Tổng quan

Trong các bài viết trước của  chuỗi Series Stablecoin Workspace , chúng ta đã cùng bàn với nhau về Stablecoin là gì, Stablecoin giải quyết vấn đề gì của thị trường tiền kỹ thuật số, tỉ trọng của Stablecoin, Vai trò và tương lai của Stablecoin với Defi, cơ chế hoạt động của Stablecoin. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về các loại Stablecoin với góc nhìn của kinh doanh truyền thống được báo giới đưa tin.

*** Bài viết này thuộc chuỗi Series Stablecoin Workspace của GFS Blockchain nhằm nghiên cứu từ căn bản tới nâng cao cũng như tốc độ phát triển hiện tại về lĩnh vực Stablecoin – Một mảnh ghép không thể thiếu của bất kỳ Hệ sinh thái DeFi nào

  • Tổng hợp các bài viết của Stablecoin Workspace –> Xem tại đây
  • Tìm hiểu định nghĩa Hệ sinh thái trong DeFi là gì? Các mảnh ghép trong một Hệ sinh thái gồm những gì? -> Tại đây

Cùng GFS Blockchain tìm hiểu qua các thông tin bên dưới.

Các chuyên gia nhận định về Stablecoin

Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ

Theo Bloomberg ngày 17/9 đưa tin, Bộ Tài chính Mỹ đang lên kế hoạch cho phép Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) tiến hành một cuộc điều tra vào phân khúc stablecoin. FSOC là cơ quan đánh giá một hoạt động kinh doanh, tài chính nào đó có “đe dọa hệ thống tiền tệ” của Mỹ hay không. Nếu có, giới chức Mỹ sẽ đưa ra những dự luật gắt gao hơn.

Tuy nhiên, đây được xem là một động thái không quá mới của chính phủ. Trước đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ là bà Janet Yellen nhiều lần bày tỏ “mối quan ngại” dành cho stablecoin.

Ngày 19/7, bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jay Powell và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler, đã cùng nhau triệu tập một cuộc họp kín để thảo luận liên quan đến chủ đề stablecoin. Theo bản ghi chú của cuộc họp, bà Yellen nhấn mạnh sự cần thiết phải “hành động nhanh chóng” để đưa ra một khuôn khổ pháp lý phù hợp với các đồng tiền ổn định.

Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ

Trước đó, Giáo sư Đại học Yale Gary B. Gorton và Jeffery Zhang đồng xuất bản báo cáo dài 49 trang có tên là “Taming Wildcat Stablecoins” (Tạm dịch: Thuần hóa thị trường Stablecoin hoang dã). Theo đó, hai tác giả cho rằng đồng tiền do tư nhân sản xuất như stablecoin không phải là phương tiện trao đổi hiệu quả. Nguyên nhân là vì stablecoin không phải lúc nào cũng có giá cố định và do đó có “rủi ro hệ thống do stablecoin tạo ra”.

Cuối cùng, nghiên cứu đưa ra hai giải pháp:

  • Một là nâng cao vai trò của stablecoin tương đương với đồng tiền pháp định của quốc gia.
  • Giải pháp thứ hai là ra mắt CBDC (đồng tiền ổn định quốc gia) và có khuôn khổ pháp lý nghiêm ngặt để hạn chế sự tồn tại của stablecoin.

Với giải pháp đầu tiên, chính phủ có thể sẽ yêu cầu stablecoin phải được phát hành thông qua sự bảo trợ của những ngân hàng được phê duyệt. Mỹ cũng có thể quy định tất cả stablecoin phải được thế chấp hoàn toàn với Kho bạc của FED. Phương án này có vẻ ít khả thi hơn.

Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed)

Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã trả lời trên báo chí trước đó rằng, ông hoài nghi về việc liệu có bắt buộc cần tạo ra một loại tiền kỹ thuật số quốc gia hay không? Sự xuất hiện của các tài sản kỹ thuật số tư nhân, chẳng hạn như stablecoin trong những năm gần đây đã tạo ra một công cụ thanh toán hấp dẫn, vì giá trị có thể được gắn với một hoặc nhiều tài sản, ví dụ như tiền tệ có chủ quyền.

“Stablecoin, như tên gọi của chúng cho thấy, đây là một loại tiền điện tử có giá trị được gắn với một loại tài sản khác, như tiền tệ fiat hoặc vàng để ổn định giá. Các khoản thanh toán bằng cách sử dụng các stablecoin như vậy cũng có thể là “miễn phí”, nghĩa là sẽ không có phí bắt buộc để giao dịch một khoản thanh toán. Nếu một hoặc nhiều thỏa thuận stablecoin có thể phát triển trên một cơ sở người dùng, chúng có thể trở thành thách thức lớn đối với các ngân hàng trong việc xử lý các khoản thanh toán. Khu vực tư nhân đã và đang phát triển các giải pháp thay thế thanh toán để cạnh tranh với hệ thống ngân hàng. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tạo ra một loại CBDC để giảm giá dịch vụ thanh toán có vẻ không cần thiết”, Waller nói.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã thông báo: Fed sẽ xuất bản một tài liệu thảo luận về lợi ích và chi phí của việc tạo ra CBDC, mặc dù ông luôn nhấn mạnh đồng Đô la Mỹ sẽ không bị thay thế bởi CBDC.

Phạm Nhất Phi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC)

Dễ thấy, chính phủ các nước trên thế giới đang hướng đến giải pháp là ra mắt CBDC, đồng tiền ổn định do các ngân hàng trung ương phát hành. Đi đầu trong nỗ lực này chính là Trung Quốc.

CNBC ngày 8/7 đưa tin Phạm Nhất Phi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bày tỏ lo ngại về “mối đe dọa nghiêm trọng” mà stablecoin có thể gây ra cho hệ thống tài chính và thanh toán toàn cầu.

“Cái gọi là stablecoin của một số tổ chức thương mại, đặc biệt là stablecoin toàn cầu, có thể dẫn đến rủi ro và thách thức đối với hệ thống tiền tệ quốc tế”, ông Phạm Nhất Phi nhấn mạnh.

Quan điểm này dường như là quan điểm chung của giới cầm quyền Trung Quốc, không chỉ với stablecoin nói riêng mà còn đối với toàn thị trường tiền kỹ thuật số nói chung. Không chỉ tăng cường đàn áp thị trường tiền kỹ thuật số trong nước, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nghiên cứu và thử nghiệm CBDC và đã phát hành thành công đồng CBDC của họ trong thời gian gần đây.

Noel Quinn, CEO Tập đoàn HSBC

Noel Quinn, CEO Tập đoàn HSBC
Noel Quinn, CEO Tập đoàn HSBC

Không chỉ giới chức quản lý nhiều nước, mà người đứng đầu của các cơ quan thương mại toàn cầu cũng có cái nhìn không thiện cảm đối với stablecoin. Ngày 22/9, CEO Tập đoàn HSBC là Noel Quinn cho biết ngân hàng này ủng hộ sự phát triển của CBDC, xem đây là công cụ đối trọng với các đồng tiền ổn định.

Ông Quinn còn cho biết HSBC đang tích cực làm việc với ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Canada, Singapore, Thái Lan, UAE… để hỗ trợ và đóng góp vào các dự án CBDC của họ.

Tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương CBDC: Xu thế tất yếu trong nền kinh tế số

Trong bối cảnh Việt Nam thúc đẩy thanh toán điện tử, việc nghiên cứu, phát triển tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), được coi là bước tiến nhảy vọt trong việc xoay trục tài chính quốc gia theo xu hướng mới, có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.

*** Tìm hiểu về tiền kỹ thuật số ngân hàng TW CBDC -> Tại đây

Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) là dạng kỹ thuật số của tiền tệ Fiat của một quốc gia, đồng thời cũng là quyền sở hữu của ngân hàng trung ương. Thay vì in tiền, ngân hàng trung ương phát hành tiền điện tử hoặc tài khoản được hỗ trợ toàn bộ bởi niềm tin và tín dụng của chính phủ.

CBDC sẽ cho phép thực hiện giao dịch, dù là trong hay ngoài nước, một cách an toàn và hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn. Mặc dù CBDC vẫn đang là một khái niệm khá mới mẻ, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã thể hiện sự quan tâm và đang xem xét ứng dụng CBDC rộng rãi.

Theo PwC Việt Nam, có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã nghiên cứu CBDC từ năm 2014
Theo PwC Việt Nam, có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã nghiên cứu CBDC từ năm 2014

Giới tài chính toàn cầu đã và đang chứng kiến một trào lưu ra đời ngày càng nhiều đồng tiền điện tử (crypto currency) hay tiền kỹ thuật số (digital currency) do khu vực tư nhân phát hành dựa trên công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology- DLT) (Opare & Kim, 2020). Các nhà nghiên cứu He (2018), Opare & Kim (2020) đã chỉ ra rằng các đồng tiền kỹ thuật số hay các tài sản kỹ thuật số (crypto assets) nói chung có rất nhiều rủi ro (biến động giá, lừa đảo, tội phạm,…), cùng các mối đe dọa sự ổn định hệ thống tài chính hay ổn định tiền tệ do sự cạnh tranh tiền tệ theo hình thức phi tập trung (Fiedler, Gern, & Stolzenburrg, 2019). Trước trào lưu trên, nhiều quan điểm đã hướng đến vai trò phát hành tiền và ổn định tiền tệ của ngân hàng trung ương (NHTW) (Carstens, 2021; He, 2018; Opare & Kim, 2020); Giới tài chính ngân hàng đã cho rằng nếu tiền kỹ thuật số là cần thiết cho xã hội, thì các NHTW phải là người phát hành đồng tiền này (central bank digital currency – CBDC – đồng tiền kỹ thuật số NHTW); và như vậy, CBDC thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cạnh tranh và hiệu quả trong thanh toán (Carstens, 2021). Thực tế đến nay đã có nhiều NHTW hay cơ quan quản lý tiền tệ nghiên cứu hay tiến hành các thử nghiệm về CBDC để giảm thiểu các rủi ro và các mối đe dọa của các đồng tiền do khu vực tư nhân phát hành (Opare & Kim, 2020). Tại Việt Nam, trước sự thâm nhập của một số đồng tiền kỹ thuật số và để lại các mối đe dọa, rủi ro cho xã hội, cơ quan chức năng đã khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin hay các loại “tiền ảo” tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm (Ba, 2017); Cơ quan chức năng chưa có chủ trương về CBDC cho dù đã có kiến nghị nghiên cứu về CBDC cho Việt Nam (Lê Văn Hinh, Thực, & Hùng, 2019). Trước thực tế đó, bài viết này tổng quát các quan điểm và động thái của một số NHTW về CBDC.

Thực trạng mức độ tham gia tiền kĩ thuật số của các ngân hàng trung ương

Tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương

  • Chuyển đổi số tiền tệ ngân hàng trung ương

Đến nay, một số NHTW đã xem xét ứng dụng tiềm năng của “kỹ thuật sổ cái phân tán” (DLT) và việc phát hành tiền kỹ thuật số- gọi là sáng kiến “tiền tệ kỹ thuật số của NHTW” (CBDC). Cho dù hiện vẫn còn một số hạn chế kỹ thuật; tuy nhiên, công nghệ đang tiến triển nhanh chóng, do đó có thể nhận định rằng CBDC dựa trên DLT có thể là hiện thực trong tương lai không xa (Shirai, 2019). Các NHTW trên thế giới (BOE, 2020) nhận định rằng với sự hỗ trợ, dẫn dắt bởi công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0, tiền giấy truyền thống- hình thức tiền dễ tiếp cận nhất- đang giảm dần và việc sử dụng tiền được phát hành bởi khu vực tư nhân đang liên tục tăng. Cho dù có tiềm ẩn những rủi ro mới, tuy nhiên trào lưu phát triển tiền kỹ thuật số đã và đang tạo ra nhiều phương thức thanh toán mới cho cộng đồng xã hội, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế số. Giới quản lý NHTW (BOE, 2020) cũng tự đặt ra câu hỏi cho mình rằng: Với tư cách là nhà phát hành hình thức tiền an toàn và đáng tin cậy nhất trong nền kinh tế, thì NHTW có nên thay những đồng tiền trước đây bằng đồng tiền điện tử – hay tiền tệ kỹ thuật số NHTW (CBDC) – để bổ sung, thay thế cho tiền giấy vật chất hiện nay.

  • Tác động của tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương

Các nhà kinh tế Fern´andez, Sanches, Schilling, & Uhlig (2020) cho rằng sự ra đời của CBDC cho phép NHTW tham gia vào quá trình trung gian tài chính với quy mô lớn hơn bằng cách cạnh tranh với các trung gian tài chính tư nhân về tiền gửi. Tuy nhiên, vì NHTW không chuyên về nghiệp vụ đầu tư, nên NHTW không thể tự mình đầu tư vào các dự án dài hạn mà phải
dựa vào các ngân hàng đầu tư để thực hiện. Nghiên cứu của Fern´andez et al. (2020) đã rút ra một kết quả tương đồng rằng nếu trong điều kiện không có khủng hoảng ngân hàng thì qua CBDC, vai trò trung gian tài chính của khu vực ngân hàng nói chung trong nền kinh tế cũng có thể vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường bất ổn (khủng hoảng tài chính), sự chặt chẽ trong hợp đồng, cam kết của NHTW với các ngân hàng đầu tư có khả năng ngăn chặn các tình trạng tháo chạy tài chính do hoảng loạn.

Để đánh giá tác động hay vai trò của CBDC, nghiên cứu của Fernández-Villaverde & Sanches (2016) đã dựa trên mô hình cân bằng tiền tệ, trong điều kiện có cạnh tranh giữa đồng tiền truyền thống (NHTW phát hành hay fiat currencies) với các đồng tiền do tư nhân phát hành (Bitcoin hoặc Ethereum…), đã chỉ ra rằng tồn tại một trạng thái cân bằng tiền tệ, trong đó sự ổn định giá cả phù hợp với các đồng tiền tư nhân cạnh tranh, nhưng cũng tồn tại một quỹ đạo cân bằng liên tục mà chi phí xã hội của các đồng tiền tư nhân dần hội tụ về 0. Tuy nhiên, sau đó không còn tồn tại các cân bằng khi người ta gắn yếu tố vốn sản xuất với các đồng tiền này. Kết quả này gợi ý rằng nên có đồng tiền kỹ thuật số có tính xã hội cao độ, nó phù hợp với quan điểm rằng, nếu xã hội cần có đồng tiền kỹ thuật số thì NHTW phải là người phát hành những đồng tiền này (Carstens, 2021).

Liên quan đến tác động của tiền kỹ thuật số và CBDC, nghiên cứu tổng quan của Fiedler et al. (2019)ƫ đưa ra một số điểm khẳng định tính tích cực, hay vai trò tiền tệ vượt trội của nó như sau:

  • Giá trị tiền tệ không đổi: Tiền kỹ thuật số (digital money) có thể ở các dạng khác nhau đại diện cho giá trị tiền tệ bên trong hoặc trên bề mặt của nó. Tiền này có thể dựa trên tài khoản hay bút tệ (account-based) hoặc mã hóa (token money) và có thể là một loại tiền tệ độc lập hoặc một phần của “khu vực tiền tệ truyền thống”(traditional currency domain).
  • Tiền kỹ thuật số cải thiện tính hữu dụng: Tiền mặt (vật lý) đang ngày càng trở nên ít quan trọng tương đối ở nhiều nền kinh tế do sự tiện lợi và hiệu quả của các phương thức thanh toán điện tử kết hợp với thiết bị di động mang lại.
  • Cải thiện phúc lợi xã hội: Sự ra đời của tiền kỹ thuật số có khả năng cải thiện phúc lợi do phát huy tiềm năng các mối liên kết, trao đổi trong hệ sinh thái liên kết và cho phép khả năng chuyển tiền trực tiếp giữa các đối tác mà không cần qua ngân hàng. Tuy nhiên, xã hội sẽ phải giải quyết rất nhiều thách thức về luật pháp/pháp lý trước khi cho ra mắt đồng tiền ổn định với quy mô và phạm vi rộng lớn. Các chế độ quản lý khác nhau ở mỗi quốc gia có thể dẫn đến hệ thống tài chính quốc tế phân mảnh. Vì vậy, sự xuất hiện một loại tiền điện tử có thể liên kết rộng rãi với một nền tảng điện tử xã hội hoặc thương mại lớn. Vấn đề độc quyền vốn có trong các ngành công nghiệp mạng cũng sẽ trở thành mối quan ngại tiềm tàng.
  • Đồng CBDC xuất hiện có thể gây xáo trộn cho các NHTW và NHTM, bởi vì dân chúng (người có tiền) luôn có khuynh hướng ưu tiên nắm giữ trực tiếp các quyền về tài sản hơn là giữ tiền do NHTW phát hành, đặc biệt khi NHTW đưa CDBC vào lưu thông. Một số người có cảm giác không an toàn, khi đó, một phần tiền gửi truyền thống sẽ được chuyển sang CDBC hoặc được người dân chuyển đổi sang nắm giữ dạng tài sản khác. Đồng thờicác ngân hàng thương mại (NHTM) cũng có xu hướng lựa chọn nhận giữ các tài sản an toàn khác không phải tiền gửi thông thường, vì vậy và tài sản Có của NHTM cũng sẽ thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng các tài sản có tính tin cậy hơn;.
  • Tăng cường sự cạnh tranh tiền tệ: Trong lịch sử, sự xuất hiện đồng tiền do NHTW phát hành là để thống nhất một loại tiền tệ trong nền kinh tế, đảm bảo giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức phát hành trong một hệ thống tiền tệ. Vì vậy sự xuất hiện các đồng tiền kỹ thuật số đã làm tăng đáng kể tiềm năng cạnh tranh tiền tệ, giảm tính đồng nhất và khan hiếm của tiền tệ, nhất là khi nó được sử dụng gắn với các nền tảng xã hội hoặc các trung tâm thương mại lớn.
  • NHTW vẫn duy trì sự độc quyền về tiền tệ và sự kiểm soát tiền tệ: Có rất nhiều lý do tại sao các NHTW vẫn cùng nhau quyết định triển khai CBDC nhưng lại thực hiện một cách riêng rẽ; Theo các ý tưởng, NHTW vẫn có thể thiết lập được hệ thống thanh toán, doanh thu cao hơn, cải thiện tài chính toàn diện, cải thiện hiệu quả của hệ thống thanh toán, truy xuất nguồn gốc các giao dịch bất hợp pháp, tăng cường được giám sát, duy trì sự độc quyền về tiền trong khi đáp ứng nhu cầu về tiền kỹ thuật số và chống lại sự cạnh tranh từ các loại tiền tệ tư nhân cũng như từ các CBDC nước ngoài.
  • Tác động đến chính sách tiền tệ: Tác động của tiền kỹ thuật số đối với chính sách tiền tệ là không dễ suy đoán. Nếu tình hình kỹ thuật số hóa diễn ra nhanh chóng, tiền mặt được thay thế hoàn toàn bằng tiền kỹ thuật số có nguồn gốc từ NHTW, thì khả năng tạo ra lạm phát của NHTW có thể tăng lên vì sẽ không có sàn lãi suất (nới lỏng không giới hạn). Tuy nhiên, nếu tình trạng kỹ thuật số hóa trong bối cảnh có cạnh tranh hơn (bởi tiền tư nhân hoặc nước ngoài), thì nguy cơ lạm phát tiền tệ (từ các NHTW) có thể bị hạn chế bởi chính NHTW phải tự kiềm chế việc lạm dụng phát hành quá mức của họ, nếu không thì dân chúng sẽ chuyển sang nắm giữ các loại tiền tệ khác cạnh tranh hơn(Fiedler et al., 2019).
  • Thiết kế cho tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương

Nghiên cứu của Bordo & Levin (2017) đã phân tích các chức năng chính của CBDC với giả định rằng mục tiêu của NHTW là tối đa hóa hiệu quả của CBDC trong các chức năng cơ bản của bất kỳ loại tiền công cộng nào. Cụ thể là cần xem xét: Tính hiệu quả của nó khi đóng vai trò là phương tiện trao đổi, sự an toàn của nó trong chức năng cất trữ giá trị; và sự ổn định của nó khi là đơn vị hạch toán các giao dịch kinh tế tài chính. Các tiêu chí đó là cơ sở để người ta nhận diện “CBDC là được thiết kế tốt” (well-designed CBDC).

Trên phương diện chức năng tiền tệ theo nguyên tắc nêu trên, nghiên cứu của Bordo & Levin, (2017) cho rằng CBDC có thể đóng vai trò như một phương tiện trao đổi thực sự với mức chi phí bằng 0, lưu trữ giá trị an toàn và đơn vị hạch toán ổn định. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng là liệu các NHTW có nên nhanh chóng phát hành CBDC hay không.

Về thiết kế cho ra đời CBDC, nếu tiếp cận thụ động thì có thể khó tránh khỏi các rủi ro như: bất ổn kinh tế vĩ mô, mất kiểm soát tiền tệ, rủi ro hệ thống, suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Cho dù thiết kế CBDC như thế nào đi nữa, các nhà kinh tế học cho rằng nếu thụ động nghiên cứu CBDC thì đó không phải là chiến lược tốt. Người ta cũng cho rằng con đường chuyển đổi số cuối cùng có thể dẫn đến nhiều lợi ích hơn là các tiêu cực mà nó gây ra; quốc gia đi trước trong cuộc chơi này sẽ là khôn ngoan, hơn là cố gắng bám đuổi vào phút chót (Bordo & Levin, 2017).

Diễn biến tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương tại một số quốc gia trên thế giới

Các nghiên cứu chỉ ra rằng bắt đầu từ năm 2012 các NHTW đã quan tâm đến CBDC (ECB, 2012); Tuy nhiên, những nỗ lực thực sự trong việc phát triển từ các khái niệm ban đầu cho các “CBDC dựa trên công nghệ sổ cái phân tán” (Distributed Ledger Technology- based CBDCs) và đến khoảng năm 2015 thì mới bắt đầu có nghiên cứu thực nghiệm (định lượng) về tác động của chúng đối với nền kinh tế rộng lớn hơn (Opare & Kim, 2020). Từ đó đến nay, các nghiên cứu về CBDC có quy mô thế giới chia các NHTW áp dụng CBDC thành 3 nhóm: “Nhóm tiên phong” (Early Adopters), “Nhóm làm theo” (Followers ) và “Nhóm mới tham gia” (New Entrants) (Opare & Kim, 2020).

Nhóm tiên phong (từ năm 2015 đến 2016) Nhóm này gồm NHTW Anh (BOE), NHTW Trung Quốc (PBOC) và NHTW Canada (BOC), NHTW Đức, NHTW Pháp (Opare & Kim, 2020):

  • BOE đã xuất bản “Chương trình Nghiên cứu Một Ngân hàng’’ (BOE, 2015) vào năm 2015 là sự nối tiếp của phát triển ý tưởng trong khuôn khổ RSCoin CBDC (Danezis & Meiklejohn, 2016) do các nhà nghiên cứu tại Đại học College London đại diện cho họ, đã công bố vào tháng 2/2016. Như vậy BOE là nhóm đi đầu trong nghiên cứu CBDC.
  • PBOC bắt đầu thử nghiệm CBDC vào tháng 1/2016, qua đó cho phép PBOC kiểm soát tốt hơn cung ứng tiền ở Trung Quốc và cũng cải thiện hiệu quả hệ thống thanh toán của họ (PBOC, 2016; Varshney, 2016).
  • NHTW Canada (BOC): Tháng 3/2016, BOC cùng với Payments Canada và R3 đã khởi xướng Dự án Jasper (Payments_Canada, 2017a, 2017b), tiến hành thực nghiệm đồng CBDC bán buôn (W-CBDC) để kiểm định cơ chế hay cách thức mà DLT có thể biến đổi các khoản thanh toán trong tương lai trên phạm vi trong nước như thế nào.
  • Tại một số nước khác thuộc Châu Âu: NHTW Đức (Deutsche Bundesbank) đã khởi xướng Dự án BLOCKBASTER (Bundesbank, 2018) vào tháng 3/2016 cho việc khám phá tiềm năng của ứng dụng blockchain cho việc thanh toán chứng khoán trong giao dịch liên ngân hàng ở Đức. Ngoài ra, NHTW Pháp (Bank of France) đã bắt đầu

Dự án MADRE (Banque_de_France, 2019) vào tháng 6/2016 để giải quyết những khó khăn trong việc phát hành các mã định danh tín dụng (SEPA Credit Identiers/ SCI) khu vực thanh toán bằng đồng euro (SEPA) cho các ngân hàng ở Pháp.

Tháng 9/2016, NHTW Brazil bắt đầu thực nghiệm dự án Project SALT (Burgos, Filho, Suares, & Almeida, 2017). Cùng thời gian này, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (US Fed) công bố báo cáo về CBDC đầu tiên (Mills et al., 2016). MAS (Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore) cùng các cơ quan quản lý tài chính Singapore cũng đã bắt đầu thử nghiệm Dự án Ubin (MAS, 2016) CBDC vào tháng 11/2016.

Tháng 12/2016, NHTW Châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BOJ) đã công bố dự án song phương có tên Project Stella (BOJ, 2016), để thử nghiệm CBDC. Nhóm làm theo (từ năm 2017 đến năm 2018) Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã công bố dự án CBDC của mình, Dự án LionRock (HKLCC, 2017; HKMA, 2017) vào tháng 3/2017 với mục tiêu khám phá tiềm năng của DLT cho các chức năng thanh toán liên ngân hàng nội địa ở Hồng Kông.

Vào tháng 5/2017, NHTW Phần Lan đã công bố nghiên cứu CBDC (Grym, Heikkinen, Kauko, & Takala, 2017) phân tích những điểm giống và khác nhau giữa tiền mặt và đồng GV – CBDC (đồng CBDC đa mục đích). Trong thời gian này, tháng 9/2017, Sveriges Riksbank (NHTW Thụy Điển) nghiên cứu CBDC là phương tiện thanh toán, bắt đầu bằng đồng e-Krona (Sveriges_Riksbank, 2017, 2018), để chủ động trước tình trạng sử dụng tiền mặt ngày càng giảm ở Thụy Điển.

Tháng 11/2017, NHTW Uruguay đã khởi xướng dự án e-Peso CBDC là phương tiện để giải quyết các ách tắc trong thúc đẩy tài chính toàn diện ở Uruguay (Licandro, 2018). Cùng thời gian này, NHTW Israel (BOI) đã thành lập một nhóm nghiên cứu về lợi ích tiềm năng cho việc phát hành e-Shekel (BOI, 2018) CBDC ở Israel.

Tháng 12/2017, trong báo cáo CBDC (DNB, 2017) do NHTW Đan Mạch công bố, đã đánh giá tổng quát về CBDC và tác động của nó đến cơ sở hạ tầng thị trường tài chính của Đan Mạch.

Tháng 01/2018, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) đã khởi xướng thử nghiệm Dự án Khokha CBDC khám phá việc sử dụng DLT cho thanh toán liên ngân hàng bán buôn ở Nam Phi (SARB, 2018). Cùng thời gian này, tại Venezuela, SUPCAVEN khởi động Dự án Petro (Supcacven_Petro, 2018), một CBDC dựa trên giá trị theo mục đích chung (purpose value-based CBDC), nhằm giảm sự phụ thuộc của Venezuela vào Đô la Mỹ (USD) là đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới và cũng vượt qua các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) (Jazeera, 2018).

NHTW Litva (BOL) vào tháng 3/2018 đã công bố kế hoạch phát triển nền tảng LBChain (BOL, 2018, 2019), một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các sản phẩm dựa trên DLT (DLT-based regulatory sandbox) nhằm thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ tài chính của nền kinh tế này.

NHTW Thụy Sĩ vào tháng 4/2018 cũng đã kiểm định sự phù hợp của DLT đối với các dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ (Maechler, 2018).

Tháng 5/2018, NHTW Na Uy (NB) đã công bố kết thúc giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu CBDC (NB, 2018). Nghiên cứu CBDC của Na Uy đã đánh giá tiềm năng CBDC trong việc đảm bảo hiệu quả của hệ thống thanh toán và phù hợp với các hạ tầng tài chính của Na Uy. Cũng trong thời gian này, NHTW New Zealand đã công bố báo cáo cho lãnh đạo cấp cao (Bascand, 2018) đánh giá vai trò của DLT trong việc cải thiện hiệu quả của hệ thống thanh toán.

Tháng 8/2018, NHTW Thái Lan (BOT) đã công bố Dự án Inthanon (BOT, 2019), một thử nghiệm CBDC dựa trên DLT nhằm đánh giá tiềm năng của DLT trong hệ thống tài chính ở Thái Lan. Ở cấp độ đa phương, BOC, BOE và MAS cùng công bố báo cáo CBDC (BOC_BOE_MAS, 2018) đánh giá các mô hình có thể lựa chọn để cải thiện sự hiệu quả trong thanh toán liên ngân hàng qua biên giới bằng cách sử dụng DLT trong tháng 11/2018.

Nhóm mới tham gia (từ năm 2019 đến 2020)

Tháng 2/2019, NNHTW Hàn Quốc (BOK) đã công bố nghiên cứu đánh giá tác động của “CBDC theo tài khoản có mục đích chung” (purpose account-based CBDC) đối với sự ổn định của thị trường tài chính bằng cách sử dụng có sự phân biệt hai mô hình cân bằng tiền tệ (Kim & Kwon, 2019); Trong gian đoạn này, BOJ có công báo chính thức quan trọng đầu tiên (Yanagawa & Yamaoka, 2019) về CBDC và đánh giá tác động tiềm tàng của CBDC đối với hiệu quả thanh toán theo các hạ tầng tài chính nói chung tại Nhật Bản.

Tháng 5/2019, BOC và MAS đã công bố báo cáo Dự án Jasper-Ubin (BOC_MAS, 2019), CBDC đầu tiên trên thế giới thử nghiệm cho phép thực hiện các khoản thanh toán liên ngân hàng qua biên giới riêng biệt trên hai nền tảng DLT được tính theo hai loại tiền tệ khác nhau. Dự án Jasper-Ubin dựa trên mô hình khác nhau thực hiện thanh toán liên ngân hàng qua biên giới được đề xuất trong đó (BOC_BOE_MAS, 2018). Dưới sự bảo trợ của ECB, bộ phận đặc nhiệm về “ECB Crypto-Asset” (ECB Crypto-Asset Task Force) đã công bố phân tích về tài sản mã hóa (crypto-assets) (ECB, 2019) vào tháng 5/2019. Báo cáo đã đưa ra khái niệm tiêu chuẩn cho tài sản mã hóa (crypto-assets) và kiểm định tác động của chúng đối với nền kinh tế rộng lớn hơn từ góc độ chính sách tiền tệ (ECB, 2019). Nghiên cứu CBDC được thảo luận gắn với nhiều vấn đề liên quan (Opare & Kim, 2020).

Các tại liệu tham khảo thêm:

  • Thủ_Tướng. (2016). Quyết định số Số: 844/QĐ-TTg của Thủ Tướng về Phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
  • Thủ tướng Quyết định số 986/QĐ-TTg Về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, (2018). 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, 999/QĐTTg ngày 12/8/2019 C.F.R. (2019).
  • Thủ_tướng. (2020a). Quyết định số 149/QĐ-TTg Về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  • Thủ_tướng. (2020b). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 /6/ 2020 về Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  • Thủ_tướng. (2021). Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/ 01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình quốc gia phát triển Công nghệ cao đến 2030 Chính phủ

Thị trường tiền kỹ thuật số tại Việt Nam có tiềm năng?

Việt Nam là quốc gia có một lượng lớn người dân quan tâm, tham gia vào lĩnh vực tiền ảo, đồng nghĩa với việc chúng ta đã có một thị trường tương đối lớn. Theo khảo sát của Statista, Việt Nam thuộc top 3 toàn cầu về tỷ lệ người dân sở hữu tiền điện tử.

Nhận định về thị trường tiền kỹ thuật số tại Việt Nam, ông Võ Tấn Long, Giám đốc Chuyển đổi số tại PwC Việt Nam cho biết: “Tại châu Á, các dự án CBDC thành công và sự phát triển của giấy phép ngân hàng số sẽ trở thành bước đệm thúc đẩy tài chính toàn diện. Chính phủ Việt Nam đã khởi động chiến lược tài chính toàn diện toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 149/QĐ-TTg. Việc CBDC có thể hiện thực hoá hay không sẽ phụ thuộc vào khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ việc phát hành và phân phối tiền kỹ thuật số, cũng như phương pháp giải quyết rủi ro về bảo mật. Đây là một lời kêu gọi tới các cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính hãy bắt tay vì một mô hình phát triển hài hòa”.

Liệu Việt Nam sẽ gia nhập cuộc đua phát triển CBDC cùng khu vực? Được biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đảm nhận vai trò nghiên cứu và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số, dựa trên công nghệ blockchain, trong vòng 3 năm tới. Trong bối cảnh Việt Nam đã liên tục thúc đẩy thanh toán điện tử từ năm 2018, CBDC sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.

Việt Nam không đứng ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 942 ngày 15/6/2021 về phê duyệt Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử tới năm 2030, đã giao cho Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2021 – 2023 “nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối blockchain”. Đây được coi là một bước tiến lớn, bắt nhịp với xu hướng nghiên cứu, phát triển và thí điểm CBDC đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Chia sẻ về chủ đề này, bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Tài chính tại PwC Việt Nam cho biết: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận với tiền điện tử của ngân hàng trung ương. Quyết định 942/QĐ-TTg hứa hẹn sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam đối với các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến khác. Đồng thời, quyết định này cũng cho thấy sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội không tiền mặt và nền kinh tế số mạnh mẽ trong tương lai”.

Mặc dù luật pháp Việt Nam chưa công nhận tiền kỹ thuật số là phương pháp thanh toán hợp pháp, đây chính là thời điểm thích hợp để khám phá xu hướng tất yếu này. Một ví dụ nổi bật có thể kể đến là chương trình hợp tác nghiên cứu về cơ sở pháp lý cho quản lý tiền ảo và tài sản ảo giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính. Những nỗ lực trên cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có quan điểm cởi mở hơn về các loại tiền kỹ thuật số.

Mặc dù chương trình thí điểm tiền kỹ thuật số vẫn chưa ấn định thời gian cụ thể, động thái của các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam sẽ là tâm điểm trong thời gian tới.

Nhiều quốc gia tăng tốc

Mới đây, các Ngân hàng Trung ương của Úc, Singapore, Malaysia và Nam Phi cho biết, sẽ hợp lực để thử nghiệm việc sử dụng nhiều loại tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) trên một nền tảng dùng chung cho các khoản thanh toán và giao dịch xuyên biên giới. Hoạt động này được dẫn dắt bởi Trung tâm Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ở Singapore – Dự án Dunbar, nhằm cho phép các tổ chức tài chính giao dịch với nhau bằng các đồng CBDC, qua đó cắt giảm thời gian và chi phí giao dịch.

Kết quả về sự phát triển cùng hợp tác của các đối tác công nghệ trong khu vực công và tư nhân, dự kiến sẽ được công bố vào đầu năm tới.

Giám đốc Fintech Sopnendu Mohanty tại Cơ quan tiền tệ Singapore cho biết: “Những phát hiện về cách một nền tảng chung có thể được quản lý hiệu quả hơn và từ đó sẽ hình thành kế hoạch chi tiết cho các hệ thống thanh toán ở thế hệ tiếp theo”.

Trong cuộc đua đổi mới công nghệ tài chính, các Ngân hàng Trung ương ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Singapore, cộng với một loạt quốc gia khác và Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đã công bố cân nhắc của họ đối với CBDC dưới nhiều hình thức khác nhau trong những năm gần đây.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 942 ngày 15/6/2021, giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối Blockchain giai đoạn 2021-2023. Có thể hiểu, đây là một sự khởi đầu cho việc nghiên cứu CBDC tại Việt Nam, bắt kịp cùng xu hướng toàn cầu, với thế mạnh về nền tảng Fintech nở rộ trong những năm gần đây. Đặc biệt, với NHNN, việc ứng dụng CBDC sẽ loại bỏ các vấn đề liên quan đến tiền mặt như in tiền, phân phối và chống tiền giả…

CBDC – Việt Nam đi cùng với xu hướng thế giới

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Công ty Cổ phần Decom Holdings

Ông Trung Phan - Chủ tịch Công ty Cổ phần Decom Holdings về đầu tư, thành viên khởi xướng quy tụ nhóm các chuyên gia hiến kế cho MAS
Ông Trung Phan – Chủ tịch Công ty Cổ phần Decom Holdings về đầu tư, thành viên khởi xướng quy tụ nhóm các chuyên gia hiến kế cho MAS

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Công ty Cổ phần Decom Holdings về đầu tư, thành viên khởi xướng quy tụ nhóm các chuyên gia hiến kế cho MAS cho rằng: “Thủ tướng Chính phủ có ra quyết định số 942 ngày 15.6.2021 về phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử tới năm 2030 có ghi tới trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2021-2023 có nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối blockchain. Có thể hiểu đây là một sự khởi đầu cho việc nghiên cứu CBDC tại Việt nam”.

TS.Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), tác giả bộ gõ Vietkey là thành viên nhóm nghiên cứu
TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), tác giả bộ gõ Vietkey là thành viên nhóm nghiên cứu

TS.Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), thành viên của nhóm chuyên gia “Hiến kế” cho biết: “Đối với giải pháp bảo mật trong CBDC, các vấn đề bảo mật là một mối quan hệ gồm: phần cứng, phần mềm và ở nhiều tầng khác nhau. Những vấn đề này cần thiết kế tỉ mỉ để xử lý các vấn đề này chính xác tại lớp nào”.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước

Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là phải có thời điểm bắt đầu. Ông Nguyễn Đoan Hùng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết: “Có lẽ tới cuối sang năm số ngân hàng quốc gia không nghiên cứu về CBDC sẽ nằm dưới 8% số quốc gia trên thế giới. CBDC là một xu hướng phát triển tiền tệ của mọi quốc gia”.

Ông Huy Nguyễn, nguyên Giám đốc công nghệ cao cấp tại Google, sáng lập và là GĐ Công nghệ tại KardiaChain

Ông Huy Nguyễn, nguyên Giám đốc công nghệ cao cấp tại Google, sáng lập và là GĐ Công nghệ tại KardiaChain – công ty nền tảng blocchain liên chuỗi đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á cho rằng: “Vì đây là công nghệ mới, khoảng cách công nghệ không quá xa và chúng ta có thể dễ dàng rút ngắn. Chúng ta có nguồn lực, kinh nghiệm của các chuyên gia và những sản phẩm thành công. Tôi nhận thấy đây chính là cơ hội để chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Chúng ta có thể xem thêm chi tiết tại đây: https://thanhnien.vn/cbdc-dia-hat-de-viet-nam-di-cung-voi-xu-huong-the-gioi-post1097202.html

ThS. Lê Xuân Lục, Giảng viên Đại học Kiểm sát Hà Nội

Phát biểu tại một toạ đàm về Pháp luật Việt nam trong lĩnh vực tiền ảo, ThS. Lê Xuân Lục, Giảng viên Đại học Kiểm sát Hà Nội cho biết, Việt Nam có sự phát triển kinh tế vĩ mô tương đối nhanh và ổn định trong thời gian vừa qua. Những thành tựu phát triển kinh tế là không thể phủ nhận, từ những kết quả đó dẫn đến việc Việt Nam sẽ bắt kịp với các nước khác, dựa trên cơ sở tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế kỹ thuật số. Như vậy, xu thế pháp luật của Việt Nam cũng sẽ không thể đứng ngoài vòng phát triển này, vì cấm chưa bao giờ là giải pháp tốt để phát triển kinh tế.

Theo ông Lê Xuân Lục, Việt Nam sẽ có 4 định hướng giải pháp cụ thể như:

  • Thứ nhất, sẽ cấm dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán và sẽ khó bỏ quy định cấm này để tránh ảnh hưởng đến tiền pháp định của Việt Nam, nhưng sẽ không cấm với tư cách là tài sản. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến một loạt các thể chế pháp lý khác nhau như quy định về hình sự, dân sự và các sắc luật về thuế.
  • Thứ hai, xây dựng ngành nghề kinh doanh có điều kiện và nếu rộng hơn là tự do kinh doanh trong tài chính kỹ thuật số.
  • Thứ ba, xây dựng một quy chế để kiểm soát, giám sát các giao dịch liên quan đến lĩnh vực tiền ảo và thanh toán số, hoặc cho phép mở sàn giao dịch liên quan đến tiền ảo một cách hợp pháp.
  • Thứ tư, quy định tiền ảo là đối tượng chịu thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đầu tư kinh doanh loại tài sản này.

Kết luận

Ngoài việc Stablecoin ra đời nhằm mục đích giảm thiểu sự biến động quá lớn của tiền kỹ thuật số, ngoài việc Stablecoin là “nơi trú ẩn an toàn với những ngày giông bão của thị trường”, tỉ trọng của Stablecoin, Vai trò và tương lai của Stablecoin với Defi, cơ chế hoạt động của Stablecoin. Như chúng ta đã bàn trong các bài viết trước, ở bài này chúng ta được tìm hiểu thêm các thông tin về các loại Stablecoin với góc nhìn của kinh doanh truyền thống được báo giới đưa tin…

*** Hãy cùng theo dõi sự phát triển của lĩnh vực Stablecoin trong thị trường Crypto qua các bài viết cập nhật sau này cùng GFS Blockchain thông qua chuyên đề Stablecoin Workspace -> Tại đây

Trên đây là những thông tin chính của Stablecoin, nếu bạn muốn trao đổi nhiều hơn thì hãy tham gia vào cộng đồng của GFS Blockchain cùng các thành viên khác nhé:

Hy vọng bài viết tổng quan về Stablecoin sẽ giúp mọi người có thêm thông tin, dữ liệu, góc nhìn mới. Và đừng quên theo dõi thường xuyên các bài viết chia sẻ thông tin và kiến thức trên website GFS Blockchain hàng ngày.

0 0 đánh giá
Article Rating