Thời gian gần đây, thị trường tiền kỹ thuật số bùng nổ khi vốn hoá vượt ngưỡng 3.000 tỷ đô la, các tài sản kỹ thuật số như BTC, ETH và một số Altcoin khác đã bắt đầu được chuyển dần từ các khoản đầu cơ sang thành đầu tư trong danh mục của nhiều cá nhân và tổ chức, thậm chí quốc gia.

Khi crypto tiếp tục tự khẳng định mình như “những kẻ phá vỡ tiềm năng của hệ thống tài chính toàn cầu”, các nhà lập pháp và chính phủ trên toàn thế giới đã bắt đầu xem xét sâu hơn để điều chỉnh tốt hơn cho lĩnh vực đang phát triển nóng này.

Chính sách crypto của các nước
Chính sách quản lý tiền kỹ thuật số của các nước

Tổng quan

Mặc dù việc điều tiết tiền kỹ thuật số có thể có những tác động tích cực trong dài hạn, nhưng cho đến nay, các chính phủ trên toàn thế giới vẫn còn chia rẽ về cách kiểm soát loại tài sản này. Vì không có cơ quan trung ương chung quản lý thống nhất nên mỗi chính phủ hoặc cơ quan quản lý tuân theo một cách tiếp cận khác nhau trong việc quản lý Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác. Một số quốc gia như El Salvador đã chấp thuận Bitcoin như một tiền tệ hợp pháp hoặc ở chiều ngược lại, những quốc gia khác như Trung Quốc đã thực hiện các quy định nghiêm ngặt trong việc cấm lưu hành, thanh toán và khai thác Bitcoin. Trong khi đó, các quốc gia khác như Ấn Độ và Bangladesh vẫn đang tìm ra cách tốt nhất để điều chỉnh các quy định của mình.

Các trung tâm tài chính lớn như Singapore vẫn có các chế độ cấp phép rõ ràng cho các công ty tiền kỹ thuật số hoạt động với tính hợp pháp giống như các tổ chức tài chính truyền thống. Sự chấp nhận theo quy định mang lại cho các nhà đầu tư tổ chức và các doanh nghiệp đa quốc gia lớn sự tự tin khi giao dịch bằng tiền kỹ thuật số.

Các hệ sinh thái tiền số hiện cung cấp một loạt các sản phẩm như Tài chính phi tập trung (DeFi) hay các chương trình gọi vốn ban đầu thông qua chào bán crypto trên sàn giao dịch (IEO) khiến các nhà quản lý gặp khó khăn trong việc xây dựng một khuôn khổ chung. Bên cạnh đó, luật thuế và những điều luật về thuếdựa trên thu nhập ở mỗi quốc gia cũng khác nhau cũng làm tăng thêm thách thức.

Giữa lệnh cấm toàn diện của Trung Quốc đối với tiền kỹ thuật số thì Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) vẫn cho thấy rằng cần có những quy định mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng mà không bị hạn chế bởi quan hệ với Trung Quốc. Điều này đem lại kỳ vọng về những quy định mới và các quy tắc hướng dẫn tuân thủ pháp lý sẽ sớm được ban hành.

Phần trình bày dưới đây sẽ điểm lại một chính sách đối với tiền số ở một số quốc gia nổi bật, giúp các bạn có thể định hình rõ hơn về lĩnh vực này.

Tại châu Mỹ

Tại Hoa Kỳ, tiền kỹ thuật số đã thu hút sự chú ý của cả chính phủ Liên bang và chính quyền tiểu bang. Các cơ quan liên bang như Ủy ban Chứng khoán & Giao dịch (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), Bộ Ngân khố, Sở Thuế vụ (IRS), Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN), và Văn phòng kiểm soát tiền tệ (OCC)… đang phối hợp làm việc cùng nhau để xây dựng một khuôn khổ chính sách mạnh mẽ cho tiền kỹ thuật số, đặc biệt là stablecoin.

Trong khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell khẳng định rõ rằng Hoa Kỳ không có ý định thực thi lệnh cấm giống như Trung Quốc đối với tiền kỹ thuật số, thì một số chính quyền tiểu bang đã thông qua luật về tiền kỹ thuật số và công nghệ blockchain.

Hiện tại, Bitcoin và Ethereum được IRS phân loại là ‘hàng hóa’ và bị IRS đánh thuế là ‘tài sản’. Tương tự như vậy, các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số và các dịch vụ liên quan khác được yêu cầu nộp giấy phép với FinCEN của Hoa Kỳ với tư cách là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiền tệ trong khi tuân thủ các nguyên tắc AML (chống rửa tiền), KYC (xác thực danh tính khách hàng) và CTR (Tài trợ khủng bố).

Quản lý crypto hướng tới Tự do của Mỹ và các nước Châu Âu
Quản lý crypto hướng tới Tự do của Mỹ và các nước Châu Âu

Tại Canada, Tất cả các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số phải đăng ký với Trung tâm Phân tích Báo cáo và Giao dịch Tài chính của Canada (Fintrac) và tuân thủ các nguyên tắc tuân thủ.

Các khu vực Mỹ Latinh như El Salvador đã chấp nhận bitcoin như một loại tiền tệ hợp pháp. Một số khu vực lân cận như Brazil, Peru, Colombia, Mexico, Panama và các khu vực khác đang triển khai các hướng dẫn về thuế và tuân thủ đối với các nhà cung cấp dịch vụ và tài sản kỹ thuật số.

Tại châu Âu

Với Liên minh châu Âu: Tiền kỹ thuật số được coi là hợp pháp trên toàn Liên minh châu Âu (EU), mặc dù các chính phủ từng nước có thể chọn việc áp đặt sự giám sát của riêng họ đối với các sàn giao dịch. Việc đánh thuế đối với tiền kỹ thuật số cũng khác nhau tùy theo quốc gia, dao động từ 0% đến 50%. EU gần đây đã ban hành các chỉ thị chống rửa tiền mới nhất để thắt chặt các nghĩa vụ xác thực danh tính khách hàng và chống hỗ trợ tài chính cho khủng bố cũng như các yêu cầu báo cáo tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiền tệ. EU cũng có đang đề ra những chính sách giám sát hoạt động của lĩnh vực thanh toán điện tử, tập trung vào hoạt động như chuyển tiền, phát hành token trong thanh toán số hay ví điện tử.

Các nước Đức, Pháp, Áo, Hungary, Ba Lan và một số nước khác cơ bản ủng hộ tiền kỹ thuật số và việc ban hành một chính sách quản lý chung cho toàn Liên minh. Hiện các nước trong Liên minh châu Âu đang phối hợp cùng nhau để soạn thảo các quy định đối với tiền kỹ thuật số và công nghệ blockchain, liên quan đến luật thuế… để có thể sớm đưa vào áp dụng trên toàn lãnh thổ các nước EU.

EU ủng hộ việc khai thác tiền kỹ thuật số bằng công nghệ xanh và bằng nguồn năng lượng tái tạo nhằm tận dụng ưu thế của các nước Bắc Âu có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Tuy nhiên, một số nước như Thuỵ Điển, Na Uy lại đang đánh giá khắt khe xem việc khai thác tiền số có gây tác động tiêu cực đến môi trường hay không, để đưa ra đề xuất cấm khai thác crypto trên toàn lãnh thổ EU.

Với Anh: Sau khi rời Liên minh EU, Anh cũng bắt tay vào đẩy nhanh việc ban hành chính sách quản lý tiền số của riêng mình. Năm 2020, Chính phủ Anh xác nhận rằng tất cả các loại tài sản kỹ thuật số sẽ được phân loại là ‘tài sản’, nhưng cho đến nay vẫn chưa có luật và hướng dẫn cụ thể nào được công bố. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Tài chính và Ngân hàng Trung ương Anh đã bắt đầu xem xét kỹ hơn đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Tất cả các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số hoạt động ở Anh phải đăng ký với Cơ quan Quản lý Tài chính Anh và không được cung cấp các dịch vụ giao dịch tiền số phái sinh. Hiện Chính phủ Anh cũng rất mạnh tay xử lý với các nền tảng đã vi phạm các chính sách của mình, ví dụ như vừa cấm Binance cung cấp dịch vụ tại Anh.

Với Nga: Nga không thừa nhận việc thanh toán bằng tiền số là hợp pháp và cũng không cho phép các ngân hàng trong nước tham gia giao dịch tiền số…. Nga đang hoàn thiện chính sách và khuôn khổ pháp lý cho việc sử dụng đồng Rúp kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán, dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm từ năm 2022. Hiện Nga cũng luôn đưa ra những cảnh báo về rủi ro lớn liên quan đến sự ổn định tài chính, bảo vệ nhà đầu tư, rửa tiền và tài trợ tội phạm.

EU chủ trương ủng hộ crypto
EU chủ trương ủng hộ tiền số

Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Thời gian gần đây, hầu hết các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều đẩy mạnh phát triển khuôn khổ pháp lý để quản lý tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có quan điểm riêng về lĩnh vực này, đồng thời cũng áp dụng theo mô hình pháp lý và theo tốc độ của riêng mình.

Chính phủ Trung Quốc đã thông báo lệnh cấm hoàn toàn đối với tiền kỹ thuật số, các hoạt động khai thác cũng như các vấn đề liên quan khác. Với Trung Quốc, hầu như không có bất kỳ quy định mới nào được thiết kế để tạo thuận lợi cho việc sử dụng tiền kỹ thuật số.

Tuy nhiên, các quốc gia lân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc lại chấp nhận hợp pháp hóa Bitcoin và thực hiện các hướng dẫn về thuế và chế độ tuân thủ.

Trong khi đó, các quốc gia như Bangladesh và Ấn Độ, mặc dù cho phép người dân giao dịch và nắm giữ tiền số, nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể nào được đưa ra. Trước đó, Ấn Độ đã cấm sử dụng tiền số vào năm 2018 nhưng đã thay đổi lập trường vào năm 2020, trong khi ngân hàng trung ương của nước này đang nỗ lực tung ra một loại tiền kỹ thuật số do nhà nước hậu thuẫn. Tương tự, Chính phủ Bangladesh cũng đã phê duyệt giao dịch tiền kỹ thuật số nhưng thực hiện lệnh cấm ngân hàng và các tổ chức tài chính khác không được giao dịch crypto.

Với Úc, Ngân hàng Dự trữ Australia trước đây thừa nhận giao dịch tiền số là hợp pháp. Sau đó, vào năm 2018, Chính phủ Úc lại yêu cầu tất cả các sàn giao dịch tiền số tại Úc phải đăng ký hoạt động với Trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch Australia và thực hiện các chính sách xác thực danh tính khách hàng (KYC) để tuân thủ luật chống rửa tiền mới.

Trong khi đó, New Zealand rất ủng hộ tiền số khi cho phép các ngân hàng không cần phải cần thêm bất kỳ sự chấp thuận nào từ chính phủ trong quá trình lưu trữ và giao dịch, miễn là họ không tham gia vào việc phát hành tiền tệ trên thực tế.

Tại Đông Nam Á, mới đây Lào cũng đã ban hành các quy định mới cho phép khai thác và giao dịch crypto để tăng thu thuế và tận dụng nguồn thuỷ điện giá rẻ cho việc khai thác tiền số.

Tổng kết

Tóm lại, do bối cảnh địa chính trị khác nhau, mỗi quốc gia trong khu vực có nhiều khuôn khổ quy định và tuân thủ đa dạng, tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong bối cảnh vai trò và sự ảnh hưởng của tiền kỹ thuật số đối với nền kinh tế thế giới ngày càng tăng lên, chính phủ các nước đã thực sự quan tâm tới việc ban hành các quy định pháp luật liên quan để quản lý lĩnh vực này. Dự kiến, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, các quyết định và chính sách của các quốc gia sẽ tiếp tục biến đổi sâu sắc, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới thị trường tiền số.

0 0 đánh giá
Article Rating