Tổng quan
Theo một báo cáo của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) vào thứ Năm (15/6), Blackrock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã nộp đơn đăng ký cho sản phẩm iShares Bitcoin Trust của mình (một quỹ Spot-Bitcoin ETF). Trong đơn đăng ký, công ty này chỉ định Coinbase, sàn giao dịch crypto lớn nhất tại Hoa Kỳ, làm người giám sát. Đồng thời, họ còn sử dụng Coinbase Custody để lưu trữ BTC và sử dụng giá BTC spot trên Coinbase để xác định giá BTC ETF.
Tuy nhiên, trong bối cảnh vụ kiện giữa SEC với Binance và Coinbase chưa ngã ngũ, hành động này của Blackrock không khác gì “thêm dầu vào lửa”, ngoài ra nó còn dấy lên một làn sóng bàn luận về việc Blackrock đã “timing” để bắt đáy BTC trước khi phát hành chứng chỉ quỹ.
Congratulations to all #Bitcoin sellers for the last two months: you have been selling to BlackRock, frontloading their ETF🥳 pic.twitter.com/3jUQl9GZoP
— PlanB (@100trillionUSD) June 16, 2023
Vậy Blackrock đang thực sự làm gì? Liệu đơn đăng kí của Blackrock có được chấp thuận không? Ảnh hưởng lên thị trường và người dùng ra sao? Hãy cùng GFI tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Spot-Bitcoin ETF có cần thiết không?
Trước khi tìm hiểu về Spot-Bitcoin ETF và sức ảnh hưởng của nó, chúng ta hãy cùng tìm hiểu quá trình phát hành chứng chỉ ETF của một quỹ ETF:
- Quỹ ETF quyết định một chỉ số hoặc một danh mục các tài sản để theo dõi.
- Quỹ ETF mua các loại tài sản liên quan đến danh mục tài sản.
- Quỹ ETF thế chấp/ lưu trữ lượng tài sản này để phát hành một số lượng lớn các chứng chỉ ETF, sau đó bán chúng cho các nhà đầu tư thông qua các sàn giao dịch phổ biến (vd NASDAQ)
- Nếu nhà đầu tư có nhu cầu bán các chứng chỉ ETF và rút tiền mặt (trong trường hợp không có nhà đầu tư nào khác muốn mua vào), họ có thể bán lại cho chính nhà phát hành. Sau đó công ty sẽ bán lượng tài sản tương ứng để thu hồi tiền mặt.
- Nếu nhà đầu tư có nhu cầu mua thêm chứng chỉ ETF (trong trường hợp không có nhà đầu tư nào khác muốn bán ra), quỹ ETF cũng có thể mua thêm tài sản và thế chấp chúng để phát hành lượng chứng chỉ ETF mới.
- Giá trị của mỗi chứng chỉ ETF bằng giá trị tài sản của quỹ ETF chia cho số lượng chứng chỉ ETF được phát hành. Do đó, giá trị của chứng chỉ ETF sẽ phản ánh giá trị tài sản trong danh mục của quỹ ETF. Nếu tài sản tăng giá, chứng chỉ ETF sẽ tăng giá theo và ngược lại.
Quỹ ETF thường có 2 mục đích là:
- Giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể gián tiếp mua bán các tài sản giá trị cao, khó tiếp cận, khó vận chuyển và lưu trữ như vàng hoặc cổ phiếu các công ty hàng đầu.
- Giúp các trader ngắn hạn và dài hạn dễ dàng hơn trong việc đầu tư một nhóm các tài sản khác nhau mà không cần quá nhiều thao tác (vd đầu tư vào một chứng chỉ ETF là tập hợp của một “rổ” các cổ phiếu lớn nhất trên sàn NYSE)
Các nhà quản lý quỹ sẽ thu phí quản lý, phí giao dịch để bù đắp cho chi phí vận hành và lưu trữ tài sản.
Spot – Bitcoin ETF cũng vận hành tương tự. Mặc dù nhiều người cho rằng thị trường crypto, nơi mà tài sản có thể phân chia, cũng như dễ dàng trao đổi, lưu trữ (bất kì ai cũng có thể mua BTC và chuyển chúng về ví riêng cho dù họ chỉ có $10, và cho dù họ đang ở bất kì nơi đâu trên thế giới), một quỹ ETF có vẻ là không cần thiết. Nhưng thực tế không phải là không có lợi ích:
- Trong tình hình các sàn CEX đang lung lay vì các cáo buộc di chuyển trái phép crypto của người dùng (vd Binance, FTX), một quỹ ETF lớn như Blackrock sẽ lưu trữ Bitcoin uy tín và hiệu quả hơn nhiều. Khả năng bị hack, bị sàn lấy cắp dường như không có và thậm chí còn có các khoản bảo hiểm dồi dào. Nhà đầu tư chỉ cần giao dịch chứng chỉ quỹ mà không cần lo nghĩ về việc lưu trữ và đảm bảo an toàn cho tài sản.
- Nếu nghi ngờ sàn CEX, người dùng có thể giao dịch trên DEX nhưng cũng có 1 số nhược điểm:
- Smart contract của DEX cũng có thể bị hack.
- Nếu giao dịch ở các DEX trên chính mạng Bitcoin thì phí gas sẽ khá tốn kém, tốc độ xác thực chậm và thường xuyên tắc nghẽn.
- Nếu giao dịch ở các DEX trên các mạng lưới khác ngoài Bitcoin, người dùng phải tin tưởng không chỉ smart contract của DEX mà còn một/ hoặc một số tổ chức đang nắm giữ ví multisig (dùng để lock BTC do người dùng gửi vào trên mạng lưới Bitcoin và phát hành BTC phái sinh, vd WBTC, trên mạng lưới khác)
- Thanh khoản trên các sàn DEX thường khá thấp dẫn đến trượt giá cao, không phù hợp cho các “cá mập” giao dịch các lệnh hàng chục triệu đô la. Giao dịch chứng chỉ quỹ được thế chấp bởi hàng tỷ hoặc thậm chí hàng chục tỷ đô tài sản trên các sàn giao dịch lớn nhất phố Wall sẽ dễ dàng hơn nhiều.
- Ngoài ra, khả năng tiếp cận DEX của người dùng đại chúng là chưa cao, việc ra mắt chứng chỉ Spot – Bitcoin ETF sẽ tạo cơ hội đầu tư BTC cho nhiều người hơn.
—–> Xem thêm: Bitcoin ETF là gì?
Blackrock sẽ được chấp thuận Spot-Bitcoin ETF?
Hiện tại chưa có Spot-Bitcoin ETF nào được SEC chấp thuận (chủ yếu chỉ là Future – Bitcoin ETF). Nếu thành công, Blackrock sẽ là tập đoàn sở hữu quỹ Spot-Bitcoin ETF đầu tiên tại Hoa Kỳ (dẫu vậy nó đã có mặt ở một số quốc gia khác như Canada, Brazil và Dubai…)
Lý do mà Spot-Bitcoin ETF thường bị từ chối chính là vì sự biến động nguy hiểm, khó kiểm soát của crypto, và cũng như loại chứng chỉ này. Ở góc nhìn của SEC, Future – Bitcoin ETF an toàn hơn do họ sử dụng hợp đồng quyền chọn mua bán BTC tương lai trên sàn CME để bảo chứng, chứ không sử dụng trực tiếp BTC, nên không thể, cũng như không có động lực để “làm giá”
Theo Bloomberg Intelligence, trong lịch sử đã có khoảng 30 lần Spot-Bitcoin ETF đăng kí không thành công, nhưng dẫu vậy, Blackrock có thể là một câu chuyện khác khi tập đoàn này đã được duyệt 574/ 575 đơn đăng kí ETF trước đây. Trong đơn đăng ký, BlackRock cũng vô cùng thẳng thắn khi liệt kê tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng xấu đến giá của Bitcoin, kể cả yếu tố “các sàn giao dịch tập trung không được quy định đầy đủ và có thể thao túng thị trường”.
Ở đây, chúng ta cần biết rằng yếu tố “các sàn giao dịch tập trung không được quy định đầy đủ và có thể thao túng thị trường” là một yếu tố then chốt để xác định liệu iShares Bitcoin Trust nhận được “cái gật đầu” của cơ quan quản lý. Đặc biệt trong bối cảnh vụ kiện giữa SEC, Binance và Coinbase vẫn đang dang dở.
“SEC rất quan tâm đến sự gian lận thị trường liên quan đến giá Bitcoin và đã nêu điều này trong hầu hết, nếu không phải tất cả các lần từ chối trước đó”, Graeme Moore, Trưởng phòng Tokenization, Hiệp hội Polymesh, nói trong một tuyên bố qua email. “Quan điểm của SEC đối với Coinbase và những sàn crypto khác là chúng không được quy định như các sàn giao dịch thông thường, vì vậy không thể tin tưởng để ‘ngăn chặn các hành vi gian lận’.”
Mặc dù chứng chỉ ETF do SEC kiểm duyệt và được niêm yết trên các sàn chứng khoán đại chúng, sẽ giúp các nhà đầu tư được bảo vệ tốt hơn bởi các quy tắc chứng khoán, (điều mà thị trường crypto chưa có), nhưng chính những chứng chỉ này thực tế đang sử dụng dịch vụ lưu ký và dữ liệu của các nền tảng giao dịch crypto để xây dựng sản phẩm của mình (trong trường hợp của Blackrock là Coinbase). Eric Balchunas, nhà phân tích ETF cao cấp tại Bloomberg Intelligence, đã dự đoán khá chính xác trường hợp này từ hơn 1 năm trước (tweet ngày 24/3/2022):
“Lý do vì sao chúng tôi nghĩ rằng các quỹ ETF Bitcoin Spot sẽ được phê duyệt vào đầu mùa hè năm 2023 là vì SEC cần khoảng một năm để mở rộng định nghĩa của “sàn giao dịch” và đưa các nền tảng giao dịch crypto vào chế độ quản lý của SEC. Sau đó, chúng ta có thể mong đợi các quỹ ETF được phê duyệt.”
Nhưng đáng buồn thay, ở thời điểm hiện tại, SEC vẫn đang tập trung kiện tụng thay vì thiết lập nền tảng pháp lý vững chãi.
Tuy vậy, không phải là không có điểm sáng, đơn đăng ký của Blackrock lần này có thể có cơ hội tốt hơn so với những lần thử của các quỹ quản lý tài sản trước đó, nhờ vào lời hứa về một “thỏa thuận chia sẻ giám sát”. Trên trang 36 của đơn đăng ký NASDAQ (nơi mà chứng chỉ ETF của Blackrock sẽ được niêm yết) nói rằng, để đối phó với gian lận thị trường, NASDAQ sẽ ký một thỏa thuận chia sẻ giám sát với nền tảng giao dịch Bitcoin, cho phép chia sẻ thông tin về hoạt động giao dịch, hoạt động thanh toán và xác định khách hàng.
“Thỏa thuận chia sẻ giám sát của NASDAQ, được đặt tên là “Spot BTC SSA”, là điều làm cho đơn đăng ký này khác biệt, không chỉ đơn giản vì Blackrock là công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới” – Graeme Moore
Điều này cũng khá hợp với ý kiến của SEC khi từng nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận chia sẻ giám sát. Trong một thông báo vào tháng 1 liên quan đến yêu cầu của Cboe Digital về việc niêm yết và giao dịch chứng chỉ ARK 21Shares Bitcoin ETF, các nhà chức trách của cơ quan này cho biết:
“Một sàn giao dịch niêm yết ETF dựa trên Bitcoin có thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình bằng cách chứng minh rằng sàn giao dịch đó có một thỏa thuận chia sẻ giám sát toàn diện với một thị trường được quy định có quy mô lớn liên quan đến tài sản Bitcoin sử dụng làm tham chiếu.”
Như vậy, có thể thấy yếu tố “một thỏa thuận chia sẻ giám sát” đã đạt được, nhưng yếu tố “một thị trường được quy định” (ý của SEC là thị trường crypto) thì chưa.
Chúng ta không thể chắc chắn liệu SEC có muốn phê duyệt một Spot-Bitcoin ETF để duy trì năng lực cạnh tranh của Hoa Kỳ ở thị trường crypto trong khi xây dựng các quy tắc rõ ràng hơn cho ngành và các sàn giao dịch. Nhưng ít nhất, ở thời điểm hiện tại, ta có thể thấy rằng, SEC vẫn chưa từ chối đơn đăng kí của Blackrock.
Theo James Seyffart – chuyên gia tại Bloomberg Intelligence, khả năng thành công của Blackrock là rất lớn. Vì với kinh nghiệm trong thị trường truyền thống và cả thị trường tiền mã hóa (từng hợp tác với Coinbase để giúp các nhà đầu tư chuyên nghiệp quản lý và giao dịch Bitcoin một cách dễ dàng hơn), Blackrock hoàn toàn có thể trở thành một nhà quản lý quỹ Spot-Bitcoin ETF uy tín và cung cấp được các biện pháp bảo vệ thích đáng cho các nhà đầu tư.
“Có thể nói rằng BlackRock là một trong những công ty tốt nhất trong việc đọc hiểu các quy định” – James Seyffart (Bloomberg Intelligence).
Ngoài ra, có vẻ Blackrock đã nhìn thấy yếu điểm của SEC, khi nỗ lực của tập đoàn này còn xảy ra cùng lúc với thời điểm Grayscale kiện ngược lại SEC vì bị từ chối yêu cầu chuyển đổi quỹ Grayscale Bitcoin Trust thành quỹ Spot ETF.
“Chắc chắn BlackRock tin rằng Grayscale sẽ thắng kiện và họ muốn đảm bảo rằng họ có “1 chân” trong các trường hợp được phê duyệt” – James Seyffart
Ảnh hưởng của Blackrock Bitcoin ETF đối với thị trường crypto – góc nhìn từ thị trường vàng
Trong quá khứ, Futures-Bitcoin ETF đã từng là “liều thuốc” đưa Bitcoin vượt 60.000 USD. Nhưng ở thời điểm hiện tại (trung và dài hạn), khi thị trường đang ảm đạm và lòng tin đang dần yếu đi, nếu muốn Bitcoin bước vào chu kì tăng trưởng kế tiếp, cũng như thực sự trở thành “vàng kĩ thuật số” được cả thế giới công nhận, chúng ta cần một giải pháp khác – có lẽ Blackrock và Spot-Bitcoin ETF chính là câu trả lời.
Trong phần này, chúng ta sẽ không bàn đến ưu nhược điểm của Spot-Bitcoin ETF (bạn có thể xem thêm ở đây), mà hãy cùng nhìn vào các con số sau, để xem những quỹ ETF đã chuyển mình và biến hóa thị trường vàng như thế nào kể từ khi ra mắt.
- Tháng 11/2004, quỹ đầu tư State Street Global Advisors ra mắt quỹ ETF vàng SPDR Gold Shares (GLD). Lúc này State Street Global Advisors sở hữu khoảng 1,2 nghìn tỷ đô tài sản, đứng thứ 3 thế giới
- Tháng 1/2005, Blackrock khởi động iShares Gold Trust (IAU), mở đầu cho một thương hiệu ETF uy tín nhất hiện nay. Lúc này Blackrock sở hữu khoảng 324 tỷ đô tài sản, đứng ngoài top 30 thế giới.
- Vốn hóa thị trường vàng từ 2005 – 2023 tăng trưởng khoảng 13 lần (1 nghìn tỷ đô lên 13 nghìn tỷ đô), trong đó giá vàng cũng tăng khoảng 5 lần.
- Vàng trở thành một loại tài sản không thể thiếu trong những danh mục đầu tư.
- Hiện tại (2023), Blackrock là tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới với hơn 9,5 nghìn tỷ đô, còn State Street Global Advisors đứng thứ 4 với khoảng 3,5 nghìn tỷ đô.
Việc Blackrock tham gia vào Spot-Bitcoin ETF lúc này (nếu được thông qua), sẽ không khác gì làn sóng ETF vàng ngày xưa do State Street Global Advisors khởi xướng. Nhưng tại sao mình dành niềm tin cho Blackrock mà không phải bất cứ công ty nào khác? Bởi lẽ ngoài tiềm lực tài chính hùng mạnh, Blackrock còn có một quy trình bán sản phẩm ETF bài bản, thứ “phép màu” đã góp phần giúp tập đoàn tăng trưởng 30 lần chỉ sau 19 năm (tham khảo từ tweet của nhà phân tích tài chính và crypto Adam Cochran):
- BlackRock có một đội ngũ tư vấn viên trên toàn cầu cho việc thúc đẩy các sản phẩm của họ. Mặc dù có rất nhiều thương hiệu, Blackrock được biết đến nhiều nhất với “iShares”, cung cấp 3 trong số 5 quỹ ETF vàng lớn nhất trên thế giới.
- BlackRock có công cụ để các tư vấn viên kiếm được khoản phí tư vấn mặc định 3% trên mỗi sản phẩm mới mà họ bán. Ngoài ra họ còn nhận được những khoản phí tùy chỉnh khác tùy thuộc vào vùng địa lý và sản phẩm.
- Để giới thiệu sản phẩm ETF vàng của mình, Blackrock bắt đầu thêm nó vào như một loại tài sản “an toàn và sinh lời” trong các danh mục đầu tư cho các nhà tư vấn.
- Các tư vấn viên thèm muốn thúc đẩy sản phẩm và nhận hoa hồng trên một loại tài sản mới, bắt đầu nói với người già rằng vàng là thành phần hoàn hảo để hoàn thiện danh mục, phòng ngừa lạm phát và các rủi ro khác. Điều này dẫn đến một cơn sốt đầu tư vào vàng.
- Mặc dù phần lớn nhu cầu toàn cầu về vàng vẫn là để sản xuất đồ trang sức và công nghệ, nhưng sự thúc đẩy này đã làm tăng phân khúc đầu tư cũng như phân khúc dự trữ lên nhiều lần, khiến tỉ trọng của vàng trong 2 lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ (hiện tại chiếm khoảng 47%)
- Bởi vì mọi người đánh giá cao vàng, ngân hàng trung ương cũng lần lượt đánh giá cao vàng và gia tăng mua vàng một cách nhanh chóng. Tất cả đều bắt nguồn từ “lực đẩy” này.
- Thực tế, trước đó, vào năm 1961 đã có một quỹ ETF vàng tại Canada và State Street đã ra mắt SPDR gold ETF vào năm 2004, nhưng BlackRock thông qua đội ngũ cố vấn của mình đã thúc đẩy sự hợp lý của việc đầu tư vàng và biến nó thành một phần trong danh mục đầu tư. Mạng lưới của họ đã nói với hàng triệu người dùng rằng “bạn cần vàng để có một danh mục tài chính an toàn và đa dạng”.
- Sau khi làm điều này trong gần hai thập kỷ, các nhà quản lý tài sản và các nhà kinh tế trẻ ngày xưa – hiện ngồi trên những ghế cấp cao tại ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư và quỹ quản lý tài sản – xem câu chuyện “vàng là một phần của danh mục phòng hộ” như một điều không thể bỏ qua.
Điều tương tự cũng có thể sẽ xảy đến với tiền mã hóa. Để bán sản phẩm của mình, Blackrock sẽ tạo ra một thế hệ mới các nhà quản lý tài chính, các nhà kinh tế, người tiêu dùng với tư tưởng “bạn cần Bitcoin để có một danh mục tài chính an toàn và đa dạng”.
Tại sao Bitcoin có thể trở thành “vàng kĩ thuật số”?
Trong lịch sử, bất kì một loại tài sản nào muốn có giá trị đều phải duy trì được niềm tin. Chúng cần được cộng đồng công nhận rằng nó có giá trị, hữu hạn, quý hiếm và có thể tạo ra dòng tiền hoặc lợi nhuận. Hiện nay có nhiều loại tài sản khác nhau như chứng khoán, vàng, tiền tệ, bất động sản, bảo hiểm, bằng sáng chế,… Tuy nhiên, dù ở bất kì hình thái nào, chúng đều có một điểm chung – là công cụ để khai thác sức lao động và thúc đẩy sự thịnh vượng của những nhà cầm quyền.
Ví dụ đơn giản nhất chính là tiền tệ. Có phải bạn luôn tin vào tiền tệ? Bạn xem nó như một loại tài sản và làm việc chăm chỉ để nhận lương (hoặc nói đơn giản là nhận những tờ giấy do chính phủ in ra). Nếu mọi thứ ổn định, bạn vẫn sẽ hạnh phúc với những giá trị này. Nhưng nếu hệ thống kinh tế của nước nhà bị sụp đổ, lạm phát phi mã, và tiền tệ trở nên vô giá trị (vd Zimbabwe), có phải những công sức trước đây của bạn đều “đổ sông đổ bể” và bạn mất đi động lực để cố gắng?
Lúc này có thể nói rằng “hệ thống khai thác sức lao động” đã thất bại.
Đó là lý do mà bất kì nền kinh tế tiền tệ nào cũng cần được “thế chấp” bởi một hệ thống tài sản niềm tin vững chãi hơn như vàng, kim loại hiếm, nhiên liệu,… Các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc thậm chí còn “xuất khẩu” lạm phát và mở rộng “hệ thống khai thác sức lao động” của mình bằng việc khiến nhiều quốc gia khác tin rằng “chúng ta cần dự trữ đô la Mỹ/ Yên Nhật/ Nhân Dân Tệ để duy trì một nền kinh tế khỏe mạnh”. Nhưng về bản chất, nó chỉ là trao đổi niềm tin giữa nhiều loại tài sản khác nhau.
Để vận hành trơn tru, thế giới này cần tài sản và sẽ liên tục sản sinh ra tài sản. Ở thời điểm hiện tại, có lẽ vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu để “lưu trữ giá trị và niềm tin”, tuy nhiên, mặc dù còn nằm trong “vùng xám” của luật pháp, Bitcoin cũng không hề tỏ ra kém cạnh. Theo một khảo sát của Bloomberg vào tháng 5/2023, đồng tiền số lớn nhất thế giới là một trong 3 tài sản được lựa chọn nhiều nhất “nếu Mỹ đạt trần nợ công”
Ngoài ra, so với vàng, Bitcoin còn có nhiều ưu điểm vượt trội như: dễ lưu trữ, dễ di chuyển, dễ phân chia, và được sử dụng như một phương tiện thanh toán,… Khiến nó hoàn toàn xứng đáng trở thành một loại tài sản quan trọng của thời đại kỹ thuật số.
—–> Xem thêm: 5 lý do tại sao Bitcoin có thể là một khoản đầu tư dài hạn tốt hơn vàng
Tổng kết
Như vậy qua bài viết trên, mình đã tổng hợp lại những yếu tố quan trọng trong đơn đăng kí Spot-Bitcoin ETF của Blackrock cũng như tầm ảnh hưởng của nó nếu được thông qua dưới góc nhìn từ thị trường vàng. Theo mình, đây là một nước đi vô cùng bất ngờ trong tình trạng pháp lý rối ren rối ,nhưng cũng có thể là một phát súng mở đầu cho “thời đại mới” của Bitcoin nói riêng và ngành công nghiệp tiền mã hóa nói chung.
Không chỉ vậy, ngay sau khi Blackrock đệ đơn, hàng loạt tin tức về việc gia nhập thị trường crypto của các tập đoàn tài chính “khổng lồ” khác như Fidelity, Citadel Securities, Charles Schwab, Deutsche Bank,… cũng được công bố, giúp thị trường khởi sắc trở lại sau hàng loạt FUD từ đầu tháng 6. Dường như tất cả là một ván cờ lớn đã được sắp xếp. Chúng ta hãy cùng chờ đợi các động thái tiếp theo!