Tổng quan   

Chỉ 1 ngày sau khi kiện sàn giao dịch lớn nhất thế giới Binance, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã mở rộng cuộc đàn áp toàn diện của mình đối với thị trường tiền mã hóa bằng cách cáo buộc Coinbase Global Inc, sàn giao dịch crypto lớn nhất tại Mỹ, vi phạm các quy tắc về tổ chức, niêm yết, và giao dịch chứng khoán. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của Coinbase (mã COIN) giảm đến 12% trong đêm qua (6/6) 

Tuy nhiên, động thái liên tiếp này của SEC cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong cộng động kể cả từ các thành viên chính phủ cũng như các nhà lập pháp, khi nó làm giảm khả năng tiếp cận ngành công nghiệp tiền mã hóa, tài sản kĩ thuật số vốn đã vô chật vật của người dân Mỹ.  đồng thời biến Mỹ trở thành một quốc gia kém thân thiện trong mắt các startup web3.  

SEC kiện Coinbase

 

Trong một đơn kiện dài 101 trang được nộp vào thứ Ba (6/6) tại tòa án liên bang ở New York, SEC cho rằng Coinbase đã né tránh các quy định và vận hành một sàn giao dịch bất hợp pháp trong nhiều năm, cho phép người dùng giao dịch nhiều loại tiền mã hóa mà thực tế là các “chứng khoán chưa được đăng ký”. Có 2 “tội danh” chính có thể được rút ra:  

  1. Cơ quan giao dịch, môi giới và thanh toán bù trừ chưa đăng ký

Theo đơn kiện của SEC, ít nhất từ năm 2019, Coinbase đã kiếm được hàng tỷ đô la bằng cách vi phạm pháp luật khi tạo điều kiện cho việc mua bán các loại chứng khoán dưới hình thức là tiền mã hóa. SEC cho rằng Coinbase đã liên kết các dịch vụ truyền thống của một sàn giao dịch, nhà môi giới và cơ quan thanh toán, mà không đăng ký bất kỳ chức năng nào với SEC như yêu cầu của pháp luật.  

Thông qua các sản phẩm chưa được đăng ký này, Coinbase đã: 

  • Cung cấp một thị trường giao dịch, sử dụng các phương pháp tương tác được thiết lập để kết hợp các lệnh mua bán chứng khoán của nhiều bên.  
  • Thực hiện các giao dịch chứng khoán cho tài khoản của khách hàng. 
  • Cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu để phục vụ các giao dịch chứng khoán, hành động như một trung tâm lưu kí chứng khoán và nền tảng trung gian trong việc thực thi các lệnh giao dịch. 

Việc Coinbase không đăng ký khiến các nhà đầu tư bị mất đi sự bảo vệ quan trọng, bao gồm việc được kiểm tra bởi SEC, yêu cầu lưu trữ hồ sơ và các biện pháp bảo vệ chống lại xung đột lợi ích,… 

  1. Chào bán và bán chứng khoán chưa đăng ký thông qua chương trình staking 

SEC cáo buộc rằng, kể từ năm 2019, Coinbase đã thực hiện hoạt động phát hành chứng khoán chưa được đăng ký thông qua chương trình staking-as-a-service của mình, cho phép khách hàng kiếm lợi nhuận từ cơ chế proof of staking của một số blockchain, kết hợp nỗ lực của Coinbase.  

Thông qua chương trình staking, Coinbase được cho là đã tập hợp tài sản của khách hàng, stake vào các validator trên mạng lưới blockchain và trả lại một phần của phần thưởng được tạo ra từ công việc này cho khách hàng của mình. Nhưng thực tế, Coinbase đã không đăng ký sản phẩm/dịch vụ này như yêu cầu của pháp luật, khiến nhà đầu tư mất đi nhiều sự bảo vệ quan trọng. 

Dựa trên Howey Test và quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ năm 1946, SEC xác định 13 token sau trong chương trình staking-as-a-service của Coinbase đã vi phạm luật chứng khoán, bao gồm: SOL, ADA, MATIC, FIL, SAND, AXS, CHZ, FLOW, ICP, NEAR, VGX, DASH và NEXO. 

—–> Xem thêm: Những điều nhà đầu tư cần chú ý khi SEC siết chặt hoạt động staking

Bất chấp nhiều lời phản đối từ cộng đồng, Gary Gensler – chủ tịch SEC, luôn khẳng định và miêu tả những nỗ lực kiểm soát tiền mã hóa của cơ quan này là nhằm bảo vệ các nhà đầu tư cũng như tính toàn vẹn của thị trường Mỹ. Không chỉ như vậy, trong lần hành động này, SEC còn hợp tác với 10 tiểu bang khác để cùng đưa ra khiếu nại của mình đối với Coinbase, gồm có: Illinois,Vermont, Alabama, Kentucky, California, Maryland, Wisconsin, Washington, New Jersey, South Carolina.  

“Coinbase đã hoàn toàn nhận thức được sự áp dụng của các luật chứng khoán liên bang đối với các hoạt động kinh doanh của mình, nhưng cố ý từ chối tuân thủ chúng. Trong khi Coinbase kiếm được hàng tỷ đô la, các nhà đầu tư bị thiệt hại vì không nhận được những sự bảo vệ xứng đáng. Hành động của chúng tôi hôm nay sẽ buộc Coinbase phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của họ.” 

(Gurbir S. Grewal – Giám đốc Đơn vị thực thi của SEC)  

Phản hồi của các bên liên quan

Trước sức ép từ SEC, nhiều người ủng hộ crypto cũng lên tiếng “phản pháo” vô cùng gay gắt, trong đó có cả những thành viên chủ chốt trong chính phủ Hoa Kỳ. Đa số đều cho rằng việc mà SEC đang làm có thể “giết chết” cơ hội tiếp cận một thị trường tài chính tiềm năng, đi ngược với quan điểm về một nền kinh tế mở.  

Phản hồi từ Coinbase  

Là “bị đơn” trong vụ kiện lần này, Brian Amstrong – CEO Coinbase, đã thể hiện một quan điểm bảo vệ crypto một cách đanh thép và sẵn sàng làm đối trọng với SEC đến cùng trên con đường pháp lý gian nan sắp tới. Trên trang Twitter của vị CEO, ông đã viết rằng:  

 “Liên quan đến khiếu nại của SEC đối với chúng tôi ngày hôm nay, chúng tôi tự hào đại diện cho ngành trước tòa để làm rõ các quy tắc liên quan đến crypto.”  

Qua cách nói trên, có lẽ một cuộc chiến pháp lý với SEC là điều mà Brian luôn mong chờ, khi ông đã mưu cầu khung luật pháp rõ ràng cho ngành crypto từ rất lâu. Đồng thời, ông cũng phản bác rằng SEC đã thờ ơ, “lộn xộn” trong việc xét duyệt đăng kí chứng khoán, cũng như tự tiện hành động một cách vô trách nhiệm. Chủ tịch Coinbase viết tiếp;  

  1. SEC đã xem xét hoạt động kinh doanh của chúng tôi và cho phép chúng tôi trở thành công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2021.

  2. Không có cách nào để “tới và đăng ký” [với SEC] – chúng tôi đã thử đi thử lại nhiều lần – và chúng tôi không hề niêm yết chứng khoán. Chúng tôi từ chối niêm yết phần lớn các token mà chúng tôi xem xét.

  3. SEC và CFTC đã đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau và thậm chí không đồng ý về tài sản nào là chứng khoán và tài sản nào là hàng hóa.

  4. Đây là lý do tại sao Quốc Hội Hoa Kỳ đang đưa ra luật mới để khắc phục tình hình và các quốc gia khác đang chuyển sang đưa ra các quy tắc rõ ràng để hỗ trợ công nghệ này.

Thay vì ra quy tắc rõ ràng, SEC đã lựa chọn phương pháp tiếp cận “bằng vũ lực” và gây hại cho nước Mỹ. Vì vậy, nếu chúng ta cần tận dụng tòa án để có được sự rõ ràng, vậy cứ làm theo cách đó đi […] Chúng tôi tự tin về sự thật và luật pháp của mình.”

Trong một video đáp trả lại những cáo buộc của SEC, Coinbase còn đưa ra các con số không biết nói dối để chứng minh sự cấp thiết trong việc nâng cấp hệ thống xây dựng một khuôn khổ pháp ràng cho crypto tại Hoa Kỳ 

  • Số lần chúng tôi đề cập đến “staking” trong báo cáo công khai đầu tiên: 57 
  • Số lần chúng tôi gặp SEC trong năm 2022 để xin chỉ dẫn: 30 
  • Tỉ lệ token mà chúng tôi đã từ chối vì không đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý: 90% 
  • Năm mà bài test SEC đang sử dụng để xác định “crypto có phải chứng khoán không” ra đời: 1946 
  • Số việc làm có thể bị “đưa ra” nước ngoài: 1 triệu 
  • Số quốc gia đang xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn diện cho crypto: 33 
  • Số khuôn khổ pháp lý toàn diện mà SEC đã xây dựng cho crypto tại Mỹ: 0 

—–> Xem thêm: Hồng Kông hợp pháp hóa crypto, Trung Quốc đang suy tính điều  

Phản hồi từ các bên khác 

Không chỉ Coinbase, mà nhiều người có quyền thế cũng lên tiếng phản đối. Thượng nghĩ sĩ Bill Hagerty viết rằng:  

“SEC đang sử dụng vai trò của họ như một vũ khí để giết chết một ngành công nghiệp. Cho phép một công ty niêm yết công khai và sau đó cản trở các nỗ lực của họ để đăng ký là việc làm không thể bào chữa được” 

Trong khi đó, Thượng nghĩ sĩ Cynthia Lummis còn gay gắt hơn:  

“SEC đã thất bại trong việc cung cấp một con đường rõ ràng cho các sàn giao dịch tài sản kĩ thuật số để đăng kí. Tệ hơn, SEC còn không có hướng dẫn pháp lý đầy đủ để phân biệt giữa chứng khoán và hàng hóa […] Cách bảo vệ người dùng đúng đắn là tạo ra một khuôn khổ luật pháp để các sàn giao dịch có thể tuân thủ, chứ không phải là đẩy ngành công nghiệp ra nước ngoài hoặc là mặc kệ nó giữa những “vùng xám”.”  

Adam Cochran, một nhà phân tích crypto nổi tiếng, cũng có một bài viết phân tích khá đầy đủ về sự vô lý trong đơn kiện của SEC. Trong đó có những ý nổi bật như sau:  

  • Chương trình staking bắt đầu từ năm 2019 – dường như đây là vấn đề mấu chốt. SEC dựa trên vụ việc này và cố gắng đưa những luận điểm yếu hơn vào với nó, đó là lý do tại sao họ thường bắt đầu bằng “năm 2019”. 
  • Việc tuyên bố rằng Coinbase Wallet (một ví non-custodial, hay còn là một ví tự quản) là nền tảng “môi giới chứng khoán” vì nó có thể giúp “định tuyến” các giao dịch, là một luận điểm mới mẻ, điên rồ và vô lý.  
  • Gensler một lần nữa tự dựa trên định nghĩa của riêng mình về Howey test mà không có tòa án nào chấp nhận. Cụ thể, ông cho rằng nó là một “nguyên tắc linh hoạt (flexible) thay vì nguyên tắc cố định (static)”!? 
  • Họ dựa trên các đợt ICO trong lịch sử như cơ sở để xem các tài sản được coi là chứng khoán. Nhưng thực tế, ngay cả khi ICO là một hợp đồng đầu tư, điều đó không có nghĩa là thứ cốt lõi đằng sau nó luôn luôn là một chứng khoán. 
  • SEC liệt kê các tài sản mà họ coi là chứng khoán nhưng lại không có bất kì hành động nào chống lại những token này, không có quyết định nào tại tòa án, cũng như chưa từng cho họ cơ hội để giải thích.  

Anh cũng kết luận rằng nếu Coinbase thua kiện thì việc họ phải làm “cùng lắm là nộp phạt và đóng cửa dịch vụ staking”.

Sự ảnh hưởng của vụ kiện lên Coinbase 

Coinbase sàn giao dịch crypto duy nhất tại Mỹ được niêm yết trên sàn Nasdaq (: COIN), chính vậy vụ kiện của SEC tầm ảnh hưởng khá sâu sắc. Sau tin tức trên, c phiếu của Coinbase ngay lập tức giảm mạnh 12%, đóng cửamức giá $51,61 trong phiên giao dịch ngày 6/6, khiến vốn hóa của công ty bị bốc hơi khoảng 1,5 tỷ đô.

Coinbase stock price
Giá cổ phiếu Coinbase biến động mạnh sau khi bị SEC kiện

Mark Palmer, một nhà phân tích tại Berenberg Capital Markets, cho rằng Coinbase “đang đối mặt với một tình huống khó khăn” vì vốn dĩ thị trường Hoa Kỳ tạo ra đến 80% doanh thu cho Coinbase. Đồng quan điểm, Dan Dolev, một nhà phân tích công nghệ tài chính cấp cao tại Mizuho Securities USA, thể hiện sự quan ngại của mình:  

“”Quá trình vất vả” và “rủi ro từ chối đăng ký cho các token” sẽ làm giảm khả năng tạo ra doanh thu giao dịch của Coinbase. Ngoài ra, việc tăng cường sự quan tâm lên ngành có thể khiến gần một phần ba doanh thu của Coinbase trở nên không chắc chắn” 

Tuy vậy, cũng không phải là không có điểm tích cực. Mặc dù niêm yết đến 254 token trên nền tảng của mình, khoảng một nửa doanh thu giao dịch của Coinbase đến từ BTC và ETH, 2 token hiện tại “không ai có thể chạm tới”. Ngoài ra, sự biến động của giá cổ phiếu Coinbase không chỉ dựa vào doanh thu, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động và tiềm năng của thị trường tiền mã hóa. Ngay cả khi giảm sâu vào ngày 6/6, giá cổ phiếu Coinbase vẫn tăng gần 60% so với mức thấp kỷ lục của tháng 12 năm ngoái.

Không chỉ vậy, Coinbase còn có một dàn cổ đông lớn vô cùng hùng hậu, có thể kiến tạo khuôn khổ pháp lý và tạo ra tầm ảnh hưởng nhất định khi ra tòa , bao gồm: Vanguard, Ark Investment, Fidelity, BlackRock, Morgan Stanley và Goldman Sachs Group. Thậm chí, trong ngày 6/6, quỹ ARK Investment đã “bắt đáy” thêm hơn 419 nghìn cổ phiếu (khoảng 20 triệu đô) để thể hiện niềm tin mạnh mẽ đối với sàn giao dịch crypto.

Ở khía cạnh khác, trong khi đối đầu với các cơ quan quản lý tại nước nhà, Coinbase vẫn cố gắng mở rộng vào các thị trường quốc tế. Vào tháng 5/2023, Coinbase đã ra mắt một sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số quốc tế (Coinbase International) tại Bermuda sau khi nhận được giấy phép quản lý để hoạt động tại đất nước này. Trước đó, vào tháng 1/2023, Coinbase còn hợp tác với Optimism để phát triển một blockchain Layer 2 phi tập trung với tên gọi là BASE, cho phép Coinbase chuyển dịch một lượng lớn người dùng từ sàn tập trung sang hệ thống DeFi không bị kiểm soát.

Coinbase International
Coinbase International

Coinbase, Binance và FTX 

Trước khi Coinbase bị kiện 1 ngày, Binance, sàn giao dịch lớn nhất thế giới cũng nhận được đơn tố cáo tương tự đến từ SEC. Tuy nhiên khác với Binance (hoàn toàn bất ngờ), việc SEC kiện Coinbase có lẽ là một việc không quá xa lạ và có thể đoán trước, khi sàn CEX này đã nhiều lần nhận được những lời “đe dọa” từ SEC sau khi 2 sàn khác là Kraken và Hotbit “thất thủ”.

Ngoài ra những lời cáo buộc của SEC dành cho Coinbase cũng nhẹ hơn rất nhiều so với Binance, chủ yếu tập trung vào niêm yết, vận hành sàn giao dịch chứng khoán trái phép, không có quy trình bảo vệ người dùng đầy đủ,… cũng như không nêu tên CEO của Coinbase – Brian Armstrong làm bị đơn hay buộc tội công ty xử lý sai cách tài sản của khách hàng.

Trong khi đó ,ở chiều ngược lại, CZ (CEO của Binance) lại bị SEC “vạch trần” vô cùng thẳng thừng, không chỉ yêu cầu đóng băng sàn Binance US, mà còn cáo buộc CZ đã thao túng thị trường và trộn lẫn tài sản của người dùng với quỹ riêng của sàn.

—–> Xem thêm: SEC kiện Binance, thị trường hỗn loạn  

Tuy nhiên, mặc dù liên tục công kích 2 sàn crypto lớn nhất thế giới, đối với sàn CEX đã phá sản, FTX, SEC lại không có bất kì đơn kiện nào (có thể vì mối quan hệ “mập mờ” giữa Gary Gensler (chủ tịch SEC) và người sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried).  

Moi quan he giua SBF va Gary Gensler
Mối quan hệ giữa SBF và Gary Gensler

—–> Xem thêm: Giải sự sụp đổ của FTX mảng tối của thị trường crypto.

Trước thái độ có phần thiên vị và có chủ đích này của SEC, CZ chỉ “khịa” rằng:  

“Họ không buộc tội FTX” 

Tổng kết  

Nhìn chung có thể thấy qua 2 vụ kiện gần đây nhất của đối với Binance và Coinbase, SEC đã thể hiện một lập trường cứng rắn (nhưng có phần phiến diện) đối với thị trường crypto. Và khả năng cao, Coinbase (hoặc bắt tay với cả Binance) sẽ trường kì “chiến đấu” đến cùng với SEC trên mặt trận pháp lý, như Ripple vẫn đang làm suốt 3 năm nay.

Khó có thể khẳng định ai đúng, ai sai, hoặc ai sẽ chiến thắng, nhưng chắc chắn nó sẽ không thể kết thúc nếu như một khuôn khổ pháp luật toàn diện cho ngành crypto tại Mỹ vẫn chưa được ra đời. Ngoài ra, trong bối cảnh đầy rủi ro này, là người dùng, chúng ta vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách kịp thời.

Nếu bạn thích bài viết này hay còn những suy nghĩ nào khác về vụ kiện giữa SEC và Coinbase, hãy comment xuống dưới cho chúng mình biết nhé!