phát
Khái niệm
Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian. Lạm phát gây mất giá trị đồng tiền, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều xảy ra lạm phát. Lạm phát không xấu mà còn có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển nếu như nó có thể giữ kiểm soát. Khi lạm phát tăng cao và khó kiểm soát, các nhà đầu tư cũng gặp khó khăn trong việc tìm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của họ.
Phân loại và nguyên nhân
- Lạm phát do cầu kéo: nhu cầu về một mặt hàng nào đó tăng lên kéo theo giá cả tăng, từ việc tăng giá của mặt hàng này sẽ đồng thời kéo theo giá cả của hàng loạt hàng hóa khác tăng theo.
- Lạm phát do chi phí đẩy: một hoặc nhiều chi phí đầu vào để sản xuất như: tiền lương, giá nguyên liệu đầu vào, máy móc, v.v. tăng lên làm tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng, dẫn tới giá thành sản phẩm cuối cùng cũng sẽ tăng.
- Lạm phát do chính sách tiền tệ: lượng tiền được đẩy ra lưu hành trong nền kinh tế tăng mạnh, trong khi tổng sản phẩm sản xuất ra không tăng hoặc tăng thấp hơn lượng so với tiền đang lưu hành thì sẽ gây ra mất giá trị đồng tiền và tăng giá cả sản phẩm dịch vụ.
Ví dụ: Dịch bệnh COVID-19 diễn ra khiến các chính phủ bơm tiền cứu trợ, lãi suất giảm xuống vô cùng thấp, làm cho lượng tiền lưu hành tăng phi mã trong khi lượng hàng hóa và tài sản không có sự tăng trưởng đáng kể, đây là lạm phát do chính sách tiền tệ.
Xung đột chiến tranh Nga – Ukraine đang tiếp diễn, các biện pháp trừng phạt leo thang dẫn đến đứt gãy thêm kết nối thương mại, bao gồm cả các liên kết năng lượng quan trọng giữa Nga và châu Âu. Điều này làm cho chi phí năng lượng tăng lên, gián tiếp tác động lên chi phí sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, đây là lạm phát do chi phí đẩy.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng nói trên dẫn đến gián đoạn nguồn cung nhiều hơn, do đó làm tăng giá toàn cầu và biến động trên thị trường hàng hóa, đây là lạm phát do cầu kéo.
Các chỉ số lạm phát
Tỉ lệ lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá của chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE, hay còn gọi là hệ số điều chỉnh PCE). CPI chỉ bao gồm những khoản tiền người tiêu dùng tự chi trả. Trong khi đó, PCE bao gồm cả các chi tiêu gián tiếp như các chi phí chăm sóc y tế do công ty bảo hiểm của người sử dụng lao động thanh toán. Do đó, phạm vi PCE rộng hơn và phản ánh tốt hơn cách người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.
Bên cạnh đó, khi quan sát CPI, cũng cần biết chỉ số giá sản xuất (PPI). PPI đo lường chi phí của nhà sản xuất, nếu PPI tăng lên tức là chi phí sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng tăng, cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng, và làm cho CPI trong tương lai sẽ tăng theo, phản ánh mặt bằng chung của giá cả đã tăng.
Nguồn theo dõi: IMF, OECD, FRED
Theo số liệu mới nhất về chỉ số CPI, hầu hết các quốc gia đều có mức độ lạm phát cao, đặc biệt là ở giá xăng/dầu/năng lượng. Các thị trường tài chính phản ứng với các giá trị CPI mạnh hơn do mức độ biến động lớn hơn của nó so với PCE.
Giá trị chỉ số CPI thay đổi phù hợp với kỳ vọng nhà đầu tư thì thị trường có thể phản ứng tích cực, biểu hiện như một đợt phục hồi nhỏ. Một ví dụ mới đây về thông báo chỉ số CPI của tháng 7 công bố ngày 10/08/2022 vừa qua đạt 8,5% thấp hơn mức được dự báo là 8,7%. Giá $BTC đã phản ứng tích cực trước thông tin này, đã vượt $24000.
Tỉ lệ thất nghiệp
Là tỉ lệ phần trăm những người tích cực tìm việc nhưng vẫn không có việc làm. Đây cũng là 1 chỉ báo về sức mạnh của nền kinh tế, được cập nhật định kỳ hàng tháng cùng với tỉ lệ về tuyển dụng nhân sự của các công ty.
Tương quan tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu được OECD thống kê khá đầy đủ, ngoài ra tỉ lệ thất nghiệp của riêng Mỹ có thể theo dõi dữ liệu từ Cục thống kê lao động Mỹ
Ở Mỹ, FED muốn duy trì sự ổn định bằng cách giữ tỉ lệ thất nghiệp ở mức 4%. Theo số liệu mới nhất, mức 3.5% vẫn đủ thấp để FED có thể tiếp tục tăng lãi suất.
Chỉ số thu nhập trung bình
Thu nhập trung bình được tính bằng cách lấy tổng tiền lương quốc gia chia cho trung bình số lượng người lao động của quốc gia đó nhân với tỉ lệ về số giờ làm việc.
Dữ liệu theo dõi về thu nhập trung bình của các quốc gia cũng được thể hiện khá trực quan ở OECD
Ngoài bốn chỉ số kinh tế trên thì chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vĩ mô, trong đó mỗi chính sách theo đuổi một định hướng riêng, song đều hướng tới mục đích ổn định kinh tế, đồng thời có mối quan hệ qua lại lẫn nhau.
Chính sách tiền tệ
Là chính sách được cơ quan quản lý tiền tệ của một quốc gia (có thể là Ngân hàng Trung ương) áp dụng nhằm kiểm soát lãi suất phải trả đối với các khoản vay rất ngắn hạn (các ngân hàng vay của nhau để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của họ) hoặc cung tiền, thường là một nỗ lực để giảm lạm phát hoặc lãi suất, để đảm bảo sự ổn định giá cả và sự tin tưởng chung về giá trị và sự ổn định của đồng tiền của quốc gia.
Ví dụ dưới đây là lịch sử lãi suất qua các năm mà FED – Cục Dự trữ Liên bang (Hoa Kỳ) đã ban hành, dữ liệu từ FRED
FED sẽ tăng hoặc giảm lãi suất để tác động lên các chỉ số lạm phát nhằm điều chỉnh các chỉ số này theo mong muốn. Việc FED giảm lãi suất về 0 và bơm hàng nghìn tỉ đô vào nền kinh tế để đối phó với đại dịch COVID-19 vào 2020 mà không có sự bảo chứng của sản phẩm lao động hay kim loại quý đã làm bong bóng tài chính phình ra quá lớn. Giờ đây, FED bắt đầu thắt chặt nguồn cung tiền và rút dần ra khỏi thị trường gây sức ép lên tất cả các thị trường tài chính.
Lãi suất mà FED công bố và kỳ vọng của nhà đầu tư có mối tương quan. Nếu FED tăng hoặc giảm lãi suất ít hơn dự kiến, thị trường có thể có sự phản ứng tích cực. Ở chiều hướng ngược lại, khi lớn hơn dự kiến và làm thất vọng nhà đầu tư, nhất là khi FED mạnh tay tăng lãi suất, có thể sẽ xảy ra hiện tượng giảm mạnh trên thị trường tài chính. Tất cả đang hướng sự chú ý vào FOMC tổ chức vào tháng 9 sắp tới, với kỳ vọng lãi suất giữ nguyên, mặc dù vẫn còn 1 báo cáo về CPI và NFP trước khi cuộc họp này diễn ra.
Chính sách tài khóa
Là chính sách thông qua thuế và chi tiêu công để tác động tới nền kinh tế. Các chính sách này được Chính phủ ban hành và thực thi.
Có thể kể tới các chính sách trong thời kỳ đại dịch COVID-19 nhiều quốc gia đã thực hiện như là, Mỹ đưa ra gói kích thích kinh tế lớn với tổng trị giá lên đến gần 5000 tỷ đô cùng với luật cơ sở hạ tầng 1200 tỷ đô; Canada công bố gói100 tỷ CAD sau khi kiểm soát đại dịch; Thụy Điển với 30 tỷ đô và Ý là 28 tỷ đô để hỗ trợ nền kinh tế.
Mối tương quan giữa các yếu tố vĩ mô
Khi đặt các yếu tố kinh tế vĩ mô trên vào bối cảnh chung, chúng có sự tác động qua lại lẫn nhau. GDP tăng thúc đẩy thị trường nhưng cũng có thể gây ra lạm phát kéo thị trường xuống. Nhiều nhà kinh tế học tin rằng mức độ tăng trưởng GDP dao động ở ngưỡng 3% một năm là lành mạnh cho sự phát triển nền kinh tế cũng như giảm thiểu tác động của lạm phát.
GDP tăng trưởng cũng giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp, tuy nhiên vấn đề lại nảy sinh khi tỉ lệ thất nghiệp quá thấp. Khi mọi người đều có việc làm, nhu cầu sử dụng hàng hóa dịch vụ tăng lên, làm giá cả mặt hàng tăng cao. Không có người thất nghiệp, tiền lương sẽ có xu hướng tăng và giá cả tăng theo tương ứng. Tất cả những điều này gây tác động tiêu cực tới tỉ lệ lạm phát. Khi mọi người chấp nhận thực tế giá trị đồng tiền giảm theo thời gian, họ sẽ có xu hướng tiêu xài nhiều hơn.
Những điều nói ở trên tạo ra vòng luẩn quẩn ảnh hưởng tới nền kinh tế cần được kiểm soát nhờ các chính sách tiền tệ và tài khóa của chính phủ.
Kết luận
Nắm bắt được tình hình kinh tế vĩ mô thông qua các chỉ số kinh tế cơ bản giúp các nhà đầu tư có được những chiến lược đầu tư phù hợp. Trong tương lai ngắn hạn, thị trường tiền điện tử cũng đi theo xu thế ảm đạm chung của các thị trường tài chính khi tình hình vĩ mô khó khăn, chuỗi cung ứng đứt gãy, dòng tiền bị thắt chặt, lãi suất gia tăng cùng với lạm phát xảy ra. Bên cạnh đó, nhiều thông tin tiêu cực bên trong bản thân thị trường tiền mã hóa cũng đóng góp vào sự đi xuống của thị trường.
Ray Dalio – nhà đầu tư tỷ phú nhận định giai đoạn tiếp theo có thể coi là giai đoạn “lạm phát và đình trệ”, khi tăng trưởng kinh tế chung sẽ bị giữ ở mức thấp cùng với lạm phát tiếp tục tăng lên. Điều này dẫn tới thị trường tài chính ít nhộn nhịp, tỉ lệ thất nghiệp cao, chi tiêu người dùng ít hơn và tổng lợi nhuận giảm sút.
Các bạn nghĩ sao về tình hình vĩ mô và nhận định thị trường tiền mã hóa trong tương lai sắp tới, tham gia thảo luận chia sẻ cùng GFS nhé.