Stablecoin là gì?
Stablecoin (đồng tiền ổn định) là loại tiền mã hóa phát triển trên nền tảng Blockchain, được thiết kế với mục đích giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của sự biến động giá (volatility) bằng cách cố định vào một tài sản ổn định hơn như tiền thật (Fiat money: USD, EUR, VND).
Đồng tiền này phải có tính chất toàn cầu, ít biến động và phi tập trung, tức là không bị bất cứ Ngân hàng trung ương, tổ chức nào kiểm soát.
Tether (USDT) là đồng Stablecoin phổ biến nhất hiện nay, hầu hết các sàn giao dịch đều sử dụng USDT như một tài sản giao dịch. Tính về vốn hóa, Tether đang xếp hạng 5 trên CoinMarketCap. Nhưng chính Tether cũng đã gây ra nhiều tranh cãi về việc nó có phải là một Stablecoin tốt nhất hay không, khi tổng cung của đồng tiền này liên tục tăng vào những tháng gần đây và nhiều người cho rằng sự sụt giảm của thị trường thời gian gần một phần lớn là do Tether.
Stablecoin hoạt động như thế nào?
Tiền mã hóa dễ bị tác động bởi các yếu tố của thị trường. Theo đó, nhiều dự án tiền mã hóa tích cực tìm cách để giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự tham gia vào hệ sinh thái tiền mã hóa rộng lớn hơn bằng cách tạo ra 1 loại tiền mã hóa có giá trị ổn định tránh khỏi sự biến động giá. Đồng thời phải là 1 đồng tiền mã hóa trên nền tảng Blockchain để đảm bảo giao dịch nhanh chóng hơn là Fiat (tiền mặt của mỗi Quốc gia). Loại bỏ nhưng bước trung gian bất tiện cho các NĐT.
Dựa trên điều đó Stablecoin được nhiều công ty, tổ chức phát hành và hoạt động theo những phân loại sau:
Phân loại Stablecoin
Dựa vào tiêu chí “collateral ratio” (hay còn gọi là “backed”: Tài sản đảm bảo, mà Stablecoin được chia thành 4 loại như sau:
Full-reserve Stablecoin – Stablecoin tập trung
Là loại Stablecoin được dự trữ đảm bảo dựa trên đồng Đô la Mỹ hoặc các tài sản thanh khoản cao tương đương (Fiat). Điển hình là đồng USDT và USDC. Như vậy:
- 1 USDT trên Blockchain = 1 USD được dự trữ đảm bảo (tỷ lệ 1:1)
Ngoài ra Full-reserve Stablecoin này được quản lý bởi 1 đơn vị trung gian uy tín đứng ra bảo lãnh, bên trung gian này sẽ đảm bảo quy đổi 1 đồng Stablecoin sang 1 tài sản khác theo tỷ lệ cố định.
Tuy nhiên điều này cũng gây ra một số lo ngại phụ thuộc vào sự tin tưởng của người dùng. Khi mà các công ty, nhất là Tether không có đơn vị kiểm toán chính thức. Đồng Tether như một giấy ghi nợ của công ty Tether cho người dùng nên nhiều người lo ngại Tether sẽ bị SEC kiện giống như Ripple. Nếu điều này thực sự xảy ra có thể khiến thị trường chao đảo.
Over-collateralized Stablecoin – Stablecoin Phi tập trung
Là loại Stablecoin được tạo ra dựa trên lượng tài sản thế chấp lớn hơn. Điển hình là đồng DAI, mỗi đồng DAI được minted ra trên thị trường thì sẽ có 1.5 – 1.6$ giá trị tài sản được thế chấp trong Maker Vault.
Nếu giá trị của tài sản thế chấp giảm xuống dưới ngưỡng tối thiểu (thường là 150%), Vault sẽ được thanh lý, làm giảm nguồn cung để đưa giá DAI trở lại mức giá peg.
Như vậy:
- 1 DAI yêu cầu tỷ lệ ký quỹ = 1,5 (USD trên Nợ) (tỷ lệ ký quỹ 1:1,5)
Tất nhiên, những nguyên tắc cơ bản đó phải trả giá. Khi mà tỷ lệ tài sản thế chấp của DAI cao hơn nhiều do sự biến động của giá tiền mã hóa. Ví dụ: khai thác (kích hoạt nguồn cung) khiến cho 1 lượng lớn USD được “thế chấp quá mức”
Non-reserve Stablecoin – Stablecoin Thuật toán
Là loại Stablecoin được phát hành mà không cần tài sản dự trữ để đảm bảo. Thay vào đó, nó hoàn toàn nhờ vào thuật toán và hợp đồng thông minh để quản lý nguồn cung cấp mã token được phát hành.
Hoạt động như 1 ngân hàng trung ương, để duy trì mức giá ổn định. Bằng cách điều tiết cung cầu, khi giá giảm nó sẽ giảm lượng cung để giá tăng lên, ngược lại khi giá tăng thì nó giảm lượng cung để giá giảm xuống. Điển hình là đồng BAC. Như vậy:
- Nếu giá BAC > $1, lượng cung sẽ tăng.
- Nếu giá BAC < $1, lượng cung sẽ giảm.
- Nếu giá BAC = $1, lượng cung sẽ không thay đổi
Điều đó giúp cho Non-reserve Stablecoin có tỉ lệ sử dụng vốn vô cực. Tuy nhiên trước 1 thực tế rằng nó không được sử dụng rộng rãi vì có áp lực bán lớn. Khiến cho giá trị của nó không giữ được ở mức ổn định thường xuyên.
Fractional-reserve Stablecoin – Stablecoin Dự trữ theo phân đoạn
Là loại Stablecoin kết hợp giữa Stablecoin tập trung và Stablecoin Thuật toán. Dựa trên tài sản dự trữ đảm bảo và luôn được điều tiết ổn định giá.
Tiêu biểu cho dạng này là FRAX của Frax finance, với mỗi đồng FRAX minted ra trên thị trường chỉ có 1 phần giá trị của nó được dự trữ bằng USDC. Biến động và phần dự trữ còn lại còn lại sẽ được hấp thụ bởi FXS (Frax Shares, governance token của dự án).
Việc kết hợp 2 hình thức giúp Factional-reserve Stablecoin luôn giữ được mức giá trung bình. Tuy nhiên nhìn chung vốn hóa của FRAX chưa thực sự mạnh mẽ như các nền tảng Stablecoin đi trước.
Ưu điểm và nhược điểm của Stablecoin
Ưu điểm
- Hoạt động trên nền tảng Blockchain: NĐT có thể chuyển khoản mà không phải qua trung gian nào, nhanh chóng, tiện lợi và đặc biệt không bị kiểm duyệt vì được hoạt động trên Blockchain.
- Giá trị ổn định: Giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng trao đổi và và trú ẩn an toàn khi thị trường biến động mạnh
- Phí thấp: Nhờ tính chất ngang hàng của Stablecoin, đồng thời không phải qua 1 trung gian giúp nó hạn chế tối đa phí giao dịch. NĐT có thể giao dịch P2P các Stablecoin trên Binance, Remitano,.. với chi phí phù hợp
- Minh bạch: Các giao dịch Stablecoin được thực hiện công khai trên các Blockchain. Người dùng có thể theo dõi bất kỳ giao dịch nào diễn ra. Điều này là không thể với thanh toán truyền thống.
Nhược điểm
- Có khả năng bị thao túng bởi nhà cung cấp: Phần lớn các Stablecoin đều bị chi phối bởi một tổ chức nắm quyền kiểm soát từ phát hành cho đến cung cấp. Không có kiểm toán chính thức khiến cho Stablecoin cũng tiềm ẩn những rủi ro về lâu dài.
- Ảnh hưởng bởi tài chính truyền thống: Stablecoin thường được gắn với tiền tệ chính thống (Fiat). Do đó chúng phụ thuộc khá nhiều vào các loại tiền FIAT. Với những ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu, lạm phát, đại dịch Covid cũng khiến cho Stable đôi khi không ổn định.
- Không được kiểm soát: Tất cả các đồng tiền mã hóa hiện nay nói chung và Stablecoin nói riêng đều không được kiểm soát và bị cấm trên nhiều quốc gia. Stablecoin có trở thành 1 phương tiện giao dịch chính thống hay không còn phụ thuộc vào các Chính phủ trong tương lai.
Có nên đầu tư Stablecoin không?
Trên thực tế, có nhiều ý kiến tranh cãi về việc liệu Stablecoin có phải là một tài sản đáng để đầu tư hay không. Hãy cùng GFI Blockchain xem xét vấn đề này nhé.
Nên đầu tư Stablecoin khi
- Nếu bạn không biết nhiều về công nghệ Blockchain và bạn không biết phải làm gì với những biến động trong thị trường, bạn có thể giữ tài sản kỹ thuật số của mình trong Stablecoin để giữ nguyên giá trị.
- Ngoài ra, tiền mã hóa có thể bước vào thời kỳ suy thoái bán tháo (Big short) trong đó giá trị của tất cả các đồng tiền mã hóa giảm đáng kể. Trong những khoảng thời gian này, bạn có thể tránh những rủi ro tiềm ẩn bằng cách chuyển đổi tài sản kỹ thuật số của mình thành Stablecoin.
Không nên đầu tư Stablecoin khi
- Nếu bạn là 1 Nhà đầu tư am hiểu về thị trường, với những biến động giá của thị trường bạn có thể phân bổ tài sản lên những đồng tiền mã hóa khác để có lợi nhuận cao hơn
- Giá trị của Stablecoin khó có thể tăng đáng kể theo thời gian và chỉ là sản phẩm ổn định để dự trữ tài sản.
- Stablecoin phụ thuộc vào Fiat vì vậy với việc xảy ra lạm phát. Các ngân hàng trung ương in nhiều tiền mặt làm giá trị Fiat giảm kéo theo giá trị của Stablecoin yếu đi.
Lời kết
Trên thực tế Stablecoin đánh mạnh vào tính chất ổn định giá chứ không phải là 1 sản phẩm đầu tư sinh lời. Rất nhiều nhà đầu tư dự trữ Stablecoin trong danh mục đầu tư để tìm điểm đẹp mua những Altcoin hay Topcoin khác. Điều đó khiến cho sự tồn tại của nó không thể thiếu trên thị trường Crypto. Trên hết các nhà đầu tư nên phân bổ túi tiền của mình hợp lý. Sau bài viết này, GFI Blockchain hi vọng bạn có thêm được kiến thức cho mình về Stablecoin và có những quyết định đầu tư của cá nhân mình. Đừng quên theo dõi thông tin tại nhóm GFI Blockchain để cập nhật các thông tin mới nhất.