Tổng quan

Sự phát triển của thời đại kỹ thuật số đã chứng kiến những bước tiến đáng kể về điện toán đám mây và cơ sở hạ tầng. Bằng cách khai thác sức mạnh của công nghệ mã nguồn mở (open-source) và phi tập trung, Akash Network trao quyền cho người dùng truy cập tài nguyên điện toán đám mây theo một cách hoàn toàn mới, tiết kiệm chi phí, linh hoạt và bền vững với môi trường hơn.

Chúng ta sẽ cùng khám phá lĩnh vực đổi mới của Akash Network và khám phá cách nó cung cấp giải pháp phi tập trung và hướng đến cộng đồng như thế nào nhé.

Mô hình kinh doanh

Akash Network là một app-specific blockchain (blockchain dành riêng cho một ứng dụng), sử dụng Cosmos SDK và cơ chế đồng thuận dPoS, nhằm cung cấp dịch vụ hạ tầng cho điện toán đám mây (cloud computing). Nó là một siêu đám mây mã nguồn mở cho phép người dùng mua và bán tài nguyên máy tính một cách an toàn và hiệu quả. Với Akash Network, người dùng có thể sở hữu cơ sở hạ tầng đám mây, triển khai ứng dụng và thuê các tài nguyên đám mây chưa sử dụng.

Mạng cloud của Akash cho phép triển khai bất kỳ ứng dụng gốc nào, cải thiện hiệu suất và quy mô cho các ứng dụng phi tập trung (dApps) và các tổ chức trên mạng của nó. Akash Network cũng tương thích với một số ứng dụng đám mây hiện có, cho phép các doanh nghiệp tham gia vào thị trường điện toán đám mây phi tập trung.

Mạng Akash tìm cách dân chủ hóa quyền truy cập vào công nghệ điện toán đám mây và giảm thiểu ảnh hưởng của một số công ty tập trung, được gọi là Big Five trên điện toán đám mây (Google, Apple, Amazon, Meta và Microsoft), đã dẫn đến việc tập trung hóa và bị kiểm duyệt. Akash Network giải quyết vấn đề này vì các nguồn của nó không thuộc sở hữu của một công ty hay cá nhân nào mà đến từ mạng lưới phân tán của các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây nằm trên toàn thế giới.

Bằng việc tận dụng công nghệ blockchain & crypto, Akash Network cung cấp một giải pháp phi tập trung, giúp tối ưu hơn mô hình cũ, nhưng vẫn cung cấp đầy đủ các tính năng như các dịch vụ Cloud Web2. Akash Network đang hỗ trợ 3 dịch vụ chính:

  • Node hosting: Akash Network hỗ trợ chạy node cho các blockchain như Osmosis, Avalanche… và đặc biệt là trong hệ sinh thái Cosmos SDK. Trong năm 2021, đội ngũ Akash Network cũng đã cho ra mắt Cosmos Omnibus giúp chuẩn hóa và đơn giản hóa việc chạy các node cho các blockchain sử dụng Cosmos SDK.
  • Web hosting: Akash Network hỗ trợ vận hành các dịch vụ về web như WordPress, Wiki.js… cũng như các dự án Gaming hay DAO. Lợi thế của Akash Network là khi các bên thuê dịch vụ cloud trên mạng lưới này thì sẽ không phải KYC cũng như tiết lộ thông tin về thanh toán. Người dùng chỉ cần kết nối ví và trả bằng AKT.
Akash use cases
Các dịch vụ chính của Akash Network
  • AI/ML modeling: AI là định hướng tiếp theo của Akash Network cho việc phát triển hệ sinh thái trong cloud computing của họ, một số bài blog của Akash Network đã chia sẻ về việc xây dựng siêu đám mây (supercloud) cho AI. Mainnet 8 của Akash Network cũng tập trung vào việc onboard và tối ưu hóa cho việc triển khai GPU lên Akash Cloud.

Akash Network có tiềm năng rất lớn khi tham gia vào thị trường điện toán đám mây khổng lồ. Theo một bài nghiên cứu từ Cloudwards được thực hiện vào tháng 6/2022, thị trường điện toán đám mây đang phát triển mạnh với các thông số nổi bật như sau:

  • Thị trường điện toán đám mây trên thế giới có giá trị 371 tỷ USD vào năm 2020, và con số này được dự đoán sẽ đạt 832,1 tỷ USD vào năm 2025.
  • 94% các doanh nghiệp trên toàn cầu sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây.
  • 48% doanh nghiệp lưu trữ các dữ liệu quan trọng về hoạt động kinh doanh trên dịch vụ lưu trữ đám mây.
  • 88% sự cố gây xâm nhập dữ liệu trên đám mây là lỗi do con người.
  • Bảo mật các dịch vụ lưu trữ đám mây là mối quan tâm của 75% doanh nghiệp trên toàn cầu.
  • Dự đoán đến năm 2025, sẽ có 100 Zettabytes, tương đương 100 tỷ Terabytes dữ liệu được lưu trữ trên các dịch vụ đám mây.
Cloud computing market
Thị trường điện toán đám mây trên thế giới

Còn theo một nghiên cứu khác của Synergy Research Group được thực hiện gần đây, vào Q3/2022, thị phần các giải pháp lưu trữ đám mây được phân bổ như sau:

  • Amazon Web Services: 33%
  • Microsoft Azure: 21%
  • Google Cloud: 11%
  • Khác: 35%

Câu hỏi đặt ra ở đây là các dự án blockchain có thể lấy được bao nhiêu phần trăm thị phần của thị trường điện toán đám mây?. Thực trạng hiện nay, hầu hết các sản phẩm nổi bật hiện có trên blockchain chỉ đang giải quyết một phần của vấn đề như GPU Sharing (của Render) hay Cloud Storage (của Filecoin, Arweave)… Chính vì vậy, những dự án có thể cung cấp dịch vụ cloud đầy đủ (Full Cloud Services) sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn. Trong khi dự án tương tự Akash là Cere Network đang phát triển giai đoạn đầu thì Akash Network đã có 6 năm phát triển và đã ra mắt dịch vụ supercloud cho AI.

Đội ngũ dự án

Akash Team
Đội ngũ phát triển Akash Network

Akash Network được thành lập vào năm 2018 bởi Greg Osuri và Adam Bozanich. Greg Osuri, Giám đốc điều hành của Akash Network, là một doanh nhân giàu kinh nghiệm, người đã giúp thành lập nhiều công ty phát triển như Firebase (sau này được Google mua lại vào năm 2014) và AngelHack, hệ sinh thái nhà phát triển lớn nhất thế giới.

Adam Bozanich, Giám đốc Công nghệ, từng làm kỹ sư QA tự động hóa tại Tập đoàn Symantec. Anh cũng từng là kỹ sư và nhà phát triển cho Topspin, một nền tảng kiếm tiền từ âm nhạc sau này được Apple mua lại vào năm 2014.

Định hướng phát triển

Whitepaper version 1 của Akash Network được phát hành vào tháng 12 năm 2017 và vào ngày 25 tháng 9 năm 2020, Akash Network đã ra mắt mạng chính của mình. Vào ngày 8 tháng 3 năm 2021, Akash Network đã ra mắt Mainnet 2 trên Cosmos SDK

Về hiệu suất thực tế của của Akash Network, hạ tầng của Akash Network chủ yếu là CPU, chỉ có thể thực hiện các tác vụ tổng quan như Web hosting, nhưng không phù hợp cho tính toán nặng như AI. Do đó, gần đây, dự án đã tập trung tăng số lượng GPU để phục vụ thị trường AI/ML. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng vọt hiệu suất của mạng lưới từ đầu tháng 9/2023.

Mục tiêu của Akash là mang lại lợi ích cho 3 đối tượng khách hàng chính, gồm Node provider, Web hosting và AI/ML.

Vào ngày 14/8/2023, Akash Network đã ra mắt testnet cho dịch vụ AI/ML và đạt được những thông số ấn tượng như: có 1300 người dùng đăng ký tham gia Akash GPU testnet với đa dạng mẫu GPU của NVIDIA (H100, A100, V100, P100, A40, A10…), hỗ trợ host nhiều mô hình AI nổi tiếng như Stable Diffusion, LLaMA, Flan-T5, RedPajama và Falcon. Đợt testnet đã có tổng cộng 3108 lượt yêu cầu triển khai GPU, và có 2463 lượt thuê (lease bid) được chấp nhận.

Đến ngày 31/8/2023, Akash Network đã chính thức ra mắt dịch vụ Supercloud cho AI, cùng với đó là những thay đổi đáng kể trên mạng lưới như tính năng GPU Marketplace và Economics V2. Dự án đã đạt được những tăng trưởng ấn tượng sau cột mốc này, như việc tăng gấp đôi năng lực CPU, trong khi năng lực GPU tăng trưởng liên tục từ con số 0.

Tuy nhiên, sản phẩm AI/ML Applications của Akash Network chỉ mới thành hình gần đây, cho thấy dự án làm việc khá chậm, mất tới 5 năm để hoàn thành hết các nhiệm vụ của Near-term use cases.

Akash vision
Tầm nhìn và định hướng phát triển của Akash Network

Về tầm nhìn sắp tới, dự án sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể về mặt kỹ thuật. Akash Network sẽ tập trung vào hoàn thiện một số tính tăng, tổ chức các sự kiện hackathon và các hoạt động on-chain khác để thu hút cộng đồng.

Đối thủ cạnh tranh

Akash Network luôn đi đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây phi tập trung, tận dụng hệ sinh thái Cosmos để tiếp cận thị trường sáng tạo. Cere Network cũng tương tự nhưng vẫn còn khá non trẻ và chủ yếu hướng tới các ứng dụng game xây dựng trên nó. Trong khi đó, Akash Network đã có bề dày 6 năm phát triển và hướng tới mục đích chung.

So với các đối thủ khác trong mảng DePIN, Akash cung cấp dịch vụ cloud đầy đủ (Full Cloud Services) chứ không chỉ giải quyết một phần của vấn đề như GPU Sharing (của Render) hay Cloud Storage (của Filecoin, Arweave).

Thực trạng của dự án

Akash Network gọi vốn được 2 triệu USD từ vòng Funding Round từ Infinite Capital, George Burke và 6 nhà đầu tư khác. Sau đó, dự án cũng gọi vốn thêm được 1,16 triệu USD từ hoạt động IEO. Cả hai đợt gọi vốn đều diễn ra vào năm 2020.

Doanh thu của Akash Network đến từ các nguồn sau:

  • Phí triển khai ứng dụng
  • Phí giao dịch trên mạng lưới (đa phần là trên marketplace), validator sẽ tự đặt phí gas
  • Phần thưởng staking: Một phần thu nhập từ việc cho thuê sức mạnh tính toán sẽ được giữ lại và phân phát cho holder tùy theo lượng họ stake.
  • Đội ngũ Akash Network làm provider cho thuê CPU.

Tokenomic

Token AKT là token tiện ích gốc của Akash Network, được sử dụng cho hoạt động quản trị, bảo vệ blockchain, làm incentive cho người tham gia, và cung cấp một cơ chế cho việc lưu trữ vào trao đổi giá trị. Cụ thể như sau:

  • Bảo vệ mạng lưới: Người dùng stake token AKT để bảo vệ mạng lưới và nhận phần thưởng.
  • Quản trị: Người nắm giữ token AKT có thể bỏ phiếu để thông qua các bản đề xuất, hoặc thay đổi các thông số quan trọng như tỷ lệ lạm phát.
  • Trao đổi giá trị: Token AKT có vai trò lưu trữ và trao đổi giá trị, và là một loại tiền tệ dự trữ trong hệ sinh thái Cosmos.
  • Làm incentive: Thu hút người dùng và nhà cung cấp tham gia vào Akash Network.

Một số thông số cơ bản của token AKT:

  • Tổng cung tối đa: 388.539.008 AKT
  • Cung lưu thông: 234.090.486 AKT

Về tỷ lệ lạm phát, token AKT có cơ chế lạm phát giảm dần. Cụ thể, hiện tại vào tháng 4/2024, mỗi tháng sẽ có 2.319.300 token được đưa vào lưu thông, con số này sẽ giảm còn 1.923.441 token vào tháng 4/2025. Vậy token AKT sẽ có mức lạm phát khoảng 10%/năm trong 1 năm tới. Đến tháng 4/2026, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm còn khoảng 7%/năm.

Token AKT được bán với giá 0,059 USD trong vòng Funding Round, và được bán với giá 0,377 – 0,767 USD trong vòng IEO.

Kết luận

AI là một trong những từ khóa hot nhất mùa bullrun này, cùng với đó là nhu cầu tính toán và dữ liệu từ thị trường điện toán đám mây. Akash Network là một trong những dự DePIN án hàng đầu giải quyết cả vấn đề lưu trữ đám mây (Cloud Srorage) và CPU Sharing. Chúng ta cùng follow những lộ trình phát triển tiếp theo của Akash Network nhé.