Tổng quan

Gần đây, việc SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ) xử phạt sàn Kraken do cung cấp dịch vụ staking đã như một giọt nước tràn ly, tạo nên làn sóng phản đối cơ quan này ở khắp cộng đồng crypto.

Sự kỳ thị của SEC với các dịch vụ staking là không hề mới, và Chủ tịch SEC Gary Gensler đã nổi tiếng với quan điểm “Hầu hết crypto là chứng khoán” suốt nhiều năm qua. Tuy vậy, SEC cũng có logic của riêng mình khi liên tục tìm cách thắt chặt hoạt động staking và thị trường tiền mã hóa nói chung.

Vậy đâu là nguyên nhân chính cho quan điểm của SEC, và nhà đầu tư crypto cần chú ý điều gì? Mời các bạn cùng đọc bài phân tích dưới đây của GFI Blockchain.

Vì sao SEC đánh giá crypto là chứng khoán?

Lập luận của SEC được bắt nguồn từ bài test Howey, đây là một bộ tiêu chuẩn được ban hành bởi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ để xác định xem một giao dịch có được xem là chứng khoán không, gồm 4 tiêu chí sau:

  • Một khoản đầu tư bằng tiền.
  • Khoản tiền này được đầu tư vào một doanh nghiệp chung (common enterprise).
  • Nhà đầu tư có kỳ vọng về một khoản lợi nhuận.
  • Khoản lợi nhuận được tạo ra từ công sức của những người khác.

Bất cứ giao dịch nào thỏa mãn cả 4 tiêu chí trên thì đều bị xem là chứng khoán. Đây là 4 tiêu chí dựa trên đạo luật Chứng khoán năm 1933 và phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong vụ kiện công ty Howey vào năm 1946.

Căn cứ theo 4 tiêu chí này, vào ngày 8/9/2022, chủ tịch SEC Gary Gensler đã phát biểu như sau về thị trường crypto: “Nhà sáng lập thì quảng cáo, còn công chúng lại mua hầu hết token này với kỳ vọng về một khoản lợi nhuận đến từ công sức của người khác”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNBC, Gary Gensler lại tiếp tục khẳng định: “Luật đã rõ ràng. Tôi tin rằng dựa trên những cơ sở này, hầu hết token đều là chứng khoán”.

Tất cả những phát biểu này đều ngụ ý rằng các token crypto là chứng khoán, và đều phải được đăng ký với SEC theo luật Chứng khoán của Liên bang.

Chủ tịch SEC Gary Gensler
Chủ tịch SEC Gary Gensler

SEC muốn kiểm soát crypto staking?

Trong chương trình Office Hours vào ngày 10/2/2023, Chủ tịch SEC Gary Gensler đã nêu ra những điều nhà đầu tư cần lo ngại khi tham gia staking:

“Nhà đầu tư cần được thông báo rõ ràng. Ví dụ, các sàn giao dịch đang làm gì với token của nhà đầu tư: Họ có thật sự đang stake chúng; họ có đang cho vay hoặc trade với những token này; hoặc họ có đang trộn lẫn những token này với những hoạt động kinh doanh khác?”

Gary Gensler cũng đặt ra nghi vấn về nguồn gốc của lợi nhuận, và liệu nhà đầu tư có đang nhận được phần lợi nhuận xứng đáng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần được biết liệu các giao thức mà họ stake có thực sự tạo ra giá trị, hay chỉ là pha loãng (dilute) giá trị lượng token mà họ đang nắm.

Hãy nhớ rằng, khi bạn có một khoản tiền đủ để chia đôi, nhưng bạn quyết định chia ba nó, thì nhìn lại bạn cũng chỉ có đúng khoản tiền đó thôi.” – Gary Gensler đưa ví dụ so sánh về giá trị nhận được khi tham gia staking.

Một vấn đề khác được đặt ra là việc lưu ký token (custody), các dịch vụ staking yêu cầu người dùng phải chuyển quyền sở hữu token cho sàn. “Có một câu trong crypto là nếu không sở hữu khóa cá nhân, bạn không thực sự sở hữu crypto của mình (Not your keys, not your crypto).” – Gary Gensler nhắc nhở.

Cũng theo Chủ tịch SEC, những hợp đồng staking bắt người dùng “phải trở thành một nhà đầu tư vào nền tảng đó”. Nếu sàn giao dịch đó phá sản như trường hợp của FTX, người stake sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng, và kết cục là phải đứng xếp hàng chờ đợi trong vô vọng tại tòa án phá sản. Những hành động của SEC gần đây là để ngăn chặn tình trạng này.

Tuy nhiên, đây chỉ là góc nhìn từ phía SEC. Còn đối với nhiều nhà đầu tư crypto, việc SEC xem crypto là chứng khoán không có gì lạ. SEC chỉ đang cố sử dụng tất cả công cụ mà mình có nhằm kiểm soát thị trường crypto.

Một số nhà đầu tư crypto thường ví von thực trạng này của SEC bằng câu nói của Abraham Maslow: “Nếu công cụ duy nhất bạn có là cái búa, thì bạn có xu hướng xem tất cả vấn đề như một cái đinh”.

Cũng có thuyết âm mưu cho rằng, các hành động của SEC không nhằm để cấm staking, mà muốn nhắm vào các công ty cung cấp dịch vụ staking. Khi loại bỏ được những công ty này, nhiều tổ chức lớn và có đăng ký bài bản từ phố Wall như BlackRock hay Fidelity có thể dễ dàng thâu tóm thị trường dịch vụ crypto.

5 sự kiện SEC đàn áp crypto

Với động cơ trên, SEC đã có nhiều cáo buộc và đơn khởi kiện chống lại các công ty và dịch vụ crypto, chủ yếu lấy lý do crypto là chứng khoán trái phép. Trong đó, có thể kể đến 5 sự kiện nổi bật sau:

Kiện Ripple phát hành chứng khoán trái phép

Tác động tới vốn hóa thị trường (24h): -5,4%

Ngày 22/12/2020, SEC khởi kiện Ripple Labs (XRP) do đã huy động 1,3 tỷ USD thông qua hoạt động mở bán chứng khoán không đăng ký. Vụ kiện đã kéo dài hơn hai năm, trở thành một điểm nóng thu hút sự chú ý của cả thị trường crypto. Dự kiến kết quả cuối cùng sẽ được đưa ra vào giữa năm nay.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào ngày 18/1/2023, CEO Ripple là Garlinghouse đã nêu quan điểm:

“Chúng tôi tin rằng vụ kiện sẽ được giải quyết trong năm 2023, có thể là đầu năm. Chưa biết mọi chuyện sẽ thế nào, nhưng chúng tôi rất lạc quan về vị thế của mình dựa trên cơ sở luật pháp và các bằng chứng.

Chúng tôi rất muốn kết thúc vụ kiện, nhưng luôn kiên định với quan điểm: XRP rõ ràng không phải là chứng khoán.”

Phạt BlockFi 100 triệu USD vì hoạt động lending

Tác động tới vốn hóa thị trường (24h): +1,1%

Ngày 14/2/2022, SEC và 32 tiểu bang đã cáo buộc BlockFi đã không đăng ký việc cung cấp dịch vụ crypto lending cho người dùng. Cùng ngày, BlockFi thông báo đã đồng ý nộp phạt 100 triệu USD cho SEC và các tiểu bang để chấm dứt vụ điều tra này.

Dịch vụ lending của BlockFi khá phổ biến với người dùng crypto, cho phép người dùng nhận mức lãi suất lên tới 9,25%. Công ty BlockFi đã nộp đơn phá sản vào ngày 28/11/2022 do chịu ảnh hưởng từ sự sụp đổ của sàn FTX.

Bắt giữ nhân viên Coinbase và cáo buộc Coinbase niêm yết chứng khoán

Tác động tới vốn hóa thị trường (24h): -3,5%

Ngày 21/7/2022, hai cáo buộc đã liên tục được đưa ra từ SEC nhắm vào Coinbase:

  • Cáo buộc thứ nhất cho rằng một cựu quản lý sản phẩm của Coinbase đã giao dịch nội gián (insider trading), cụ thể là tìm cách mua một số token crypto trước khi chúng được list trên Coinbase. Cựu nhân viên này cùng hai người bạn khác đã bị bắt trong ngày.
  • Cáo buộc thứ hai cho rằng 9 token crypto gồm AMP, RLY, DDX, XYO, RGT, LCX, POWR, DFX, KROM được list trên sàn Coinbase là chứng khoán.

Đi kèm với cáo buộc này, SEC tuyên bố: “Chúng tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng: lừa đảo là lừa đảo, dù là trên blockchain hay ở phố Wall”.

Đáp trả cáo buộc từ SEC, trong cùng ngày, Giám đốc pháp lý của Coinbase đã viết một bài blog với tiêu đề Coinbase không niêm yết chứng khoán. Chấm hết. Bài viết chỉ rõ:

“Coinbase có một quy trình phân tích và xét duyệt nghiêm ngặt cho các tài sản trước khi niêm yết trên sàn. Quy trình này đã được duyệt bởi SEC.”

Tương tự, Giám đốc chính sách của Coinbase cũng đăng một thread chỉ trích SEC đã không ban hành luật rõ ràng, mà chỉ biết đưa ra những cáo buộc riêng lẻ. Cách làm này của SEC đã bóp nghẹt thị trường chứng khoán crypto và khiến nhà đầu tư chịu rủi ro lớn.

Phạt sàn Kraken 30 triệu USD do bán hợp đồng chứng khoán

Tác động tới vốn hóa thị trường (24h): -5,5%

Ngày 9/2/2023, SEC đã buộc Kraken – sàn giao dịch crypto được thành lập từ năm 2011 – phải nộp phạt 30 triệu USD do không đăng ký cho dịch vụ crypto staking. Dịch vụ này của Kraken cho phép nhà đầu tư chuyển tài sản crypto tới sàn để stake với mức lợi nhuận được quảng cáo lên tới 21% mỗi năm.

Trong đơn kiện của SEC, cơ quan này cho rằng Kraken đã không cung cấp đủ thông tin cho người dùng về chương trình staking, bao gồm tình hình tài chính của công ty, khoản phí mà Kraken thu về, cũng như cách công ty xử lý token của khách hàng.

Ngay sau khi nhận được cáo buộc từ SEC, Kraken đã chấp nhận nộp phạt và dừng dịch vụ staking của mình.

Cảnh cáo BUSD là chứng khoán không đăng ký

Tác động tới vốn hóa thị trường (24h): -3,1%

Ngày 12/2/2023, SEC đã gửi thông báo (Wells Notice) cảnh cáo token BUSD của công ty Paxos là chứng khoán chưa được đăng ký. Paxos đã đáp trả cảnh cáo này từ SEC bằng một thông báo dứt khoát, tuyên bố “hoàn toàn không đồng ý với SEC, vì BUSD không phải là chứng khoán theo luật liên bang”.

Tuy nhiên, trong một thông báo cùng ngày, Paxos đã quyết định ngừng mint token BUSD từ ngày 21/2/2023. Các token BUSD hiện đang lưu hành vẫn sẽ được quản lý bởi Paxos và được bảo chứng 1:1 với đồng USD cho đến khoảng tháng 2/2024.

Tương lai pháp lý cho thị trường crypto

Các vụ sụp đổ của Luna, 3AC và FTX trong năm 2022 đã khiến các nhà làm luật phải để ý nhiều hơn đến thị trường này. Do đó, những hành động về pháp lý cho thị trường crypto sẽ được nhiều quốc gia đẩy mạnh trong năm 2023, đặc biệt là gia tăng việc khởi kiện và xử phạt các cá nhân và tổ chức.

Phân tích của hãng luật Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison LLP cho rằng “chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều hơn các hành động pháp lý và trừng phạt nhắm đến crypto”. Đây có thể kết quả của sắc lệnh về crypto được ban hành bởi tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, yêu cầu các cơ quan báo cáo về ngành công nghiệp này.

Bên cạnh đó, nhiều bộ luật về crypto sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong năm 2023 như đạo luật DCCPA của Hoa Kỳ và một số luật liên quan đến stablecoin. DCCPA giúp tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho thị trường, nhưng cũng gặp một số chỉ trích về việc đạo luật này cho phép SEC quyết định một token có phải là chứng khoán hay không.

Ngoài ra, một dự luật về stablecoin đang được đề xuất bởi nghị sĩ Patrick McHenry, cho phép Fed cấp giấy phép cho các đơn vị phát hành stablecoin.

Dự luật này cũng gặp phải nhiều tranh cãi, do nếu Fed là bên cấp giấy phép, các đơn vị phát hành của Fed có thể mượn tiền trực tiếp từ ngân hàng trung ương, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cực lớn so với các đơn vị phát hành hiện tại như Paxos hay Tether.

Fed sắp trở thành thế lực mới trong thị trường stablecoin? (Nguồn: Bitcoin.com)
Fed sắp trở thành thế lực mới trong thị trường stablecoin?

Về phía Liên minh Châu Âu, khu vực này cũng đang tập trung phát triển bộ luật chung về crypto với tên gọi MiCA (Markets in Crypto Assets). Bộ luật này đã được thông qua và dự kiến sẽ có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2024.

MiCA là một bộ luật toàn diện cho thị trường crypto, tập trung vào chống rửa tiền, bảo vệ môi trường, báo cáo doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể, luật này yêu cầu đơn vị phát hành stablecoin phải có đủ tài sản dự trữ, và yêu cầu các công ty đào crypto phải báo cáo mức năng lượng tiêu thụ.

Nhìn chung, các bộ luật về crypto sẽ dần được phát triển và có hiệu lực trong ít năm tới, giúp bảo vệ người dùng crypto tốt hơn. Tuy nhiên, một số luật và hành động pháp lý tại Hoa Kỳ lại không được toàn diện như của Liên minh Châu Âu, mà có xu hướng mập mờ, gây khó khăn cho các công ty crypto hiện tại.

Nhà đầu tư crypto cần chú ý điều gì?

Nhìn vào những sự kiện pháp lý gần đây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, có thể dự đoán SEC sẽ tiếp tục cáo buộc các dịch vụ staking và token crypto là chứng khoán. Hành động của SEC sẽ gây thiệt hại lớn cho các công ty crypto nếu phải nộp phạt và ngừng dịch vụ. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi sử dịch vụ staking tập trung của các công ty Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực, SEC và các cơ quan quản lý đang muốn các công ty crypto cũng cần phải minh bạch như các tổ chức truyền thống. Từ đó nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn, và các tổ chức tài chính lớn sẽ có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để đổ dòng vốn vào thị trường này.

Bên cạnh đó, SEC không phản đối các token và giao thức phi tập trung. Công cụ mạnh nhất mà SEC có chỉ là bài test Howey vốn dành cho các công ty, và cũng khó mà cấm hay phạt các giao thức phi tập trung, như chúng ta đã thấy với trường hợp của Tornado Cash. Do đó, nhà đầu tư có thể tạm yên tâm khi đầu tư vào mảng này.

Kết luận

Những cáo buộc gần đây của SEC nhắm vào các token và nền tảng staking tập trung có thể xuất phát từ hai động cơ. Thứ nhất, SEC thực sự muốn bảo vệ người tiêu dùng, và minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của các công ty crypto. Thứ hai, SEC cũng muốn kiểm soát thị trường crypto, và dọn đường cho các tổ chức tài chính lớn thâu tóm thị trường này.

Mỗi nhà đầu tư sẽ có một quan điểm khác nhau về hành động của SEC. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là các quốc gia sẽ đẩy mạnh siết chặt thị trường crypto về mặt pháp lý. Do đó, nhà đầu tư cần nắm rõ và liên tục cập nhật các quy định và bộ luật mà mỗi quốc gia này áp dụng để tránh thiệt hại trong đầu tư.