Trước những dữ liệu kinh tế có chiều hướng xấu vào những tháng đầu năm 2023, Chủ tịch Fed – Jerome H.Powell cho biết cơ quan này có thể sẽ tăng mức lãi suất tối đa cao hơn dự kiến.

Chủ tịch Fed - Jerome H.Powell điều trần
Chủ tịch Fed – Jerome H.Powell điều trần

Trong hai ngày ngày 07&08/3/2023, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) – Jerome H.Powell đã có phiên điều trần trước Quốc hội với hai phần chính là tuyên bố đã chuẩn bị trước và trả lời chất vấn của các đại biểu. Trong phiên điều trần lần này, ông Powell đã cho biết quan điểm của Fed đối với tình hình vĩ mô hiện tại, cùng với một số vấn đề có liên quan trực tiếp đến thị trường crypto.

Nguy cơ tăng mức lãi suất tối đa

Trong phần mở đầu, ông Powell đã cho biết chiều hướng xấu đi của nền kinh tế và cơ quan này sẵn sàng tăng mức trần lãi suất cũng như tốc độ tăng lãi suất: “Các dữ liệu kinh tế mới nhất được công bố đều mạnh hơn mức dự báo, điều này cho thấy mức lãi suất cuối cùng có thể sẽ cao hơn dự đoán trước đây. Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng việc thắt chặt nhanh hơn được đảm bảo, chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ tăng lãi suất.”

Để lý giải cho nguyên nhân này, ông đã nêu rõ rằng: “Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu giảm lạm phát trong danh mục dịch vụ cốt lõi không bao gồm nhà ở, một danh mục chiếm hơn một nửa chi tiêu cốt lõi của người tiêu dùng (PCE). Để khôi phục lại sự ổn định về giá, chúng ta sẽ cần thấy lạm phát thấp hơn trong lĩnh vực này. Và rất có thể sẽ có một số điều kiện như thị trường lao động yếu đi.”

Chỉ số Giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (Personal Consumption Expenditures Price Index – PCE) là thước đo ưu thích của Fed trong việc đánh giá lạm phát. Trái ngược với xu hướng giảm trong các tháng cuối 2022, chỉ số này đã có dấu hiệu đảo chiều trở lại trong đầu 2023.

Tuy nhiên, quan điểm trong việc cố gắng kiềm chế lạm phát đã khiến Fed đối mặt với sự chỉ trích lớn từ các nghị sĩ. Việc đề cập đến thị trường lao động của ông Powell đã kích động đến một số Thượng Nghị sĩ khác và ông Powell ngay lập tức đối mặt với các câu hỏi chất vấn.

Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren nhấn mạnh đến hậu quả của các chính sách mà Fed đưa ra, có thể đẩy hơn 2 triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp trong năm tới: “Nếu bạn có thể nói chuyện trực tiếp với hai triệu người chăm chỉ đang có công việc tử tế ngày nay, những người mà bạn dự định sa thải trong năm tới, bạn sẽ nói gì với họ? Làm thế nào bạn sẽ giải thích quan điểm của bạn rằng họ cần phải mất công việc của họ?”

Ông Powell lý giải rằng tất cả chính sách mà Fed thực hiện đều hướng đến việc giảm lạm phát và đây là một phần nhỏ hậu quả trong tổng thể: “Tôi muốn giải thích với mọi người một cách mở rộng hơn rằng lạm phát đang ở mức cực kỳ cao và nó đang gây tổn hại nặng nề cho người dân lao động của đất nước này. Tất cả họ, không chỉ 2 triệu người trong số họ, mà tất cả họ đều đang phải chịu lạm phát cao, và chúng tôi đang thực hiện các biện pháp duy nhất có thể để giảm lạm phát.”

Thượng Nghị sĩ John Kennedy chỉ trích những hành động gần đây của Fed đã góp phần làm chậm đi sự phát triển của nền kinh tế, đẩy bầu không khí của phiên điều trần trở thành cuộc tranh cãi: “Bạn đang cố gắng tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tôi biết bạn không thích cụm từ này, vì vậy hãy để tôi tấn công nó. Bạn đang cố gắng tăng tỷ lệ thất nghiệp, phải không?”

Nhưng ông Powell tiếp tục giữ vững quan điểm và trả lời quanh co: “Không, chúng tôi không cố nâng nó lên. Chúng tôi đang cố gắng sắp xếp lại cung và cầu, điều này có thể xảy ra thông qua một loạt các kênh, chẳng hạn như chỉ các cơ hội việc làm.”

Sự căng thẳng trong cuộc điều trần cho thấy sự bất đồng trong quan điểm của các bên. Thông điệp tăng tốc độ tăng và mức tối đa lãi suất của Fed đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của các Thượng Nghị sĩ khác khi ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Vì vậy, quá trình tăng lãi suất trở lại có thể sẽ phải thực hiện một cách mềm mỏng hơn.

Thận trọng trong lĩnh vực crypto

Trong phiên điều trần, Chủ tịch Fed bày tỏ quan điểm về vai trò của crypto: “Chúng ta phải cởi mở với ý tưởng rằng, ở đâu đó trong đó có công nghệ có thể góp phần vào đổi mới hiệu quả giúp cuộc sống của mọi người tốt hơn.”

Đồng thời, ông cũng khẳng định thêm: “Chúng tôi không muốn kìm hãm sự đổi mới.”

Trải qua quá trình phát triển, hiện tại thị trường crypto đã đạt được nhiều thành tựu và dần trở thành một phần của thị trường tài chính. Không còn ở giai đoạn ranh giới giữa giấc mơ viễn vông và sự thật, giờ đây crypto – một phần của blockchain đã trở thành xu hướng phát triển chính của công nghệ trong những năm tới. Sự chuyển dịch vốn từ các quỹ đầu tư và các công ty truyền thống lớn vào thị trường này trong những năm qua đã chứng minh cho điều đó, dưới tác động của những chính sách mở cửa cho thị trường này của một số quốc gia.

Về phía Fed, tuy không muốn kìm hãm sự phát triển của thị trường, nhưng những hệ lụy xảy ra gần đây từ vụ sụp đổ của hàng loạt các công ty, dự án lớn trong lĩnh vực crypto là mối lo ngại lớn đối với tổ chức này. Ông Powell nói:

“Chúng tôi đã chứng kiến ​​một tập hợp các sự kiện đáng chú ý trong không gian tiền mã hóa, đồng thời lưu ý rằng đã có “khá nhiều xáo trộn” trong năm qua, với việc các công ty sụp đổ và những vụ lừa đảo lớn được phơi bày. Có rất nhiều điều cho thấy rằng các tổ chức tài chính được quản lý nên thận trọng tiếp xúc với lĩnh vực này.”

Vì vậy, Fed và các cơ quan quản lý ngân hàng khác của Hoa Kỳ đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố và diễn giải chính sách như một lời cảnh báo đối với các ngân hàng rằng các cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ các động thái tiền mã hóa của họ. Trong những cảnh báo gần đây nhất, các cơ quan quản lý chỉ rõ rằng các ngân hàng tập trung kinh doanh vào lĩnh vực này có thể sẽ không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn trong khả năng hoạt động, vốn là cơ sở để có thể tiếp tục hoạt động ở Mỹ.

Thay thế CBDC bằng một giải pháp khác

Hiện tại, vấn đề phát hành CBDC là mối quan tâm của nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới. Theo dữ liệu từ Atlantic Council, trên thế giới đã có 11 quốc gia, kể cả Trung Quốc đã triển khai CBDC của riêng họ và 114 quốc gia khác đang xem xét.

Phát biểu trước Ủy ban Tài chính Hạ viện, ông Powell nói rằng Fed và nhóm làm việc liên ngành của Bộ Tài chính nước này vẫn chưa đưa ra được quyết định về việc liệu CBDC hay Đô la kỹ thuật số có phải là thứ mà hệ thống tài chính Mỹ muốn hay không. Ông nói: “Chúng tôi không ở giai đoạn đưa ra bất kỳ quyết định thực sự nào. Những gì chúng tôi đang làm là thử nghiệm ở dạng thử nghiệm giai đoạn đầu. Làm thế nào điều này sẽ làm việc? Nó có hoạt động không? Công nghệ tốt nhất là gì? Cách nào hiệu quả nhất?”.

Mặc dù việc tạo ra bất kỳ CBDC nào dành cho công chúng rộng rãi hơn sẽ cần có sự cho phép của Quốc hội, nhưng ông Powell cho biết một loại tiền kỹ thuật số “bán buôn” dành riêng cho việc sử dụng giữa các ngân hàng và Fed sẽ không cần sự chấp thuận. Chủ tịch Fed đã đề cập về việc ra mắt FedNow , một dịch vụ do ngân hàng trung ương phát triển sẽ tạo điều kiện thanh toán ngay lập tức giữa các ngân hàng và khách hàng của họ, sẽ được phát hành vào cuối năm nay.

“Chúng tôi sẽ có các khoản thanh toán theo thời gian thực ở đất nước này rất, rất sớm,” ông Powell nói.

Cơ hội nào cho Stablecoin?

Trước đây, ông Powell đã nhiều lần gợi ý trước Quốc hội Mỹ cần xây dựng một “khung pháp lý khả thi” cho các tài sản kỹ thuật số tại quốc gia này, và đề cập trực tiếp đến stablecoin như một lĩnh vực cần được giám sát. Ông nói: “Mọi người sẽ cho rằng khi họ giao dịch với một thứ gì đó có quy định giống như quỹ thị trường tiền tệ hoặc tiền gửi ngân hàng. Vì vậy, stablecoin cần được chú ý ở khía cạnh đó.”

Chủ tịch Fed cho biết thêm rằng các stablecoin một phần dựa trên độ tin cậy của đồng đô la Mỹ và họ không biết chắc chắn có gì trong kho dự trữ của các stablecoin được bảo chứng bằng đô la vì không có quy định nào giải quyết chúng. Theo ông Powell, sẽ có chỗ cho stablecoin trong lĩnh vực tài chính nếu chúng có quy định phù hợp.

Tổng kết, nhận định

Trong phiên điều trần 2 ngày vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) – Jerome H.Powell đã có những trình bày sơ lược về thực trạng nền kinh tế Mỹ hiện tại, tập trung vào giải quyết vấn đề lãi suất tại quốc gia này. Đồng thời, ông cũng nêu quan điểm của Fed trong việc triển khai CBDC và các vấn đề liên quan đến thị trường crypto, tóm tắt tại như sau:

  • Đối với mức lãi suất hiện tại, Fed đang có kế hoạch tăng trở lại tốc độ tăng lãi suất và mức lãi suất tối đa. Tuy nhiên, quan điểm này gặp nhiều cản trở đến từ các Thượng Nghị sĩ.
  • CBDC của Mỹ gặp khó khăn trong việc triển khai, Fed sẽ triển khai một giải pháp thay thế khác là FedNow, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay.
  • Về crypto, Fed xem đây là một xu hướng, không cố kiềm hãm sự phát triển của lĩnh vực này, nhưng lĩnh vực này cần đáp ứng được một số tiêu chí với khuôn pháp lý riêng được ban hành. Quan điểm về stablecoin tương tự.

Đối với những gì đã diễn ra, mình có đưa ra một số nhận định như sau:

  • Fed sẽ tăng mức lãi suất tối đa và tốc độ tăng trở lại, nhưng cơ quan này sẽ quan sát thêm diễn biến thị trường thêm một khoảng thời gian, ít nhất trong một vài tháng tới khi tỷ lệ thất nghiệp là mối lo ngại lớn đối với các Thượng Nghị sĩ, nhất là trước thềm của cuộc bầu cử 2024.
  • Fed sẽ không thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của CBDC hay crypto, đến khi có một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh hoặc tổ chức này được chủ động trước các diễn biến của thị trường. Stablecoin cũng sẽ tương tự, đây là một phần của thị trường crypto.

Sau khi thế giới trải qua đại dịch Covid cũng như chiến tranh Ukraina – Nga, đồng Đô la Mỹ đang có sự phục hồi mạnh mẽ và vị thế ngày càng được gia tăng. Vì vậy, Fed sẽ không dễ dàng từ bỏ đi vị thế này một cách nhanh chóng mà sẽ cố gắng duy trì ở mức cao lâu nhất có thể. Thông tin công bố về các chỉ số thước đo lạm phát hay ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của tổ chức này sẽ là kim chỉ nam cho xu hướng sắp tới của thị trường.

Tham khảo các sự kiện vĩ mô đáng chú ý trong tháng 3.