Tổng quan

Sự phổ biến nhanh chóng của công nghệ tạo nên nhu cầu cấp bách về hoạt động lưu trữ và tính toán dữ liệu. Các cấu trúc blockchain và tính toán đa bên SMPC hiện chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Nillion ra đời với tầm nhìn kết hợp cấu trúc của blockchain và tính toán đa bên để tạo ra một mạng lưới xử lý dữ liệu bảo mật và phi tập trung cho toàn cầu.

Hãy cũng GFI tìm hiểu về dự án Nillion qua bài viết dưới đây.

Nillion là gì?

Nillion là một lớp xử lý (processing layer) cho Web3, với các node trong mạng lưới vận hành phi tập trung theo cơ chế Nil Message Compute – NMC.

Nillion không phải là một giao thức blockchain, dự án chỉ mượn ý tưởng từ blockchain để xử lý và lưu trữ dữ liệu một cách phi tập trung và bảo mật, hỗ trợ các blockchain cũng như các tiện ích công cộng khác.

Nillion
Nillion

Đội ngũ phát triển

Tiến sĩ Miguel de Vega – Chief Scientist: Người phát minh ra NMC, tác giả của hơn 30 bằng sáng chế trong lĩnh vực machine learning, tối ưu dữ liệu và Toán học.

Alex Page – CEO: Cựu nhân viên Goldman Sach, đồng sáng lập của hai công ty B2C.

Conrad Whelan – CTO: Kỹ sư sáng lập của Uber.

Andrew Masanto – CMO: Từng là CMO của Hedera Hashgraph và Reserve.

Tiến sĩ Elizabeth Quaglia – Head of Cryptography: Giảng viên cao cấp tại Royal Holloway, Đại học London – một trong những tổ chức hàng đầu thế giới về mã hóa.

Tristan Litré – Director of Crypto: Từng là CTO của một nền tảng DeFi.

Slava Rubin – Chief Business Officer: Đồng sáng lập và CEO của Indiegogo.

Nillion giải quyết vấn đề gì?

Từ nhiều năm qua, nhu cầu đối với xử lý dữ liệu phi tập trung tăng lên nhanh chóng. Công nghệ tính toán đa bên bảo mật (Secure multi-party computation – SMPC) đã ra đời song song với blockchain để giải quyết vấn đề này.

Trong khi blockchain cho phép chia sẻ một sổ cái chung ra khắp mạng lưới phi tập trung, SMPC lại được xây dựng để xử lý và tính toán trong một môi trường không cần sự tin cậy (trustless). Cụ thể hơn, SMPC bao gồm hai nguyên lý:

  • ITS – Information-Theoretic Security: tiêu chuẩn bảo mật không thể bị phá vỡ bằng phân tích mã hóa.
  • Tính toán phân tán giữa các node không cần sự tin cậy.

Nói một cách đơn giản, SMPC sẽ chia bài toán thành nhiều phần nhỏ và phân bổ giữa các node, sao cho mỗi node đều không biết input và output của nhau và của cả bài toán.

Tuy nhiên, SMPC gặp vấn đề về khả năng mở rộng do công nghệ này yêu cầu truyền tin giữa các node (internode-messaging) trong quá trình tính toán, đây là một hoạt động rất tốn thời gian.

Giải pháp của Nillion

Nillion kết hợp sức mạnh của SMPC và blockchain để tạo ra Nil Message Compute – một mạng lưới tính toán phi tập trung mới (không blockchain, không SMPC truyền thống) với tốc độ nhanh gần bằng cấu trúc client-server.

Công nghệ Nil Message Compute

Nil Message Compute kết hợp hai thành phần mã hóa: One-Time Mask (OTM) và Linear Secret Sharing (LSS).

  • One-Time Mask là một cấu trúc mã hóa đạt tiêu chuẩn ITS, sử dụng một dãy số ngẫu nhiên gọi là nhân tố mù (blinding factor) để biến đổi một input thành các hạt (particle), sau đó phân bổ các hạt đó cho mạng lưới NMC. OTM cung cấp tính đúng đắn (correctness) một cách hiệu quả, nhờ đó các node NMC không cần phải trao đổi tin nhắn để thực hiện hoạt động tính toán.
  • Linear Secret Sharing biến đổi các nhân tố mù thành các phần chia (shares) được phân bổ cho các node Nillion.
Công nghệ Nil Message Compute
Công nghệ Nil Message Compute

Các node trong mạng lưới

  • Dealer Node: Biến đổi input bí mật thành các hạt và phân bổ chúng đến các NMC Node. Dealer node có thể là một cá nhân với thiết bị di động, hoặc một công ty sử dụng server.
  • NMC Node: Lưu trữ các input đã được hạt hóa (particlized) bởi Dealer Node và thực hiện tính toán NMC dựa trên các input này.
  • Result Node: Tổng hợp các kết quả thu được từ tính toán NMC.
Các node trong mạng lưới
Các node trong mạng lưới

Các lớp trong mạng lưới

  • Lớp cơ sở hạ tầng: Xây dựng trên một Distributed Hash Table.
  • Lớp NMC: Nơi thực thi giao thức 2-NMC và D-NMC.
  • Lớp dịch vụ: Là lớp cung cấp những trường hợp sử dụng của mạng lưới. Nillion sẽ phát triển ngôn ngữ lập trình bậc cao với tên gọi Nada, và có thể hỗ trợ các ngôn ngữ hiện hành như Solidity.

Ứng dụng của Nillion

Tương tác với các ví tập trung

Chỉ một lần xác thực là đủ để tích hợp giải pháp lưu trữ private key trong ví crypto. Những lần sau đó, ví có thể ký giao dịch thay mặt cho người dùng mà không cần lưu trữ private key lên một thiết bị hay server tập trung.

Lưu trữ chứng từ

Nillion giúp lưu trữ chứng từ như giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận, di chúc, hợp đồng và bản cam kết. Người dùng có thể liên kết những chứng từ này với các nhân tố xác thực phi tập trung, chỉ có họ mới có quyền tiếp cận và chỉnh sửa nội dung. Tất cả thông tin có thể được chuyển giao an toàn mà không cần bên thứ ba.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng Nillion để lưu trữ thông tin khách hàng, bí mật thương mại, hoặc những tài sản trí tuệ khác.

Hợp đồng thông minh riêng tư trên các blockchain công khai

Nillion cho phép tính toán các hợp đồng thông minh riêng tư phi tập trung, và tạo ra môi trường thực thi bảo mật cho các blockchain công khai.

Khả năng tương tác

Mô hình tương tác của NMC giúp liên kết các hệ thống phức tạp giữa các chain và giao thức như bridge, tổng hợp thanh khoản, hay DEX cross-chain.

Bên cạnh đó, ví multi-chain tiêu chuẩn ITS sẽ trở nên khả thi, do Nillion cho phép người dùng lưu trữ tất cả private key từ các blockchain khác nhau trong một tài khoản Nillion duy nhất và hoàn toàn phi tập trung. Private key được chia nhỏ thành các hạt (particle) nên kẻ tấn công phải nắm được một số lượng lớn node Nillion để tập hợp được một private key hoàn chỉnh.

Hạn chế tiếp cận nội dung NFT

Với công cụ của Nillion, người sở hữu NFT có thể hạn chế việc người khác tiếp cận thông tin NFT, và quyết định ai có thể nhìn thấy hoặc tương tác với tài sản của họ.

Công cụ DAO

Nillion hỗ trợ bỏ phiếu ẩn danh phi tập trung, giúp các DAO bảo mật thông tin riêng tư.

Roadmap

Hiện tại dự án Nillion chỉ đang ở giai đoạn feedback và chưa có roadmap rõ ràng. Tuy vậy, dự án có kế hoạch khởi chạy devnet vào cuối năm 2022 và testnet vào năm 2023. Song song với đó, Nillion cũng xây dựng SDK cho các bên thứ ba phát triển ứng dụng.

Backer

Dự án Nillion huy động được hơn 20 triệu đô la trong một vòng gọi vốn dẫn đầu bởi Distributed Global vào tháng 12/2022. Distributed Global là một quỹ đầu tư nổi tiếng được thành lập vào năm 2017, với danh mục đầu tư tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng Web3.

Các quỹ đầu tư khác bao gồm AU21, Big Brain Holdings, Chapter One, GSR, HashKey, OP Crypto, SALT Fund… Tổng cộng có hơn 150 đơn vị đầu tư.

Tokenomics

Token NIL sẽ là token tiện ích của Nillion, theo tiêu chuẩn ERC-20.

Token NIL được dùng để:

  • Sử dụng dịch vụ của Nillion.
  • Staking.
  • Trả thưởng cho node.
  • Bỏ phiếu trên Nillion DAO.

Hiện tại chưa có thông tin về lượng phân bổ hay lịch mở bán token NIL.

Cộng đồng

Các kênh thông tin và cộng đồng của Nillion

Kết luận

Nillion kết hợp sức mạnh của SMPC và blockchain để tạo ra Nil Message Computing – một mạng lưới tính toán dữ liệu phi tập trung và bảo mật. Đây là một dự án còn sơ khai về mặt triển khai sản phẩm nhưng có ý tưởng công nghệ độc đáo, có tiềm năng giải quyết nhu cầu về bảo mật thông tin cả trong Metaverse và thế giới thực.

Bài viết trên chỉ mang tính chất thông tin tham khảo, không được xem là lời khuyên đầu tư.