Tổng quan
Nhân ngày 20/09, ngày đầu tiên NFTDay được tổ chức, một ngày lễ kỷ niệm chính thức của NFT trên mọi Blockchain được diễn ra. Với sự góp mặt của dàn khách mời khủng đến từ nhiều dự án lớn, có tiếng trong thị trường để giải mã tất tần tật về “NFT” và giúp người xem có thể nắm bắt được cơ hội đầu tư to lớn trong thị trường này.
Cùng GFS điểm qua một vài chia sẻ thú vị của Alex Phạm – CEO của dự án Realbox. Với 15 kinh nghiệm trong lĩnh vực Bất động sản, Tech và Tài chính, từng đảm nhận nhiều vị trí cấp cao trong các tập đoàn đa quốc gia, thì anh sẽ có góc nhìn đa chiều như thế nào về NFT và tiềm năng của nó trong tương lai ra sao.
Góc nhìn của anh đối với NFT hiện tại là như thế nào?
Bản chất của NFT là đại diện cho một chứng nhận tài sản kỹ thuật số hoặc là tài sản vật lý.
Nếu không dùng từ NFT, thì việc chứng nhận sở hữu tài sản nó đã tồn tại trên thế giới của chúng ta từ rất lâu rồi, từ thời xưa, từ thời Pharaon, chúng ta có sở hữu đất đai, chúng ta có những giấy tờ quyết định của vua chúa về giao đất cho người dùng nào đó. Sau này ở Việt Nam, chúng ta có quyền sử dụng đất như sổ đỏ, ở nước ngoài chúng ta có property title (Chứng thư tài sản).
Nếu người sản xuất ra vật chất không có quyền sở hữu, không có chứng nhận sở hữu đối với vật chất đó thì sự phát triển của xã hội sẽ không bao giờ có được như ngày hôm nay. Việc xác lập quyền sở hữu đó sẽ khuyến khích con người tạo ra tài sản nhiều hơn và sáng tạo hơn để mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng.
Trong tương lai NFT sẽ có rất nhiều ứng dụng và anh cũng đang ứng dụng nó vào trong các tài sản vật lý để làm cơ sở xác lập quyền tài sản cho một ai đó.
Những khó khăn nào đã làm cho chúng ta chưa thể áp dụng NFT và công nghệ Blockchain vào cuộc sống?
Chứng khoán cũng là một giấy chứng nhận quyền sở hữu một phần của doanh nghiệp. Nhưng mà nó cũng mất một khoảng thời gian dài để nhận được niềm tin của nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Đặc biệt, NFT còn vượt trên cả chứng khoán thì anh nghĩ chúng ta sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để làm quen với nó, bắt đầu có niềm tin về nó. Sau khi tin tưởng nó, chúng ta phải có thêm sự công nhận của xã hội và sự công nhận của pháp lý.
Hiện tại, thực tế việc sở hữu NFT chưa được công nhận bởi quốc gia, bởi nền pháp lý truyền thống thì đây là khó khăn lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Bản thân của NFT nó không có giá trị gì hết nhưng mà tài sản phía dưới của NFT nó đại diện cho việc sở hữu mới là thứ có giá trị.
Dù bất cứ tài sản nào, chúng ta nên phân biệt giữa 2 cái đó là giá và giá trị. Giá là thứ mà mọi người sẵn sàng trả cho một thứ gì đó, nhưng mà tồn tại cuối cùng lại là giá trị của tài sản đó.
Giá trị của một tài sản được cấu thành bởi 3 thành phần chính:
- Đầu tiên là “tính độc nhất”. Mỗi tài sản nó chỉ có giá trị nếu mà nó độc nhất. Một tài sản như không khí, đất đá nó có quá nhiều thì nó không có giá trị. NFT thì có tính độc nhất, mọi người rất vui vẻ sẵn sàng để trả giá cao cho nó.
- Thứ hai là “sự tồn tại”. Nếu mọi thứ chỉ xuất hiện và ngày mai nó biến mất thì nó cũng sẽ không có giá trị gì hết. Nhưng, NFT chứng minh được điều thứ hai chính là nó có khả năng tồn tại lâu dài.
- Cuối cùng là “tính sử dụng”. NFT đến thời điểm hiện tại là đang “thất bại” trong điều kiện này. Nó có giá nhưng chưa chắc nó có giá trị.
NFT phải thỏa mãn đủ 3 yếu tố này thì nó mới trở thành một điều gì đó được xã hội công nhận, kể cả pháp lý, pháp luật trong tương lai.
Những tính ứng dụng của NFT trong tương lai?
Như việc anh ứng dụng NFT vào dự án Realbox của mình. Trong lĩnh vực bất động sản đó của anh, không chỉ riêng gì về công ty của anh mà còn rất nhiều công ty bất động sản lớn khác đang có xu hướng chuyển đổi dần và sử dụng công nghệ Blockchain trong các công ty của họ.
Bên Úc, người ta cũng xây dựng một số thành phố song song, gọi là “twin city” để mà họ hỗ trợ việc quản lý và khai thác tài sản cứng khiến nó trở nên đơn giản hơn. Thực sự khi về Việt Nam, anh thấy khái niệm Metaverse quen lắm, tại anh đi tất cả các nước trên thế giới anh chưa bao giờ thấy nước nào mà bán được nhà hình thành trong tương lai. Chỉ có Việt Nam mình, nước duy nhất nhà chưa hình thành mà bán và thu đủ 95%. Nên anh nói áp dụng Metaverse cho bất động sản thì Việt Nam là đầu tiên trên thế giới.
Những rủi ro của NFT trong tương lai?
Bản thân NFT không có rủi ro, Blockchain không có rủi ro, nhưng rủi ro nằm ở các nhà đầu tư, các chủ dự án. Thành thật, chúng ta tham gia vào thị trường NFT này với một tâm thế đầu tư chưa hay đi “lùa gà” cho những thế hệ phía sau hay dùng cho việc đầu cơ. Bản chất cái cách chúng ta dùng nó để làm gì mới tạo ra rủi ro lớn nhất cho NFT.
Bạn có thể xem lại sự kiện NFTDay ngay tại đây:
Tổng kết
Hy vọng thông qua sự kiện NFTDay và những chia sẻ đầy chân thành của CEO dự án Realbox sẽ mang đến cho các bạn có một cái nhìn tổng quan hơn về NFT, hiểu rõ giá trị thật sự của NFT là gì, đặc biệt là thấy được tiềm năng phát triển của thị trường này trong tương lai. Những góc nhìn của các chuyên gia chỉ mang mục đích cung cấp thêm thông tin cho các bạn, điều quan trọng vẫn là “Do Your Own Research“, các bạn phải tự nghiên cứu, tự phân tích để đưa ra cho mình những quyết định đúng đắn nhất trước khi đầu tư vào một điều gì đó.
GFS Blockchain sẽ liên tục cập nhật thông tin mới về thị trường, mọi người hãy theo dõi thường xuyên chuyên mục thông tin dự án tại website và đừng quên tham gia vào nhóm cộng đồng của GFS để thảo luận nhé.