Cuộc họp của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) vào ngày 31/1 vừa qua là một sự kiện quan trọng của ngành tài chính, do việc điều chỉnh lãi suất được thông báo trong cuộc họp sẽ tác động đến tất cả thị trường, kể cả thị trường crypto.

Thông báo được Fed đưa ra là tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa mức lãi suất trong các giao dịch liên ngân hàng (Fed funds rate) lên mức 4,5% – 4,75%. Thông báo này cũng đi kèm với một cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell nhằm đánh giá về nền kinh tế cũng như dự định về những động thái tiếp theo của Fed.

Bài viết dưới đây của GFI Blockchain sẽ tổng hợp những diễn biến chính trong cuộc họp báo, đồng thời mang đến những nhận định từ các chuyên gia về sự kiện này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp (nguồn The Financial Express)
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp (nguồn The Financial Express)

Dự đoán của các ông lớn ngành tài chính trước cuộc họp

Trước buổi họp, Steven Wieting – người đứng đầu bộ phận Chiến lược Đầu tư của quỹ Citi Global Wealth Management – đã cho rằng Fed nên ngừng tăng lãi suất vì 3 lý do sau:

  • Các dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang sụt giảm mạnh;
  • Fed đang quá đà trong việc thắt chặt nền kinh tế;
  • Fed phải nới lỏng chính sách tiền tệ để làm nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế vào năm 2024.
Tốc độ tăng GDP Hoa Kỳ theo quý (nguồn Trading Economics)
Tốc độ tăng GDP Hoa Kỳ theo quý (nguồn Trading Economics)

Trái lại, Karyn Cavanaugh – Giám đốc Đầu tư của quỹ Carolinas Wealth Management – lại nghĩ rằng Fed sẽ cứng rắn hơn trong việc tăng lãi suất. Nguyên nhân là các công ty lớn tại Hoa Kỳ báo cáo thu nhập giảm nhưng không quá tồi tệ, chứng tỏ những công ty này vẫn trụ được trước áp lực lãi suất.

Vậy quyết định và góc nhìn của Fed là như thế nào? Tất cả sẽ có trong phần tiếp theo của bài viết.

Diễn biến cuộc họp báo

Tóm tắt bài phát biểu của Chủ tịch Fed

Chủ tịch Fed Jerome Powell bày tỏ sự cảm thông với thị trường khi phải chịu “đau đớn” do lãi suất tăng. Tuy nhiên trách nhiệm của Fed là đẩy lùi lạm phát, nên sẽ tiếp tục tăng lãi suất và bán trái phiếu kho bạc cho đến khi lạm phát về mức 2%.

Fed thấy rằng nền kinh tế đang phát triển chậm lại và chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 3 tháng qua đã giảm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức ổn định. Đã có dấu hiệu lạm phát được quản lý nhưng Fed cần quan sát thêm.

Trong ngắn hạn, nền kinh tế sẽ phải chấp nhận hy sinh (như thất nghiệp tăng) để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Tuy nhiên sự hy sinh này sẽ giúp giữ ổn định giá cả và tỷ lệ thất nghiệp về dài hạn.

Biểu đồ lãi suất của Hoa Kỳ trong một năm qua (nguồn Macrotrends)
Biểu đồ lãi suất của Hoa Kỳ trong một năm qua (nguồn Macrotrends)

Q&A

  • Gần đây, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng, và thị trường vốn vay bất động sản đang giảm dần lãi suất, cho thấy nhiều người vẫn lạc quan về nền kinh tế và tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất nên “cầm đèn chạy trước ô tô”. Liệu Fed có nên cứng rắn hơn với thị trường bằng cách tăng lãi suất mạnh hơn?

Fed vẫn giữ quan điểm sẽ tăng lãi suất, nhưng quyết định tăng lãi sẽ dựa trên việc quan sát tình hình chung của nền kinh tế chứ không chỉ quan tâm một thị trường cụ thể nào.

  • Nhiều số liệu nền kinh tế đang xấu đi, vậy tỷ lệ thất nghiệp phải tăng tới bao nhiêu thì mới tác động tới tỷ lệ lạm phát? Fed nghĩ gì về chỉ số việc làm trên người tìm việc?

Fed thấy lạm phát đã ngừng tăng, lưu thông hàng hóa đã dễ dàng hơn nên giá cả có phần giảm xuống. Về chỉ số thất nghiệp, Fed sẽ tiếp tục quan sát và đưa ra quyết định vào cuộc họp tháng 3.

Fed cũng đang quan tâm chỉ số việc làm trên người tìm việc. Chỉ số này đang ở mức 1,9 – nghĩa là cứ mỗi một người tìm việc thì sẽ có 1,9 việc làm đang chờ đợi họ. Chỉ số này đang tăng, cho thấy việc làm vẫn dư thừa và lạm phát vẫn cao.

Fed muốn nhiều người thất nghiệp hơn, giúp giảm giá trên thị trường lao động. Từ đó các công ty có thể giảm giá sản phẩm của mình.

  • Trước đây Fed muốn đưa lãi suất lên mức 5,1%. Liệu Fed có tăng lãi suất nhiều hơn 0,25% trong các lần họp tiếp theo không?

Fed sẽ đợi đến cuộc họp tháng 3 để ra quyết định, với việc dữ liệu CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) và tỷ lệ thất nghiệp sẽ sớm được công bố. Fed cũng kỳ vọng hầu hết mặt hàng trong giỏ hàng hóa tạo nên chỉ số PCE (Chi tiêu tiêu dùng cá nhân) sẽ sớm giảm giá.

Fed nghĩ tăng lãi suất như vậy là đã đủ nhiều, đã gần tới đỉnh lãi suất. Thậm chí Fed có các công cụ để nới lỏng thị trường nếu lạm phát được kiểm soát sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên nếu nới lỏng quá sớm, khiến lạm phát quay trở lại vào cuối năm nay thì sẽ uổng phí công sức chống lạm phát 1 năm qua.

  • Tại sao Fed phải tiếp tục tăng lãi suất mà không ngừng lại một thời gian để xem xét thị trường? Fed có nghĩ đến kịch bản ngừng tăng một thời gian rồi sau đó tăng tiếp không?

Việc lãi suất lần này chỉ tăng 0,25% đã là một cách để Fed đi chậm lại để quan sát thị trường. Fed nghĩ chỉ còn vài đợt tăng nữa là sẽ tới đỉnh lãi suất.

Fed không nghĩ đến kịch bản như câu hỏi.

  • Một số chỉ báo cho thấy có khả năng cao sẽ có suy thoái tài chính. Fed có thay đổi suy nghĩ của mình khi đọc các thông tin này không?

Fed nghĩ nền kinh tế vẫn phát triển trong năm nay, chỉ là chậm lại một chút. Kinh tế toàn cầu đang hồi phục, tỷ lệ thất nghiệp đang thấp, nhiều tiểu bang vẫn chi tiêu nhiều và cung cấp các gói cứu trợ kinh tế. Những điều này đều sẽ kích thích nền kinh tế phát triển.

  • Trước đây Fed nói cần có khoảng 3 tháng lạm phát giảm thì mới công nhận lạm phát đã được kiểm soát. Bây giờ đã đạt được con số đó, Fed có cần thêm 3 tháng nữa không?

Fed không ấn định một con số như 3 tháng hay 6 tháng, mà cần nhìn thấy xu hướng giảm từ từ của lạm phát. Vẫn có khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay nếu lạm phát giảm nhanh hơn Fed dự đoán.

Biểu đồ lạm phát của Hoa Kỳ trong một năm qua (nguồn Trading Economics)
Biểu đồ lạm phát của Hoa Kỳ trong một năm qua (nguồn Trading Economics)

Các chuyên gia nhận định gì về quyết định của Fed?

Theo Josh Brown – đồng sáng lập quỹ Ritholtz Wealth Management, Fed như đang thở phào vì những quyết định cứng rắn trước đây giờ đã cho kết quả tích cực. Các nhà đầu tư cũng cảm nhận được điều này và mua vào ngay khi Chủ tịch Fed bắt đầu phát biểu, đây là dòng tiền đã “ngủ đông” suốt 4 – 6 tháng qua.

Cùng quan điểm trên, Jeffrey Gundlach – sáng lập quỹ đầu tư Doubleline – dự đoán rằng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa. Tuy nhiên nhà đầu tư cần để ý rằng thị trường đã tăng mạnh và có thể bị overvalued (định giá quá cao so với giá trị thực) trong thời gian tới.

Một góc nhìn khác đến từ David Zervos – giám đốc chiến lược thị trường của ngân hàng Jefferies, ông cho rằng Chủ tịch Fed đã hơi lạc quan khi tuyên bố chiến thắng lạm phát, vì có thể lạm phát sẽ chỉ điều chỉnh một thời gian rồi tăng trở lại.

Tổng kết

Nhìn chung, thái độ của Fed trong cuộc họp này đã ôn hòa hơn so với các cuộc họp trước.

Fed đã bắt đầu sử dụng khái niệm “disinflation – thiểu phát” để thể hiện rằng lạm phát đang có chiều hướng đi xuống. Fed nhiều lần nói về việc lãi suất sắp đạt đỉnh và đề cập khả năng giảm lãi suất trong năm nay. Đây là một tín hiệu tích cực do trong các cuộc họp trước, Fed tuyên bố  rằng không hề nghĩ đến nới lỏng nền kinh tế.

Tuy nhiên xen lẫn những thông tin tốt, Fed vẫn sử dụng những cụm từ như “cần quan sát thêm”, “cần thêm số liệu”, như một cách để kìm hãm tâm lý lạc quan của thị trường.