Tổng quan

Năm 2021, ngành công nghiệp tiền mã hóa từng dậy sóng với “ConstitutionDAO” – một phong trào huy động vốn từ cộng đồng để mua một bản sao lần đầu tiên của hiến pháp Hoa Kỳ. Dự án đã thành công khi huy động được tới hơn 40 triệu đô la Mỹ. Bước sang năm 2022, AssangeDAO đã áp đảo “ConstitutionDAO” và trở thành DAO lớn nhất trong lịch sử, khi mang về tới 17.442 ETH (tương đương với hơn 54.2 triệu đô la Mỹ) đầu tư. AssangeDAO cũng đã thu hút được một trong những tên tuổi hàng đầu thị trường tiền mã hóa – Vitalik Buterin (Founder của Ethereum) khi anh đóng góp tới 10 ETH cho dự án này.

Theo những nhà sáng lập dự án, AssangeDAO được ra đời với mục đích cao đẹp là gây quỹ để ủng hộ người sáng lập WikiLeaks – Julian Assange trên con đường đòi lại công lý cho chính mình.

Vậy, liệu AssangeDAO có thực sự ra đời vì mục tiêu chính nghĩa như trên không? Hãy cùng GFS Blockchain phân tích, tìm hiểu qua bài viết dưới đây, để chúng ta cùng hiểu sâu hơn về dự án này nhé.

AssangeDAO (JUSTICE) là gì?

Ngày 10 tháng 12 năm 2021, AssangeDAO được ra mắt bởi một nhóm cypherpunks ẩn danh, với mục đích giúp Julian Assange – người sáng lập WikiLeaks để bảo vệ pháp lý cho mình. Để gây quỹ, Julian Assange đã hợp tác với nghệ sĩ tiền điện tử Pak để bán một bộ NFT trong một cuộc đấu giá trực tuyến từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 2 vừa qua.

Dựa trên số lượng ETH quyên góp, các nhà tài trợ sẽ nhận được một mã thông báo – JUSTICE và mang lại cho họ quyền biểu quyết, bao gồm cả cách sử dụng tài nguyên của AssangeDAO.

AssangeDAO
Dự án AssangeDAO

Cũng cần phải nói thêm về Julian Assange và WikiLeaks để chúng ta hiểu sâu hơn về mục tiêu của dự án.

Theo Wikipedia, “WikiLeaks là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận xuất bản các rò rỉ tin tức và phương tiện truyền thông phân loại được cung cấp từ các nguồn ẩn danh. Trang web của họ được tổ chức Sunshine Press thành lập vào năm 2006 tại Iceland, đã tuyên bố vào năm 2015 rằng nó đã phát hành trực tuyến 10 triệu tài liệu trong 10 năm đầu tiên.

Nhóm này đã phát hành một số bộ đệm tài liệu nổi bật. Các bản phát hành ban đầu bao gồm tài liệu về các khoản chi tiêu và nắm giữ thiết bị trong cuộc chiến Afghanistan, báo cáo về cuộc điều tra tham nhũng ở Kenya, và hướng dẫn quy trình vận hành nhà tù Hoa Kỳ tại Vịnh Guantanamo, Cuba. Vào tháng 4 năm 2010, WikiLeaks công bố đoạn phim Vụ giết người ngoài dự kiến từ cuộc không kích Baghdad ngày 12 tháng 7 năm 2007, trong đó các nhà báo Reuters của Iraq nằm trong số những người bị giết. Các bản phát hành khác trong năm 2010 bao gồm Nhật ký chiến tranh Afghanistan và ” Nhật ký chiến tranh Iraq “. Bản phát hành thứ hai cho phép lập bản đồ của 109.032 người chết trong các cuộc tấn công “đáng kể” của quân nổi dậy ở Iraq đã được báo cáo cho Lực lượng đa quốc gia – Iraq, bao gồm khoảng 15.000 người chưa được công bố trước đó. Năm 2010, WikiLeaks cũng công bố các “bức điện” ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ, tức là các bức điện mật đã được gửi tới Bộ Ngoại giao Mỹ. Vào tháng 4 năm 2011, WikiLeaks bắt đầu công bố 779 hồ sơ bí mật liên quan đến các tù nhân bị giam giữ trong trại tạm giam Vịnh Guantanamo. Năm 2012, WikiLeaks phát hành “Hồ sơ Syria”, hơn hai triệu email được gửi bởi các chính trị gia, tập đoàn và bộ chính phủ Syria. Năm 2015, WikiLeaks công bố các bức điện ngoại giao của Ả Rập Xê Út, tài liệu mô tả chi tiết việc do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đối với các Tổng thống Pháp kế nhiệm, và chương sở hữu trí tuệ của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một điều gây tranh cãi hiệp định thương mại quốc tế đã được đàm phán trong bí mật.”.

Julian Assange, một nhà hoạt động Internet người Úc, thường được mô tả là người sáng lập và giám đốc của WikiLeaks. Ông hiện đang bị cảnh sát giam giữ tại Luân Đôn sau khi bị Sở Cảnh sát Metropolitan bắt giữ vào ngày 11 tháng 4 năm 2019 vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh của ông vào tháng 12 năm 2010. Ngay trước khi bị bắt, ông ở trong sứ quán Ecuador với tư cách là người xin tị nạn, và đã sống trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012. Tháng 4 năm 2021, Jullian Assange bị cáo buộc xâm nhập vào máy tính chính phủ, liên quan đến vụ việc rò rỉ thông tin mật của Mỹ năm 2010. Jullian Assange có thể đối mặt với bản án lên tới 175 năm tù do Chính phủ Mỹ đã kháng cáo thành công việc Anh cấm dẫn độ Jullian Assange sang Mỹ vào ngày 10 tháng 12 năm 2021 vừa qua.

Nhóm sáng lập và Đơn vị Đồng thuận của AssangeDAO gồm những ai?

Họ là một nhóm bao gồm Jen Robinson (luật sư của Julian Assange), Gabriel Shipton (anh trai của Julian Assange), Stella Moris (hôn thê của Julian Assange), và những người điều hành cộng đồng.

Cách hoạt động của AssangeDAO

Tâm điểm của cuộc đấu giá của AssangeDAO là một tác phẩm nghệ thuật NFT – mang tên “Clock” (nghĩa là Đồng hồ), cho thấy số ngày Jullian Assange bị cầm tù bằng một văn bản màu trắng trên nền đen.

Tương tự như cách làm của “ConstitutionDAO” – dự án xoay quanh việc đấu thầu một trong 13 bản sao của Hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng có sự khác biệt là ở chỗ Hiến pháp có giá trị thực, trong khi “Clock” là do nhóm sáng lập của AssangeDAO tạo ra.

Chính cách làm này đã làm dấy lên sự ngờ vực và làn sóng phản đối trong cộng đồng vì họ cáo buộc dự án là một trò lừa đảo.

Số tiền đấu giá sẽ được sử dụng với mục đích gì?

Trong trường hợp đấu giá thành công, số tiền này sẽ được đưa vào quỹ bảo vệ Jullian Assange để dùng cho mục đích hỗ trợ pháp lý cho anh, hoặc các chiến dịch nâng cao nhận thức về phiên tòa dẫn độ.

Trong trường hợp ngược lại, người dùng được nhận về mã token – JUSTICE tương đương với lượng ETH mà họ đã đóng góp trong vòng 7 ngày.

Kết quả đấu giá

AssangeDAO đã hoàn thành tất cả việc gây quỹ và đấu giá thành công NFT của họ với giá 54.2 triệu đô la. Với số tiền huy động được này, cùng số token phát hành (17 tỷ token JUSTICE) thì giá JUSTICE chỉ khoảng 0,003 đô la. Tuy nhiên, việc JUSTICE giảm một nửa về mức 0,0013 trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hành (một phần do tình hình chung của thị trường đang ở giai đoạn xấu) cũng làm cho cộng đồng tỏ ra thất vọng về dự án.

Giá Justice
Biểu đồ giá Justice trong vòng 24 giờ sau khi phát hành (nguồn: CoinMarketCap)

Tranh cãi về AssangeDAO

Việc giảm giá kịch liệt đã gây xôn xao cộng đồng với hơn 10.000 người dùng quyên góp. Khi quyên góp cho AssangeDAO, dường như đa số người tham gia đã mua token JUSTICE như một sự đầu cơ, với hi vọng giá của nó sẽ tăng như mã PEOPLE của ConstitutionDAO. Việc giảm giá cũng dấy lên mối nghi ngại của cộng đồng về dự án và đội ngũ sáng lập của nó.

Tệ hơn nữa, một số thành viên còn đề xuất khởi kiện nhóm sáng lập AssangeDAO vì vi phạm mô hình quản trị ban đầu AIP 0001 cho chính nhóm sáng lập đề xuất. Theo AIP 0001, đối với bất kỳ quyết định nào của AssangeDAO, một đề xuất trước tiên phải được chia sẻ với các thành viên diễn đàn. Sau đó, nó sẽ được xem xét bởi đơn vị Đồng thuận. Nếu được chấp nhận, nó sẽ được thêm vào Snapshot, một hệ thống bỏ phiếu phi tập trung, những người nắm giữ $ JUSTICE sẽ có thể bỏ phiếu chấp nhận hoặc từ chối đề xuất. Tuy nhiên, AIP 0001 đã không được áp dụng trong lần thực thi đầu tiên của AssangeDAO.

Nhóm của dự án cũng đã mở đợt gây quỹ thứ 2, ngay sau khi đợt gây quỹ đầu tiên kết thúc bất chấp trước đó họ thông báo rằng: sẽ chỉ có một đợt quyên góp.

Ngoài ra, Gabriel Shipton (anh trai của Julian Assange) đã đề xuất giá thầu tối đa của toàn bộ Treasury (kho bạc) trên Clock NFT (16.593 ETH) trong cộng đồng, điều mà hầu hết các thành viên đều phản đối. Tuy nhiên, những lời phản đối đó đã bị phớt lờ  và những người có nhiều chữ ký của AssangeDAO đã đẩy giá lên đến mức tối đa.

Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, cùng với việc nhóm sáng lập rút khỏi AssangeDAO, và nhà điều hành dự án đang bán mã JUSTICE của họ, càng làm thổi bùng lên sự giận dữ trong cộng đồng.

Bán mã token
Nhà điều hành bán mã token

Ngoài 03 đề xuất cho cộng đồng AssangeDAO như: sử dụng ảnh chụp nhanh cho các đề xuất của cộng đồng, AssangeDAO và WikiLeaks đồng quản lý Quỹ Assange và cùng nhau đóng góp để cứu Assange, yêu cầu Juicebox hoàn lại tiền và trả lại 5% phí xử lý cho DAO; cộng đồng cũng đề xuất xử phạt hợp pháp nhóm sáng lập. Tuy nhiên, đã có 02 luồng ý kiến trái chiều liên quan đến việc xử phạt này với 45,53% biểu quyết đồng ý và 54,47% không đồng ý.

Kết luận

Có thể thấy rằng, theo lẽ thường AssangeDAO được xây dựng với một mục đích rất tốt đẹp: đó là đại diện cho công lý (như chính cái tên mã token của nó), rồi lại nhận được sự ủng hộ của tên tuổi hàng đầu ngành – Vitalik Buterin, thì nó ắt sẽ là một dự án đầy tiềm năng và triển vọng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi lớn rằng: mục đích của dự án là để giải phóng một nghi phạm với các cáo buộc nghiêm trọng như phơi bày các dữ liệu bí mật, gây nguy hiểm cho chính phủ Hoa Kỳ cùng bản án có thể lên tới 175 năm, thì liệu dự án này có khả thi hay không? Chưa kể, với tư cách là một khoản đầu tư, các nhà sáng lập dự án cũng đã thực hiện không minh bạch, rõ ràng; không cam kết đúng như mục tiêu ban đầu. Việc chủ động ra mắt token ngay cả khi chưa biết dự án có huy động vốn thành công hay không, cũng làm dấy lên câu hỏi lớn về việc liệu AssangeDAO có thực sự ra đời vì mục đích chính nghĩa, vì công lý, hay vì một mục tiêu nào khác?

GFS hi vọng rằng, bài viết đã giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về dự án AssangeDAO và  cùng khai thác các khía cạnh khác nhau của dự án. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi và thắc mắc nào về dự án thì hãy tham gia vào cộng đồng của GFS Blockchain nhé.

Và đừng quên ghé thăm GFS Blockchain thường xuyên nhé!

 

 

0 0 đánh giá
Article Rating