Sự sụp đổ kinh hoàng của sàn crypto trị giá hơn 32 tỷ đô FTX và công ty Alameda Research gần đây một lần nữa khiến những người vốn có thành kiến với crypto càng không tin tưởng vào thị trường. Tuy nhiên, sự sụp đổ của FTX khác hoàn toàn so với những gì mà cộng đồng tin tưởng vào blockchain và Web3 đang cố gắng xây dựng.
FTX sụp đổ không phải do thiếu luật hay do hạ tầng hệ thống bị hỏng, mà hoàn toàn là do lỗi của con người. Vì vậy, thay vì lên án ngành công nghiệp crypto, sự sụp đổ của FTX càng chứng minh rằng các công nghệ Web3 có sự phi tập trung, minh bạch và mở có thể bảo vệ người dùng tốt hơn, chúng cũng hỗ trợ một hệ thống tài chính kỹ thuật số công bằng và linh hoạt hơn.
Cùng GFI blockchain tìm hiểu chi tiết tại bài này, được viết bởi Illia Polosukhin – đồng sáng lập Near Protocol và Unchain Fund đăng trên CoinDesk
Đế chế FTX của Sam Bankman-Fried thiếu vắng hoàn tọàn sự phi tập trung và tính minh bạch. Sự sụp đổ của FTX tương đồng với các tổ chức tài chính sử dụng đòn bẩy quá mức và họ đã thất bại vào năm 2008, khác hoàn toàn với những thứ mà ngành công nghiệp blockchain đang xây dựng.
Lý do rất đơn giản: FTX bị tập trung hóa do đó nó hạn chế sự tham gia của cộng đồng, ít người sở hữu và thậm chí còn ít người quản lý và biết thực sự FTX đang làm gì. Sàn FTX kiểm soát sổ đặt lệnh và tiền của người dùng, sử dụng sai mục đích tiền của người dùng.
Bitcoin, blockchain đầu tiên, cho phép chuyển giao giá trị ngang hàng giữa hai bên ở bất kỳ đâu trên thế giới mà không cần bên trung gian như công ty hay ngân hàng. Ethereum là blockchain thế hệ 2 giới thiệu hợp đồng thông minh có thể lập trình, cho phép toàn bộ ứng dụng chạy trên mạng phân tán toàn cầu của Ethereum.
Giờ đây, có rất nhiều blockchain có thể lập trình như vậy và tạo thành xương sống của Web3, tạo nên cách mạng phi tập trung hóa cơ sở hạ tầng internet qua cách sử dụng các công nghệ blockchain.
Các mạng blockchain mở này chạy trên sổ cái mở, minh bạch, bất kỳ ai cũng có thể xác minh hồ sơ giao dịch đó. Lợi ích của các hệ thống phi tập trung là chúng minh bạch, vì vậy các bên liên quan biết điều gì đang xảy ra; chống kiểm duyệt, vì vậy rất khó để những kẻ xấu khai thác hoặc chiếm đoạt, cùng khả năng cải tiến, cập nhật để blockchain có thể thích ứng với những thách thức mới.
Các sàn giao dịch tập trung rất hữu ích với vai trò là điểm khởi đầu và kết nối giữa tiền pháp định và tiền điện tử. Các sàn tập trung này có khoản dự trữ và bảng cân đối kế toán thường được giữ kín. Tuy FTX được hợp pháp trên khắp các khu vực, số phận của FTX lại giống như 2 ngân hàng lớn Bear Stearns và Lehman Brothers – cả 2 đều sụp đổ và là vết nhơ của ngành tài chính.
Giả sử các nhà đầu tư và người dùng FTX có quyền truy cập vào các thông tin mà người dùng của các giao thức DeFi như Uniswap và Aave có, thì sự sụp đổ này gần như không thể xảy ra. Với sàn phi tập trung, người dùng hoàn toàn có toàn quyền kiểm soát tiền của bản thân họ và còn có thể tham gia quản trị nền tảng.
Sau vụ FTX, một số sàn giao dịch tập trung khác đã bắt đầu nhanh chóng công bố tài sản dự trữ của họ thông qua PoR, đặc biệt là Binance và Crypto.com . Mặc dù các khoản dự trữ không tiết lộ các khoản nợ tương ứng mà sàn phải xử lý, những đây vẫn là tín hiệu tích cực khi các tổ chức tập trung áp dụng và minh bạch hóa thông tin qua việc áp dụng các hoạt động của các tổ chức phi tập trung.
Sự sụp đổ của FTX nêu bật sự cần thiết của việc chúng ta phải tiếp cận việc này theo cách phi tập trung hơn.
Trong vụ việc FTX và Celsius Network (tổ chức tập trung mới sụp đổ vào tháng 7/2022) đều phải đã hoàn trả các khoản vay DeFi của mình trước khi công khai tuyên bố phá sản, họ phải làm như vậy để có thể rút được phần tài sản còn lại ra.
Đây là bằng chứng rõ ràng về sự cần thiết của các hệ thống tuân thủ và kế toán minh bạch giúp bảo vệ người tham gia.
Phương pháp hay nhất áp dụng cho DeFi và các dự án tiền điện tử tập trung, ngoài việc tự tiết lộ các khoản dự trữ và các trách nhiệm pháp lý, có thể bao gồm việc đăng ký tài sản trên chuỗi hoặc đăng giao dịch bắt buộc.
Đối với các sàn giao dịch, cách tiếp cận kết hợp có thể tránh được việc sàn giao dịch lưu giữ tiền của người dùng một cách không rõ ràng trong khi vẫn cung cấp khả năng đáp ứng pháp lý thông qua các tổ chức tập trung.
Luật pháp hoạt động trong hệ thống khép kín. Trong khi mã nguồn của DeFi thì mở, cùng với khả năng giải trình công khai có thể tiến xa hơn nữa trong việc giúp chuyển đổi Web3 sang một tương lai tốt đẹp hơn. Bằng cách chấp nhận tính minh bạch của DeFi trong khi tiếp tục phát triển vào các công nghệ bảo vệ quyền riêng tư như các giao thức zero-knowledge (mã hóa không kiến thức), chúng ta có thể tránh các tình huống vi phạm pháp luật, đồng thời tạo ra môi trường an toàn hơn cho người dùng cá nhân và các dự án Web3 phát triển và đem lại giá trị cho thế giới thực.
“Tôi đã suy nghĩ về những vấn đề về niềm tin và hệ thống tài chính công bằng hơn này kể từ khi tôi xây dựng các dự án đầu tiên của mình với tư cách là một lập trình viên lớn lên ở Ukraine. Tôi tin vào Web3 vì tôi muốn xây dựng các hệ thống không dễ bị hỏng hoặc bị kẻ xấu chiếm đoạt. Tôi muốn công dân trên toàn cầu có thể kiểm soát tài sản và dữ liệu của chính họ thay vì phải tin tưởng vào một ngân hàng không đáng tin cậy hoặc bị loại khỏi hệ thống hoàn toàn vì tình trạng kinh tế của quốc gia bản địa của họ. Sau các sự kiện vừa rồi, hơn bao giờ hết tôi tin rằng thế giới cần Web3 để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt hơn cho hành tinh. FTX không phải là crypto. Chúng ta đừng đánh đồng toàn bộ ngành công nghiệp bằng sự thất bại của FTX”
– Illia – Co-founder NEAR Protocol và Unchain Fund