Tổng quan
Stella, giao thức thuộc lĩnh vực leveraged yield farming, đang là một trong những cái tên “hot” nhất trên hệ sinh thái Arbitrum thời gian gần đây. Dù ra mắt chưa lâu (mainnet từ 21/6), dự án đã thu hút được lượng TVL hơn 1 triệu đô, đem đến sự ổn định nhất định cho nền tảng cũng như trải nghiệm người dùng.
Góp phần vào sự thành công ban đầu này của Stella chính là mô hình “ăn trước, trả sau” (PAYE model) độc đáo, giúp người dùng có thể farming với đòn bẩy cao nhằm tối ưu nguồn vốn mà không cần lo nghĩ quá nhiều về các khoản phí phải trả khi đi vay. Không chỉ vậy, nó còn là “con ruột” của Alpha Venture DAO, dự án đã từng tăng trưởng đến 100 lần trong quá khứ với token $ALPHA cùng lượng khách hàng hùng hậu
Vậy dự án Stella có thực sự tiềm năng không? Mô hình PAYE là gì? Hãy cùng mình tìm hiểu tổng quan mô hình hoạt động, ưu nhược điểm, tokenomics,…của Stella trong bài viết này nhé!
Từ Alpha đến Stella
Trước tiên, chúng ta hãy đề cập đến quá khứ của Stella. Tuy là một dự án mới, nhưng thực tế Stella lại không hề xa lạ, mà chính là Alpha Venture DAO, đội ngũ phát triển đã có hành trình dài trong thị trường crypto và trải qua nhiều thăng trầm phức tạp:
- Alpha Finance Labs được thành lập vào ngày 10/10/2020 với 2 sản phẩm chủ chốt là Homora (nền tảng leveraged yield farming), và AlphaX (nền tảng giao dịch phái sinh).
- Ở giai đoạn đầu, chúng hỗ trợ rất tốt cho nhau, lượng TVL tăng mạnh và đem lại sự thành công lớn cho Alpha Labs. Đặc biệt, thừa hưởng từ cơn sóng “DeFi summer 2020”, token $ALPHA còn tăng trưởng hơn 100 lần so với giá public sales trên Binance, khiến nhiều cộng đồng xôn xao.
- Tuy nhiên, vận hạn đã đến với Alpha không lâu sau đó. Vào ngày 13/2/2021, Homora V2 bị hacker khai thác lỗ hổng (mặc dù đã được audit bởi OpenZeppelin, Quantstamp và Peckshield), khiến người dùng trên nền tảng thiệt hại đến 37,5 triệu đô.
- Hệ quả là Homora và AlphaX đều phải ngưng hoạt động, đội ngũ sử dụng token của chính mình để bồi thường cho đối tác và người dùng (bản kế hoạch đền bù gần đây nhất của Alpha được công bố ngày 11/5/2023 có thể xem thêm tại đây).
- Sau đó, Alpha Finance Labs rebrand thành Alpha Venture Dao (cuối tháng 3/2022) nhằm mở rộng định hướng phát triển từ lab thành venture. Thực tế, nó cũng đạt được một số thành tựu nhất định khi là incubator cho nhiều dự án thành công như Beta Finance, pSTAKE, GuildFi,…
Cuối cùng, vào đầu tháng 6/2023, Alpha Venture Dao rebrand lần nữa thành Stella và lấy nó làm sản phẩm cốt lõi.
Mô hình hoạt động của Stella
Leveraged Yields Farming là gì và tại sao nó chưa hoàn thiện?
Nhìn chung, Stella sử dụng mô hình leveraged yields farming (giống như Homora trước đây) làm chủ đạo, giúp người dùng có thể nâng cao hiệu suất farming (kiếm lợi nhuận thụ động bằng cách cung cấp thanh khoản – hay còn gọi là liquidity provider – trên các nền tảng AMM) thông qua đòn bẩy vốn.
Vd: một người cung cấp thanh khoản bình thường trên cặp USDT/ USDC có thể nhận APR khoảng 5%/ năm. Nhưng nếu sử dụng đòn bẩy x2, họ có thể nhận được APR 10%/năm, trừ đi các khoản chi phí phải trả (lãi suất vay, phí nền tảng,…) thì lợi tức vẫn rơi vào khoảng 7~8%.
Tuy nhiên, đi kèm với khả năng kiếm tiền nhanh chóng, chính là rủi ro bị thanh lý tài sản – tùy thuộc vào 2 chỉ số sau đây:
- Position value (giá trị vị thế): đây là giá trị cặp LP của bạn (đã tính đòn bẩy). Position value có thể thay đổi tùy theo biến động giá của 2 token được thêm vào.
- Debt ratio (tỉ lệ nợ): Là tỉ lệ tài sản vay mượn/ position value. Debt ratio sẽ thay đổi khi position value thay đổi, và khi nó đạt đến 1 giá trị nhất định (tùy vào nền tảng, hay cặp LP bạn chọn), vị thế LP của bạn sẽ bị thanh lý nhằm đảm bảo việc trả nợ đòn bẩy.
Vd: Ban đầu, bạn có $50 –> sử dụng đòn bẩy x2 để nâng vị thế lên $100 (vay thêm 50$) –> tỉ lệ debt ratio là 50% ($50/$100), biết rằng theo quy định của smart contract, debt ratio tối đa cho vị thế này là 90% –> tuy nhiên, do biến động giá, position value của bạn chỉ còn $55 –> debt ratio vượt quá 90% ($50/$55) –> cặp LP của bạn bị thanh lý ngay lập tức để chắc chắn rằng chủ nợ có thể thu hồi được $50 đã cho vay.
—–> Xem thêm: Leveraged Yields Farming là gì?
Lưu ý rằng, để đưa ra được một chiến lược farming hiệu quả, bạn không chỉ cần cân nhắc những rủi ro có thể gặp phải, mà còn cần thường xuyên kiểm tra chênh lệch lãi suất, tránh trường hợp “lỗ ngược” xảy ra (lãi suất farming < lãi suất cho vay). Bởi lẽ, trong một số thời điểm (vd lượng người đi vay quá lớn), lãi suất vay vốn có thể lên rất cao.
Như vậy, về cơ bản, đây là một mô hình lose – win và không bền vững (vì nó đẩy phần lớn rủi ro cho người farming hơn là người cho vay), có thể đẫn đến nhiều hệ quả như:
- Người dùng dễ chán nản và rời bỏ nền tảng khi thị trường thường xuyên biến động mạnh.
- Hạn chế khả năng mở rộng của giao thức (vì càng nhiều người vay thì lãi suất càng cao)
- Độ trung thành của khách hàng không cao, các nền tảng có cùng phương thức hoạt động phải thường xuyên cạnh tranh nhau bằng nhiều hình thức khác nhau (vd sử dụng token của mình để làm phần thưởng thêm), v.v.
Để giải quyết bài toán trên cũng như để tấn công vào một thị trường ngách ít cạnh tranh hơn (phù hợp với dự án đã unlock hơn 80% tổng cung và đội ngũ vận hành không còn nắm nhiều token như $ALPHA), Stella đã áp dụng thêm cơ chế PAYE (Pay-As-You-Earn) vào mô hình leveraged yields farming của mình.
Cơ chế PAYE (Pay-As-You-Earn)
Đúng như tên gọi của nó, PAYE cho phép người dùng (được gọi là leveragoors) chỉ cần phải trả phí khi kiếm được lợi nhuận thông qua farming. Đồng nghĩa rằng, nếu họ bị lỗ trong quá trình này, mọi dịch vụ đều là miễn phí (0% lãi suất vay mượn và 0% phí nền tảng).
Nếu so với những hình thức trước đây, PAYE có thể tạo ra mối quan hệ bền vững, cùng phát triển (win-win) khi cân đối tốt hơn rủi ro và cơ hội cho cả 2 bên, trong đó, leveragoors có trách nhiệm kiếm tiền và lender có trách nhiệm cung cấp vốn.
Sau khi có farming có lãi, lợi nhuận sẽ được chia sẻ cho các bên thông qua ví dụ sau đây:
- Một người sử dụng đòn bẩy x4, sau khi đóng vị thế kiếm được $200 lợi nhuận
- APR của cặp farming là 60,83% (đã tính đòn bẩy).
- Yields cut chia cho lender trong trường hợp là 31,36% (dựa theo đồ thị bên dưới). Điểm độc đáo của cơ chế tính toán này là APR càng cao, yields cut cho lender càng thấp và leveragoors nhận được nhiều phần thưởng hơn. Thực tế, điều này khá hợp lý vì APR cao đồng nghĩa với việc biến động giá của position value cũng như rủi ro cho người cung cấp thanh khoản cao hơn.
- Do sử dụng đòn bẩy x4 (tỉ lệ vốn ban đầu là 25%), nên $50 sẽ được chuyển cho leveragoors (gọi là base yields)
- $150 còn lại (phần vốn đòn bẩy) được chia giữa leveragoors là lenders. Bằng cách áp dụng 31,36% yields cut, lenders sẽ nhận được $47,04, trong khi leveragoors “đút túi” thêm $102,96.
- Cuối cùng, Stella sẽ chỉ thu 25% phí nền tảng đối với $47,04 của lenders.
—–> Xem thêm: Cơ chế chia sẻ lợi nhuận của Stella tại đây.
Tuy nhiên, vì sử dụng PAYE (chỉ ghi nhận lợi nhuận khi người dùng đóng vị thế) thay vì IRM (interest rate model) như các phương thức truyền thống, lender không thể có 1 nguồn tiền lãi đều đặn, cũng như sẽ bị “chôn vốn” nếu như leveragoors quyết tâm “ôm” vị thế đến cùng. Từ đó, dòng tiền bị tắc nghẽn, thanh khoản và khối lượng giao dịch thấp, thậm chí, có thể xảy ra hiện tượng “người dùng mới không có vốn để vay”, gây khó khăn cho quá trình phát triển của giao thức.
Để giải quyết vấn đề trên, Stella buộc phải quy định thời điểm đáo hạn (expiration date) tối đa cho 1 vị thế là 30 ngày. Khi vượt qua khoảng thời gian này, bất kể là người dùng đang thua lỗ hay có lợi nhuận, nó sẽ tự động bị thanh lý (với một mức liquidation discount như phần thưởng dành cho người thực hiện việc thanh lý). Có thể nói, đây cũng chính là nhược điểm hiện hữu nhất của Stella và PAYE.
Note: hiện tại, có thể đội ngũ Stella đang đảm nhiệm chức năng liquidators (do chưa xuất hiện trên UI người dùng), đem lại sự tập trung và thiếu minh bạch không cần thiết trong việc thanh lý tài sản.
—–> Xem thêm: cơ chế thanh lý của Stella tại đây.
Công nghệ và sản phẩm của Stella
Nền tảng của Stella có 2 chức năng chính là:
- Strategy (dành cho leveragoors): cho phép người dùng cung cấp thanh khoản để kiếm lợi nhuận trên các nền tảng đối tác với mức đòn bẩy và chiến lược tùy chỉnh
- Lend (dành cho lenders): cho phép người dùng cung cấp vốn vay cho leveragoors và nhận phần thưởng thụ động.
Stella Strategy
Đối với Stella Strategy, leveragoors có thể farm đòn bẩy tối đa là 4x cho cặp LP biến động (gấp đôi so với sản phẩm cũ là Homora) và 10x cho cặp LP ổn định. Hiện tại, tất cả chúng đều nằm trên Uniswap V3, nơi có khối lượng giao dịch cực lớn và có thể đảm bảo cho việc tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên trong tương lai, Stella sẽ dự kiến tích hợp thêm nhiều nền tảng AMM khác như GMX, Camelot…và thậm chí là pool từ cộng đồng, nhằm đem lại sự đa dạng hơn nữa cho khách hàng trong việc tìm kiếm chiến lược farming.
Không chỉ vậy, nó còn xây dựng các biện pháp bảo vệ cần thiết cho lenders và đối tác, bao gồm:
- Thiết lập smart contract cho phép thanh lý LP của levergoors khi có vấn đề xảy ra, bảo toàn vốn của lenders và giảm thiểu khả năng nợ xấu của nền tảng.
- Leveragoors cần giữ tối thiểu 30 phút (tối đa 30 ngày) cho 1 vị thế, tránh gây ra sự biến động liên tục trên nền tảng đối tác và ngăn chặn hành vi spam giao dịch (hoặc là DDos attack) của một số tổ chức/ người dùng
Stella Lend
Stella Lend hiện chỉ chấp nhận 7 loại tài sản phổ biến trên Arbitrum bao gồm WBTC, ETH, USDT, USDC, ARB, RDNT, và GMX. Nhưng theo thời gian, khi số lượng LP tăng lên, số lượng tài sản được phép cho vay cũng sẽ tăng thêm, đem lại cho lender nhiều cơ hội sử dụng vốn hơn.
Không chỉ vậy, mức lãi suất của một số tài sản như GMX, ETH, USDC trên Stella Lend cũng khá hấp dẫn so với nhiều nền tảng lending khác (xem hình bên dưới). Bởi lẽ cơ chế “APR càng cao, yields cut cho lender càng thấp” (thoạt nhìn có vẻ bất lợi cho lender), thực tế sẽ khuyến khích các leveragoors có kỹ năng hướng đến mức sinh lời cao hơn và giao dịch nhiều hơn, giúp tăng lợi suất của cả 2 bên.
Một số tính năng nổi trội khác của Stella Lend có thể kể đến như:
- Yield Vault: lợi nhuận kiếm được từ leveragoors sẽ không phân bổ trực tiếp đến lender mà phải đi qua một Yield Vault, nơi mà 3% tài sản bên trong sẽ được trích ra hằng ngày để trả thưởng . Điều này giúp tạo ra dòng thu nhập đều đặn cho lender, nhưng trên hết, ngăn chặn tình trạng “cá mập” nạp một lượng tiền lớn vào lending pool nhằm chiếm tỉ trọng chia sẻ lợi nhuận đáng kể ngay trước khi trả thưởng.
- Withdrawal Delay: do việc phân phối lợi nhuận hàng ngày theo cơ chế của Yield Vault, sau khi nạp tiền vào lending pools, lender phải đợi tối thiểu 2 ngày để có thể rút tiền ra, tránh gây ra sandwich attack trên nền tảng.
—–> Xem thêm: Sandwich attack là gì?
Đội ngũ phát triển của Stella
Bởi vì là sản phẩm rebrand, đội ngũ phát triển Stella cũng xuất thân từ chính Alpha Finance Labs và Alpha Ventures DAO, với Tascha là CEO, Nipun là Tech Lead, Arin là Product Lead, cùng 20 thành viên khác. Họ đều là những nhân tài trẻ tuổi, nhiệt huyết và có kinh nghiệm trong cả lĩnh vực tài chính lẫn blockchain. Có lẽ đây cũng là lý do Alpha liên tục chuyển mình, bất chấp dự án cũ đang thành công hay thất bại.
- Tascha Punyaneramitdee – CEO: cô tốt nghiệp tại Đại học danh tiếng UC Berkeley California; từng làm trưởng phòng chiến lược tại Band Protocol, giám đốc sản phẩm tại Tencent, chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies trước khi thành lập Alpha Finance Labs.
- Nipun Pitimanaaree – Tech Lead: Nipun tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện và Khoa học máy tính tại MIT. Anh từng giành được bốn huy chương vàng và một huy chương bạc trong các cuộc thi Olympic toán học quốc tế. Ngoài ra, Nipun còn là cựu Giám đốc Nghiên cứu tại OZT Robotics trước khi tham gia Alpha Finance Lab.
- Mặc dù thông tin về Product Lead Arin không có nhiều, tuy nhiên Stella vẫn còn một cái tên nổi trội khác là Chester Szeen, một thanh niên với bảng thành tích “cực khủng”:
- Cố vấn tại Alpha Venture DAO
- Cố vấn tại Outlier Venture
- COO Seedify
- Founder ví điện tử Mellow
- Forbes 30 under 30 Asia…
Tài chính – backers
Stella thực tế không có thêm nguồn tài trợ nào mới, danh sách backer chủ yếu đến từ thời điểm thành lập Alpha Finance Labs:
- 2 triệu đô: Private sale cho các quỹ đầu tư như Binance Labs, Delphi Ventures, Multicoin Capital, Spartan, …
- 1,67 triệu đô: Binance Lauchpad
Nếu trước đây Homora được audit bởi 3 tổ chức là OpenZeppelin, Quantstamp và Peckshield, thì Stella chỉ được audit bởi Peckshield và Trust Security
Stella tokenomics
Stella vẫn sử dụng token cũ là $ALPHA (và chưa có kế hoạch ra mắt token mới) với tổng cung là 1,000,000,000 token được phân bổ như sau:
Tính tới thời điểm hiện tại $ALPHA đã unlock xấp xỉ 80%, đem lại cho holder mức lạm phát thấp và thích hợp để nắm giữ dài hạn.
Ngoài ra các chủ sở hữu token có thể stake $ALPHA để gia tăng bảo mật cho giao thức Stella và nhận lại những giá trị được tích lũy trong hệ sinh thái. Cụ thể là:
- 50% doanh thu của Stella (đến từ 25% lợi nhuân của lenders) được trả cho những người stake $ALPHA, 50% còn lại dùng để đền bù cho các khách hàng bị thiệt hại từ sự kiện của Homora.
- Airdrop token của các dự án được incubated bởi Alpha Venture Daos trước đây:
- Beta Finance
- pSTAKE Finance
- GuildFi
- TiTi protocol (chưa ra token)
- Contango (chưa ra token)
- Metaforo (chưa ra token)
- Sharpe (chưa ra token)
- Daft Analytics (chưa ra token)
- Quyền biểu quyết trên các đề xuất quản trị đến từ Stella và cộng đồng.
Nhìn chung, đội ngũ dự án cũng rất minh bạch trong việc này, và thường xuyên cập nhật trạng thái của $ALPHA staking.
Cộng đồng
Dưới đây là một số cộng đồng và kênh truyền thông của Stella mà bạn có thể tham gia
Official Accounts:
Telegram:
Unofficial Telegram Accounts:
Tổng kết
Như vậy, qua bài viết trên, mình đã tổng hợp những đặc điểm độc đáo nhất của Stella – một trong những nền tảng đang lên “như diều gặp gió” trên hệ sinh thái Arbitrum. Theo quan điểm cá nhân của mình, Stella là một dự án tốt, có mô hình mới lạ, cùng đội ngũ vận hành tài năng và tâm huyết, bất chấp những tai tiếng trước đó của Homora. Tuy nhiên, để có góc nhìn chân thực nhất và có cảm nhận của riêng mình, bạn vẫn nên dành thời gian trải nghiệm các sản phẩm trên giao thức.
Nếu bạn thích bài viết này hay còn những suy nghĩ nào khác về dự án Stella, hãy comment xuống dưới cho chúng mình biết nhé!