Tuần trước, Trung Quốc đã ra mắt tập đoàn công nghiệp metaverse đầu tiên: Ủy ban Công nghiệp Metaverse, thuộc Hiệp hội Truyền thông Di động Trung Quốc (CMCA) do nhà nước giám sát.

Tại buổi lễ ra mắt, Wu Zhongze  – cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề cao sự khởi sinh của metaverse. Ông nhấn mạnh rằng đây không phải là một trào lưu nhất thời hay từ ngữ sáo rỗng, mà là một xu hướng quan trọng mà Trung Quốc cần nắm bắt khi tìm cách củng cố sức mạnh công nghệ toàn cầu của mình.

Theo bản tóm tắt sự kiện của CMCA, ông Wu đã chia sẻ thêm: “Metaverse chắc chắn sẽ trở thành một làn gió mới cho sự phát triển công nghệ toàn cầu trong thập kỷ tới, và cũng sẽ trở thành một nền tảng cạnh tranh cao trong nền kinh tế kỹ thuật số của tất cả các quốc gia”

Ngay cả khi mọi công ty công nghệ khác dường như đều nhắc tới metaverse – thậm chí Facebook còn đổi tên thành Meta – cũng không định nghĩa được một cách toàn diện và phổ quát metaverse thực sự là gì. Phần lớn là vì metaverse chưa tồn tại. Nhưng có thể hiểu một cách nôm na rằng điều này liên quan đến trải nghiệm ba chiều của internet trong khi kết hợp (và xóa mờ) ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo.

Tại sao Trung Quốc coi metaverse là một cuộc cạnh tranh toàn cầu

Có thể lý giải điều này dựa vào cuốn sách mới về metaverse được xuất bản bởi tập đoàn xuất bản CITIC thuộc sở hữu nhà nước và đồng tác giả là Yu Jianing – giám đốc điều hành của Ủy ban Công nghiệp Metaverse kiêm chuyên gia blockchain và cựu giám đốc viện nghiên cứu kinh tế công nghiệp thuộc Bộ công nghiệp Trung Quốc. Cuốn sách phác thảo 6 xu hướng chính của metaverse, trong số đó đặc biệt lưu ý tới một số điểm như: sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế thực; dữ liệu trở thành tài sản cốt lõi và sự toàn cầu hóa tài chính kỹ thuật số phi tập trung, hay còn gọi là DeFi.

Những xu hướng đó nằm gọn trong các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp internet nói riêng và nền kinh tế kỹ thuật số nói chung. Chính phủ coi dữ liệu là yếu tố sản xuất và đã xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý mới để đảm bảo kiểm soát sâu rộng dữ liệu của các công ty công nghệ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chia sẻ rằng dù nền kinh tế kỹ thuật số có quan trọng thì “nền kinh tế thực vẫn là nền tảng”. Trong một bài phát biểu riêng vào tháng trước, ông đã nêu rõ tầm quan trọng của việc tích hợp nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế thực.

Shen Yang – một giáo sư tại Trường Báo chí của Đại học Thanh Hoa, nhận thấy tiềm năng ở mục tiêu tích hợp nền kinh tế thực với nền kinh tế ảo trong metaverse của ông Tập. Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin tức tài chính Jiemian Trung Quốc, ông Shen cho biết, doanh thu được tạo ra từ phương pháp đảo ngược, tức là có thể được “[đưa]… trở lại thế giới thực” vì vậy giúp phát triển một “hệ thống kinh tế tốt”.

Đó là chưa kể đến những tác động của metaverse tới an ninh quốc gia. Trong báo cáo gần đây của một công ty liên kết với Bộ an ninh Nhà nước Trung Quốc cho biết, các vấn đề về “an ninh chính trị” xuất phát từ việc một số quốc gia được hưởng lợi từ người tiên phong trong việc chuyển đổi sang metaverse, trong khi đó các quốc gia có năng lực kỹ thuật số kém hơn “có thể đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ”.

Đối với Trung Quốc, metaverse có thể được xem như một đấu trường nơi mà sự cẩn trọng và các quyết định chính sách chiến lược có thể định vị đất nước bằng cách tạo đòn bẩy để thống trị những đối thủ khác. Đó là một sách lược quen thuộc của Bắc Kinh khi thiết lập sự thống trị trong các ngành công nghiệp quan trọng như xe điện và đất hiếm.

Thảo luận trong một bài báo tháng 9, Zuo Pengfei – một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc trực thuộc nhà nước cho biết metaverse mang tới cho Trung Quốc “những cơ hội lớn và ảnh hưởng có tính cách mạng”. Ông nói thêm, đất nước nên “nắm bắt cơ hội trong cuộc cạnh tranh toàn cầu tương lai” bằng cách đảm bảo rằng cả công ty công nghệ tư nhân và nhà nước đều chủ động giám sát các vị trí chiến lược trong ngành công nghiệp metaverse để họ có thể “vượt qua [các đối thủ cạnh tranh] trên chặng đua này. ”

Liệu cuộc đàn áp công nghệ của Bắc Kinh có mở rộng đến metaverse không?

Những ngày sau khi Mark Zuckerberg tuyên bố Facebook hiện là Meta vào tháng trước, các cổ phiếu liên quan đến metaverse của Trung Quốc – chẳng hạn như nhà phát triển trò chơi ZQGame và công ty giải pháp công nghệ thông tin Hubei Century Network Technology – đã có một màn trình diễn ấn tượng, phản ánh sự lạc quan của thị trường về khái niệm này.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đang đổ xô vào gã khổng lồ truyền thông xã hội Tencent cho biết họ có khả năng phát triển metaverse và tin rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ họ. Công ty trò chơi điện tử NetEase và gã khổng lồ Baidu cũng tham gia vào cuộc đua đăng ký nhãn hiệu cho những thứ liên quan đến metaverse. CEO của NetEase thậm chí còn khoe khoang rằng công ty của ông sẽ “chạy nhanh hơn các đối thủ khác” trong cuộc đua metaverse.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng dội một gáo nước lạnh vào cuộc hưởng ứng nhiệt liệt này. Tuần trước, Nhật báo Kinh tế đã đăng một bài bình luận cảnh báo về “tính mơ hồ” của “đầu cơ nóng” đối với cổ phiếu metaverse. Bài báo đã nhanh chóng được đăng lại bởi tờ Nhật báo  Nhân dân và Tờ Thời báo Hoàn cầu do nhà nước điều hành. Cổ phiếu metaverse của Trung Quốc cũng nhanh chóng trượt giảm sau đó.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước với China News Network, nhà nghiên cứu Zuo đã cảnh báo rằng metaverse có “một gen độc quyền cố hữu” và cần phải cẩn thận để “tránh việc một số thế lực độc chiếm metaverse”

Tất nhiên, nhận xét đó được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng chính sách đàn áp các công ty công nghệ vì đã độc chiếm thị trường bằng cách tham gia vào các hành vi chống cạnh tranh.

0 0 đánh giá
Article Rating