Tổng quan
Được coi là cửa ngõ thu hút dòng tiền cho thị trường, những dự án làm về Lending and Borrowing được xây dựng khá sớm, từ những ngày đầu thị trường Crypto mới phát triển, với những dự án đi đầu như AAVE, MAKER, COMPOUND (trên hệ sinh thái Ethereum) và sau này có thêm KAVA (trên hệ sinh thái Cosmos) hay VENUS (trên hệ sinh thái Binance Smart Chain)…
Gần đây, cùng với sự phát triển của quy mô thị trường, những hệ sinh thái ra đời sau, như: Solana, Polkadot, Terra, Avalanche, Polygon, NEAR…., với tiềm lực mạnh mẽ, cũng bắt đầu đổ nguồn lực lớn vào để xây dựng mảnh ghép Lending and Borrowing cho riêng mình.
Bài viết này, trong một khuôn khổ tương đối hạn hẹp, chỉ đề cập được đến một số dự án làm về Lending và Borrowing lớn nhất hiện nay như một lát cắt, giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan hơn về lĩnh vực này. Ở phần sau bài viết cũng có đề cập sơ lược đến tiềm năng phát triển của một số dự án ra đời sau trong bối cảnh Defi chuẩn bị đón nhận những cơ hội bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới.
*** Bài viết này thuộc chuỗi Series Lending & Borrowing Workspace của GFS Blockchain nhằm nghiên cứu từ căn bản tới nâng cao cũng như tốc độ phát triển hiện tại về lĩnh vực Lending & Borrowing – Một mảnh ghép không thể thiếu của bất kỳ Hệ sinh thái DeFi nào.
Các dự án làm Lending and Borrowing thế hệ đầu
Trong số những dự án làm về Lending and Borrowing hiện nay thì AAVE, MAKER, COMPOUND, KAVA và VENUS là những tên tuổi lớn nhất, đi đầu và có vai trò dẫn dắt thị trường. Số liệu dưới đây sẽ cho thấy điều đó:
Về vốn hoá
Theo dữ liệu từ Coingeko (cập nhật ngày 03/12/2021) thì tổng vốn hoá của lĩnh vực Lending and Borrowing của toàn thị trường là 12,8 tỷ đô la, trong đó AAVE đứng đầu, có giá trị vốn hoá cao nhất là 3,2 tỷ đô la, MAKER đứng vị trí tiếp theo chiếm 2,62 tỷ đô la; Compound là 1,68 tỷ đô la; KAVA chiếm 732 triệu đô la; Venus chiếm 259 triệu đô la.
Về tổng giá trị tài sản bị khoá (TVL)
Theo dữ liệu của DefiLlama (cập nhật ngày 03/12/2021) thì TVL của MAKER đứng vị trí số 1 với 19,75 tỷ đô la; AAVE đứng tiếp theo với TVL đạt gần 15,5 tỷ đô la, tiếp đến là Compound với TLV trên 12,1 tỷ đô la; TVL của Venus đạt 2,22 tỷ đô la, còn của Kava là 479,66 triệu đô la.
Về cơ chế hoạt động
Cơ bản các dự án có cơ chế vận hành giống nhau, đều sử dụng các giao thức blockchain, thông qua các smart-contract để xử lý các hoạt động vay và cho vay một cách hoàn toàn tự động: Từ việc quy đổi giá trị tài sản tương đương, tỷ lệ lãi suất đến thanh lý tài sản thế chấp….
Bạn có thể đọc lại bài viết này để hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động của Lending and Borrowing trong Defi. Xem bài viết tại đây.
Chính vì vậy, phần trình bày dưới đây chỉ nêu ra khái quát những điểm nổi bật hoặc khác biệt của từng dự án:
Top 5 nền tảng Lending – Borrowing nổi bật
Dự án AAVE
AVVE là dự án đi đầu tiên trong mảng vay và cho vay, được ra đời tháng 11/2017 với tên gọi cũ là ETH Lend. AAVE hiện là dự án có vốn hoá lớn nhất trong lĩnh vực này, ở mức 3,2 tỷ đô la (cập nhật ngày 03/12/2021). AAVE đã được Cơ quan quản lý tài chính Vương Quốc Anh (FCA) cấp giấy phép tổ chức hoạt động về tiền kỹ thuật số tại châu Âu.
Giao thức AAVE có thể thực hiện hoạt động của mình với nhiều chain khác nhau (multi-chains) như với Ethereum, Polygon và Avalanche…
Trong cơ chế hoạt động AAVE cũng có nhiều cải tiến mạnh mẽ, được đánh giá là có xu hướng tiếp cận nhiều hơn với hoạt động tài chính truyền thống ở bên ngoài cuộc sống thực (Cefi), như:
+ Cho phép sử dụng giao thức luật mở (open law) để người vay có thể bổ sung chữ ký điện tử có giá trị pháp lý ngoài đời thực cùng các hợp đồng giao kèo (covernant) để thực hiện các khoản vay.
+ AAVE cũng đã triển khai trên mạng Polygon với nhiều ưu điểm như giảm được 50% phí giao dịch, chia sẻ hạ tầng với mạng ETH, làm cho giao dịch vay-cho vay nhanh hơn.
+ Gần đây AAVE ra mắt tính năng “AAVE Pro”-một công cụ chuyên biệt, phục vụ cho việc thu hút nguồn vốn lớn từ các tổ chức/các thể chế tài chính truyền thống lớn (từ bên Cefi) muốn đổ tiền vào lĩnh vực Defi. Tháng 06/2021, Ngân hàng Sygnum/Thuỵ Sĩ tuyên bố sẽ đầu tư vào AAVE để bổ sung thanh khoản cho giao thức này, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự tăng trưởng của AAVE nói riêng và lĩnh vực Lending and Borrowing của Defi nói chung.
Dự án ComPound (COMP)
Ra đời từ năm 2017, Compound cũng là một trong dự án top đầu của lĩnh vực Lending and Borrowing, hiện tại chỉ đứng sau AAVE về TVL, với mức 12,1 tỷ đô la (cập nhật 03/12/2021).
Hiện tại Compound mới chỉ triển khai trên hệ sinh thái Ethereum với sản phẩm duy nhất là Compound Finance cho phép liên kết giữa người cho vay và người đi vay. Theo kế hoạch, Compound sẽ cho ra đời thêm Compound Chain để mở rộng nền tảng sang mạng lưới Polkadot.
Compound đang hỗ trợ tổng cộng 11 loại tài sản gồm: USDC, DAI, WBTC, ETH, USDT, COMP, ZRX, UNI, BAT, LINK và TUSD. Tuy nhiên USDT, LINK và TUSD sẽ không được hỗ trợ làm tài sản thế chấp. Tức người dùng có thể gửi tiết kiệm và nhận lãi suất từ Compound nhưng không được hỗ trợ làm tài sản thế chấp.
Một tham vọng lớn khác mà Compound theo đuổi đó là mục tiêu mở rộng sang các phiên bản token hóa các tài sản trong thế giới thực, ví dụ như đồng đô la Mỹ, Yên Nhật hoặc cổ phiếu của các công ty truyền thống… để liên kết các hoạt động vay và cho vay trong Defi ngày một chặt chẽ hơn với các hoạt động Cefi bên ngoài.
Ngoài ra, đội ngũ của Compound hiện cũng đang theo đuổi một mục tiêu dài hạn khác đó là chuyển tất cả quyền hạn của giao thức mà họ đang quản lý sang DAO cho cộng đồng Compound quản lý để thực hiện mục tiêu “phi tập trung hoàn toàn”.
Dự án Maker (MKR)
Maker là một trong những dự án Lending and Borrowing đầu tiên trên thị trường được manh nha hình thành từ năm 2015 và chính thức đi vào giao dịch vào tháng 4/2016. Maker được phát triển bởi Công ty MakerDAO có trụ sở tại Santa Cruz, California, Mỹ (thành lập năm 2014). Nền tảng của MAKER được xây dựng trên hệ sinh thái Ethereum, tập trung vào hai trụ cột chính của dự án là xây dựng đồng DAI (stablecoin) và Maker (MKR là Token quản trị). Theo đó, DAI được thiết kế là đồng stablecoin, neo giá tương đương 01 DAI = 01 USD, trong khi MKR được thiết kế để quản trị và tái cấu trúc vốn cho dự án.
Như vậy, điểm khác biệt của Maker so với các dự án khác chính là tập trung vào phát triển đồng stablecoin-đồng DAI để đảm bảo sự ổn định của dự án thay vì tập trung cho việc phát triển giá trị của đồng quản trị là MKR.
Khác với các đồng stablecoin được phát hành bởi các tổ chức tập trung như USDT, USDC…, đồng DAI được MakerDAO phát hành theo cách thức phi tập trung. Chính vì vậy, DAI có thể thực hiện được công việc với các giao thức blockchain thông qua các smart-comntract một cách minh bạch, do đó, cũng rất dễ dàng để mở rộng cho các loại tài sản crypto khác lấy DAI làm tài sản thế chấp. Tính cho đến thời điểm hiện tại, chưa có dự án nào làm về stablecoin theo cơ chế phi tập trung lại có sức mạnh bằng DAI. DAI hiện đang là stablecoin có vốn hóa lớn nhất trong DeFi và là đồng stablecoin lớn thứ 3 trên toàn thị trường, chỉ sau USDT và USDC. Vốn hoá của DAI tăng rất nhanh, tháng 06/2020, DAI chỉ đạt vốn hoá khoảng 100 triệu đô la thì đến hiện tại, vốn hoá đã tăng lên gần mức 6,5 tỷ đô la.
Mục tiêu của MakerDAO trong thời gian tới vẫn là mở rộng nhu cầu sử dụng đồng DAI để ứng dụng nhiều hơn trong phát triển DeFi. Một khi đồng DAI thay thế được sự thống trị của các đồng stablecoin tập trung hiện nay (USDT, USDC…) thì MakerDAO cũng sẽ được xem như Ngân hàng trung ương trong DeFi, với đồng tiền thống trị là DAI.
Dự án Kava (KAVA)
Kava là một dự án làm về blockchain được xây dựng trên nền Hệ sinh thái Cosmos chính vì vậy, Kava có lợi thế có thể kết nối với các blockchain khác qua cầu nối IBC.
Về mảng Lending and Borrowing, ban đầu, Kava chỉ làm một dự án là Kava Mint với đồng stablecoin là USDX, được đảm bảo bằng các tài sản phổ biến như: BTC, ATOM, XRP, BNB… Tuy nhiên sau đó, Kava đã mở rộng hệ sinh thái của mình với Kava Lend vào tháng 9/2020, sau đó là Kavaswap vào tháng 8/2021.
+ Kava Mint: Cho phép thế chấp các tài sản tiền kỹ thuật số và mint ra đồng USDX, có thể thực hiện các chức năng Staking hay làm các khoản cho vay (loans).
+ Kava Lend: Cho phép người dùng vay và cho vay các tài sản kỹ thuật số không phải trên hệ sinh thái Ethereum, cho phép đa dạng hóa các loại tài sản tiền kỹ thuật số có thể vay như BTC, XRP, BNB, KAVA, USDX, ….
+ Kava Swap: Là một AMM của Kava Blockchain nhằm thu hút dòng tiền vào các dự án trong hệ sinh thái KAVA thông qua việc trả APY cao.
Điểm cần lưu ý là: Trong định hướng phát triển mới, Kava đã định vị sẽ không chỉ còn là một dự án phát triển mảng vay và cho vay đơn thuần nữa. Kava đang có dự định kết nối với những chain khác, đặc biệt là trong Hệ sinh thái Cosmos, một hệ sinh thái đang tăng trưởng mạnh mẽ thời gian gần đây.
Dự án Venus (XVS)
Venus là một giao thức làm về Lending and Borowing trên nền tảng Binance Smart Chain (BSC). Về cơ chế hoạt động, Venus giống như Maker (MRK) với cả 3 tính năng chính gồm: Mint ra stablecoin (đồng VAI, được neo bằng 1 USD); Trả lãi suất cho người cho vay; và Cấp tài sản cho khoản vay dưới 75% tài sản thế chấp.
Điểm cần chú ý lớn nhất đối với Venus: Đây là dự án lớn nhất về mảng vay và cho vay được xây dựng trên BSC nên nó chắc chắn có cơ hội nhận được sự ủng hộ rất lớn từ sàn Binace và các hệ sinh thái xung quanh Binance.
Với vốn hoá chỉ chưa bằng 1/10 của AAVE hay MakerDAO, chiếm chưa đầy 5% vốn hoá của mảng vay và cho vay thì tiềm năng tăng trưởng của Venus còn rất lớn, nhất là hệ sinh thái Binance Smart Chain gần đây cũng đang gia tăng ảnh hưởng, đổ nhiều nguồn lực mạnh mẽ để đẩy nhanh sự phát triển cho Hệ sinh thái BSC.
Sự bùng nổ của mảnh ghép ở các hệ sinh thái ra đời sau
Trong bối cảnh Defi phát triển bùng nổ như thời gian vừa qua, khi tốc độ dòng vốn đổ vào Defi tăng nhanh hơn bao giờ hết, các hệ sinh thái ra đời sau, ngoài việc tập trung phát triển công nghệ mới cho những hướng đi mới, họ cũng đẩy mạnh việc phát triển mảng Lending and Borrowing, như một mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái của riêng mình. Có thể thấy, tất cả các hệ sinh thái đều có những dự án làm về mảng Lending and Borrowing riêng như: Hệ Polkadot có các dự án Konomi Network (KONO), ACALA; Hệ Solana có dự án Oxygen (OXY); Hệ Terra có dự án Anchor Protocol (ANC); Hệ Polygon có dự án EasyFi V2 (EZ); Hệ Avalanche có BenQi (QI); Hệ Near có OINFinance (OIN), Hệ Heco có dự án FILDA; Hệ Celo có Moola Market (MOO)….
Nhìn ở góc độ đầu tư thì đây đều được xem là những dự án tiềm năng, vì một khi dòng tiền được đổ vào các hệ sinh thái, bao giờ nó cũng được đưa vào các AMM của hệ sinh thái đó trước, sau đó sẽ chảy qua lĩnh vực Lending and Borrowing rồi mới đến các mảnh ghép khác.
Xét cho cùng, bất cứ hệ sinh thái nào muốn tăng trưởng lớn mạnh được thì đều phải kéo được dòng tiền đổ vào và giữ lại được dòng tiền ấy luân chuyển qua các mảnh ghép trong hệ sinh thái. Tuy nhiên, để làm được điều ấy thì bản thân các mảnh ghép trong các hệ sinh thái cũng phải tạo ra được những giá trị mới, lợi nhuận mới cho khách hàng. Giá trị mới càng nhiều, lợi nhuận mới càng lớn thì càng tạo thêm động lực cho nhiều nguồn vốn đổ vào, giúp bản thân các mảnh ghép ấy lớn mạnh hơn, hệ sinh thái tăng trưởng hơn. Xét ở khía cạnh này, Lending and Borrowing là mảnh ghép đầu tiên trong hệ sinh thái có đầy đủ điều kiện để thực hiện sứ mệnh đó.
Tiềm năng phát triển của Lending and Borrowing thời gian tới
Theo thống kê, hiện tại thế giới có khoảng gần 2 tỷ người trưởng thành chưa thể hoặc có điều kiện tiếp cận tới các dịch vụ ngân hàng truyền thống (Cefi). Nhiều trong số đó có thể tiếp cận nhưng họ lại không có đủ các loại giấy tờ, thủ tục pháp lý cần thiết để có thể thực hiện quyền vay. Trong bối cảnh đó, Defi với những thế mạnh của mình như ẩn danh, minh bạch, dễ tiếp cận, không phải phụ thuộc vào bên thứ ba, không cần phải chứng minh danh tính hay phải trải qua các thủ tục xét duyệt pháp lý rườm rà… hoàn toàn có thể đưa đến cho họ một công cụ tài chính công bằng hơn.
Trong bối cảnh Defi đang trong giai đoạn đầu định hình và phát triển, các dự án Lending and Borrowing hiện nay cũng chỉ mới dừng lại trong không gian crypto, chủ yếu phục vụ các dự án trong lĩnh vực crypto. Chính vì vậy, trong thời gian tới, khi Defi phát triển mạnh mẽ hơn, vươn hoạt động ra khỏi không gian crypto để cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực tài chính truyền thống thì Lending and Borrowing cũng có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Xét một cách công bằng, tất cả những gì Cefi làm được thì hiện Defi cũng đã làm được, từ kêu gọi vốn, cung cấp thanh khoản đến vay và cho vay, bảo hiểm…. và ở nhiều góc độ thậm chí Defi còn có những ưu điểm vượt trội hơn so với Cefi.
Hiện nay, các tổ chức tài chính lớn bắt đầu đổ tiền mạnh mẽ vào để phát triển Defi. Số liệu cho thấy dòng tiền đổ vào Defi từ mức gần 1 tỷ đô la đầu năm 2020 đến thời điểm tháng 11/2021 đã lên mức 250 tỷ đô la, tăng hơn 250 lần. Một khi các sản phẩm Defi hoàn thiện hơn, sức mạnh của Defi đủ lớn thì đó cũng là lúc Defi sẽ vươn ra ngoài, chiếm được một phần miếng bánh thị phần của Cefi. Lending and Borrowing cũng vẫn sẽ là mảng đi đầu, phát triển mạnh mẽ để phục vụ cho việc tiến ra bên ngoài, chiếm lĩnh thị trường Cefi.
Tổng kết
Hiện tại, những dự án đi đầu trong lĩnh vực này hiện nay dù chiếm giá trị vốn hoá lớn trong thị trường, nhưng so với mức vốn hoá của thị trường Cefi, chúng vẫn còn rất nhỏ bé. Với những ưu điểm công nghệ nổi bật, có tính ứng dụng ngày càng cao, cùng với việc dòng vốn được đổ vào ngày một mạnh mẽ hơn, DeFi sẽ không chỉ là một xu hướng ngắn hạn mà còn là sự phát triển tất yếu của thị trường crypto, hướng tới phục vụ nhu cầu thực của cuộc sống của con người. Với tổng lượng vốn hóa hiện tại chỉ có 12,8 tỷ đô la, chiếm hơn 2% vốn hóa của cả thị trường, cơ hội cho sự tăng trưởng của DeFi trong thời gian tới còn rất rất lớn.
Chắc chắn, để vươn tầm, đáp ứng được các yêu cầu dịch vụ của tài chính truyền thống, chiếm được một phần miếng bánh của Cefi, các dự án sẽ cần thêm nhiều nguồn lực và sự nỗ lực nâng cấp và phát triển công nghệ mới. Điều này càng khiến chúng ta kỳ vọng hơn vào các dự án Crypto làm về Defi hiện tại, trong đó có các mảnh ghép về Lending và Borrowing ở thế hệ tiếp theo-Defi 2.0.
*** Hãy cùng theo dõi sự phát triển của lĩnh vực (Lending & Borrowing) trong thị trường Crypto qua các bài viết cập nhật sau này cùng GFS Blockchain thông qua chuyên đề Lending & Borrowing Workspace -> Tại đây
Các bạn cũng có thể tham gia vào cộng đồng của GFS Blockchain để thảo luận về chủ đề này cùng các thành viên khác:
- Kênh thông tin Telegram của GFS Blockchain -> Click tại đây
- Nhóm Telegram của GFS Blockchain -> Click tại đây
- Nhóm Facebook của GFS Blockchain -> Click tại đây