Gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande hiện có khoản nợ vượt quá 300 tỷ đô và đã không thể đáp ứng các khoản thanh toán lãi suất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này đã khiến Fitch – một cơ quan đánh giá rủi ro tài chính của các công ty, tuyên bố Evergrande vỡ nợ. Nhiều người cũng lo ngại nguy cơ phá sản Evergrande có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tương tự như năm 2008 sau sự sụp đổ của tập đoàn Lehman Brothers Holdings Inc (Mỹ).

Vậy câu chuyện của Evergrande được ví như là quả bom nợ có thể rung chuyện toàn cầu là như thế nào? Hãy cùng GFS khám phá nhé!

Sơ lược về Evergrande

Evergrande - Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc
Evergrande – Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc

Vào năm 1996 tại Quảng Châu, Trung Quốc, doanh nhân Hứa Gia Ấn đã thành lập Evergrande, tiền thân là Tập đoàn Hengda. Theo Forbes, Ông Hứa từng là người giàu nhất châu Á và mặc dù chứng kiến khối tài sản của mình giảm mạnh trong những tháng gần đây, nhưng tài sản cá nhân của ông vẫn hơn 10 tỷ USD.

Evergrande Real Estate hiện sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố trên khắp Trung Quốc. Tập đoàn Evergrande rộng lớn hơn bao gồm nhiều lĩnh vực không chỉ là phát triển bất động sản, các lĩnh vực kinh doanh bao gồm quản lý tài sản, sản xuất ô tô điện và sản xuất thực phẩm và đồ uống. Thậm chí họ còn sở hữu một trong những đội bóng lớn nhất của đất nước – Guangzhou FC.

Đến thời điểm hiện tại, Evergrande đã tích lũy khoản nợ hơn 300 tỷ USD từ các ngân hàng, trái chủ, nhà cung cấp và khách hàng của mình, nhiều người trong số họ đã mua nhà trước hàng tháng, thậm chí hàng năm trước khi chúng được xây dựng. Các biện pháp mới đã giúp Evergrande cung cấp các tài sản của mình với mức chiết khấu lớn nhằm đảm bảo nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.

Tại sao Evergrande gặp rắc rối?

Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được thúc đẩy một phần lớn bởi thị trường bất động sản bùng nổ. Bằng cả trực tiếp và gián tiếp, ngành bất động sản chiếm tới 29% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi một bong bóng tài sản khổng lồ và số lượng nợ ngày càng tăng.

Trung Quốc đã nhận thức được những nguy cơ gây ra bởi thị trường bất động sản của mình trong một thời gian. Năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng “Nhà để ở chứ không phải để đầu cơ”.

Năm ngoái, chính phủ đã thực hiện một chính sách được gọi là “ba lằn ranh đỏ”. Trong đó, Bắc Kinh chủ yếu hành động bằng cách sử dụng đòn bẩy đối với hệ thống tài chính: ra lệnh cho các công ty bao gồm Evergrande cắt nợ và các ngân hàng giảm tốc độ cho vay thế chấp và chuyển các khoản vay sang sản xuất thay thế.

Những chính sách đó đã đẩy Evergrande, vốn đã căng thẳng về tài chính trong nhiều năm đến với cuộc khủng hoảng tiền mặt. Giờ đây, công ty đang phải vật lộn để trả lãi cho các khoản nợ của mình.

Liệu có phải Evergrande đã vỡ nợ?

Trong nhiều tháng, Evergrande đã giữ cho thị trường tài chính mấp mé trên bờ vực khi họ đã nhiều lần tránh được việc vỡ nợ bằng cách thực hiện các khoản thanh toán vào giờ thứ 11 đối với trái phiếu của mình. Nhưng dưới áp lực ngày càng lớn và không có tiền mặt để duy trì mọi thứ, vào ngày 03 tháng 12, Evergrande cho biết rằng họ khó có thể tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình.

Vào tuần tiếp theo, sau khi Evergrande không phản hồi và không thanh toán 2 khoản trái phiếu đã đến ngày đáo hạn, Fitch Ratings đã xếp nhà phát triển Trung Quốc vào danh mục “vỡ nợ giới hạn”. Nghĩa là Evergrande đã chính thức vỡ nợ nhưng vẫn chưa tham gia vào bất kỳ hình thức nộp đơn phá sản, thanh lý hoặc các quy trình khác để ngừng hoạt động.

Sự sụp đổ của Evergrande sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc như thế nào?

evergrande-vỡ-nợ
Các nhà đầu tư tập trung tại trụ sở của Evergrande để đòi lại tiền. (Nguồn ảnh của AFP / Jiji)

Thứ nhất, theo Barclays, Evergrande hiện có 1,6 triệu khách hàng đã đặt cọc, đang chờ nhận nhà và có thể họ sẽ mất số tiền đó nếu công ty phá sản. Ngoài ra còn có các công ty kinh doanh với Evergrande bao gồm cả các công ty xây dựng, thiết kế và các nhà cung cấp vật liệu cũng có nguy cơ phải chịu những tổn thất lớn.

Thứ hai, tác động tiềm tàng đến hệ thống tài chính của Trung Quốc: Nếu Evergrande vỡ nợ, các ngân hàng và các tổ chức cho vay khác cũng sẽ bị ảnh hưởng chéo. Điều này có thể dẫn đến tình trạng được gọi là khủng hoảng tín dụng.

Thứ ba, sự hoảng sợ từ các nhà đầu tư và người mua nhà có thể tràn ngập vào thị trường bất động sản dẫn tới việc giá bất động sản giảm. Sự hoảng sợ cũng có thể làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu và khiến các công ty Trung Quốc khác khó có thể tiếp xúc với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, một trong những điểm khác biệt chính giữa cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande và sự sụp đổ của Lehman Brothers là cuộc khủng hoảng này xảy ra có chủ đích. Bên cạnh đó, doanh thu Bất động sản của tập đoàn Evergrande trong năm 2020 là 78 tỷ USD, chỉ chiếm 4% quy mô ngành.

Ngân hàng Trung ương cũng đã thực hiện một số chiến dịch nhằm xử lý nợ bất động sản và giảm sự tiếp xúc của ngân hàng với công ty. Điều này có nghĩa là sự sụp đổ của Evergrande sẽ ít tác động đến hệ thống tài chính của Trung Quốc hơn.  

Các nhà đầu tư nước ngoài có nên lo ngại?

Evergrande cho biết họ sẽ “tích cực tham gia” với các chủ nợ nước ngoài để đưa ra kế hoạch tái cơ cấu. Tuy nhiên kế hoạch loại bỏ và bán bớt tài sản công ty để trả nợ cho mọi người là một quá trình kéo dài và phức tạp.

Daniel Anderson – một đối tác tại công ty luật Ropes & Grey ở Hồng Kông, cho biết: “Evergrande rất phức tạp và có các tổ chức tại các công ty ở trong và ngoài Trung Quốc”. “Không có một cơ chế pháp lý rõ ràng và duy nhất nào có thể được thực hiện để tái cấu tập đoàn. Do đó, quá trình sẽ phải trải khắp các khu vực pháp lý và sẽ rất phức tạp. ”

Tuy nhiên, một số người có cái nhìn lạc quan hơn. Theo đó, Trung Quốc cần phải tiếp tục huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy Bắc Kinh sẽ đảm bảo rằng các trái chủ có thể thu hồi một số khoản lỗ của họ.

Bên cạnh đó, theo Fitch Ratings, Evergrande đã luôn bị đánh giá ở mức rủi ro tài chính trong những năm qua, nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước nếu không “fomo” thì sẽ vẫn quản trị được rủi ro. 

Liệu các cơ quan quản lý Trung Quốc có vào cuộc để cứu Evergrande?

Khi các vấn đề xảy ra với nhà phát triển, các nhà chức trách hiện vẫn kiên quyết không can thiệp. Trong năm nay, đã có ít nhất 11 nhà phát triển vỡ nợ trong việc trả nợ trái phiếu. Yi Gang – thống đốc Ngân hàng trung ương, đã chỉ ra rằng Evergrande không có khả năng được nhận gói cứu trợ.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc đã công bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12. Động thái này sẽ giải phóng 1.200 tỷ nhân dân tệ tương đương 188,3 tỷ USD, thanh khoản dài hạn vào nền kinh tế.

Theo ông Tao Wang – Giám đốc kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Thụy Sĩ cho biết bằng cách nới lỏng cho vay trong khi tỏ ra cứng rắn chống lại Evergrande, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đang ra dấu hiệu rằng họ đã sẵn sàng để công ty sụp đổ nhưng vẫn thực hiện các bước để đảm bảo rằng nền kinh tế sẽ được bảo vệ.

0 0 đánh giá
Article Rating