Hội nghị và Triển lãm công nghệ NEAR APAC 2023, sự kiện công nghệ quy mô lớn nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã mang đến cho những người tham dự một trải nghiệm thú vị ở đa dạng trên nhiều phương diện. Trong đó, các panel discussion (phiên thảo luận) do các chuyên gia hàng đầu trong ngành tham gia đã mang đến nhiều insights cực kỳ giá trị.
Trong khuôn khổ bài recap này, mình muốn chia sẻ với mọi người 2 panel discussion về chủ đề mà mình nhận thấy có sự quan tâm đặc biệt: chính sách về blockchain và tác động của nó đến việc mass adoption.
Panel: Blockchain Policies and Vision of APAC’s Governments and Associations
*Tạm dịch: Chính sách và tầm nhìn về Blockchain của Chính phủ và các Hiệp hội trong khu vực APAC.
Speaker:
- Mr. Phong Dao: Managing Lawyer, Investpush Legal.
- Mr. Tony Tong: Co-Founder & Co-Chairman, Hong Kong Blockchain Association.
- Dr. Nguyen Minh Hong: President, VDCA.
- Ms. Mary Beth Buchanan: Member of the Board of Directors, Cardano Foundation.
- Dr. Tran Quy: President, Vietnam Digital Economy Institute.
- Mr. Tran Dinh: Head of FinTech Applications, VBA.
Nội dung chính:
Chính phủ và các tổ chức trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đang tập trung vào việc đưa ra chính sách và tầm nhìn về blockchain. Trong số đó, Việt Nam đã và đang cho thấy sự tiếp nhận crypto rất lớn, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này trên toàn cầu với các dự án như Kyber Network, Axie Infinity,…
Tuy nhiên, việc phát triển crypto tại Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức chính về luật pháp:
- Hiện tại crypto tại Việt Nam đang ở “Vùng xám”: Việc này tạo ra rào cản khiến người dùng chưa thể tự tin đầu tư nhiều hơn.
- Bảo vệ nhà đầu tư: Giao dịch không được bảo vệ trên blockchain giữa các cá nhân/ tổ chức với nhau. Điều này sẽ gây cản trở nhiều trong việc bảo vệ nhà đầu tư, cũng như phòng chống tội phạm.
- Chưa rõ ràng khi áp dụng khung pháp lý: Không có pháp lý rõ ràng nên dẫn đến việc khó khăn khi thành lập các startup Web3 tại VN và xa hơn là việc “chảy máu chất xám”. Phản ánh rõ ràng nhất của việc này chính là rất nhiều dự án Blockchain, Web3 của Việt Nam nhưng đều đặt trụ sở tại nước ngoài và phát triển sản phẩm tập trung vào những thị trường đó hơn là Việt Nam.
Khi đề cập đến chủ đề về pháp lý blockchain và crypto chắc chắn Hong Kong đang là một case study hiệu quả nhất. Các diễn giả cho rằng việc Hong Kong mở cửa cho crypto có thể là một bài học cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý cho crypto. Hong Kong đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này như OKX, Houbi bằng cách cung cấp một môi trường pháp lý thân thiện và đầy đủ. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp crypto, mà còn giúp các công ty tài chính truyền thống cung cấp dịch vụ liên quan, từ đó tăng cường thanh khoản và có thêm nhiều công cụ tài chính cho lĩnh vực này.
Ngoài ra, Hong Kong chấp nhận crypto cũng là một tin vui cho cả khu vực APAC và Việt Nam. Trong quá trình xây dựng khung pháp lý, việc giáo dục đóng vai trò quan trọng vì sử dụng blockchain là một thách thức đối với người dùng thông thường. Sự hỗ trợ từ chính phủ, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi, sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy quá trình giáo dục. Chiến lược từ chính phủ cũng là một yếu tố quan trọng khác, ví dụ như việc hỗ trợ NEAR APAC. Xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận với blockchain từng bước sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng khung pháp lý trong tương lai.
Ở phần cuối của panel này, có một câu hỏi được đặt ra như sau: “Crypto được xem là tài sản số (digital asset) hay tài sản vô hình?”. Theo bản chất, crypto là một tài sản hữu hình, do đó có thể gọi là tài sản số. Tuy nhiên, nếu được xem như tài sản số, nó sẽ cần xuất hiện trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và phải tuân thủ các quy định pháp lý liên quan, ví dụ như quyền thừa kế. Thêm vào đó, nếu được phân loại là tài sản số, thì nó cần phải được công nhận chính thức. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia hiện tại đang xem xét Crypto như một loại chứng khoán, và điều này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc phát triển khung pháp lý trong tương lai, đặc biệt là ở Việt Nam.
Panel: Mainstream Adoption in APAC – Scaling Local Ecosystems
*Tạm dịch: Việc phổ biến blockchain chính thống tại khu vực APAC – Mở rộng quy mô hệ sinh thái.
Speaker:
- Mr. Jack Collier: CMO, NEAR Foundation.
- Mr. Don Phan: Web3 Specialist, Google Cloud.
- Ms. Marieke Flament: CEO, NEAR Foundation.
- Mr. Vu Anh Tu: CTO, FPT Corporation.
Nội dung chính:
Trong quá trình tiến đến mass adoption của crypto, có nhiều thách thức cần vượt qua. Nếu quay ngược về quá khứ nhiều năm trước, khi mà blockchain và crypto vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm, công nghệ phức tạp và rất khó để xây dựng các ứng dụng khác trên các nền tảng blockchain lúc đó. Thì ở thời điểm hiện tại, khi mà blockchain và crypto đã phát triển vượt bậc, đã dần chứng minh sự hiệu quả của mình, câu hỏi được đặt ra: “Vậy đâu là lý do khiến chúng chưa thể mass adoption?”. Vấn đề nằm ở giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX) chưa thật sự thân thiện với người dùng. Đây chính là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng đang cản trở việc gia tăng lượng người dùng mới cũng như nâng cao trải nghiệm của họ.
Bất kể công nghệ có tốt đến đâu, việc sử dụng của người dùng cuối (end-user) vẫn rất quan trọng. Một giao diện đơn giản nhưng hấp dẫn và dễ sử dụng có thể thu hút nhiều người dùng. Ví dụ, Spotify với giao diện đơn giản đã thu hút được nhiều người dùng vì họ không quan tâm đến công nghệ đằng sau nó. Tương tự, Facebook cũng có giao diện đơn giản nhưng lại rất hiệu quả.
Nhiều sự đổi mới trong cách tiếp cận công nghệ blockchain gần đây đã tạo ra nhiều use cases hơn, giúp người dùng mới có những trải nghiệm ban đầu với blockchain một cách đơn giản hơn. Điểm sáng đó đến từ việc tích hợp NFT từ các ứng dụng như Membership Program, Loyalty Program, Digital Art, Music, Streaming,… Đặc biệt, trong các lĩnh vực về nghệ thuật như âm nhạc, các ca sĩ phát hành NFT riêng của họ có thể thu hút sự tham gia của những người hâm mộ hay các nhạc sĩ/ca sĩ sẽ được chia sẻ nhiều doanh thu hơn thay vì phần lớn nằm trong tay các đơn vị phát hành như Web2.
Những người builders của Web3 cần nghiên cứu và học hỏi từ những case studies của các công ty lớn trong Web2 để tránh các sai lầm đã xảy ra trong quá trình phát triển. Đồng thời, sự cạnh tranh trong việc thu hút dòng tiền giữa các dự án cơ sở hạ tầng như Layer 1 và Layer 2 cũng ngày càng gay gắt, điều này cũng đồng thời tạo ra khó khăn trong việc thúc đẩy việc mass adoption cho crypto.