Tổng quan
Khái niệm về NFT đã không còn xa lạ với cộng đồng thế giới nói chung và cộng đồng Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của các dự án NFT trên khắp các hệ sinh thái blockchain, việc tìm ra được một dự án NFT tiềm năng và có mức sinh lợi tốt dường như không phải là điều dễ dàng.
Các yếu tố đánh giá một dự án NFT
Những yếu tố cần quan tâm đến khi nghiên cứu các dự án NFT có thể kể đến như sau
Ứng dụng và tiềm năng của NFT trong tương lai
Một trong những điều quan trọng nhất của một NFT là công dụng của NFT đó có thể làm được những gì. Cần xác định rõ các câu hỏi như: NFT có chức năng gì? Có vai trò như thế nào trong dự án/Dapp? Quyền lợi của NFT holders sẽ là gì?… Ví dụ, đối với dự án Axie Infinity, mỗi NFT Axie đóng vai trò quan trọng trong game, liên tục mang lại lợi ích cho chủ sở hữu, giúp chủ sở hữu earn được token SLP… Hoặc Bộ sưu tập Lewis Capaldi NFT trên Binance NFT cho phép người dùng nhận được phần thưởng đặc biệt với mỗi bộ sưu tập Hộp bí ẩn như vé xem một buổi studio.
Một lưu ý là các ứng dụng của NFT có thể không cần phải bắt buộc phải hoàn thiện tại thời điểm mua. Giá bán của NFT cũng như các tài sản tài chính khác, có thể phản ánh kì vọng tương lai của nhà đầu tư. Những kỳ vọng này có thể được hình thành từ việc hứa hẹn trong roadmap của các dự án hoặc các thông tin trong các buổi AMA của dự án. Do đó, bạn cần theo dõi thật sát những dự án bạn quan tâm để nắm bắt thông tin và cảm nhận được độ sôi động và lực FOMO của cộng đồng. Có rất nhiều trường hợp những NFT vừa bán ra đã tăng giá gấp nhiều lần chỉ trong vài phút.
Có thể kể đến như các lần bán hộp Bí ẩn của trên Binance NFT market, vì chúng chứa một NFT ngẫu nhiên khác nhau về mức độ hiếm và có thể được sử dụng trong các dự án tương ứng. Các hộp bí ẩn trên Binance NFT market của từng dự án thường có mức giá khác nhau, thường có giá trị từ 10 BUSD đến 50 BUSD hoặc 100 BUSD. Không ít lần các hộp này được bán ra và “sold out” trong chưa đầy 1 phút, ngay sau đó, giá của các hộp bí ẩn tăng liên tục nhiều lần so với giá mint.
Dự án được thực hiện trên hệ sinh thái nào?
Việc chọn lựa chain nào để tham gia là một điều rất cần thiết, có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, tính thanh khoản và thời gian đầu tư của bạn. Khi chain có nhiều người dùng, nhiều nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc các dự án sẽ được hỗ trợ tốt, có cộng đồng lớn và tính thanh khoản sẽ cao. Các chain nổi tiếng về các dự án NFT mang lại nhiều lợi nhuận như chain Ethereum, Binance Smart Chain, Solana, Near…
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, không phải việc đầu tư bất cứ dự án NFT nào khi chạy trên các chain này đều sẽ có lợi nhuận. Lợi nhuận phụ thuộc vào rất nhiều lý do, được phân tích xuyên suốt trong bài viết này. Và lợi nhuận thường được tính bằng token chính của chain đó (ETH, BNB, SOL, NEAR…), điều này đồng nghĩa với việc nếu thị trường đang trong giai đoạn downtrend, lợi nhuận của bạn chỉ có thể đến từ việc tăng số lượng token bạn đang nắm giữ, không chắc chắn về khả năng tăng giá trị khi quy đổi sang USD. Và ngược lại, nếu thị trường vào uptrend, bạn có thể được lãi kép, lãi từ NFT tăng giá khi bán sang token và token tăng giá khi bán sang USD.
Dự án được giao dịch trên sàn nào?
Thông thường các dự án NFT có giai đoạn đầu là cho người dùng đầu tiên mint các NFT, sau đó các NFT này sẽ được giao dịch trên các sàn giao dịch (marketplace). Nếu dự án được giao dịch trên các marketplace lớn đồng nghĩa với lượng người mua thứ cấp sẽ rất lượng, đảm bảo tính thanh khoản, khả năng tăng giá và độ an toàn cho dự án NFT. Tuỳ thuộc vào từng chain mà có thể có các marketplace khác nhau, có thể kể đến như Opensea, Binance, Rarible, Paras, Solsea…
Một yếu tố khác cần xem xét là số lượng NFT có sẵn trên thị trường thứ cấp, có thể là tại Opensea hoặc các NFT marketplace tuỳ vào từng chain. Ví dụ như bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club NFT hiện tại đang list khoảng 7% tổng cung, con số này khá tốt. Nếu các dự án có số lượng list càng cao càng chứng tỏ nhu cầu bán đang cao hơn nhu cầu mua, không mang lại kì vọng tăng giá tốt trong tương lai. Cũng cần quan tâm đến là số lượng ví sở hữu duy nhất 1 NFT, nên kiểm tra sự thay đổi của con số này hàng tuần hoặc hàng tháng. Đây có thể xem là một dự đoán tốt về nhu cầu thị trường.
Như vậy, để giảm thiểu rủi ro thanh khoản, bạn chỉ nên tham gia đầu tư vào các dự án được giao dịch trên các marketplace lớn của chain. Tránh giao dịch trên những marketplace có lượng user quá rõ hoặc các marketplace quá mới.
Bạn có thể xem thêm cách mua bán và tạo NFT trên Opensea tại đây. Hoặc xem thêm về NFT Marketplace tại đây.
Quy mô cộng đồng và sự FOMO của cộng đồng
Cũng như các dự án token, cộng đồng là nhân tố quyết định đối với các dự án NFT, ảnh hưởng trực tiếp tới tính thanh khoản và khả năng sinh lợi của NFT. Khi cộng đồng càng lớn, khả năng truyền miệng càng cao, càng có nhiều người chấp nhận thì tính thanh khoản của NFT sẽ tốt, khả năng tăng giá trị sẽ cao hơn và hạn chế mất giá hơn. Ví dụ như Bored Ape, một bộ sưu tập NFT phổ biến, có một cộng đồng lớn và tích cực giúp giới thiệu dự án với nhiều đối tượng hơn.
Các NFT với sự hỗ trợ lâu dài của cộng đồng có thể trở nên có giá trị hơn, vì dự án có nhiều khả năng duy trì hoặc đạt được sức hút theo thời gian, nhu cầu ngày càng tăng và làm cho các NFT trở nên hiếm hơn và có giá trị hơn.
Một yếu tố cần quan sát đó chính là thời gian “sold out” của dự án NFT khi mint vòng public, điều này khẳng định có sức FOMO của cộng đồng, tạo ra được tiềm năng trong tương lai. Thực tế đã cho thấy các dự án “sold out” càng nhanh thì tốc độ tăng giá cũng càng nhanh, đặc biệt là các dự án “sold out” trong vài phút hoặc thậm chí là dưới 1 phút. Một ví dụ gần đây thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng và đã rất FOMO chính là NFT Beatles thuộc sệ sinh thái ETHW, tăng trưởng 3000 lần so với giá mint 0.01 ETHW/NFT. Các NFT được sold out trong 4 phút và sau đó giá giao dịch tăng liên tục, có lúc đạt giá sàn 30 ETHW cho 1 NFT.
Thông thường, để đạt được mức lợi nhuận cao nhất, bạn cần theo dõi dự án ngay từ đầu, nắm bắt thông tin và tham gia vào các event của dự án. Bạn có thể nhận được các suất mua ưu đãi (Whitelist) với giá rẻ hơn, được mua trước khi bán public hoặc nếu may mắn bạn có thể được airdrop free. Hoặc ít nhất, bạn cũng có thể mint được NFT với giá gốc ở vòng mint public, điều này tạo cho bạn một vị thế tốt khi nắm giữ tài sản NFT thay vì phải mua lại trên thị trường thứ cấp với mức giá có thể cao hơn nhiều lần so với giá mint.
Tuỳ thuộc vào cộng đồng và chain mà dự án lựa chọn, bạn có thể theo dõi các event, hoạt động của dự án ở trang Twitter chính thức hoặc tại Discord/Telegram của dự án. Bạn có thể tìm nguồn thông tin của các dự án mới thông qua việc follow Twitter các nhân vật có ảnh hưởng của chain, các kênh thông tin dự án hoặc các Dapp giới thiệu các dự án mới.
Đội ngũ phát triển dự án
Bất kể người dùng nào cũng có thể tạo ra NFT và có rất nhiều marketplace cho phép bạn rao bán NFT do chính bạn tạo ra, tuy nhiên, gần như sẽ không ai chi tiền ra để mua NFT của bạn. Một vấn đề rất quan trọng khi đánh giá dự án NFT là cần tìm hiểu về người tạo ra NFT đó, là nghệ sĩ nào? Có ai đứng sau đội phát triển dự án hay không? Được đầu tư bởi một Venture có uy tín nào không? Có đội market maker cho dự án không?…
Các yếu tố này sẽ quyết định rất nhiều đến khả năng sinh lời của dự án. Hoạ sĩ càng nổi bật, đội phát triển càng có uy tín thì khả năng tác phẩm của họ được coi là có giá trị trên thị trường càng cao. Nhiều trường hợp các dự án NFT được các nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng hỗ trợ và shill, từ đó giúp giá của các NFT tăng lên liên tục, thu hút được sự chú ý của cộng đồng, thanh khoản được gia tăng đáng kể.
Cẩn thận với sở thích cá nhân và yếu tố “Art”
NFT không giống như token, mỗi NFT thường là duy nhất và thường có độ hiếm khác nhau. Việc buôn bán NFT dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán. Không phải dựa trên mức giá quy định bởi Liquidity pool như các token. Chính vì vậy, việc bạn thích một NFT nào đó trong bộ sưu tập và bạn sẵn sàng trả mức giá cao hơn không đồng nghĩa với việc nhiều người khác cũng sẽ như bạn. Thậm chí một số bộ sưu tập với phong cách vẽ rất đơn giản nhưng lại có giá trị cao hơn rất nhiều lần so với các NFT được đầu tư công phu về mặt thẩm mỹ. Chính vì vậy, yếu tố sở thích cá nhân và thẩm mỹ “Art” thường được xếp sau cùng trong các tiêu chí lựa chọn NFT.
Thời gian gần đây chứng kiến sự đột phá mạnh mẽ của các “hoạ sĩ” AI, các tác phẩm nghệ thuật này được sáng tạo trong thời gian chỉ tính bằng giây, hình ảnh cho rất chất lượng rất tốt và mang phong cách đa dạng. Điều này lại càng làm yếu tố thẩm mỹ trong việc thẩm định NFT ngày một lưu mờ.
Ví dụ như NFT Loot #6250 chỉ đơn thuần là 8 dòng chữ trên nền đen đã được bán với mức giá 14 ETH. Yếu tố thẩm mỹ gần như không tồn tại trong NFT này. Tuy nhiên, nếu ta áp dụng AI để tạo ra một bản vẽ dựa trên các thông tin trong Loot #6250 thì lại tạo ra một sản phẩm bất ngờ trong chưa đầy 1 phút như ảnh dưới đây:
Kết luận
Tóm lại, việc đánh giá một dự án NFT tiềm năng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đã được trình bày. Mục tiêu chính của phần lớn nhà đầu tư vẫn là vì lợi nhuận, chính vì vậy, bạn cần theo dõi sát các dự án và diễn biến xu thế của thị trường để đưa ra quyết định tối ưu hoá lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất có thể.