Tổng quan

Anoma được ấp ủ và thành lập bởi đội ngũ tài năng của Heliax nhằm đem đến một mạng lưới phi tập trung, an toàn và bảo mật. Điểm nổi bật ở Anoma chính là sự ẩn danh có thể tùy chỉnh của các giao dịch và người dùng có thể trao đổi các giá trị kĩ thuật số mà không cần một đơn vị tiền tệ nền tảng nào (ví dụ token, coin). Về cơ bản, chúng ta được phép trao đổi bất cứ thứ gì trên nền tảng Anoma, miễn là chúng có tính “kĩ thuật số”.

Anoma là gì? Sơ lược về dự án Anoma

Anoma là một nền tảng blockchain layer-1 với cơ chế hoạt động khác biệt với tất cả các blockchain layer-1 đang hoạt động (ví dụ Ethereum, Solana…). Thay vì trao đổi P2P truyền thống (yêu cầu phải biết địa chỉ ví), Anoma cho phép các giao dịch được “match” với nhau thông qua một mạng lưới “mong muốn”. Chính nhờ mạng lưới “mong muốn” này mà người dùng có thể trao đổi nhiều loại giá trị họ muốn, không bị giới hạn trong khuôn khổ tiền mã hóa, hoặc tài sản mã hóa (ví dụ có thể trao đổi vé máy bay lấy BTC), và có thể dễ dàng tìm được những đối tác tiềm năng.

Đối với Anoma, một nền kinh tế hoàn toàn phi tập trung và thuộc về người dùng là điều quan trọng nhất. Chính vì vậy, tầm nhìn và mục tiêu của Anoma được phát triển trên 3 trụ cột chính (sẽ được làm rõ hơn tại mục công nghệ và sản phẩm):

  • Trở thành một cơ chế phối hợp hỗ trợ các bên thực hiện và đạt được các mục tiêu kinh tế đồng thời cung cấp tính linh hoạt mà các loại tiền tệ truyền thống không đạt được (sử dụng hệ thống “mong muốn” – intents network).
  • Hỗ trợ các cộng đồng trên toàn thế giới giành lại quyền kiểm soát chủ quyền kinh tế của riêng họ (sử dụng hê thống Fractal Instances).
  • Tham gia vào nỗ lực toàn cầu ngày càng tăng nhằm ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu không có sự đồng thuận của bên thứ ba. (sử dụng multi-asset shielded pool (MASP), Zero-knowledge (Proof)).
Các đặc tính của dự án Anoma
Các đặc tính của dự án Anoma

Hiện tại Anoma chưa có token quản trị nhưng đã hoàn thành testnet Feigenbaum vào tháng 11/2021. Dự án hứa hẹn sẽ còn nhiều điều đáng mong chờ trong tương lai.

Mô hình hoạt động của Anoma

Bộ máy vận hành của Anoma gồm 3 thành phần chính: Intent gossip node, matchmaking node, validating node. Các node sẽ nhận được một phần tiền nhỏ để làm phí giao dịch.

  • Intent gossip node: chịu trách nhiệm thu thập các “mong muốn” của người dùng và lưu trữ trong kho “mong muốn” của mình. Các intent gossip node sẽ liên kết lại với nhau tạo thành intent gossip network, qua đó giúp họ chọn lọc được các “mong muốn” phù hợp để gửi cho matchmaking node.
  • Matchmaking node: chịu trách nhiệm cho việc thực hiện giao dịch giữa các “mong muốn” được gửi từ intent gossip node. Nếu các giao dịch được thực hiện thành công, họ sẽ gửi chúng cho validating node để ghi vào sổ cái. Nếu không, họ có thể lưu trữ các “mong muốn” đó trong kho lưu trữ của mình hoặc gửi ngược lại cho intent gossip node để tiếp tục thực hiện việc đối chiếu. Các matchmaking node có quyền set up một bộ lọc đầu vào cho các “mong muốn” (ví dụ cài đặt chỉ thực hiện match giữa cặp ETH/BTC), qua đó giúp họ được “chuyên môn hóa”, nhanh hơn và chính xác hơn.
  • Validating node: chịu trách nhiệm xác thực các giao dịch từ matchmaking node và ghi vào sổ cái.
Bộ máy hoạt động của Anoma
Bộ máy hoạt động của Anoma

Hiện tại trên trang chủ của Anoma, bạn có thể đăng kí để tham gia vào các node và trở thành một trong những thành viên của mạng lưới. Ngoài ra sau khi hoàn thiện, bạn có thể tham gia staking cũng như cung cấp thanh khoản cho các bể MASP của mạng lưới.

Cộng đồng mạng Anoma
Vai trò các thành viên trong mạng Anoma

Công nghệ và sản phẩm của Anoma

Thời điểm này Anoma đang trong giai đoạn testnet và chưa có sản phẩm “hữu hình” cụ thể, đa số còn nằm dưới dạng mã nguồn để developers có thể tham gia vào mạng lưới (ví dụ trở thành một validator). Dưới đây là một số công nghệ tiêu biểu đang được Anoma thiết lập

  • Proof – of – stake: Anoma sử dụng cơ chế POS nhằm tăng tính phi tập trung cũng như đem lại thu nhập đều đặn cho những người vận hành và staker.
  • MASP & Plonkup: Điểm đặc biệt của Anoma đó chính là tính bảo mật tuyệt đối của các giao dịch (ẩn thông tin người gửi, người nhận và số lượng tài sản mã hóa được trao đổi) bằng cách sử dụng các cơ chế Plonkup. Về cơ bản nó hoạt động giống như “máy trộn” Tornado, nhưng trên quy mô layer-1. Ngoài ra, việc sử dụng MASP cũng khiến cho việc đảm bảo quyền riêng tư được nâng cao, vì không ai có thể biết loại tài sản nào đã được bỏ vào trong bể để thực hiện giao dịch
Giao dịch qua bể thanh khoản
Thực hiện giao dịch qua MASP
  • Fractal Instances: người dùng có thể xây dựng một cộng đồng giao dịch của riêng mình (gọi là những Fractal). Ví dụ họ có thể tạo một môi trường trao đổi cho một buổi đấu giá, hoặc là cho một cộng đồng game Pokemon… Sau đó, thông qua Fractal upgrades, họ có thể liên kết vào mạng lưới chung của Anoma. Đây cũng là cơ chế đem lại tự do cho người dùng và góp phần mở rộng mạng lưới, thể hiện rõ tinh thần phi tập trung của Anoma.
  • Intents network: như đã trình bày ở phần sơ lược, Intents network cho phép người dùng đưa ra những “mong muốn” của mình, khiến cho việc trao đổi trở nên dễ dàng không chỉ ở sản phẩm trao đổi, mà còn ở việc tìm đối tác thích hợp, nó giống như Grab của blockchain. Từ những trường hợp rất cơ bản, như giao dịch tiền mã hóa, đến những chuyển đổi trạng thái phức tạp hơn:
    • Trao đổi tài sản
    • Bán hoặc mua dịch vụ, tài sản vật chất hoặc NFT.
    • Tìm người để chia sẻ chi phí
    • Gây quỹ cho các tổ chức từ thiện hoặc các mục đích khác
    • Thực hiện các thỏa thuận nhiều đối tác một lúc (n-party trade). Ví dụ ba bên (1, 2, 3) và ba hàng hóa (A, B, C), trong đó bên 1 muốn giao dịch A lấy B, bên 2 muốn giao dịch B lấy C và bên 3 muốn giao dịch C lấy A. Không có sự trùng hợp mong muốn, vì vậy không có giao dịch 2 bên nào có thể xảy ra trong hệ thống này. Tuy nhiên, nếu giao dịch của 3 bên có thể được thực hiện, bên 1 có thể giao hàng A cho bên 3, bên 2 có thể giao hàng B cho bên 1 và bên 3 có thể giao hàng C cho bên 2, điều này đáp ứng nguyện vọng của tất cả các bên.
    • Bỏ phiếu thông qua các thay đổi đối với Anoma, chẳng hạn như nâng cấp hệ thống.
    • Ngoài ra “mong muốn” hoàn toàn có thể lập trình được, có nghĩa là người dùng có thể tạo “mong muốn” tùy chỉnh với mức độ chi tiết nhiều hay ít tùy thích như: số lượng, thời gian hết hạn, phạm vi, đấu giá (bán cho người trả cao nhất), thanh toán định kì (ví dụ điện, nước…),…
  • Juvix: một ngôn ngữ lập trình nâng cao có thể tạo ra những hợp đồng thông minh một cách hiệu quả và an toàn hơn

Đội ngũ phát triển của Anoma

Giao thức đang được xây dựng bởi Heliax, một nhóm nghiên cứu hiện gồm 23 thành viên liên ngành và được hỗ trợ bởi Anoma Foundation.

Các thành viên trong nhóm trước đây đã làm việc trong các dự án nổi tiếng tại Cosmos & Tendermint, Polkadot, Tezos và Chainalysis, đồng thời bao gồm những người sáng lập Cryptium Labs, một trình xác thực POS, và Heliax, một công ty R&D blockchain.

Thành viên sáng lập Aroma

thành viên sáng lập Aroma
Các thành viên sáng lập Aroma

Adrian Brink: giám đốc điều hành Heliax, Người đồng sáng lập Dự án Anoma, và là thành viên Hội đồng quản trị Quỹ Anoma. Adrian trước đây đã đồng sáng lập, mở rộng và cuối cùng bán Cryptium Labs, và xây dựng Metastate, một công ty R&D trị giá hơn 4 tỷ USD. Adrian trước đây là kỹ sư giao thức cốt lõi thứ ba làm việc trong dự án Cosmos tại Tendermint, và anh ấy đã hoàn thành luận án tốt nghiệp của mình về hệ thống bỏ phiếu điện tử chống kiểm duyệt để hỗ trợ quá trình giành độc lập của Catalan.

Awa Sun Yin: trưởng nhóm Phát triển Sản phẩm tại Heliax, đồng thời là đồng sáng lập và chủ tịch Hội đồng Quản trị quỹ Anoma. Cô viết các bài báo ủng hộ việc ẩn danh Bitcoin và làm kỹ sư phần mềm và nhà nghiên cứu cho Chainalysis và Tendermint. Trước khi đồng sáng lập Heliax, cô đã đồng sáng lập Cryptium Labs, và Metastate.

Christopher Goes: trưởng nhóm Nghiên cứu & Phát triển Heliax, đồng sáng lập Dự án Anoma, và thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ Anoma. Đồng sáng lập của trình xác thực bằng POS Cryptium Labs và công ty nghiên cứu và phát triển blockchain Metastate, và trước đây đã lãnh đạo việc thiết kế và phát triển giao thức truyền thông liên chuỗi của Tendermint (IBC).

Tomasz Zemanovic: Nhà thiết kế trò chơi máy tính, nhà phát triển web và chuyên gia tài chính. Anh ấy cố gắng xây dựng phần mềm mạnh mẽ, linh hoạt và có thể kết hợp với sự trợ giúp của các ngôn ngữ chức năng. Tomasz thích tìm hiểu về các ứng dụng thực tế của khoa học máy tính, kỹ thuật và nghiên cứu toán học.

Đối tác của Anoma

Anoma được rót vốn mạnh mẽ lên tới 32.75 triệu đô (tính đến tháng 11/2021), với mức định giá khoảng 260 triệu đô, trong đó có thể kể đến sự góp mặt của các quỹ lớn như Polychain Capital, Coinbase Ventures, CMCC Global, Electric Capital… Dòng vốn hiện tại sẽ được đội ngũ Anoma sử dụng để hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm.

Các quỹ đầu tư vào Anoma
Các quỹ đầu tư vào Anoma

Tokenomics của Anoma

Updating…

Lộ trình phát triển Anoma

Anoma chưa cập nhật lộ trình cụ thể nhưng đã có những cột mốc đáng ghi nhận như: thực hiện testnet, liên kết cầu Ethereum Bridge, liên tục ra mắt các bản update,… cho thấy sự nghiêm túc của đội ngũ sáng lập. Ngoài ra, Anoma cũng liên tục tổ chức các sự kiện và các buổi AMA cho cộng đồng của mình.

Các sự kiện của Anoma
Các sự kiện của Anoma

Xem thêm các sự kiện của Anoma tại đây.

Cộng đồng Anoma

Bạn có thể tìm thấy cộng đồng của Anoma dưới các kênh truyền thông sau:

Tổng kết

Qua bài viết trên chắc hẳn bạn đã có những kiến thức nhất định về cơ chế mạng lưới “mong muốn” cũng như việc bảo mật thông tin giao dịch tuyệt đối của nền tảng này. Ngoài ra, còn có những tiềm năng mở rộng sâu sắc trong từng lĩnh vực cụ thể thông qua Fractal và đặc biệt là cầu nối Ethereum đã được xây dựng.

Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về dự án Anoma. Nếu bạn thấy dự án tiềm năng và muốn thảo luận để hiểu sâu hơn về các dự án thì hãy tham gia vào cộng đồng của GFS Blockchain nhé.