Tại một hội nghị tiền mã hóa được tổ chức vào ngày 7 tháng 9, Rama Subramaniam Gandhi – Cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) nói rằng tiền mã hóa có thể được sử dụng để thanh toán cho các hoạt động kinh tế nhưng ông xem chúng là một loại tài sản nhiều hơn.
Tình hình pháp lý ở Ấn Độ vẫn chưa rõ ràng với các dự luật và luật pháp vẫn đang được các chính trị gia nghiền ngẫm. Đầu tháng này, chính phủ đã thông báo rằng họ đang làm việc về một dự luật để xác định tiền mã hóa là hàng hóa và chúng có thể bị đánh thuế. Nếu được thông qua, luật sẽ không cho phép tiền mã hóa được sử dụng để thanh toán mà thay vào đó sẽ được giao dịch và đầu tư như tài sản.
Vào năm 2018, ngân hàng Trung ương của nước này đã cấm tất cả các ngân hàng thương mại cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa. Tuy nhiên, phán quyết đã bị Tòa án tối cao lật lại vào tháng 2 năm 2020.
Gandhi, người đã phục vụ tại ngân hàng Trung ương từ năm 2014 đến năm 2017, cho rằng tiền mã hóa cần được coi như một tài sản hoặc hàng hóa và bị đánh thuế tương ứng. Việc phát triển một khuôn khổ quy định và xử lý chúng như vậy sẽ cho phép người Ấn Độ đầu tư và nắm giữ tài sản kỹ thuật số.
Cựu giám đốc ngân hàng Trung ương cho rằng tiền mã hóa sẽ được sử dụng cho tội phạm nếu không có quy định hoặc sự giám sát của chính phủ. Ông nói rằng các giao dịch có thể được theo dõi thông qua một kho lưu trữ trung tâm để tạo thuận lợi cho thương mại và ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp.
Gandhi tuyên bố rằng chính phủ nên có tư tưởng cởi mở đối với các giao dịch kinh tế liên quan đến tiền mã hóa, nhưng cũng cảnh báo về các tính năng ẩn danh của một số nền tảng blockchain, đồng thời nói thêm rằng xã hội phải tuân thủ mọi quy tắc, pháp luật do nhà nước đặt ra.
“Một nhà nước sẽ luôn muốn trao quyền tự do cho công dân của mình trong các giao dịch kinh tế. Nó thực thi các nghĩa vụ hợp đồng, thuế thu nhập và lợi nhuận. Vì vậy, bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng nên chấp nhận được những điều này ”.