Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về việc đào Bitcoin (Bitcoin mining), đây là một cách truyền thống và cũng khá phổ biến để kiếm được lợi nhuận từ thị trường Crypto ngoài những cách kiếm tiền khác như giao dịch trên các sàn (trade), nhận tiền lãi khi tham gia gửi tiết kiệm (staking), khai thác thanh khoản (farming) hoặc đơn giản là nhận được phần thưởng khi tham gia trải nghiệm sản phẩm (retroactive), tham gia các nhiệm vụ airdrop, bug bounty…

Bitcoin Mining là gì?

Như các bạn đã biết, Bitcoin là một loại tiền mã hóa hoạt động dựa trên công nghệ blockchain. Bitcoin mining được hiểu đơn giản là việc sử dụng các thiết bị máy móc chuyên dụng để giải các thuật toán nhằm xử lý và xác nhận các giao dịch trên mạng lưới Bitcoin, việc này đồng thời cũng tạo ra khối mới (block) để thêm vào blockchain. Sau khi thực hiện việc này, những người tham gia sẽ được trả một khoản Bitcoin được xem như là thù lao.

Bitcoin mining
Bitcoin mining

Trên thị trường hiện này có hai hình thức đào Bitcoin phổ biến:

  • Cloud Mining: Là hình thức khai thác sử dụng công nghệ đám mây, thông qua một đơn vị trung gian. Với hình thức này, thợ đào sẽ đăng ký và ký kết hợp đồng đào coin với bên trung gian – đơn vị đứng ra thiết lập các dàn đào coin và duy trì hoạt động của chúng. Cloud Mining sẽ là lựa chọn hợp lý cho những ai không muốn đầu tư nhiều vào trang thiết bị, tự cài đặt phần mềm để khai thác. Tuy nhiên, chi phí ban đầu bỏ ra để sở hữu các hợp đồng khá cao, người dùng nên tìm hiểu kỹ để tránh gặp phải những tổ chức, đơn vị kém uy tín.
  • HardWare Mining: Là hình thức khai thác Bitcoin bằng phần cứng, thợ đào bắt buộc phải đầu tư những trang thiết bị, dụng cụ cần thiết như máy đào, hệ thống mạng, cơ sở vật chất,… Với HardWare, người dùng chủ động trong việc điều chỉnh khối lượng, mục tiêu và sản lượng khai thác. Trong suốt quá trình xây dựng hoàn thiện và vận hành hệ thống máy đào, những chi phí phát sinh là tiền điện, tiền mặt bằng, tiền bảo trì,…

Một số loại máy đào phổ biến trên thị trường hiện nay:

Bitmain Antminer S9 là dòng máy đào coin tốt nhất thế giới hiện nay với Hash rate 13.5 – 14 TH/s. Sản phẩm này được sản xuất tại Trung Quốc và ngày càng được ưa chuộng rộng rãi. Ưu điểm:

  • Thiết kế đơn giản;
  • Thao tác sử dụng dễ dàng;
  • Thời gian khởi động nhanh chóng;
  • Chỉ số điện tiêu thụ ít chỉ 1.300W;
  • Sức mạnh tính toán cao;
  • Mỗi ngày lợi nhuận máy kiếm được khoảng 0,0009803 Bitcoin.

Pangolin Miner M3X với Hash Rate 12 – 13 TH/s, được xem là một trong những thiết bị đào coin mạnh nhất thị trường. Trong khi S9 và những thiết bị khác sử dụng các chip ASIC 16nm, thì M3X có gần 200 chip 28nm, tiêu thụ khoảng 1.800W đến 2.000W điện năng. Ưu điểm của sản phẩm có thể kể đến như sau:

  • Thiết kế chip có kích thước lớn hơn những dòng sản phẩm thông thường;
  • Giá cả phải chăng so với những sản phẩm được bán trên thị trường.

Bitmain Antminer T9 với Hash Rate 11.5 – 12.5 TH/s. Tuy không mạnh như các dòng sản phẩm khác nhưng nó có chế độ bảo hành lâu hơn. Sản phẩm này được lựa chọn phổ biến với các ưu điểm:

  • Độ tin cậy cao;
  • Bảo hành dài hạn hơn sản phẩm S9 của Bitmain Antminer;
  • Khả năng tính toán nhanh chóng 11,5 – 12,5 TH.

Ngoài ra còn nhiều loại máy có thể tham khảo khác như: DragonMint T1, Antminer R4, M3X, Antminer S19 Pro, WhatsMiner M30S+,…

Bitman antminer S9
Bitman Antminer S9

Lợi nhuận

Khi một giao dịch được hoàn thành, các thợ đào tham gia vào giao dịch này sẽ nhận được một phần coin từ phí giao dịch do những người thực hiện giao dịch trả. Ngoài ra, khi một block được tạo mới, thợ đào cũng sẽ nhận được một lượng coin. Đây là động lực của các thợ đào tham gia đào coin.

Lợi nhuận từ việc đào coin phụ thuộc vào công suất máy đào. Bạn có thể tham khảo cách tính lợi nhuận đào Bitcoin bằng cách truy cập cryptocompare.com, tại mục Toplist chọn Mining Calculator sau đó điền các thông số trên máy đào bao gồm Hashing Power, Power consumption, Cost per KWh(s) và Pool Fee.

Cryptocompare.com
Nguồn: Cryptocompare.com

Dữ liệu onchain

Dữ liệu onchain là toàn bộ dữ liệu được ghi nhận trên Blockchain, nếu bạn muốn tìm hiểu về chủ đề này, tham khảo bài viết tại đây. Đây là nguồn dữ liệu đáng tin cậy, sở hữu các đặc tính như minh bạch, công khai, trung thực, chính xác và dữ liệu thời gian thực. Tham khảo thông tin dữ liệu onchain giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, phục vụ cho việc đưa ra quyết định đầu tư. Đối với Bitcoin mining, một số thông tin onchain có thể tham khảo là:

Hash rate

Hashrate hay còn được gọi là “Tỷ lệ băm” là thước đo sức mạnh tính toán được sử dụng để xác minh các giao dịch và thêm các khối trong chuỗi khối Proof-of-work (PoW) giống như Bitcoin. Trong mạng lưới Bitcoin, Hashrate của Bitcoin là tốc độ tính toán của máy đào (Miner) để giải thuật toán SHA-256, nó còn được xem là sức mạnh băm (Hash power), băm trên giây (Hash per second) là thước đo hiệu suất của miner. Nó là đơn vị đại diện cho số lượng tính toán SHA-256 kép được thực hiện trong một giây. Bạn có thể xem Hash Rate của Bitcoin tại đây.

Hash rate. Nguồn: glassnode
Hash Rate. Nguồn: glassnode.com

Nhìn chung, nhiều người đồng ý rằng sự suy giảm của Hash Rate cũng chứng minh các miner đã rời bỏ mạng dẫn đến giá BTC sụt giảm và ngược lại.

Hình trên đại diện Total Hash Rate của Bitcoin từ lúc ra đời tới thời điểm hiện tại. Nó có nhiều tương quan với giá BTC, vì vậy một số nhà phân tích on-chain thường quan sát sự tăng giảm của Total Hash Rate để dự đoán xu hướng giá của BTC.

Mining Difficulty

Mining Bitcoin giống như một cuộc đua của các Miner để tìm ra đáp án của một bài toán khó. Độ khó của bài toán này được tự động cân chỉnh sao cho trung bình cứ khoảng mỗi 10 phút chỉ có một thợ đào (hoặc một nhóm hợp lại) giải được một block. Tóm lại, blockchain sẽ tăng độ khó của mạng khi việc khai thác trở nên dễ dàng và giảm độ khó của mạng khi việc khai thác trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, độ khó mining Bitcoin sẽ tùy thuộc vào lượng Hash Rate trong hệ thống. Để dễ hiểu hơn thì Hash Rate biểu thị cho sức mạnh của các miner trong hệ thống, tốc độ Hash Rate Bitcoin càng cao dẫn đến tốc độ bảo mật và tốc độ tổng thể càng cao. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến độ khó tăng cao vì các blockchain này cần kiểm soát Hash Rate để sản xuất ra lượng BTC tiếp theo phục vụ cho việc đào. Đây là lý do tại sao khi Hash Rate trở nên cao, độ khó của Mining Bitcoin cuối cùng cũng cao hơn và gây ảnh hưởng đến các miners đặc biệt là người mới.

Ngược lại nếu Hash Rate giảm thì độ khó của mạng cũng sẽ giảm. Hash rate có thể giảm vì khai thác Bitcoin hiện có độ khó cao, do đó công ty khai thác đang gặp khó khăn trong việc khai thác. Hoặc giá Bitcoin đã đi xuống dẫn đến nhiều người khai thác bỏ đi.

Bitcoin Mining Difficulty
Bitcoin Mining Difficulty. Nguồn: glassnode.com

Hash Rate Distribution

Hash rate distribution
Hash Rate Distribution.Nguồn: Blockchain.com tại ngày 28/7/2022

Hash Rate Distribution cung cấp thông tin về thị phần của các nhóm khai thác bitcoin phổ biến nhất. Chỉ nên sử dụng thông tin này như một ước tính sơ bộ và vì nhiều lý do sẽ không chính xác hoàn toàn. Một phần lớn các nhóm hoặc cá nhân được đưa vào danh mục ‘Unknow – Không xác định’ là tập hợp các nhóm hoặc cá nhân khai thác với mức độ nhỏ hơn các nhóm lớn.

Các nhóm hoặc công ty khai thác chiếm thị phần lớn hiện nay là AntPool, F2Pool, Poolin, ViaBTC, SlushPool và SBI Pool.

AntPool thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của Bitmain, một công ty chuyên cung cấp các máy đào được thành lập ở Hong Kong. Bitmain thiết kế các tấm silicon được sử dụng trong dàn máy đào bitcoin của mình, lắp ráp và bán chúng cho khách hàng trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, họ cũng vận hành các dàn máy đào của riêng mình, tạo nên những Pool Bitcoin khổng lồ khi đào thuê theo hợp đồng cho những người khác, và cuối cùng họ quản lý hàng loạt “pool” – các mỏ khai thác lớn nhất thế giới – các tập hợp sức mạnh xử lý lớn đến nỗi chúng có thể cải thiện nhanh chóng tỷ lệ thành công cho việc đào thành công.

Giờ đây, Bitmain có thể là công ty có ảnh hưởng nhất tới nền kinh tế Bitcoin nhờ vào sức mạnh tính toán vượt trội hay hash rate (tỷ lệ băm: tốc độ, sức mạnh tính toán của mạng lưới Bitcoin), mà họ kiểm soát được.

F2Pool là một nhóm khai thác hàng đầu với hơn 2 triệu người dùng hoạt động trong hiệp hội thợ mỏ của họ, trong đó hơn 50% là người Trung Quốc. Ngoài phần thưởng hệ thống, người dùng sẽ nhận được phần thưởng 3% khi sử dụng F2Pool, đây là một nhóm độc quyền cho hoạt động thanh toán P2P. Phí rút tiền trong F2Pool không vượt quá 4% và nó cũng được thanh toán hàng ngày.

Ngoài ra, một số chỉ số onchain khác có thể tham khảo như: Block Height, Blocks Mined, Fees, Miner Revenue,…

Thách thức

Vấn đề môi trường

Các cỗ máy đào Bitcoin hoạt động 24/7 tiêu tốn một lượng năng lượng lớn. Không có cách trực tiếp để tính toán lượng năng lượng được sử dụng cho khai thác Bitcoin, nhưng con số này có thể được ước tính từ hashrate của mạng và mức tiêu thụ của các giàn máy khai thác. Theo ước tính khác của Digiconomist, một trang web phân tích tiền mã, mức điện năng tiêu thụ của Bitcoin là 130,3 tWh, dựa trên mức tiêu thụ năng lượng cho đến ngày 9 tháng 7 năm 2022. Con số này tính vào khoảng 1455,8 kWh cho mỗi giao dịch, bằng lượng điện năng tiêu thụ của hộ gia đình Mỹ trung bình trong 49,9 ngày.

Digiconomist cũng ước tính rằng mạng Bitcoin chịu trách nhiệm cho khoảng 73 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm – bằng với lượng do quốc gia Turkmenistan tạo ra.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge báo cáo rằng hầu hết hoạt động khai thác Bitcoin diễn ra ở Mỹ, Trung Quốc và Kazakhstan. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, khoảng 76% năng lượng tiêu thụ ở Trung Quốc được tạo ra từ than đá và dầu thô. Phần trăm tỷ lệ băm toàn cầu của Trung Quốc là 21%. Khoảng 38% hoạt động khai thác diễn ra ở Mỹ. Theo dữ liệu năm 2019 từ Cơ quan năng lượng quốc tế (EIA), Mỹ thu được hầu hết điện bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch. Kazakhstan chiếm 13% lượng khai thác Bitcoin trên thế giới và chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Kết quả là, ba quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch chịu trách nhiệm cho khoảng 72% khai thác Bitcoin trên thế giới.

Ngoài vấn đề về điện năng, khai thác Bitcoin cũng tạo ra lượng chất thải đáng kể, vì phần cứng khai thác nhanh chóng trở nên lỗi thời. Điều này đặc biệt đúng đối với các máy khai thác Mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng (ASIC), là những máy chuyên dụng được thiết kế để khai thác các loại tiền mã hóa phổ biến nhất. Theo Digiconomist, mạng Bitcoin tạo ra khoảng 36 nghìn tấn rác thải điện tử mỗi năm.

Trước đây, Trung Quốc là thánh địa của việc khai thác Bitcoin, chiếm gần ¾ tổng số thợ đào ở thời kỳ đỉnh cao. Nhưng đến tháng 5/2021, Bắc Kinh đã quyết định ra các chính sách trục xuất các công ty khai thác Bitcoin, 50% hashrate đã bị loại bỏ khỏi mạng lưới. Các thợ đào bắt đầu chuyển dịch ra khỏi phạm vi Trung Quốc và Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành điểm nóng mới cho những người khai thác tiền mã hóa. Quốc gia này nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu về số lượng thợ đào, một phần nhờ sự chuyển dịch từ các thợ đào Trung Quốc và một phần do sự gia tăng của năng lượng sạch tại Hoa Kỳ. Nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Bitcoin như Pat Tommey, Cynthia Lummis, xem thêm bài viết tại đây.

cynthia-lummis-cryptoBill
Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis

Xếp sau Hoa Kỳ về số lượng thợ đào là Kazakhstan và Nga. Chi phí năng lượng tương đối thấp của Nga cùng khí hậu mát mẻ ở các vùng Viễn Đông dường như đã thu hút những người khai thác Bitcoin. Tuy nhiên, việc khai thác bất hợp pháp này đã kéo theo nhiều lo ngại. Trong lá thư gửi cho Bộ Năng lượng vào cuối tháng 9, ông Igor Kobzev – Thống đốc vùng Irkutsk của Nga đã phàn nàn về tốc độ tăng trưởng rất nhanh của hoạt động khai thác tiền mã hóa trái phép.

“Phân tích tình hình cho thấy mức tiêu thụ năng lượng tăng từ việc khai thác tiền số đã ảnh hưởng đến mức thuế của người dân. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn sau khi chính quyền Trung Quốc cấm khai thác, khiến một lượng lớn thiết bị được di dời từ đây sang vùng Irkutsk”, Thống đốc Kobzev viết.

Ngày 15/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt dự luật cấm sử dụng các loại tài sản kỹ thuật số làm hình thức thanh toán tại Nga. Quy định sẽ cấm chuyển hay chấp nhận tài sản kỹ thuật số để trả tiền mua hàng hóa, trả lương, mua dịch vụ, trừ khi được luật pháp liên bang cho phép. Về cơ bản, luật cấm dùng tiền mã hóa hay NFT làm phương tiện giao dịch. Liệu sắp tới sẽ có một cuộc di tản giống như trường hợp đã xảy ra ở Trung Quốc.

Còn bao nhiêu Bitcoin để khai thác?

Bitcoin bị giới hạn nguồn cung ở mức 21 triệu đồng coin, 90% nguồn cung hiện đã được khai thác và dự kiến đồng coin cuối cùng sẽ được khai thác vào năm 2140. Tốc độ khai thác bitcoin mới sẽ chậm lại theo thời gian. Phần thưởng cho việc khai thác mỗi khối bitcoin được chi trả sau mỗi 10 phút và giảm một nửa sau mỗi 210.000 khối, tương đương bốn năm một lần. Tính đến năm 2022, phần thưởng cho mỗi khối đã giảm từ mức thưởng ban đầu là 50 BTC cho mỗi khối vào năm 2009 xuống chỉ còn 6,25 BTC.

Tính đến cuối tháng 7/2022, hơn 19.1 triệu BTC đã được khai thác, tức là chỉ còn gần 1.9 triệu BTC có thể khai thác.

Bitcoin circulating
Bitcoin Circulating. Nguồn: Blockchain.com

Điều gì sẽ xảy ra khi đồng Bitcoin cuối cùng được khai thác? Đây là câu hỏi lớn nhiều người sẽ đặt ra, đa phần sẽ nghĩ đến những kết quả tiêu cực khi các thợ đào không kiếm được lợi nhuận nữa và họ sẽ rời khỏi mạng lưới. Một cách tiếp cận lạc quan hơn đó là hướng đến những giải pháp cho tương lai của Bitcoin.

Câu chuyện động lực

Hiện tại, phần thưởng khối là động lực chính để các thợ đào duy trì hoạt động, tuy nhiên trong tương lai có thể phí giao dịch sẽ thay thế điều này.

Để đạt được phần thưởng cao từ phí giao dịch, Bitcoin sẽ phải đóng vai trò như một loại tài sản lưu trữ giá trị, phổ biến rộng rãi và được công nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể lúc ấy, các quốc gia này chính là nguồn thợ đào duy trì hoạt động cho mạng lưới của Bitcoin. “Trong một vài thập kỷ khi phần thưởng quá nhỏ, phí giao dịch sẽ trở thành khoản bồi thường chính cho các nút. Tôi chắc chắn rằng trong 20 năm nữa, sẽ có khối lượng giao dịch rất lớn hoặc không có khối lượng, ”Nakamoto đã viết.

Một phương án khác để tạo ra sự lưu chuyển Bitcoin đó là di chuyển mạng lưới Bitcoin sang các Smart Contract Blockchain như ETH. Wrapped Bitcoin (WBTC) hay RENBTC là các phiên bản gắn với giá trị của BTC theo tỷ lệ 1-1 hoạt động trên ETH, người nắm giữ WBTC hay RENBTC có thể staking trên các nền tảng DeFi để kiếm thêm thu nhập. Việc này khuyến khích việc nắm giữ và hoạt động của các thợ đào cũng như gia tăng số lượng giao dịch trên mạng lưới của Bitcoin.

Ngoài ra, tăng nguồn cung tối đa của Bitcoin cũng là một phương án khả thi. Về mặt lý thuyết, có thể thay đổi tổng nguồn cung Bitcoin bằng cách thay đổi mã cơ bản. Vì bản thân Bitcoin là phần mềm, các chuyên gia đồng ý rằng nó có thể được thay đổi. Để làm điều đó, yêu cầu các nhà phát triển, các bên liên quan và cộng đồng nói chung đồng ý thay đổi mã. Nếu đạt được thỏa thuận, các nhà phát triển sẽ viết mã để tích hợp những thay đổi đó vào Bitcoin Core.

Để mọi thứ hoạt động bình thường, bước tiếp theo sẽ là đảm bảo rằng tất cả các nút trên mạng Bitcoin chấp nhận các thay đổi hoặc buộc phải tắt mạng. Tuy nhiên, để mọi nút chấp nhận các thay đổi không phải là nhiệm vụ đơn giản vì Bitcoin chủ yếu được thiết kế như một hệ thống độc lập không yêu cầu sự thay đổi. Ở giai đoạn này, các nhà phát triển sẽ cần phải đối phó với một đợt hard fork. Hard fork là một sự thay đổi đồng thuận làm cho một hành vi không hợp lệ trước đó trở nên hợp lệ. Trong trường hợp thuận lợi, tất cả các nút sẽ để chấp nhận các thay đổi được đề xuất.

Một kịch bản khác sẽ chỉ có một số người dùng Bitcoin ưa thích giới hạn 21 triệu Bitcoin hiện có. Trong tình huống này, những người khai thác và các nút không chấp nhận thay đổi sẽ tiếp tục hoạt động trên nền tảng Bitcoin hiện có. Những người bất đồng chính kiến ​​này có thể sẽ cạnh tranh với nền tảng Bitcoin mới để chiếm thị phần. Đây được biết đến là một hard fork gây tranh cãi vì nó sẽ tạo ra một chuỗi khác chia tách cơ sở khai thác và Bitcoin Cash là một minh chứng.

Kết luận

Bất kỳ ai cũng có thể tham gia mạng lưới đào Bitcoin, việc này không những giúp chúng ta có thêm lợi nhuận mà còn giúp duy trì mạng lưới Bitcoin, đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường tiền mã hóa.

Tuy nhiên, đào Bitcoin cũng giống việc kinh doanh, bạn cần có những cân nhắc kỹ về nguồn vốn, phương thức đầu tư, doanh thu, chi phí và mấu chốt cuối cùng là tạo ra lợi nhuận. Ở thời điểm hiện tại, giá Bitcoin thấp và chi phí năng lượng cao là những trở ngại lớn đối với các miner. Nếu có thể giải quyết được các bài toán trên và tin tưởng vào sự phát triển của Bitcoin cũng như thị trường tiền mã hóa, hãy trở thành một phần của mạng lưới Miner.